CHÙM THƠ ĐẠT GIẢI THƠ TÂN HÌNH THỨC 2007

Thơ Tân hình thức có những tiêu chuẩn đánh giá rõ ràng, đó là những bài thơ có nhịp điệu (rhythm) độc đáo và lôi cuốn, cùng những ý tửơng trẻ trung, mới lạ, thể hiện đựơc những sinh động trong đời sống chung quanh

THƯ  NGỎ – GIẢI THƠ THƯỜNG NIÊN


Giải thơ Tân hình thức là hành trình đi tìm kiếm thơ, thay thế cái hay cũ bằng cái hay mới. Điều này cũng có nghĩa là đi tìm kiếm một thế hệ mới. Bởi một nền thơ không có thế hệ kế thừa thì chỉ là nền thơ đang thời suy tàn. Nhưng nếu lập lại và nằm mãi trong bóng rợp của cái hay cũ thì thế hệ đó vẫn chưa hiện hình. Giải thơ làm hiện hình một thế hệ mới, và phát hiện thế giới mới trong một thế giới đã rất cũ trong mỗi ngừơi chúng ta. Game điện tử hấp dẫn thế hệ trẻ hơn trò chơi ngôn ngữ và lý luận của thời quá khứ, vì vậy thơ cần những nhà thơ có tài năng và những bài thơ hay, bắt ngừơi đọc phải đọc. Giải thơ nhằm hồi phục nghệ thuật đã mất và tinh thần nhân bản của thơ trong một thế giới đầy tính cực đoan và bạo lực, hậu quả của những trào lưu tiền phong và ý thức hệ của thời hiện đại.

Giải thơ Tân hình thức dự trù xét trao cho một bài thơ hay trong mỗi chu kỳ hai tháng, với hiện kim tượng trưng là US 100.00 mỗi kỳ (kèm theo tuyển tập Thơ Không Vần). Tuy nhiên, tùy theo số lượng và chất lượng những bài thơ nhận đựoc, nếu không có bài thơ đủ tiêu chuẩn, sẽ không có giải thơ. Bài thơ dự thi không phải là những bài gửi đăng trên diễn đàn Câu lạc bộ Thơ Tân hình thức.

Giải thơ Tân hình thức không phân biệt giới tính, tuổi tác, trong ngoài. Mọi ngừơi đều có quyền gửi bài dự thi. Bắt đầu nhận bài cho kỳ 1 là ngày 15 tháng 10 năm 2006 cho tới ngày 1 tháng 1 năm 2007. Sau đó cứ tính 2 tháng một lần.

Thơ Tân hình thức có những tiêu chuẩn (*) đánh giá rõ ràng, đó là những bài thơ có nhịp điệu (rhythm) độc đáo và lôi cuốn, cùng những ý tửơng trẻ trung, mới lạ, thể hiện đựơc những sinh động trong đời sống chung quanh, hoặc với chủ đề “Thơ Tình và Các Chủ Đề Khác”. Như thế thơ của ngừơi này không thế giống thơ của ngừơi khác, và mỗi ngừơi có thể dự thi nhiều lần, nhưng mỗi bài thơ phải khác nhau về mọi mặt. Đó là một thách đố cho những nhà  thơ Tân hình thức

Mỗi bài thơ phải qua phần bán kết, do ban biên tập xét duyệt, sau đó chuyển tới ban tuyển chọn, gồm 5 thành viên.

Tác phẩm gửi về email: baogiaytanhinhthuc@gmail.cominfo@tintho.net | đăng lên Diễn đàn trong mục GỬI BÀI

Tác phẩm dự thi cũng đựơc tuyển chọn, đăng trên website của diễn đàn và in thành tuyển tập sau đó.

(*) Xin tham khảo thêm: “Tân hình thức, Tứ khúc và những tiểu luận khác” trong mục Tác Phẩm của website: www.thotanhinhthuc.org | https://tintho.net/giai-tho/


Danh Sách Bảo Trợ

Cư sĩ Nguyên Giác

Danh Sách Tuyển Chọn

Hải Vân, Linh Vũ, Nguyễn Thị Khánh Minh, Phạm An Nhiên, Trầm Phục Khắc


CÔNG BỐ

Thay mặt ban tuyển chọn Giải thơ Tân hình thức, kỳ 1 – Năm 2007, chúng tôi xin trân trọng công bố kết quả như sau:

Ban tuyển chọn chính thức công nhận: Nhà thơ Nguyễn Tất Độ đã có những bài thơ đạt tiêu chuẩn về chất lượng để được trao giải thơ tân hình thức kỳ 1 – Năm 2007.

Chúng tôi xin chúc mừng nhà thơ Nguyễn Tất Độ và chân thành cảm ơn ban tuyển chọn Giải thơ kỳ 1 – Năm 2007.

Thủ tục trao giải và đăng bài trên website thơ Tân hình thức sẽ được hoàn tất trong tuần lễ đầu tiên của tháng 2 – 2007.

Trân trọng,
Khế Iêm



TIỂU SỬ

Nguyễn Tất Độ
Tên thật Nguyễn Tất Độ
Sinh ngày 05-06-1983
Sống tại Việt Nam
Hiện là sinh viên năm cuối trường Đại Học Mở Bán Công TP HCM, khoa Công Nghệ Sinh Học…
Quan niệm về thơ: ” Với tôi thơ là không khí để thở, là phương tiện ðể giải bày bức xúc. Thơ Tân Hình Thức đã cho tôi một lối đi.”


NHẬN ĐỊNH CỦA BAN TUYỂN CHỌN
GIẢI THƠ TÂN HÌNH THỨC

Giải thơ tân hình thức trao cho bài thơ hay nhất trong mỗi định kỳ là 2 tháng. Nhà thơ Nguyễn Tất Độ gửi tất cả 12 bài thơ để dự thi. Như vậy ban tuyển chọn phải tuyển ra một bài hay nhất. Nhưng 5 người tuyển chọn lại chọn 5 bài khác nhau, như vậy trong 12 bài bài nào cũng có thể chọn được. Đây cũng là quan điểm của nhà thơ Phạm An Nhiên. Hoặc như nhà thơ Hải Vân, cũng là nhà trình tấu nhạc cổ điển phương Tây, nên thích bài thơ Tan Vỡ vì có chủ đề âm nhạc. Vì vậy chúng tôi đưa tất cả 12 bài thơ để bạn đọc chọn lựa tùy ý.

Nhà thơ Khánh Minh, nghiêng về cảm xúc thơ, phát biểu:

“Cách đây không lâu anh nói hy vọng với giải thơ THT, chúng ta sẽ có đựoc sự tham gia đông đảo của lớp trẻ, thì với NTĐ, đã là một tín hiệu vui, cảm giác đầu tiên của KM khi đọc thơ NTĐ là rất đều tay qua 12 bài thơ. Riêng KM chọn 2 bài: Một Ngàn Lời Nói Dối và Cà Phê Sáng. Trước hết là do cái cảm xúc tức thì mà 2 bài thơ đã gây ra cho mình (theo KM đó là yếu tố quyết định gần như một nửa để mình thích một bài thơ hay không). NTĐ đã bộc bạch “Thơ là phương tiện để giải bày bức xúc” thì với 2 bài thơ đã khiến cho người đọc cảm nhận đựơc những điều mà một lớp trẻ đang nhìn thấy nỗi bất lực trong bức phá đổi mới không khí họ đang hít thở. Những câu lập đi lập lại trong cả hai bài tạo nên một âm thanh ray rứt và đầy tính kêu gọi khiến người đọc phải tự hỏi chúng ta sẽ làm gì. Đánh động được tâm can người đọc như thế là một thành công của bài thơ Một Ngàn Lời Nói Dối.”

Nhà thơ Linh Vũ quan tâm tới vấn đề tâm linh:

Anh cho rằng: “Trong 12 bài thơ mỗi bài đều có một góc cạnh triết lý về cuộc đời rất hay còn về hình thức để tác tạo một bài thơ Tân Hình Thức thì chưa đạt được mức độ đỉnh cao. Với cá nhân tôi, đọc để yêu thơ, để cảm nhận và nắm bắt thì bài Tôi Đã Làm Như Thế xem như vừa ý nhất. Bài thơ nói lên được ba góc cạnh của đời sống: Thân phận con người, hiện hữu của dòng đời và sự tĩnh mặc trong nội tâm. Con người bước ra từ bẩm sinh hẳn là khó thay đổi, con sông của dòng đời là cuồng phong bão táp nên sự chống đỡ của con người rất ư là khó, dù có ngồi lại soi những ánh đuốc bình an không vọng niệm vào tâm. Tâm vẫn động và hạnh phúc rất mong manh. Bài thơ chấm dứt bằng Thiền để tĩnh mặc.Nhưng Hạnh phúc con người là hành trình chứ không phải là điểm đến, hiện tại là có thật và cũng là chân giá trị. Dù mỗi người có riêng mình một hướng đi của cuộc đời, một cột mốc để đánh đu, nhưng với Nguyễn Tất Độ cột mốc trong bài thơ Tôi Đã Làm Như Thế cuộc sống là cát bụi, tâm tĩnh là hạnh phúc và Thiền là phương tiện dẫn đến chân như.”

Nhà thơ Trầm Phục Khắc lại để ý tới vấn đề ngôn ngữ thơ:

Anh cho rằng bài thơ Những Tòa Nhà gần với ngôn ngữ thơ tân hình thức hơn cả, còn các bài khác vẫn còn là ngôn ngữ trừu tượng (có thể là cả nội dung nữa) của thơ tự do. Nhưng thế nào là ngôn ngữ thơ tân hình thức? Ngay nhà phê bình Đặng Tiến cũng từng đặt câu hỏi: “Cao đẹp thay dụng tâm đưa lời thường và đời thường vào thơ. Khốn nỗi, đời thường, ai biết là đời nào?” Ngôn ngữ đời thường chính là phóng chiếu từ những câu nói và sinh hoạt đời sống thường ngày.


Trong khi thơ vần điệu và tự do, chủ vào chữ để tạo cảm xúc và gây sự chú tâm của người đọc. Chữ có thể là khó hiểu, tục, hay bóng bảy. Trong khi thơ tân hình thức đọc lên không thấy chữ, vì thơ dựa vào, và lôi cuốn bởi nghệ thuật kể, cách kể, cách diễn đạt tư tưởng và tính truyện. Thực ra, những nhà thơ tân hình thức Việt trước đó đều là những nhà thơ tự do hoặc vần điệu, nên họ vẫn làm thơ tân hình thức bằng ngôn ngữ và nhịp điệu của thơ tự do hay vần điệu. Ngay cả người đọc cũng đọc theo cách đọc cũ vì thơ tân hình thức chưa làm nổi bật lên đựơc đặc tính của nó. Có lẽ vì thế mà đa số chỉ làm một thời gian ngắn rồi ngưng, không đi tiếp được. Họ ghé qua chơi cho vui một lát rồi thôi, không có ý ở mãi với dòng thơ này. Tuy nhiên, cũng có  một số nhà thơ như Nguyễn Thị Khánh Minh, Lưu Hy Lạc, Nguyễn Hoài Phương, Gỷang Anh Iên… đang nhìn ra đựơc dáng dấp của loại ngôn ngữ này. Thơ tân hình thức vì thế cần thời gian và thực hành để hoàn chỉnh cho đúng hướng.


Trích dẫn một số ý kiến của những nhà thơ trong ban tuyển chọn, tiêu biểu cho sự đa dạng của người đọc, chúng ta thấy, để đáp ứng với số đông người đọc, người làm thơ phải có tài năng và tu luyện. Vả lại, bây giờ, thơ đi tìm người đọc chứ không phải người đọc đi tìm thơ như thời kỳ hiện đại. Vì vậy thơ tân hình thức có ước vọng hướng tới một nghệ thuật lớn (nhưng làm được hay không lại là chuyện khác). Những ý kiến trên cũng là một thông điệp ban tuyển chọn gửi tới nhà thơ Nguyễn Tất Độ như một lời chúc may mắn. Giải thơ tân hình thức không phải xác nhận giá trị của thơ (vì anh vẫn còn đang đi tới) mà xác nhận mức khởi hành của nhà thơ trong dòng thơ mới. Nguyễn Tất Độ và những nhà thơ thuộc thế hệ anh mới chính là những người khởi đầu khai phá thơ tân hình thức vì họ đang có rất nhiều thời gian trước mặt.


1

NGỤ NGÔN

Con sâu nhỏ
sau ngày giông
bão, trên lá
non nằm chết

im lìm. Chim
hót tiếng của
người khóc dạo.
Khúc tiễn đưa
hót rồi quên.

*

2

TAN VỠ

Có lẽ nào âm thanh
này sẽ chìm vào im
lặng khi bản nhạc chấm
dứt. Bản nhạc không lời,

nốt nhạc nằm im trong
day dứt. Bản nhạc không
lời đã vang lên khi
đôi ánh mắt nhìn nhau

nhói đau. Nốt nhạc chẳng
là gì khi đây đàn
thôi run. Anh và em
lặng im nghe nốt nhạc

cựa mình như nuốn nói:…
Bản nhạc không lời nằm
trên trang giấy nhói đau

*

3

TÔI ĐÃ LÀM NHƯ THẾ

Tôi úp đôi tay trên mặt bàn
Trái đất vẫn đang quay, gió vẫn
đang thổi, sông vẫn đang chảy và
mặt trời vẫn gởi những tia nắng

ấm áp vào ô cửa chật hẹp
của phòng tôi. Tôi úp đôi tay
trên mặt bàn,cố giữ cho tay
mình không lật ngửa, kẹp chặt những

âm thanh, định vị những náo động
Tôi úp đôi tay trên mặt bàn
mỗi ngày một đôi phút để không
bị cuốn trôi theo những dòng sông

để không bị nghiêng ngả theo những
cơn gió. Tôi úp đôi tay trên
mặt bàn, tập độ lượng với người
tập khoang dung với mình, tập nhìn

sự vật như thực thể mầu nhiệm
(thực thể với bản tánh chơn-như
không thể nào thay đổi). Tôi vẫn
úp đôi tay trên mặt bàn, tâm

không vọng niệm và an trú trong
từng hơi thở để cảm nhận niềm
hạnh phúc trong sự tĩnh mặc của
cái bây giờ…

*

4

CÀ PHÊ SÁNG

Hãy uống cạn ly cà phê sáng nay
của anh đi! Trong ly cà phê của
tôi có giọt nước mắt. Trong ly của
anh có giọt máu hồng và cho tôi

nói nhỏ điều này. Hãy cho tôi đi
bằng đôi chân của anh vì chân tôi
không còn nữa.  Cho tôi sờ cuộc đời
bằng đôi tay của anh vì tay tôi

không còn nữa. Cho tôi nhìn cuộc đời
bằng đôi mắt của anh vì mắt tôi
không còn nữa. Cho tôi nói tiếng người
bằng thanh quản anh vì cổ họng tôi

không còn nữa… Hãy uống nốt những giọt
cà phê còn lại của anh, những giọt
cà phê vui sướng, những giọt cà phê
muộn phiền, những giọt cà phê trung tính,

tôi nói nhỏ điều này: Hãy cho tôi…

*

5

CHỦ NHẬT BUỒN
Cảm tác trong một đêm nghe đi nghe lại bài Gloomy Sunday

Hỡi những linh hồn đã ra đi
trong cơn tuyệt vọng hãy về bên
ta chiều nay, hãy ngồi lại cùng
trái tim buồn bã này, rồi cùng

nhau chết thêm lần nữa. Ta đã
không còn đôi tay, đôi tay dìu
em ngày ấy, giờ đang bấu víu
vào hư không. Ta đã không còn

đôi chân, đôi chân hứa sẽ cùng
em đi hết quãng đường giờ đang
thất thểu miền tịch lặng. Ta đã
không còn đôi môi, cũng không còn

con tim. Em có nghe hơi thở
ta hoà trong gió bụi, có nghe
lời yêu trong giông bão tơi bời.
Ta đã không còn là ta, bởi

ta chỉ còn là niềm cô đơn
bất tận là một nỗi đam mê
tuyệt vọng trong đời. Hỡi những tình
nhân đã đành lòng lìa bỏ nhau

Hỡi em, ta và những linh hồn
đã ra đi trong cơn tuyệt vọng
hãy về đây chiều nay, hãy ngồi
lại trong cơn buồn bã này, rồi

cùng nhau chết thêm lần nữa…

*

6

MỘT NGÀN LỜI NÓI DỐI

Một ngàn lời nói dối sẽ thành
chân lý, điều bạn đang tin là
gì?! Tôi đã sống và đang đi

trên con đường của loài người. Cỏ
đã mọc xanh um hai bờ lịch
sử cùng những đoá hoa không hương. 

Một ngàn lời nói dối sẽ thành
chân lý, điều tôi đang tin là
gì?! Tôi đã nghe nói tới từ

tự do, nhưng đâu đó trên đường
này tôi vẫn thấy con người bị
áp bức. Tôi đã nghe nói tới

hạnh phúc, nhưng đâu đó trong những
đền đài, tôi vẫn thấy con người
khổ đau. Tôi đã nghe nói tới

giàu sang, nhưng đâu đó dưới những
mái hiên nhà vẫn có người trốn
mưa nắng. Tôi đã nghe nói tới

công bằng, nhưng đâu đó trong những
phiên toà vẫn có bóng dáng của
sự thiên vị. Chân lý mà bạn

và tôi đang tin mang đậm màu
lý tưởng, mà lý tưởng có là
gì?! Khi một ngàn lời nói dối

đã thành chân lý…

*

7

QUÁN CÀ PHÊ

Tôi vẫn thường đến đó
mỗi buổi chiều… để nghe
thời gian bước đi từng
bước chậm rải, để nhìn

những vạt nắng cuối ngày
chưa nở tắt… Không gian
ở đây thật yên tĩnh.
Và chiều nay, tôi chợt

nhận ra  mùa thu đã
về… Bây giờ đã là
mùa thu, em đã không
còn là em của ngày

xưa, dù đất trời vẫn
vậy,  dù tôi vẫn là
tôi của một thời yêu
em tha thiết. Sợi dây

tình mong manh không đủ
sức buộc chặt hai người.
Nỗi đau đã nguôi ngoai
nhưng niềm tiếc nhớ vẫn

không phai… Con đường tôi
về xào xạc lá vàng
rơi… Tôi lại hình dung
dáng em của một thời…

*

8

BỨC TRANH TĨNH VẬT

Em nghe không sự lặng im trong
bức tranh tĩnh vật, sự lặng im
của vết nứt mơ hồ. Từng nét
cọ hoài nghi, chân thành là giấy

vẽ, sắc màu mỗi ngày phủ lên
đến khi em không còn nhận ra
nó nữa. Em chỉ thấy những mảng
màu, những mảng màu trong bức tranh

tĩnh vật, ca hoài bài hát của
lặng im. Sự lặng im của vết
nứt mơ hồ. Trên chiếc lọ nửa
bên là ánh sáng, nửa kia chìm

khuất trong đêm, phía nào cũng nghe
điều tan vỡ …

*

9

BẤT CHỢT

Bất chợt tôi bắt gặp đôi mắt em
trên gương mặt của người con gái khác.
Giọt nước mắt lăn dài ngổn ngang miền

kí ức. (Ngày xưa khi lặng đứng nhìn
em xa khuất, tôi linh cảm không may
cho cuộc tình)… Không ngờ, đôi mắt tôi

mong mỏi tìm tháng năm dài biền biệt
lại hiện lên trên gương mặt của người
con gái khác. Tôi mông lung theo giọt

nước mắt buồnBất chợt tôi bắt gặp
tôi quá khứ đang cồn cào trong tôi
bây giờ. Đâu hiện thực đâu nỗi nhớ ?!

Bất chợt tôi bắt gặp hình bóng mình
trong ánh mắt như của em ngày đó.
Bất chợt lặng thinh …

*

10

MỘT LẦN

Một lần ta ngồi lắng nghe, tiếng
trăng rơi đều trên ngói. Thời gian
qua quá vội, quí báu phút giây
này… Một lần nhìn vào đêm sâu
bỗng nghe yêu ma trò chuyện, than
vãn những khổ đau của kiếp người…

Một lần ta hoá thành giọt mưa
lang thang khắp cùng thế giới. Ta
hoá trăm thân, phiêu du luân hồi…
Một lần ta tưởng mình kiếp sau
lặng ngồi nhớ mình kiếp trước. Những
ký ức buồn vui ẩn vào đất cát…

*

11

NHỮNG TÒA NHÀ

Những toà nhà mọc lên
trong thành phố cũng như
nấm mốc mọc lên từ
thanh củi mục.. Những toà

nhà cao tầng mọc lên
như những chiếc hộp vuông
chôn người sống. Mọc lên
ngay cả trên mộ phần

của người chết. Những toà
nhà thi nhau mọc lên
chen chúc nên không đủ
chỗ nằm cho một người

lang thang, vô gia cư.
Người đàn ông ra công
viên nằm ngủ, ngước nhìn
những toà nhà cao tầng

đã mọc lên, trên nơi
mà ngày xưa từng là
căn hộ nhỏ của ông

*

12

NHẬN DIỆN

Giấc mơ nào từng đêm lấp lánh
ánh hào quang của đồng tiền. Ôi!
giấc mơ chật hẹp. Ôi! giấc mơ
ngục tù. Ánh đèn nào rực rỡ

sắc màu, gieo giả dối vào mắt,
không ai nhận ra nhau. Âm thanh
nào vội vã, ồn ào… Không ai
nghe được nhau. Sự lặng im chỉ

còn trong cống rãnh. Sự lặng im
kinh dị, sự lặng im đề phòng.
Những gương mặt nào cười xong là
trống rỗng, cười xong là lạnh lùng.

Những gương mặt khóc cười như kịch
diễn ra hàng ngày. Những tình nhân
nào môi thốt lên lời tha thiết
mà lòng thì toan tính thiệt hơn?

Nguồn: http://thotanhinhthuc.org/

<

p class=”bodytext” style=”text-align: center;” align=”left”>Tranh: Paul Brown | Onion Series Yellow | Hội họa Tân hiện thực | www.gandygallery.com |

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Latest Articles

TUẦN THƠ 50: THƠ XUÂN THỦY

THƠ XUÂN THỦY TẬN CÙNG Phận người y như những vần...

NHẬN XÉT VỀ BLANK VERSE

Sự chuyển hóa, tiếp nhận và thực hành thơ là quá trình vỡ đất, gieo trồng mầm hạt. Tân Hình Thức như một ý niệm về thân xác, phả linh hồn vào, tạo ra sự sống, và như vậy, nhà thơ phải dùng trực giác, liên kết những yếu tố, như những phần trong cơ thể, từ đó chở cái hồn thơ, và làm bài thơ thành hiện thực. Một lý do nữa là TC Thơ chưa cung cấp đủ thông tin để chúng ta có thể hình dung ra được những ý niệm toàn thể.

TẾT Ở NEW YORK

Giới thiệu Diễn Đàn thơ Tân hình thức Việt _____________________________ Khế...

LỜI NÓI VÀ NHỮNG KỶ NIỆM

LỜI NÓI VÀ NHỮNG KỶ NIỆM “Tôi yêu những cái...

TUẦN THƠ 25: ĐỊNH NGHĨA

THƠ KHẾ IÊM - ĐỊNH NGHĨA NGẮN NHÀ THƠ TÂN HÌNH THỨC Họ chừng như sống một đời sống bên ngoài bình thường nhưng bên trong luôn luôn bất bình thường chẳng phải vì vậy mà họ không ngừng phát hiện những điều mới lạ mới lạ bất bình thường nơi những sự vật bình thường thế giới hỗn loạn tranh chấp chiến tranh chẳng phải từ họ bởi họ mãi bận tâm tìm kiếm thực tại bên trong họ phản ánh từ thực tại bên ngoài họ không hẳn bình thường dù bên ngoài bình thường họ là những nhà thơ tân hình thức.

Read poetry to remember people

09/02/2024 | Nguyễn Công Khanh The Years I Walked –...

Related Articles

TheraPoetry: The 5-Point Healing Properties of POEMS

The 5-Point Healing Properties of POEMS Have you ever found yourself in a place where it seems literally impossible to shake off personal feelings of...

Kiều Maily: Thơ Thời sự

MƯỜI BÀI THƠ TÂN HÌNH THỨC THỜI SỰ _____________________________________ Kiều Maily I LỜI KỂ CỦA CON CÁ Tôi đã cố bơi xa thật xa nhưng không thể nữa rồi bạn...

TUẦN THƠ 42: H Ồ I S I N H

Nguyễn Lương Ba H Ồ I S I N H gửi con trai  khi trở về một ngày không bình thường Nhìn lá thu phong rơi trên đầu...