THƠ VĂN MIỀN NAM TRƯỚC NĂM 1975

Ngày trước, trong tủ sách của ông già tôi - Một nhà văn - giữa những Alexandre Dumas, André Gide, Albert Camus hay Charles Dickens và John Steinbeck, chỉ có một quyển sách duy nhất của Françoise Sagan.

TẠP CHÍ VĂN SỐ 45(1/11/1965)

 
van-so-45_1-11-1965_francoisesagan – http://hocxa.com/

 

FRANCOISE SAGAN DƯỚI MẮT CHÍNH MÌNH
Trần Thiện Đạo
ghi chép, dịch và chú giải


Hỏi : Cô cũng đã bị phỏng vấn nhiều lần rồi ?
Đáp : Nhiều, quá nhiều
Hỏi : Có lấy làm tiếc không?
Đáp ; Trong các bài báo đã được in ra, thảy đều chỉ nói đến chuyện tiền bạc. thật nản quá chừng. Thành ra cứ mỗi lần trông thấy tên mình, trông thấy chữ Sagan, trong một số báo chí nọ, tôi cảm thấy tơm tởm thế nào. Tôi mường tượng rằng độcgiả chắc hẳn là cũng thấy như vậy…Dầu sao chăng nữa tôi có làm gì hay có nói gì thì người ta cũng lừa nhốt tôi vào trong vai tuồng một nhân vật nọ.
Hỏi : Nhân vật này không có thật hay sao ?
Đáp ; Nếu như ông muốn nói tới một người đàn bà xài tiền như nước triệu ức trong tay, lái xe Jaguar cán chết các bà già khập khểnh, cố tình làm chướng tai gai mắt mọi người một cách thích thú và ngổ ngáo và trọn cả đời mình sống trong các hộp đêm thì là không, nhân vật đó không có thật. ( I )
Hỏi ; Vậy thì nhân vật đó đã được người ta tạo ra như thế nào?
Đáp : Mới mười tám tưổi, tôi bổng trở nên giàu có và nổi tiếng ( 2 ). Người ta không tha thứ cho tôi cái tội đó. Và sự đón chào nồng nhiệt của độc giả đối với mấy cuốn sách tiếp theo của tôi được tiêu hóa một cách khó nhọc.
Hỏi ; Có vì vậy mà lấy làm khổ tâm không?
Đáp : Cũng không thật đúng là như vậy. Nhưng suốt một thời gian dài, tôi luôn cảm thấy có một thứ tình cảm phạm tội (3)
Hỏi ; Cảm tính đó bây giờ đã tan biến hết rồi chớ ?
Đáp : Hết tiệt


TRÊN MIỆNG NÚI LỬA
 
Hỏi : Chúng tôi cũng nhận thấy như vậy khi đọc cuốn sách chót của cô (4). Trong cuốn này ngấm ngầm một giọng mỉa mai chua chát hơn trước kia và do đó cô xem chừng có một thái độ cách biệt hơn đối với các giới người cô hằng miêu tả. Cô cũng xem chừng như dành giọng điệu mỉa mai chua chát của mình chĩa vào số người muốn xét đoán giới đó . Tuy rằng cái giới này là một xã hội mà chính một nhân vật của cô (5) đã miêu tả như là hoàn toàn sa đọa thúi nát.
Đáp : Tôi không xét đoán ai hết, giới nọ cũng như số người xét đoán giới` nọ. Có lẽ đậy là điều đích thực hơn hết và tự phát hơn hết ở tôi ngày nay: không làm sao xét đoán được. Đây là một con người, hắn sinh ra như vậy thì hắn như vậy, thành ra tôi muốn có thái độ tìm hiểu hắn hơn là làm chuyện gì khác. Nói một cách chính xác hơn thì là tôi muốn theo dõi hắn vì rằng tôi đã gián đoạn với lối giải thích “tâm lý” rồi. Hiểu rõ như vậy rồi, tôi xin nhấn mạnh rằng, trái lại, tôi chưa hề có thái độ cách biệt đối với cái giới mà ông nói tới đó một cách sâu rộng đến mực ấy. Vả lại đây là cuốn sách cuối cùng mà tôi viết lấy nó làm khung cảnh, vì nó cố nhiên chỉ là một khung cảnh mà thôi.
Hỏi : Nói vậy chớ họ là những người có chung đụng hàng ngày kia mà ?
Đáp ; Họ là những người tôi đi chơi chung, nhưng không phải là những người tôi trao đổi ý kiến
Hỏi : Nghĩa là những bạn vui ?
Đáp : Gọi vậy cũng được. Dầu sao những người tôi thường trao đổi ý kiến thì hoàn toàn khác hẳn. Tôi có thể tóm tắt họ bằng một chữ ngay liền đây cho ông hiểu : họ thảy đều tay làm hàm nhai hoặc thảy đều có lý do do tồn tại của mình.. Tôi sống với chính những người này, chính họ mới thật sự vây bọc tôi, chính với họ tôi mới trao đổi ý kiến, tôi mới thật có nhiều giao tế lâu dài, bất tận, chúng tôi trao đổi ý kiến với nhau không lúc nào ngừng. không lúc nào nghỉ sớm trưa chiều tối.
Hỏi ; Về những chuyện gì ?
Đáp : Bất luận chuyện gỉ. Buổi sáng chúng tôi ngồi nghe tin tức của đài truyền thanh, sau đó thì nhận được báo ngày, thế là chúng tôi bình luận với nhau. Thường thì là một cách vui vẻ cười nói rộn ràng. Tuy vậy từ vài tháng nay, cvái cười này không còn giống như trước kia nữa. Tôi vốn không có tánh hay đạo mạo trang nghiêm chút nào, nhưng tôi giải thích cho ông hiểu : tôi tin chắc rằng sắp có một trận giặc nổ bùng, tôi chắc rằng chúng ta hiện đang nhảy múa trên cửa miệng một hòn núi lửa. Vả lại đây là điều khiến tôi lấy làm sững sờ và bị thôi miên hơn hết, người ta như hấp tấp kéo nhau đi tới một cuộc xung đột khổng lồ, toàn diện, hủy diệt mà không hay biết.
Hỏi : Có phải nhân vật đích thực của cô nằm ở đây không?
Đáp ; Ở đây và ở chỗ khác. Tất cả cùng một lúc. Nhưng cố nhiên không phải bằng cách mà người ta đồn đại đâu.
Hỏi : Có phải vì cô tin chắc rằng sắp có chiến tranh nên người đọc thường có cảm tưởng như đôi khi cô chối bỏ mọi điều trước kia và không còn tin tưởng ở việc gì nữa hết, không?
Đáp : Tin rằng chiến tranh sắp bùng nổ nay mai khiến cho tôi có thể thêm sống vội vã, nhưng bảo rằng tôi không tin tưởng ở việc gì cả thì là sai. Thí dụ như tôi tin ở tình bạn. Tôi tin ở tình cbạn một cách toàn thể, tôi tín nhiệm hoàn toàn: cho dẫu tôi lầm lẫn đi nữa. tôi cũng vẫn tiến tới cho đến cùng. Và thêm vào đó, nói ra tôi thấy ngài ngại trong lòng, nhưng thế giới hiện đang có một số ít tưởng không phải là dững dưng đối với tôi. Theo cách riêng biệt của mình, thú thật là rất giới hạn, tôi cũng đã tỏ rõ lập trường của mình về chiến tranh Algérie. Và cũng đã bị tổ chức OAS bỏ bột phá tại nhà ( 6 )
Hỏi ; Còn hiện thời thì lý tưởng nào được cô chú ý hơn hết ?
Đáp ; Chống kỳ thị chủng tộc. Mọi hình thức kỳ thị chủng tộc đều khiến tôi công phẩn hết mực.
Hỏi : Tại sai đặc biệt ký tưởng chống kỳ thị chủng tộc này?
Đáp : Năm lên chín, tôi có được xem một cuốn phim tài liệu về trại tập trung ở Buchenwald (7). Cho tới bây giờ tôi vẫn còn chưa hoàn hồn.
Hỏi : Cô nghĩ thế nào về nước Pháp hiện nay ?
Đáp : Nước Pháp hiện đang trải qua một thời kỳ thô cộc lạ thường hệt như vào thời đại Louis-Philippe thế kỷ XIX, mọi sự đều bị tiền tài chi phối thúi nát, nước Pháp hiện thời đang đánh mất nét thanh nhã tinh thần của mình xưa. Trong các giới đôi khi tôi có dịp tiếp xúc, họ chỉ biết có ba chuyện để đàm đạo với nhau là: trước hết là đời tư( ông này ngủ với cô kia, bà nọ ngủ với cậu đó) chánh sách chính trị vĩ đại nhìn xuyên qua những quyền lợi bé nhỏ( câu tuyên bố vừa rồi của de Gaulle sẽ lụy đến các áp phe của chúng tôi ) và cái tật lòe đời (tôi vừa được hân hạnh tiếp chuyện với` ngài X…) Tóm lại, thật là vô cùng thô lỗ. Tôi không sống trong giới đó. Nó cũng chẳng có phải là giới trưởng giả cổ truyền muôn thủa: tôi chưa từng nghe nói đến những chuyện đó ở gia đình tôi bao giờ…
( còn tiếp một kỳ )


(1) Mấy sự việc kể trên thật ra đã xãy ra trong cuộc đời của Francoise Sagan nhưng đã bị một số báo chí chiều theo thị hiếui thấp kém của độc giả hoặc đứng trên quan điểm luân lý lỡ thời mà cường điệu hóa thành những khía cạnh chủ yếu trong cuộc đời của cô. Để ý giọng châm biếm của Francoise Sagan trong lời đáp này.
(2) Năm 1954 cuốn tiểu thuyết đầu tay Bonjour tristesse…(Buồn ơi tha thiết…) của Francoise Sagan được nhà xuất bảnJulliard, Paris ấn hành và được tặng giảiPrix des Critiques. (giải các nhà phê bình). Tiếng tăm tác giả bắt đ0ầu nổi từ đó.
(3) Francoise Sagan dùng từ sentiment de culpabilité (cảm tính phạm tội) chứ không dùng từ complexe de culpabilité( mặc cảm phạm tội). Bạn đọc han73 nhận thấy sự khác nhau giữa hai từ ngữ này.
(4) Francoise Sagan : La Chamade ( Đầu hàng, Julliard, Paris.1965). Tác phẩm mới nhất của nhà văn này, sau các cuốn Bonjour tristesse…Un certain sourire( Có một nụ cười), Dans un moi, dans un an( Tháng sau, năm sau), Aimez-vous Brahms( Cô có thích nhạc Brahms…), le Château de Suìède( Lâu đài ở Thụy Điễn), la Robe Mauve de Valentine ( Chiếc áo tím của cô Valentine)..v..v..
(5) Nhân vật Antoine trong la Chamade.
(6) Fancoise Sagan thuộc phần tri thức Pháp đã can đảm lên tiếng chống chiến tranh thực dân ở Algérie. Vì vậy mà tổ chức OAS(Organisation de l’Armée Sécrète, Tổ chức quân đội bí mật) vốn là một tổ chức cực hữu đã bỏ bộc phá àảo nhà cô vào năm 1960.
(7) Một trong những trại tập trung khốc liệt ở Đức thời Hitler dành để nhốt và (thiêu) chủng tộc Do Thái mà quân đội phát xít Đức lùa bắt ở khắp Châu Âu đem về Đức để thế nhân côpng thiếu thốn bấy giờ.


 

Yêu và sống như Françoise Sagan
 
… Tuổi 17, tôi đã đọc nó và trong lần đầu thì không hiểu gì mấy vì chính tôi, lúc đó còn nhiều bài vở để ôn cho cuộc thay mốc cuộc đời. Nhưng đó không phải là Bonjour Tristesse như ai cũng nghe nhắc, mà là Un Certain Sourire. Câu chuyện tình đó, nữ văn sĩ đã viết chỉ trong 2 tháng nghỉ hè tại một vùng biển vào năm 1955, sách in năm 1956 và là quyển tiểu thuyết thứ hai của Sagan.
Truyện kể về Dominique, một nữ sinh viên Luật mới 20 tuổi mà đã thấy buồn chán tại ngay trường Sorbonne của mình, giữa những năm 1950 ở Paris. Dominique có người yêu là Bertrand, một ngày nọ, anh giới thiệu cô với chú mình là doanh nhân Luc và vợ ông ta là Françoise. Cả Luc và Dominique đều nhận thức được sức hấp dẫn lẫn nhau giữa họ ngay từ đầu, nhưng Dominique đã lảng tránh vì sợ làm tổn thương cả Bertrand lẫn Françoise, những người mà cô gắn bó thân thiết. Tuy nhiên, cả hai vẫn quyết định sẽ trở thành người tình của nhau, dành 2 tuần cùng nhau ở Cannes và cùng hứa hẹn là sẽ không yêu nhau sâu sắc. Cả hai đều thấy lo lắng về chuyện họ sẽ làm tổn thương nhau trong mối quan hệ nửa đùa nửa thật đó nhưng trên tất cả, chính là nỗi buồn chán nhau. Sau 2 tuần ấy khi họ chia tay, Dominique chợt nhận ra rằng rất có thể cô đã yêu Luc nồng nàn. Họ lại dành những đêm khác bên nhau, nhưng lần này chúng đã nhuốm màu buồn khi Luc chỉ đến với Dominique bằng xác thịt. Cuối cùng, Françoise cũng biết chuyện, để Dominique phải quyết định quên Luc đi và chấp nhận rằng, tất cả chỉ là một cuộc phiêu lưu.
Đó chính là phong cách của Sagan, một cây bút có suy nghĩ lúc ấy lớn hơn chính tuổi thật của mình khi cô phải tự đặt mình vào chỗ đứng của Dominique, trong truyện là 20 tuổi như Françoise ngoài đời thật khi sáng tác quyển đó. Không cao sâu, không tải đạo gì lớn lao, chỉ là chuyện tình và thuần túy là chuyện tình. Chuyện tình đó thấm đẫm trong mọi tác phẩm về sau nữa, phi giới luật, mãnh liệt thì cũng không hề quá mức, nhưng lại luôn trái khoáy vì nó không hề theo mọi lẽ tự nhiên nào. Nó phải gây tranh cãi mà trước hết, người châm ngòi bao giờ cũng là một cô gái luôn thấy u uất trong cuộc sống đều đều như nhau mọi ngày của chính mình. Cô đã một lần cần quyết định dấn thân vào phiêu lưu tình ái, nhưng trước sau, vẫn phải dừng bước không phải vì mình nhụt ý chí mà bởi vì, hóa ra người mình yêu thực chất cũng chỉ rất tầm thường – Tức là câu chuyện phải giữa Dominique và Luc, chứ không phải giữa Luc và Dominique. Françoise Sagan đã ghi dấu chân riêng của mình trên văn đàn Pháp từ hơn 60 năm trước như thế, bằng thủ thỉ chuyện của chính mình, mình đã như Cécile trong Bonjour Tristesse, hay như Dominique mà đúng hơn, các nhân vật ấy là bóng hình của chính nữ văn sĩ.
Sagan, tên thật Françoise Quoirez, sinh ngày 21/6/1935 tại Cajarc (thuộc Lot) và trải qua thời thơ ấu ở Lot. Lot là một địa phương thuộc vùng Occitanie của Pháp. Được đặt theo tên sông Lot, nó nằm ở phía Tây Nam Pháp và khi Françoise chào đời, cả vùng chỉ có chưa tới 30.000 cư dân (Ghi nhận có 173.758 người vào năm 2013 – JMS). Tỉnh lỵ của Lot là Cahors; các quận trực thuộc là Figeac và Gourdon.
Từ bé, Françoise đã sống trong một vòng tròn mà quanh cô, đầy những thú nuôi, đó chính là niềm đam mê đã ở lại với cô theo suốt cuộc đời. Với tên ở nhà là “Kiki”, Françoise là con út trong một gia đình tư sản – Cha là chủ doanh nghiệp, và mẹ là con gái một chủ đất. Rất có thể, gia cảnh của chính Françoise đã cho cô những suy nghĩ rất “high society” khi viết sách, ảnh hưởng không ít đến dòng sáng tác của cô.
Gia đình Françoise trải qua Thế chiến thứ hai (1939–1945) tại Dauphiné, sau đó là Vercors. Bà cố nội của cô là người Nga, đến từ Saint Petersburg. Gia đình cũng có một ngôi nhà ở quận 17 thịnh vượng của Paris, nơi mà họ sẽ trở về sau chiến tranh. 12 tuổi, Sagan bị đuổi học khỏi trường đầu tiên của mình, là tu viện Couvent Des Oiseaux, vì “thiếu đức tin sâu sắc”. 16 tuổi, cô lại bị đuổi khỏi trường nữ trung học Louise de Bettignies vì đã “treo cổ Molière bằng một đoạn dây thừng” trong một bài thuyết trình. Cô chỉ lấy được bằng Tú tài trong lần thi thứ hai tại trường Hattemer, và ghi danh vào Sorbonne vào mùa Thu 1952, khi mới 17 tuổi. Dù chứng tỏ mình rất thông minh khi là một trong vài sinh viên trẻ nhất được Sorbonne đồng ý nhận, nhưng Françoise vẫn là một sinh viên không chú tâm trong lớp, và đã không tốt nghiệp. Không ngạc nhiên khi với tính cách đó, Françoise đã nặn ra các nhân vật chính trong sách đã giống mình nhường ấy, không bao giờ ngoan hiền suốt lượt, luôn ngấm ngầm có những suy nghĩ mà một thiếu nữ nhà lành sẽ không bao giờ ấp ủ trong tim óc mình, và thích “thử lửa” với đời dẫu chỉ một lần cho thật xứng đáng.
Bút danh “Sagan” được lấy từ tên một nhân vật (Princesse de Sagan trong tác phẩm À la recherche du temps perdu (Đi tìm thời gian đã mất) của Marcel Proust. Quyển tiểu thuyết đầu tiên của Sagan, Bonjour Tristesse (Mà tựa Việt nghe hay nhất là Buồn ơi chào mi), được xuất bản năm 1954, khi cô mới 19 tuổi. Đó là một thành công quốc tế ngay lập tức. Tiểu thuyết ấy kể về cuộc sống của một thiếu nữ 17 tuổi tên Cécile – Rất giống Françoise ngay từ đầu! – và nó thể hiện mối quan hệ của cô với bạn trai cô, cũng như với người bố quen ăn vụng của chính cô.
… Một buổi sáng tháng Giêng 1954, một cô gái đã ngập ngừng bước vào trụ sở của Nhà xuất bản Julliard, leo lên lầu một, chỉ dám đi men sát bờ tường, để tới trao tập bản thảo của mình vào tay cô Musy, người nữ thư ký chuyên nhận các bản thảo. Thiếu nữ ấy rất ít nói, gần như bỏ đi ngay sau khi hỏi, trong bao lâu nữa thì mình sẽ nhận được hồi âm. “Chừng một tháng” – Cô Musy trả lời. Tập bản thảo ấy đánh máy, có nhan đề Bonjour Tristesse.
Ngay chiều hôm đó, cùng mấy tập bản thảo mới khác, nó nằm trên bàn vị tổng biên tập của Juilliard. Ông này nhìn lướt qua nhiều tập, tới tập của Françoise Sagan, khi thấy ghi chú số tuổi 19 của tác giả thì tò mò. Ông đọc mấy dòng, đã kinh ngạc vì giọng văn trong đó nên giao cả tập bản thảo đó cho người thẩm định cao niên nhất và được tôn trọng nhất trong ban Tuyển đọc là ông François Le Grix, năm ấy đã 80 tuổi.
Bảy ngày sau, 12/1/1954, ông Le Grix chuyển tới ban Tuyển đọc một bản tường trình với lời khen rất nhiệt thành. Ngay chiều hôm đó, chủ nhà xuất bản là René Julliard, dẫu đang dự tiệc tại nhà ông thị trưởng, khi được tin, đã vội cáo lỗi là phải về sớm cùng lời giải thích: “Dường như nhân viên của tôi đã khám phá ra một con chim hiếm (Nguyên văn: Oiseau Rare). Tôi phải về đọc bản thảo ngay đêm nay”.
Bảy giờ sáng hôm sau, Juiliard đã đọc xong, chú dẫn, chấp thuận và cho gửi một bức điện khẩn mời Françoise tới. Ba ngày sau, hợp đồng xuất bản được ký, không phải với tác giả vì cô chưa đủ 21 tuổi, mà ký với ông bố của cô. Nhà xuất bản Plon, nơi mà Françoise cũng có gửi một bản thảo ấy, đã tiếc hùi hụi vì chậm chân hơn Julliard một bước, dù chính ban Tuyển chọn của họ cũng đã làm một bản tường trình nhiệt liệt tán thành việc in tác phẩm ấy.
Françoise Sagan bất ngờ bước vào lĩnh vực văn học như thế, làm sững sờ tất cả. Đã từ lâu, ở Pháp không có quyển tiểu thuyết nào được mọi tầng lớp, nhất là giới trẻ, yêu chuộng đến nhường ấy. Sagan viết xong Bonjour Tristesse trong vòng 7 tuần, đánh máy bản thảo bằng 2 ngón tay trong một quán cà-phê để tháng 3/1954, khi nó phát hành, có buộc dải băng mang dòng chữ Diable Au Cœur, tức khắc trở thành một trong những quyển best-seller sau chiến tranh. Tháng 5/1954 bán được 8.000 quyển, sang tháng 9 là 45.000 quyển, rồi 100.000 quyển vào tháng 10, lên 200.000 quyển vào tháng 12. Năm năm sau, Bonjour Tristesse đã bán được 4 triệu quyển trên khắp thế giới, riêng tại Mỹ là một triệu quyển.
Với chính Françoise, cô còn chưa kịp định hình giấc mơ suốt đời mình, thì vinh quang đã ập đến và nó làm cô không thể có thay đổi suy nghĩ nào khác. Tháng 5/1954, tác phẩm được giải Critique và quyển sách chưa tới 200 trang này đã được dịch ra 22 thứ tiếng. Ở Việt Nam, Nguyễn Vỹ chính là người đầu tiên dịch nó vào năm 1959, sau đó là nhiều người khác trước khi tới phiên Huỳnh Phan Anh.
Françoise Sagan viết trong Bonjour Tristesse: “Năm đó tôi, Cécile, mười bảy tuổi, hoàn toàn sung sướng vì sống trong một gia đình khá giả. Bố tôi, Raymond, 40 tuổi, góa vợ từ 15 năm trước, có người tình là Elsa, bên cạnh ông còn là Anne – Bạn người mẹ quá cố của tôi – rất đoan trang, đứng đắn. Tôi tình cờ gặp Cyril, một thanh niên đẹp trai khỏe mạnh trong một lần đi tắm biển, tôi rất yêu chàng và chàng cũng yêu tôi. Tôi sống rất phóng khoáng, tự do, không chịu được Anne luôn muốn hướng dẫn mình vào con đường nghiêm chỉnh. Tôi biết bố muốn tính chuyện trăm năm với Anne nên tìm cách phá đám. Tôi xếp đặt để cho Anne thấy bố đang âu yếm Elsa. Anne thất vọng, phóng xe như điên và rơi xuống vực sâu 50 mét. Từ đó, tôi bắt đầu biết buồn…”. Có nghĩa là từ lâu, Sagan đã bắt đầu nổi loạn.
Lật lại nữa: Năm 1950, cô bỏ cả năm trời để thưởng thức nhạc Jazz ở khu Saint Germain des Prés mà không học hành gì cả, có lẽ vì thế mà năm 1951 cô thi hỏng Tú tài. Sau đó dẫu ghi danh học Văn chương ở Sorbonne nhưng cô cũng bỏ dở – Thật ra, Françoise yêu văn chương từ nhỏ, khi còn ở tuổi vị thành niên mà đã say mê đọc Gide, Proust, Rimbaud, Camus, Sartre, Stendhal và Faulkner… để biết rằng, con đường mình phải theo là văn nghiệp. Chỉ có điều, chính cô cũng không nghĩ, hào quang sẽ đến với mình nhanh đến thế.
Bonjour Tristesse là một quả bom nổ giữa bầu trời văn học Pháp, gây chấn động ít nhiều làng văn Pháp, mà tác giả của nó lại chỉ là một cô gái nổi loạn ở tuổi 19, nên rất được bạn đọc tán thưởng. Năm sách ra đời, 1954, cũng là năm nước Pháp mỏi mệt vì 2 cuộc chiến tranh ở Đông Dương và Algérie, nhất là cuộc thảm bại ở Điện Biên Phủ. Thanh niên Pháp khi đó đã chịu ảnh hưởng từ tâm trạng bi quan của người lớn, đã thường chán chường, sống buông thả, luôn cảm thấy cô đơn và khó gượng nổi nếu thất bại nơi tình trường. Cùng lúc, họ đã vớ phải phao khi các nhân vật của Sagan lại bất chấp đạo lý, lao vào những cuộc tình ngẫu nhiên để tìm một chỗ tựa – Dù chỉ là tạm thời – cho tâm hồn vốn đã quá hoang mang vì xã hội mất phương hướng của mình. Sách, như thế, đã ra đời đúng lúc.
Văn Sagan giản dị, thẳng thắn, không bóng bẩy trau chuốt, nên đã nhanh chóng chuyển tải mạnh mẽ rung cảm của chính nữ văn sĩ sang bạn đọc. Cốt truyện với các lớp lang nối tiếp nhau rất tự nhiên và tác giả cũng không cố công tìm tòi cái gì quá mới mẻ trong kỹ thuật viết lách, mà chỉ viết theo dòng cảm xúc thực. Serge Gavronsky, giáo sư dạy Văn học Pháp tại đại học Barnard cho rằng Bonjour Tristesse đã thể hiện được tính nổi loạn và những nghĩ suy hoài nghi, yếm thế của rất nhiều người trong tầng lớp tư sản Pháp thời ấy. Nhà văn François Mauriac (1885-1970), Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp (1933), giải Nobel văn chương 1952 gọi Sagan là “tiểu quỉ duyên dáng” và Emile Henriot (1889-1961), cũng Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp (1945) gọi Bonjour Tristesse là một “kiệt tác nhỏ vô sỉ, tàn ác”.
Không thể có nhận xét nào trực quan hơn thế nữa khi ngoài đời, cuộc sống của chính Sagan cũng rất phóng túng. Để trốn tránh nỗi buồn, cô hay lao vào các cuộc ăn chơi, yêu cuồng sống vội, thức đêm cùng cờ bạc, rượu và ma túy. Vì thế mà chính số nhuận bút khổng lồ ấy, chẳng bao lâu cũng đã bay sạch, làm cô không còn một xu dính túi.
Sagan rất liều lĩnh, yêu xe thể thao, thường cùng bạn bè phóng xe như điên nên suýt chết nhiều lần, nhất là sự cố vào năm 1957 nhưng vẫn không chừa. Ngày 14/4/1957, khi đang lái chiếc xe thể thao Aston Martin của mình với tốc độ cao, Françoise đã gặp tai nạn khiến phải hôn mê một thời gian. Cô cũng thích lái Jaguar đến Monte Carlo để đánh bạc. Thích đi du lịch Mỹ, cô hay chụp ảnh cùng Truman Capote và Ava Gardner.
Vì lối sống phóng đãng, tiêu tiền như rác như thế nên nhiều lúc, Sagan đã đảo điên vì túng bấn. Cô có một ngôi nhà nằm cạnh biển, mua bằng tiền được bạc 80.000 quan nhưng cuối cùng, cũng phải bán nó đi vì túng thiếu. Cô thiếu thuế của nhà nước, bị phạt một năm tù treo dù bạn bè và người hâm mộ đã phản đối khi cho rằng, Sagan thiếu tiền nhà nước nhưng chính nhà nước lại nợ ngược Sagan nhiều hơn thế. Ngay cả nữ minh tinh Isabelle Adjani cũng đã kêu gọi chính phủ Pháp phải xem Sagan như một báu vật quốc gia và phải để tên tuổi ấy nằm ngoài những dính líu với thuế vụ.
Về đời tư, Sagan có 2 đời chồng. Lần thứ nhất, năm 23 tuổi (1958) khi cô kết duyên với Guy Schoeller lớn hơn mình 20 tuổi, nhưng chỉ 2 năm sau thì họ ly hôn. Lần thứ hai là vào năm 27 tuổi (1962) khi cô lấy Robert Westhoff, điêu khắc gia người Mỹ và có với ông này một con trai tên Denis. Một năm sau họ cũng chia tay, từ đó nữ văn sĩ đã quyết định sống độc thân cho đến chết, tuy chính mình hãy còn rất trẻ và có nhiều nhân tình, như nhà tạo mẫu thời trang Peggy Roche, nhà viết tiểu luận Bernard Frank hay biên tập viên Playboy người Pháp Annick Geille. Bạn bè của Sagan là những tên tuổi lớn, như Jean Paul Sartre, Brigitte Bardot và nhất là François Mitterrand, một người mê đọc sách điên cuồng sau này sẽ trở thành tổng thống Pháp. Theo chính Sagan nhận xét, Mitterrand là một người bạn thông minh, mang lý tưởng sống rõ rệt và duyên dáng. Quan hệ giữa 2 người rất thắm thiết vì họ đồng cảm sâu sắc về cách nhìn nhận cuộc sống.
Ngày 24/9/2004, Françoise Sagan qua đời vì suy tim và ngạt đường hô hấp ở tuổi 69. Bà được an táng tại một nghĩa trang nhỏ ở Seuzac, cũng thuộc Lot, gần nơi sinh trưởng theo ý nguyện. Rất đông bạn bè, người hâm mộ và nhiều nhân vật cao cấp của chính quyền đã đưa tiễn bà, tỏ lời ca ngợi và tiếc thương. Cảnh đó làm Brigitte Bardot phải mỉa mai: “Vậy mà khi Sagan còn sống trong khó khăn, chẳng ai động đậy ngón tay nào để giúp đỡ cả…”. Cố tổng thống Pháp Jacques Chirac đã nói về bà trong tang lễ: “Nước Pháp vừa mất đi một trong những văn sĩ tài năng có sức ảnh hưởng nhất, một nhân vật xuất chúng của đời sống văn học”.
Sartre thì nhận xét: “Các nhân vật của Sagan đã trở thành biểu tượng cho những thanh thiếu niên vỡ mộng. Trong sự nghiệp văn học kéo dài đến năm 1998 của mình, Sagan đã cho ra đời hàng chục tác phẩm, trong đó có nhiều tựa đã thành phim ảnh. Cô ấy vẫn duy trì phong cách văn chương khắc khổ của thể loại tiểu thuyết tâm lý Pháp nhưng các cuộc trò chuyện giữa các nhân vật của cô rõ là mang âm sắc hiện sinh”.
Với gần 50 tác phẩm đủ thể loại để lại cho đời, trong đó nhiều tựa rất giá trị, Françoise Sagan đáng có một chỗ đứng vững trong nền văn học Pháp cũng như thế giới. Ngoài giải Critique năm 1954, năm 1985 bà còn được giải Prince Pierre de Monaco cho toàn bộ tác phẩm của mình. Bà đã viết về chính mình trong quyển Từ điển tác giả do Jérôme Garcin chủ biên, như một lời tiên tri định mệnh: “Xuất hiện vào 1954 với vóc hình mỏng mảnh, Bonjour Tristesse đã gây điều tiếng trên toàn thế giới. Cái chết của nó, sau một thời sống mãnh liệt và bất chấp tất cả, vừa gây hài lòng vừa đem lại nhiều nhọc nhằn, cũng chính là một xì-căng-đan”.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Latest Articles

DẤU MỐC

DẤU MỐC bản Bìa cứng ( Hard cover ). Một...

TUẦN THƠ 54: chuỗi tràng hạt !!

HÀ BẠCH QUYÊN tên thật: Nguyễn Thị Duyên Tuổi Thân 1956 Nơi...

MỘT BÀI THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT ĐƯỢC CHO LÀ HAY?

Tôi nghĩ, cho đến thời điểm này, phong trào thơ Tân hình thức Việt đã xong giai đoạn lập thuyết, và đã bước hẳn sang giai đoạn thành tựu. Tại sao lại nói như vậy? Xin thưa, bằng nỗ lực của Khế Iêm và những người đồng chí hướng, bạn đọc đã được chứng kiến hàng loạt các tiểu luận và thực hành thơ đã được in ấn hoặc trên các trang mạng suốt từ những năm 90 của thế kỷ trước đến nay, tức là đã hơn 20 năm có lẻ

THANH XUÂN

Thanh Xuân là một dòng thơ thuần phác, với ngôn ngữ vần điệu truyền thống, chưa vướng bụi trần. Bụi trần ở đây có nghĩa là những trăn trở của chữ nghĩa, như hai tập thơ tự do và tân hình thức sau này, Dấu Quê và Thơ Khác.

TUẦN THƠ 18: PHIM TRƯỜNG

Chúng ta đã có tiêu chuẩn đánh giá một bài thơ: cái mới trong ý tưởng và cái hay trong nhịp điệu; cùng cách làm thơ Tân hình thức Việt, và bây giờ là thời điểm của vận động sáng tác. Thơ Tân hình thức Việt tái định nghĩa, thơ là một hành trình hồi phục người đọc, so với điện ảnh và ca nhạc, đó là tham vọng chẳng có gì phải thất vọng, vì đó là thơ. Nhưng để hồi phục người đọc, phải hồi phục nhịp điệu thơ, và để có nhiều người đọc, phải có nhiều người sáng tác. Chúng tôi mong muốn có những sáng tác mới, áp dụng theo cách làm thơ Tân hình thức Việt, và ngoài việc sáng tác, xin các thân hữu bỏ ít nhiệt tâm vận động thêm người tham gia. Sáng tác xin gửi về email: baogiaytanhinhthuc@yahoo.com ~ tanhinhthuc@gmail.com ~ info@thotanhinhthucviet.vn

THƠ FREDERICK FEIRSTEIN

THƠ FREDERICK FEIRSTEIN Nhà thơ và nhà phân tâm học...

Related Articles

00:01:25

Indian-Canadian poet Rupi Kaur’s Amazon Prime Video special to debut on Aug. 27 | Entertainment

TORONTO - Renowned Indian-Canadian poet Rupi Kaur is set to debut her first-ever taped show on Amazon Prime Video. The company says "Rupi Kaur...

Báo Giấy Số 4

Bạn đọc có thể đọc trực tiếp hoặc in ra giấy để đọc, đặt mua sách, báođóng góp, thơ, tiểu luận xin Gửi về Diễn...

Poetry ponderings from the produce section

Aug. 22—I read a beautiful poem by Alison Luterman recently, "I Confess": I Confess I stalked her in the grocery store: her crown of snowy braids held...