THƠ PHẢN CHIẾN TRONG THỜI KỲ CHIẾN TRANH VIỆT NAM


Nguyễn Lương Ba


Lối phê bình ấn tượng luôn chú trọng đến những ý niệm, những phản ứng chủ quan trước một tác phẩm văn chương. Đó là điều kiện thiết yếu để khám phá văn chương. Lãnh hội sâu sắc là khám phá và những ý nghĩa được người thưởng ngoạn mô tả cũng chính là một phán đoán về sự hiện hữu của văn chương.. Như vậy phán đoán giá trị (jugement de valeur) chỉ là sự biến dạng của phán đoán sự kiện (jugement de fait). Bởi vì sự kiện khi được người làm văn chương mô tả sẽ trở thành hiện tượng, cắt nghĩa cho thực tại và giá trị tự tại của hiện tượng đó cũng là một giá trị tiên khởi của văn chương. Matthew Arnold cho rằng thi ca là một thứ phê bình đời sống cũng bởi lý lẽ trên, vì chọn lựa cách thế này mà không phải cách thế kia để nhìn về đời trong văn chương cũng bao hàm một lối phê phán về đời vậy. Nổ lực nhằm triển khai hiện tượng văn chương cũng là cách ghi nhận sự phê phán đó của ngườI làm văn chương. Vì vậy phán đóan về hiện tượng trong văn chương cũng là phán đoán về giá trị văn chương. Điều đó đòi hỏi ở người phê bình khả năng và đức tính thích hợp với hoạt động cắt nghĩa văn chương, với hoạt động tạo cho thế giới sở hữu một ý nghĩa văn chương.

Văn chương là di sản mà xã hội là kẻ thừa tự. Di sản đó cũng là công nghiệp mà người làm văn chương dốc lòng sáng tạo, sáng tạo trong sự nồng thắm vớI đời, với xã hội. Những truyền thống tinh thần, văn hóa xuất phát từ những hoàn cảnh lịch sử tác động mảnh liệt trên những thế hệ, những cộng đồng khác biệt để tạo nên những thảm kịch khó giải quyết trong một không gian, thời gian nào đó.
Cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc gia tăng cường độ khi năm 1965, các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đầu tiên đổ bộ lên Đà Nẳng tạo thành cái cớ để thổi bùng lên phong trào chống chiến tranh Việt Nam. Miền Trung, đặt biệt Huế là cái nôi của những thành phần chống lại cuộc chiến tranh tạo thành những phong trào phức tạp chống lại chinh quyền Miền Nam. Thật ra từ năm 1963, bùng nổ vụ Phật Giáo Miền Trung đã tạo nên sự chia rẽ sâu xa giữa chinh quyền và quần chúng. Các vị thầy Phật Giáo thời đó đã nương cơ hộI dưới ngọn cờ kỳ thị tôn giáo để chống lại nhằm lật đổ chính quyền của Tổng Thống Ngô Đình Diệm trở thành những nhà hoạt động chính trị vượt khuôn khổ nhà chùa. Gây nên tình trạng rối loạn, chia rẽ đồng thời đẩy Miền Nam vào thế bị động.
Phong trào sinh viên học sinh chống chiến tranh cũng từ tình trạng rối loạn này mà phát sinh. Thực trạng một đất nước đang có chiến tranh vớI sự tham dự của các lực lượng quân đội ngoại quốc đã là tiền đề của những ngườI trí thức trẻ sinh hoạt, hội họp để lên án chiến tranh. Sự hiện diện của quân đội Mỹ tại miền Nam đã nãy sinh những vấn đề xã hội nghiêm trọng. Tạo nên một bộ phận quần chúng mới, nãy sinh ra những nghành nghề mới phục vụ cho nhu cầu mới, đồng thời cũng tạo ra một số tệ nạn mà bất cứ một cuộc chiến tranh nào cũng không thể tránh khỏi. Những tiêu cực trong xã hộI thời bấy giờ với cường độ chiến tranh mỗi ngày mỗI khốc liệt đã làm phong trào phản chiến rầm rộ hơn.
Năm 1965 tạ trường Đại học Sư phạm Huế, một số sinh viên thành lập hội Hồng Sơn được mở ra và hoạt động chỉ mang tính cách xã hội như mở quán cà phê để kinh tài, mở các lớp tư thục để dạy như chủ trương nhằm cải tạo xã hội. Vào thời điểm này, Trần duy Phiên (sinh viên ĐạI học Sư phạm) cũng tập hợp một số anh em ở căn phòng của anh ở bên An Cựu để họp bàn xuất bản tờ Đỉnh Triều in tại nhà in Nguyễn văn Hưởng – Huế. Có thể kể thêm một số khuôn mặt tranh đấu nổI tiếng: Tiêu Dao Bảo Cự, Trần duy Phiên, Đông Trình Nguyễn đình Trọng , Trần tiễn liên Hoa, Trần văn Hòa, Nguyễn phú Yên, Lê văn Ngăn … có dự buổi họp để ra mắt tờ Đỉnh Triều. Tờ Đỉnh Triều chỉ là tờ báo văn nghệ với thơ ,truyện, biên khảo văn chương tập hợp một số bạn bè đam mê sáng tác, viết lách tuổi đời còn trẻ, một số đang là sinh viên nhưng cũng có một số đang học bậc cuối ở trung học. Cho đến khi tờ Việt ra đời vào tháng 8 năm 1968 thêm những người mới gia nhập tạo thành một nhóm chủ trương phân chia thành nhiều bộ môn liên kết với tạp chí Đối Diện ở Sài gòn để đăng tải các bài vở nhằm phản đối chiến tranh. Có thể kể các khuôn mặt nổI bật; Bảo Cự, Đông Trình, Trần hữu Lục, Trần văn Hòa, Tần Hoài Dạ Vũ, Trần hồng Quang, Trần duy Phiên, Thái ngọc San, Võ trường Chinh, Võ Quê, Lê văn Ngăn Trần phá Nhạc, Trần đình sơn Cước, Nguyễn đông Nhật…
Trong bài viết này, chỉ xin trình bày một số bài thơ phản chiến của một số tác giả quen thuộc trên các diễn đàn văn chương ở trong nước mà hiện nay vẫn còn sinh hoạt trên một bối cảnh hoàn toàn thay đổi cả về nhận thức lẫn cuộc sống.
Bài thơ của Lê văn Ngăn viết sau vụ Phật Giáo miềm Trung 1963. Lê văn Ngăn là một người có tài. Anh có biệt tài ngâm thơ, giọng hát của anh cũng rất đặt biệt. Một người phản chiến thành phố, làm thơ và trốn lính.Nhưng anh cũng có một thời gian phục vụ trong nghành Quân Tiếp Vụ ở Đà Lạt. Anh sống vớI gia đình ở Quy Nhơn và đã lìa bỏ gia đình, bạn bè để ra đi vào miền Miên Viễn
Năm Cầu lịch sử
Người đàn ông đi qua giòng sông
soi mạt mình dưới giòng nước bạc
niềm vui lên cao bởi mộng chưa già
ngườI đàn ông chậm bước
nghe trong mơ kẻ hát người reo
năm 63 đã qua đi như thế
còn những dòng chữ phai trên những bức tường
làm ấn tín
nhịp cầu đó em đã đi qua
một ngày xưa lưỡi lê và họng súng
đứa bé miền quê mang trái tim xanh
lảm cuộc đờI hứa hẹn
có biết đâu em đang khởi hành
đôi môi bằng âm đầu tình tự
có biết những ngôn từ
mọc lên từ cát bãi Gio Linh
hàng xương rồng trưa tan bóng xế
hôm nay em đã khuất trong sương mù
bức cổ thành nhìn theo và gọi
người đàn ông dừng lại giữa cầu
chiếc mũ nâu cầm tay đã cũ
ông vội vàng để tóc tơ bay
ngẫm một đời quá đẹp
những ngườI thanh niên nào
cứ qua mãi đời mình
tấm biểu ngữ nhịp ba tiến tới
ta biết người về từ phía hư vô
quấn quanh đầu những hào quang đau khổ
ta biết những phế tàn mãi mãi còn in
bàn tay như băng mở xiềng cửa ngục
ngườI đàn ông đi qua giòng sông lớn
soi mặt mình nhăn nheo xuống ngọn nước hồng
bổng lời ca nhịp ba vùng dậy
ông nhỏ lệ máu xuống lịch sử vàng
trời vẫn gió ở bên kia sông
chừng như thiên nhiên đang ngã về nhân loại.
Thái ngọc San gia nhập nhóm Việt năm 1968 và là Tổng thư ký Mặt trận văn hóa dân tộc miền Trung ( Ngô Kha làm chủ tịch). Bị truy đuổi mùa hè năm 1972 , anh thoát ly ra Bưng. Sau 75 anh trở về Huế, chủ yếu sinh hoạt báo chí. Đã từng làm thư ký tòa soạn tạp chí Sông Hương và làm đại diện báo Thanh Niên tại Huế. Anh đã qua đời năm 2005 trong một tai nạn;
Về những con đường khô cây
Bây giờ người ta nhìn mặt nhau không rõ
những nụ cười núp dưới manh áo rách
mặt trời đốt cháy thanh xuân ta
và tình yêu buồn như viên gạch cũ
ở phía con đường kia
Tôi đã trở về nơi này
đi qua những con đường đã đi
sao mắt mờ như bụi đỏ bay
sao lòng chết giấc
sao gạch đá lăn tăn chảy mòn trí nhớ
cây đã khô tình đã buồn
bây giờ là mùa hạ hay bây giờ là mùa đông
sao nghe mưa đỏ ngầu ào ạt
mộ người nào đó quên nghĩa trang
nằm im bên võ đạn
Tôi đã về đây tôi đã nghe
và tôi đã buồn như gã câm
nhìn mặt người tình phụ
người chết đi chắc là không thể vui
làm sao tôi có thể khóc
như bầy trẻ nhỏ
Bây giờ người ta ngó nhau bằng mắt xiên
khi tôi trở lại thành phố này
những sách vở thương hàng cây khô
dòng sông khỏa đám lục bình
Lũ con gái cúi mặt qua cầu giấu áo
ai hiểu được trong dòng xanh
có nguồn sữa nào u ám
ai hiểu được trong lòng tôi
có nổi khổ tâm nào không nói được
Tôi trở về đây trong sổ tay bằng hữu
có đứa đã vĩnh viễn nằm yên
có đứa bỏ lên rừng
có thằng bỏ đi lính
tôi không còn mơ mộng để chờ đợi
một ngày sum vầy đông đủ
ôi mai này sau ngày kháng chiến
chắc rằng bạn bè tôi sẽ không quên
những điếu thuốc vàng bay cửa sổ
tôi không còn tuổi trẻ để yêu đương
bên đống gạch vỡ
tôi thèm có một lần qua bên kia
vắt nắm cơm cho ngườI bạn cũ
những hy vọng nào xanh mái tóc
mắt dù đã sâu ngày chờ đợi
tôi vẫn nhớ bạn bè tôi
dù mỗI thằng đi một hướng
và tôi vẫn tin rằng
không có sự thù hằn nào giết được kỷ niệm
Tôi vẫn đi qua những con đường
khô dầy cây in hình dấu đạn
có những hình ngườI thật lạ lùng
có những khẩu súng thật lớn
những hố bom thật sâu, những mộ phần thật lạ
có những tiếng cười thật nhăn nheo
in dấu tích rạng vỡ
tôi nhìn tôi thật đau thương
cẳng chân dài đi qua phố chết
những chữ ai viết còn sót trên tường vôi kia một thờI quá khứ
tôi muốn hát cho cây cỏ nghe
lời giun dế trong đêm lửa cháy
ai đã ngược chiều tôi không ngước mắt lên
nhỉn nắng đỏ phai hy vọng
tôi đã ném tương lai hằn học
trên vĩa hè đá xám
sao trời không mưa cho những cây khô
rữa mặt mày lem luốc
có đòan người nào đó vừa qua phố
chu mỏ thổi kèn vang như đám ma
Tôi trở lại thành phố này
tôi đã trở lạI thành phố này
khóc âm thầm trong chiều vắng
đợi tiếng loa khắp vạn nẽo đường
một ngày tồt trời hy vọng.
Từ năm 1963, Trần văn Hòa (Hòang Hòa) đang học năm cưối Đệ Nhất B ở trường Quốc Học, anh là một học sinh xuất sắc, rất giỏi về môn toán. Có một thời gian gia đình anh sống trong xóm vạn chài neo đậu ở đầu cầu Gia Hội. Anh có xây một cái chòi lợp tranh chỉ vừa đủ một cái bàn để học, viết và một cái giường nhỏ để nằm, được xây trên một cánh đồng hoang vắng ở An Cựu, cách xa đường lộ. Anh chuyên tâm học , đứng đầu các môn về khoa học. Anh lại chuyển qua ăn cơm gạo lức muối mè, sắm bút lông học chữ Hán. Không hiểu trong đầu anh nghĩ gì nhưng những sự thay đổi trong cách sống của anh vào thời đó thật là đáng ngạc nhiên. Anh đỗ kỳ thi Tú Tài 2 ưu hạng năm 1963 và thi đậu vào Sư Phạm Đại Học Toán viện Đại Học Huế ( một môn cực kỳ khó , giám khảo Thầy Nguyễn văn Hai ) . Chủ trương chống chiến tranh, anh tham gia vào nhóm Việt , làm phó chủ tịch phòng sinh hoạt giáo dục, văn học nghệ thuật ( Đông Trình Nguyễn đình Trọng làm chủ tịch ). Anh bị bắt giam và đưa ra Côn Đảo từ năm 1968 cho dến 1975. Sau 75, anh trở về lại nghành giáo dục, làm Hiệu trưởng trường phổ thông trung học bán công Nguyễn trường Tộ Huế. Vừa về hưu năm 2006, Anh làm thơ không nhiều nhưng thơ tranh đấu của anh rất được giới trẻ hâm mộ:
Cuộc Lên Đường
Năm hai mươi tôi tưởng mình như đại thụ
tôi tưởng mình như mảnh đất cong lưng
từng trăm năm gồng gánh những chênh vênh
năm hai mươi tôi bổng nhận ra tôi
những bước chân đi về phía biển
tôi ngâm mình trong giao cảm với thiên nhiên
thân thể ngấm dần từng ngọn gió đông
tôi bổng nhận ra lời khuyên của biển
Năm hai mươi tôi dựng hình hài tôi
thành bức tường nâu
những lớp rêu xanh phủ đầy khuôn mặt
như ngỏ rẽ cuối con đường mòn
sự khổ đau bước chân ông lão cô đơn
mang trên người những tiếng thầm núi non
qua những chuyện cổ tích vang lời dịu ngọt
tôi tìm về quê hương vào mùa nước lũ từng năm
lắng nghe lời tỏ bày những vì tinh tú
Năm hai mươi tuổ tôi nuôi tôi lý tưởng
tôi dựng lên thần thoại trong cuộc mưu sinh
trong nụ hôn ngọt ngào niềm vui sáng tạo
cánh đồng lúa xanh rờn ngủ yên bên đất
cánh đồng lúa xanh rờn những xác chết anh em
tôi nuôi tôi bằng đất bằng cuộc chiến đấu cuốI cùng
Năm hai mươi tôi khởi sự cuộc lên đường
Người thừa tự mang niềm tin lập quốc.
Có thể kể thêm thơ phản chiến của Đông Triều (…Không có lẽ nào tâm hồn tôi ủy mị/Tôi thanh xuân và rất đổi yêu đời/Tôi làm thơ để vẽ mặt tương lai/Anh em đọc và mừng thơ có lửa…). Tần Hoài Dạ Vũ (… tôi đã qua những buổi chiều/gió vật vã quê hương không tấm áo/những người đi ngơ ngác đăm chiêu/họ đi kiếm trong lòng nhau chút lửa…). Nguyễn Đông Nhật(…Anh lại đi qua những tên làng tên đất/lòng bồi hồi một tiếng chim khuya/đôi chân cứng từ một lời ru dịu/từ những cái bình thường đã ngấm trong tim…)Lê Gành (…nhà em ở cuối hẽm vùng lao động/hôm nay mưa trở sang mùa/gió rét từng cơn lùa qua khe cửa/ nhà em nghèo vách gỗ đóng lưa thưa…). Trần phá Nhạc (…Quê hương tôi đứng lên cùng cách mạng/có đấu tranh phấp phới gió bưng biền/mẹ Xóm Mới hun lửa hồng kháng Pháp/đường Hội An dồn dập bóng người đi…),…quy tụ trong giới sinh viên của trường Đại Học Huế. Nguyễn đông Nhật ra Bưng mùa hè 1972 Võ Quê bị bắt và bị đày đi Côn Đảo năm 1972, ra tù 1973 và cũng vào Bưng (…Nhấp nhô lớp lớp mồ xanh/khói hương là bóng mây lành chiều xa/ chim rừng hát vọng tình nhà/ lời ca chị Sáu mượt mà hàng dương…thơ Võ Quê).
Nhưng cũng có nhiều người hoạt động phản chiến không nằm ở trong nhóm Việt tức là nhóm có hoạt động quy mô nhất như đã nói ở trên.
Trần quang Long là một khuôn mặt đặt biệt. Anh cao to đẹp trai. Đầu những năm 60, anh còn đạp xe đạp đi học. Tuy ở trong phong trào sinh viên tranh đấu nhưng khi tốt nghiệp Đại học sư phạm, anh được đổi về dạy học ở Cần Thơ và tham gia vào lực lượng của Tổng hội sinh viên sài gòn. Bị truy nã anh vượt thoát ra bưng và chết tại mật khu ở Tây Ninh. Một bài thơ rất nổi tiếng của anh được truyền tụng trong giới sinh viên học sinh thời bấy giờ. Bài “Thưa Mẹ Trái Tim”. Bài thơ bình thường như nói chuyện nhưng đánh động vào tâm tình của giới thanh niên trước thảm cảnh chiến tranh. Bài thơ khá dài, xin trích một đoạn:
Thưa Mẹ Trái Tim
Thưa mẹ
Năm nay con hai mươi lăm tuổi đầu
công danh chẳng có gì
cuộc sống lại cơ cầu
bữa đói bữa no cậy nhờ bè bạn
lây lất chẳng ra sao
mai mốt trát đòi con vào Thủ Đức
chắc gì mẹ gặp con đâu
anh Cả, anh Hai, chú Cường Chú Phúc
người chết triền đồi, người chết lũng sâu
chỉ còn tờ điện tín xanh để lại
Bây giờ con sống đây
bên những người đã chết
bên những người đang chết
cuộc sống mù lòa giữa mặt trời đen
con mang máng thấy mình còn sống
khi ngồi âm thầm đếm nhịp trái tim
trong cơn hấp hối
những nhịp im lìm như móng chân rắn mối
bước vào trong nổi ăn năn
những nhịp băn khoăn
như những lá rơi tình đầu chờ đợi
những nhịp giận dỗi
thuở còn thơ mẹ bế bồng
những nhịp khoan hiền như gió thoảng bờ sông
căn nhà mình mẹ con cơm cá
và con rùng mình những âm thanh lạ
Xoáy tròn trong mỗi thớ tim…
(Trích Tiếng Hát Những Người Đi Tới
Tổng Hội Sinh Viên Sai Gon xuất bản-1967)
Một khuôn mặt thơ phản chiến nổi bật nhất là Ngô Kha. Anh là sinh viên tốt nghiệp thủ khoa khóa 1 Đại học sư phạm Huế (1959), Cử nhân Luật khoa (1962). Ra trường anh về dạy trường Quốc Học môn Việt Văn và Công Dân. Ngoài ra anh còn dạy thêm các trường tư thục như Nguyễn Du, Bồ Đề, Hưng Đạo…Anh là mẫu thanh niên đẹp trai, ăn mặc chải chuốt, tóc khi nào cũng bóng mượt chải đều ra phía sau, dáng vẻ luôn toát lộ một phong thái trí thức lãng mạn.Anh dạy học nói tiếng Huế hơi nặng, là một trong những giáo sư dạy Việt văn nổi tiếng. Anh trình bày vấn đề khúc chiếc, thường hay kể chuyện điễn tích. Khi giảng bài, anh không nhìn thẳng vào học sinh mà luôn đi tới đi lui trên bục giảng, mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, giảng rất hấp dẫn.
Năm 1961 anh cho in tập thơ Hoa Cô Độc . Có thể có những điều anh đang nghĩ về thân phận , cuộc sống, thời thế nhưng Hoa Cô Độc là tập thơ Tự Do với những hốt hoảng siêu hình, những phạm trù thận phận làm người và tình yêu;
Chiều Mưa Dông
Tôi bốc khói lên
hạt bụi chiều mưa đông
nứt nẻ
những phiến nặng nề trong hồn
cúi đầu xin thêm niềm đau khổ
nuốt đầy tâm trạng cô liêu
vật mình trong cơn bệnh hoạn
Những giọt mưa nhảy nhót bơ vơ
sánh dặc nổi niềm trong đáy cốc
xin thêm hạt đường
tách nước trà nóng
những tảng mây về chiếm cô đơn
làm mưa gió
bầu trời gầm thét
như một con thú rừng khát máu
Chiều cháy bùng lên…
Anh chuyển qua hoạt động đấu tranh cùng với những làn sóng bạo động tại Huế . Từ Hoa Cô Độc anh viết Ngụ ngôn của người đãng trí và Trường Ca Hòa Bình (1969) nhưng Ngụ ngôn của người đãng trí vẫn còn mơ màng cái bóng của Siêu thực. Xin trích một đoạn:
“…ngườI Hy Lạp đứng dưới gốc dừa
nhìn mưa đá bay
vị nũ tu già khoát áo đen
đi về ngân hàng huyết
than đá thao thức đọc kinh cầu nguyện
cho những người khuất mặt
đất cát Á Châu giờ này
có thằng con trai trần truồng mang tấm thân vô đạo
tôi mang tuổi thơ cùng chứng nhân
đi qua những con đường quê mọc đầy hoa đồng thảo
ngườI đàn bà áo nâu bảo rằng
sinh nhật của tôi vào mùa nước dậy
vớI tiếng trống bập bùng
khi cuồng lưu mang trái tim phù sinh của mẹ
chúng tôi đứng bên chân trời
kiểm điểm chuyện thần thoại của bể dâu
bao nhiêu trùng dương đã chết rồi
con ngựa ô sống trong tàng viện vào thời khuyết sử…”
Thơ của Ngô Kha vẫn là những vần thơ tự do với những khắc khoải siêu hình, những hiện sinh cảm quan rất phổ biến tại Miền Nam vào những năm đầu của thập niên 60 thế kỷ trước. Trước đó nhà thơ Thanh tâm Tuyền với tác phẩm Tôi Không Còn Cô Độc được in năm 1956 mở đầu cho giai đoạn phát triển của nền thơ Tự Do của Miền Nam Việt Nam. Con người thi sĩ của Ngô Kha cũng như học trò của anh, những người đam mê văn nghệ đều biết đến tạp chí Sáng Tạo đầy sinh động với dòng văn chương bức phá tiếp nối một thời của thi ca tiền chiến. Mặt khác Ngô Kha lại là con người hành động. Ở đây anh có một vị trí riêng. Riêng đối với học trò của anh, từ các trường Quốc Học, Hàm Nghi, Kiểu Mẫu, Bồ Đề, Nguyễn Du, Hưng Đạo đều kính mến anh mà hình dáng gầy gò của anh trên chiếc mô-bi-lét Đức mỗI sáng chạy qua cầu Tràng Tiền , chưa kể những ngày mưa gió lạnh lẽo ( mưa dầm mùa đông ở Huế), vẫn có cái gì tiêu biểu cao quý của nghề thầy giáo rất khó phai mờ. Ý thức hệ là cái nhìn trắc diện về con người . Còn ý thức hệ tức là còn nhìn con người dưới một khía cạnh, do đó không bao hàm được toàn bõ nhân tính, từ đó chưa thể nối kết một sự thiết tha nhìn nhận và bảo tồn nó giữa những nguồn lực xung khắc lẫn nhau. Trong ý thức đối vớI lịch sử, nghệ thuật trung hòa những hành vi bạo động nhằm đưa lịch sử khỏi nền tảng bạo động. Nghệ thuật phấn đấu cùng khả năng bạo động, cơ cấu ý hệ và hành vận lịch sử để nhằm thực hiện mơ ước đích thực và sâu xa của nhân loại, là khả năng bền vững có thể cải hóa và thiết lập được những hoàn cảnh lịch sử. Đó chính là tiếng nói và hơi thở cuối cùng của nhân loại vậy.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Latest Articles

TheraPoetry: The 5-Point Healing Properties of POEMS

The 5-Point Healing Properties of POEMS Have you ever found...

LỜI NÓI VÀ NHỮNG KỶ NIỆM

LỜI NÓI VÀ NHỮNG KỶ NIỆM “Tôi yêu những cái...

TUẦN THƠ 30: THƠ VƯƠNG NGỌC MINH 2

THƠ VƯƠNG NGỌC MINH VÀ GIỜ Và giờ các bạn hãy tập đọc cho quen dần với thể thơ tân hình thức việc tôi đến ở đời này quả sự cố lớn và không ngờ nơi sự cố lớn ấy vô vàn sự cố nhỏ (không tin hỏi thượng đến há!) và chưa bao giờ ngay đây vô vàn các sự cố nhỏ đấy lại tức thời cùng hiển hiện khi tôi vào buồng tắm đứng trước gương (soi!) rất đời thường vô vàn các sự cố nhỏ tự bao giờ đã bám kín mặt gương tất nhiên chả tài nào nhìn thấy hình (vong!) tôi phản chiếu lại hay nói đúng hơn tôi chẳng còn hiện hữu trong gương nữa nên nhớ tôi không cần tới bất kì sự giúp đỡ nào

TUẦN THƠ 42: H Ồ I S I N H

Nguyễn Lương Ba H Ồ I S I N H gửi...

Thơ Bùi Giáng Một Thử Nghiệm Đọc

Thơ Bùi Giáng Một Thử Nghiệm Đọc Khế Iêm - Trích...

Bài thơ trong ngày: ‘Khi tôi nghe nhà thiên văn học uyên bác’

Poem of the Day: ‘When I Heard the Learn’d...

Related Articles

Báo giấy số 61: ĐỌC “LỜI CỦA QUÁ KHỨ”

Bạn có thể hình dung nhóm 10 truyện ngắn trong tập truyện Lời Của Quá Khứ chỉ là 10 chương của một truyện dài, trong đó nhân vật chính là một phiên bản của chính tác giả Khế Iêm. Trong cả 10 truyện ngắn đó, độc giả có thể nhìn thấy các nhân vật như dường bước ra từ các truyện cổ tích đau đớn, nơi đó hiện thân của các nhân vật chỉ là nêu lên các băn khoăn đời người, tự thân mỗi nhân vật là những chất vấn về khó hiểu của kiếp người. Ngay cả các nhân vật nữ cũng rất mực khuôn phép, như dường không thể có thực trong thế kỷ 20 và 21.

PHÂN TÂM HỌC VÀ THƠ

PHÂN TÂM HỌC VÀ THƠ Frederick Feirstein Hơn vài mươi năm qua, một trong cách biện minh cho việc từ bỏ các kỹ thuật “hình thức”...

What Influences Art?

Điều gì ảnh hưởng đến Nghệ thuật? Bởi Melville D Jackson | ngày 20 tháng 1 năm 2011 Usually words "Influence" and "art" are connected in a...