Báo giấy số 61: ĐỌC “LỜI CỦA QUÁ KHỨ”

Con Virus Vũ Hán cho chúng ta biết một điều, tất cả mọi sự trên đời đều phù vân, chẳng mang một ý nghĩa nào cả, ngoài tình người. Những người càng cô độc, tình người trong họ càng thấm thía, càng phát huy cái tài năng thiên bẩm của họ. Vũ trụ có âm có dương, con người có tốt có xấu, cứ nói ra cho hết. Con virus Vũ Hán cho chúng ta biết mình là ai, giữa cuộc đời đầy bất trắc, khổ đau này.

ĐỌC “LỜI CỦA QUÁ KHỨ”
Phan Tấn Hải


Tình thân không giúp chúng ta có thể hiểu hết mọi chuyện về nhau. Đặc biệt là khi khảo sát về các lộ trình tâm có thể dẫn tới những dòng thơ. Có phải thơ là thuần cảm hứng từ những kiếp xưa rơi xuống, hay là từ một chuỗi lý luận phức tạp? Khế Iêm là một trong vài nhà thơ, theo tôi nhận thấy, có lộ trình tâm rất mực phức tạp, đầy những dây nhợ rắc rối y hệt như các dàn phóng phi thuyền vũ trụ của NASA. Nhưng hôm nay, bài này sẽ chọn một phương diện khác của Khế Iêm để suy nghĩ, tập truyện “Lời Của Quá Khứ” (LCQK), một ấn phẩm năm 2020, phiên bản mới của nhà xuất bản Văn Mới 1996.

Giao tình của tôi với Khế Iêm có lẽ cũng đã gần 3 thập niên, ban đầu là qua nhà văn Mai Thảo. Là những người mê chữ gặp nhau, nhưng mỗi người là một thế giới riêng. Ngay cả nhiêu năm trước, những khi ngồi với Khế Iêm nơi quán cà phê góc đường Westminster / Euclid ở Santa Ana, niềm vui của tôi là được nghe kể chuyện sách vở, thơ ca… Tôi không phải là học giả nên không ưa suy luận, bản thân chỉ là một nhà báo đôi khi làm thơ, cho nên không bận tâm chuyện lý thuyết, chỉ quan tâm về chuyện chữ gì đã được viết lên giấy, nghĩa chữ đó ra sao, vì sao và tác động ra sao. Nghĩa là, tôi nhìn thơ, truyện và các bạn văn qua con mắt nhà báo, bất kể họ trường phái nào và bất kể họ tranh luận ra sao.

Khế Iêm không có nhiều độc giả. Bản thân anh cũng ít bằng hữu, không phải vì thiếu cơ hội quảng giao, nhưng tự nhiên như thế là như thế. Nghĩa là, một trái nghịch hoàn toàn với tôi: một nhà báo phải sẵn sàng viết tràng giang đại hải ngày đêm khi độc giả cần tới, và phải viết sao cho dễ hiểu. Khế Iêm là khó hiểu thượng thừa. Thân hình anh chỉ là một nhúm xương và da, có lẽ đã khô quắt queo vì tim máu đã vắt cạn cho chữ? Khế Iêm không bày tỏ bận tâm về lý luận siêu hình, nhưng bạn sẽ bất ngờ khi thấy anh nói lên những ngôn ngữ như vọng lại từ những chân trời đạo học Đông Phương. Thí dụ, như mấy dòng đầu của bài thơ Nắng Vàng, trích:

“Tôi đứng ở bãi đậu
xe nhìn bâng khuâng một
vùng nắng vàng (và trong
lúc này) tôi không biết
tôi là nắng hay nắng
là tôi con đường phía
trước một hướng ra biển
còn hướng kia lên đồi.”

Trong khi đó, ngôn ngữ Tây Phương rất minh bạch: nắng là nắng, tôi là tôi, không thể có chuyện “tôi không biết tôi là nắng hay nắng là tôi”… Thứ tự ngôn ngữ “tôi là” và “nắng là” đều nằm trong ngữ pháp hiện sinh. Nếu chúng ta xóa bỏ động từ “là” thì tức khắc cả trang giấy như dường bất động. Bạn thử đọc lại, rất chậm mấy dòng thơ trên, và sẽ thấy trang giấy như dường đang lay động, như dường một cánh bướm đang làm Trang Tử ngẩn ngơ. Cũng như thái độ nhìn chung quanh đều thấy mới lạ, như nhân vật được ghi là “chàng” trong truyện Gặp Gỡ (truỵện thứ 3 trong tập truyện “Lời Của Quá Khứ”) khi nói với nhân vật được ghi là “ông già” nơi trang 32: “Mọi thứ dần dần cũ đi. Phố xá đầy người mà không quen ai. Tôi có cảm tưởng như mình đang dẫm lên mảnh đất lạ. Gió mang một mùi vị khang khác…”

Vâng, gió mang một mùi vị khang khác. Trên các trang giấy của Khế Iêm, luôn luôn phảng phất một làn gió khang khác. Trong khi chúng ta quen suy nghĩ như A phải khác không-A, cũng như nước mắt không thể là nụ cười, văn phong Khế Iêm đưa ra cái nhìn về thực tại có khi rất mơ hồ giữa thực và mộng. Như tâm thức của cô Trúc trong truyện “Thời Của Kẻ” khi thăm ngôi chùa trên đồi, trích: “Những bậc đá dài suýt làm nàng trượt chân. Nụ cười tắt theo những giọt nước lăn trên má. Ban mai, nhưng không phải ban mai. Chẳng có bằng chứng nào cho sự tồn tại…” (trang 103, LCQK).

Ban mai không phải ban mai, chẳng có bằng chứng nào cho sự tồn tại… hiển nhiên là có phong vị của sắc tức là không. Nhưng thực ra, chữ nghĩa Khế Iêm không thể được xếp loại đơn giản là ảnh hưởng tư tưởng nhà Phật, vì tới một nơi khác, nơi một trang khác, ngôn ngữ văn học của tác giả lại là một chất vấn về ý nghĩa bi kịch của khả thể, những băn khoăn kiểu tư tưởng Hy Lạp, khi chứng kiến những nền văn minh nhân loại hình thành và rồi hủy diệt, như dường sinh ra là để biến vào hư vô và như là chẳng có ý nghĩa gì cho đời. Cũng như trong truyện Chàng Và Nàng, nhân vật Phúc nói với cô Nga về cô Trúc, trích: “Cho đến quá nửa đời người, trong tôi bỗng bật dậy một tình yêu thương. Cái tài, cái sắc đã làm hỏng đời nàng. Nàng cứ tự hủy hoại mình, uống cho say khướt men cay đắng. Để làm gì nhỉ? Tôi mãi bị ám ảnh bởi những cánh hoa tan tác bay, những linh hồn nhỏ. Và Trúc đó, xa tắp như những ảo ảnh không thực. Đôi lúc tôi ngỡ nàng là kẻ thánh thiện bị ma ám, hoặc một nhân vật của bi kịch trên cái sân khấu mênh mông là trời đất. Tôi uống hết một phần rượu đời, đã quá say, nhưng vẫn tỉnh táo để muốn đốt lên ngọn lửa, thứ lửa chẳng có ở trần gian. Cho Trúc.”(trang 84, LCQK) 

Bạn có thể hình dung nhóm 10 truyện ngắn trong tập truyện Lời Của Quá Khứ chỉ là 10 chương của một truyện dài, trong đó nhân vật chính là một phiên bản của chính tác giả Khế Iêm. Trong cả 10 truyện ngắn đó, độc giả có thể nhìn thấy các nhân vật như dường bước ra từ các truyện cổ tích đau đớn, nơi đó hiện thân của các nhân vật chỉ là nêu lên các băn khoăn đời người, tự thân mỗi nhân vật là những chất vấn về khó hiểu của kiếp người. Ngay cả các nhân vật nữ cũng rất mực khuôn phép, như dường không thể có thực trong thế kỷ 20 và 21. Chúng ta không thấy nhân vật nữ nào mặc áo hai dây hay váy ngắn, hay nói cười lẳng lơ. Truyện Khế Iêm là thế đấy. Chàng có vẻ như không muốn kể về những chỗ nhân gian không thể hiểu. Thế thì đời thực của tác giả đã từng làm cái gì với một giai nhân mà chẳng hề ghi lại? À, hình như có chỗ, Khế Iêm cho chàng nắm tay nàng. Và chỉ nắm tay hai lần trong tập truyện thôi, chỉ vì hữu sự. Nhưng trời ạ, nắm tay lần đầu là để kéo nàng dợm bước, và lần thứ nhì là là để bỏ chạy hốt hoảng.

Truyện ngắn “Đối Thoại” kể về nắm tay, trích: “Chàng kéo nàng dợm bước, nhìn những mái nghiêng không đều, những phên liếp, những quán lá mập mờ. Không gian bị đẩy lùi làm hiện ra những đám mây, cây xanh, nhà cửa. Chàng xoải nhanh, mắt đăm đăm, chậm lại.” (Trang 25, LCQK) Và cũng truyện ngắn đó, kể về lần nắm tay nàng bỏ chạy, trích: “Chàng và nàng đứng trước quầy vé, đắn đo. Căn phòng trống, không người. Đột nhiên, chàng kéo nàng, bỏ chạy hốt hoảng, bị đẩy ngược lại bởi một sức cản kỳ lạ cho đến khi rơi vào một tình thế khốn cùng, không thể nào thoát được.” (Trang 30, LCQK)

Nói cho công bằng, có một chỗ truyện Khế Iêm vi phạm luật “nam nữ thọ thọ bất thân” khi cho nàng nép vào người chàng, nhưng có vẻ như bất đắc dĩ vì lúc đó bị đám đông xô đẩy, theo truyện “Đối Thoại” ghi lại, chỉ có mấy chữ “Nàng nép người vào chàng, sợ hãi” sau khi “… bất thình lình đám người trở nên hỗn loạn, xô đẩy, cấu xé nhau dữ dội. Hàng người tản đều ra khắp phòng nhập vào cơn huyên náo. Chàng và nàng ngờ nghệch giữa những điệu bộ quay cuồng…” (Trang 28, LCQK)

Và sau khi để độc giả đọc suốt 10 truyện ngắn đầy những ngôn ngữ nghiêm túc, những dòng cuối của truyện thứ 10 (truyện ngắn “Thời Của Kẻ”) mới cho chàng “cầm lấy bàn tay nhỏ, mềm mại của Thục”… và thế đấy, không thêm chi tiết nào ngoài cảm giác “mềm mại” của tay nàng.

Hình ảnh những dòng cuối truyện thứ 10 là “Thục ngả người vào ngực chàng” và rồi “Thục mỉm cười, quàng tay qua cổ chàng kéo xuống. Chàng hôn trên môi nàng, nụ hôn không bao giờ dứt.” Phải chăng, khi viết rằng nụ hôn “không bao giờ dứt” chính vì Khế Iêm không muốn kể thêm những cuồng nhiệt, nếu có, ở các nơi khác trên cơ thể? Cũng nên ghi nhận rằng, nhan đề truyện hình như đánh máy nhầm, nơi trang 89 ghi là “Thời Của Kẻ” nhưng nơi trang Mục Lục ghi là “Thời Của Những Kẻ Bị Ma Nhập.”

Tập truyện còn có 2 vở kịch đặt nơi cuối sách. Vở kich “Một Cành Cây, Một Đám Mây” (trang 121-125, LCQK) chỉ có hai nhân vật là Vân và Thu, với cảnh ghi sau lưng họ là “bầu trời trống trơn. Không có gì cả. Thật im lặng.” Đối thoại kịch của Vân và Thu cũng kiệm lời, có khi thốt một chữ, có khi hai chữ, và không có câu thoại nào dài tới hai dòng. Câu dài nhất là 7 chữ, do cô Vân nói: “Tôi đang nói về mây xanh mà.” (Trang 122, LCQK). 

Vở kịch thứ nhì, cũng là cuối tập, có nhan đề “Lúc Mà” (trang 127-142, LCQK) cũng chỉ có hai nhân vật, tên ghi là “Người Đàn Ông” “Người Bạn” (nhân vật “Người Bạn” này cũng là một người đàn ông, vì được gọi là “anh”). Đối thoại trong kịch này nhiều lời hơn, và đoạn kết rất khó hiểu, nếu diễn trên sân khấu khi người xem nhìn hai diễn viên thực hiện động tác kịch.

Nếu chỉ đọc trên giấy, nơi cuối vở kịch có thể liên tưởng bí hiểm tới hình ảnh hai người đàn ông “ôm lấy nhau. Ngã xuống… dây dưa một lúc. Những tiếng kêu thất thanh không dứt. Đến khi cả hai bất động, không nhúc nhích nổi. Im lặng. Một lúc sau.” Bí hiểm, cực kỳ bí hiểm, khi đọc tới chỗ hai người đàn ông ôm nhau trên sân khấu và ngã xuống, dây dưa một lúc, bất động, không nhúc nhích nổi. 

Truyện và kịch Khế Iêm là như thế, hư hư thực thực, tất cả nhân vật đều sương khói, nói rất kiệm lời, suy nghĩ đầy những chất vấn về ý nghĩa bất toàn của cõi người, và tận cùng là vô ngôn, là niềm tịch lặng mênh mang của cõi người. Trong vở kịch cuối, mấy dòng chữ cuối là hai người đàn ông ôm nhau, té xuống, im lặng… Trong vở kịch trước đó, kịch “Một Cành Cây, Một Đám Mây” nơi các dòng chữ cuối là hình ảnh: “Im lặng. Mắt nhắm nghiền, bất động. Một lúc sau.”

Nơi các dòng chữ cuối truyện thứ 10, là hình ảnh rất buồn của “Bóng tối vây hãm xung quanh, và chàng cứ bơi mãi ngược dòng về một xứ sở chim muông. Thiên nhiên mộc mạc, mà chàng là kẻ đang gieo vào nguồn đất mầm cay đắng.”

Tạp chí Diễn Đàn Thế Kỷ đã nhận định về tập truyện “Lời Của Quá Khứ” và nhận định này được Khế Iêm dùng làm Lời Giới Thiệu (trang 9-10, LCQK) cho ấn bản 2020 cho thấy rằng Khế Iêm viết không giống ai. Lời Giới Thiệu của DĐTK viết, trích: “Tập truyện của Khế Iêm sẽ đem lại một nét lạ trong làng truyện ngắn hải ngoại hiện nay. Bây giờ không thấy ai viết kiểu như thế. Sách có chín truyện, truyện đầu (Ánh Trăng) được viết tại Sài Gòn năm 1973, và truyện cuối (Thời Của Những Kẻ) viết tại Pulau Bidong 1988. Nội dung các truyện chứa đựng trong quãng thời gian ấy, thời gian người Việt Nam ở miền Nam chịu đựng nhiều nỗi đau khổ, của chiến tranh, của thua trận, của vượt biên… Nhưng truyện của Khế Iêm ít khi bày ra cảnh đời cụ thể, tất cả chỉ được trình bày như một cảm thức, không giống như đời thực, chẳng khác nào vật thể được nhìn qua sự khúc xạ của nước hoặc không khí. Chính hiện tượng khúc xạ ấy – và môi trường khúc xạ ở đây là tâm hồn và cái nhìn của nhà văn – đã biến truyện Khế Iêm nhiều khi thành những tùy bút, hoặc những đoạn thơ văn xuôi. Có những đoạn tuyệt hay. Chính những đoạn ấy nói lên được những gì tác giả cần nói hơn là toàn thể “truyện,” thường chỉ là một khối xúc cảm được diễn đạt bằng ngôn từ và hình ảnh rất trừu tượng. Ngôn từ là cái đáng kể ở đây, chúng đã đóng tối đa vai trò của chúng để tạo nên hình tượng, ấn tượng, mang rất nhiều tính chất tượng trưng. Cả nhân vật, những chàng, những nàng cũng chỉ là tượng trưng, impersonnel, và ngôn ngữ đối thoại của họ lại càng như thế, những câu cô đặc không có trong đời thực.”

Khế Iêm sinh năm 1946 (khai sinh 1947) tại Lê Xá, Vụ Bản , Nam Định. Học Luật tại Sàigòn. Ông sáng lập và chủ biên Tạp chí Thơ tại California, Hoa kỳ từ năm 1994-2004. Chủ biên trang Thơ Tân Hình Thức (thotanhinhthuc.org). Tác phẩm đã xuất bản: Hột Huyết (kịch, Sàigòn 1972), Thanh Xuân (Thơ, California 1992), Lời của Quá khứ (Truyện, California 1996-tái bản 2020), Dấu Quê (Thơ, California 1996), Thơ Khác / Other Poetry (Tan Hinh Thuc Publishing Club 2013), Vũ Điệu Không Vần (tiểu luận, THTPC, 2018).


Bạn đọc có thể đọc trực tiếp hoặc in ra giấy để đọc, đặt mua sách, báo
đóng góp, thơ, tiểu luận xin Gửi về Diễn đàn hoặc Email về Ban Biên Tập 
Chân thành cảm ơn!


Báo Giấy • Tháng 08 năm 2020 • Năm thứ 5 • Số 61
Email: baogiaytanhinhthuc@gmail.com  • www.thotanhinhthucviet.vn


SINH HOẠT VĂN HỌC


Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn (1937-2020), bút hiệu Sao Trên Rừng, vừa qua đời ngày 6 tháng 11 năm 2020, thọ 83 tuổi. Trước đó là nhà thơ Tô Thùy Yên (1938-2019) và nhà thơ Du Tử Lê (1942-2019), cả ba là những nhà thơ vần điệu thập niên 1960s. Thời đó còn có hai nhà thơ tiền phong, nổi trội là Bùi Giáng và Thanh Tâm Tuyền.

Sách nhận được:

1/ Nxb Văn Học Press vừa phát hành tuyển tập truyện ngắn dịch của dịch giả Trịnh Y Thư, với những tác giả Franz Kafka, Gabriel Garcia Marquez, Phillip Roth, Milan Kundera, Salman Rushdie, Orhan Pamuk, Kurt Vonnegut, Iris Murdoch, Wole Soyinka, Herta Muller, Roberto Bolano, Banana Yoshimoto. Trịnh Y Thư là nhà văn, nhà thơ, dịch giả, sinh năm 1952 tại Hà Nội, nguyên chủ bút tạp chí Văn Học (California), chủ trương nhà xuất bản Văn Học Press. Anh là du học sinh trước 1975, hiện định cư tại Irvine, California.

Tác phẩm dịch đã xuất bản: – Đời Nhẹ Khôn Kham (The Unbearable Lightness of Being), tiểu thuyết của nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera; ấn bản thứ nhất, tạp chí Văn Học (California) xuất bản 2002; ấn bản thứ hai, Nhã Nam, NXB Hội Nhà Văn, 2018. – Căn Phòng Riêng (A Room of One’s Own), tiểu luận văn học của nữ sĩ Virginia Woof, Tri Thức xuất bản, ấn bản thứ nhất 2009; ấn bản thứ hai 2016. – Jane Eyre, tiểu thuyết của nữ sĩ Charlotte Bronte, Nhã Nam & NXB Văn Học (Hà Nội) xuất bản, 2016. – Gặp Gỡ Với Định Mệnh, Tuyển văn dịch nhiều tác giả, Văn Học Press xuất bản,2020.

Sáng tác đã xuất bản, tác giả Trịnh Y Thư: – Người Đàn Bà Khác, tập truyện, Song Thúy Bookstore & NXB Thế Giới (Hà Nội) xuất bản, 2010. – Chỉ Là Đồ Chơi, tạp bút. Ấn bản thứ nhất, tạp chí Hợp Lưu xuất bản, 2012; ấn bản thứ hai, Văn Học Press xuát bản, 2019. – Phế Tích Của Ảo Ảnh, thơ, Văn Học Press xuất bản, 2017.

2/ CD nhạc tuyển với tiếng hát của ca sĩ Thu Vàng: Dạ tâm Khúc (nhạc Phạm Đình Chương, phổ thơ Thanh Tâm Tuyền), Thao Thiết Sông Dài (nhạc Trịnh Y Thư), Dạ Khúc (nhạc Nguyễn Mỹ Ca), Mắt Biếc (nhạc Cung Tiến), Đường Chiều Lá Rụng (nhạc Phạm Duy), Tháng Ngày Gió Xóa (nhạc Hoàng Quốc Bảo), Tỳ Bà (nhạc Phạm Duy, thơ Bích Khê), Dạ Khúc (Nguyễn Văn Quý), Lời Thiên Thu Gọi (Trịnh Công Sơn), Lệ Đá Xanh (nhạc Cung Tiến, thơ Thanh Tâm Tuyền), Thu Mãi Quan San (Trịnh Y Thư)

3/ Poetry Journal, số 11, gồm 36 trang, gần gấp đôi so với những số báo trước, với thơ song ngữ của 9 tác giả Việt và 20 tác giả Mỹ. Đó là số báo đặc biệt về Virus Vũ Hán, phần tiếng Anh đã được đăng trên trang báo Văn học Ý, và được giới nghiên cứu Afganistan in lại 200 số. Sở dĩ họ quan tâm tới số báo này vì có 2 bài viết bằng song ngữ, “Virus Vũ Hán và Bi Kịch Khổ Đau”, “Virus Vũ Hán và Vấn Vương Tình Người”. Còn bài viết thứ 3, và là bài kết luận, “Virus Vũ Hán và Độ Không Tâm Thức” đăng trong số Báo Giấy tới. Đó là lý do, Poetry Journal số11 là ấn bản cuối cùng. Phần thơ Mỹ dịch được chuyển trở lại Báo Giấy như trước kia, khi chưa có Poetry Journal.

4/ Trong bài viết anh Phan Tấn Hải có vài nhận xét, “Khế Iêm là một trong vài nhà thơ, có lộ trình tâm rất mực phức tạp, đầy những dây nhợ rắc rối y hệt như các dàn phóng phi thuyền vũ trụ của NASA. Khế Iêm không có nhiều độc giả. Bản thân anh cũng ít bằng hữu, không phải vì thiếu cơ hội quảng giao, nhưng tự nhiên như thế. Khế Iêm khó hiểu thượng thừa.” Anh Phan Tấn Hải viết đúng, không những ít bạn hữu, mà còn nhiều người ghét. Đã có nhiều bài viết đả kích cực độ, nhưng tôi không nhắc tới nữa vì đã rơi vào lãng quên rồi. Bản tính tôi hiền hòa, nhưng họ ghét những điều tôi làm, dù rằng tôi không làm cho tôi, chỉ đáp ứng nhu cầu của bạn bè, do tình cờ đưa đẩy, không làm không được.

Tôi làm thơ từ hồi còn trẻ, nhưng khi lớn lên, cuốn sách đầu tiên tôi tự xuất bản lại là tập kịch Hột Huyết. Sau đó là những bài thơ trong tập Thanh Xuân, dòng thơ vần điệu truyền thống, làm ra rồi cất vào trong ngăn tủ. Khi tới Mỹ, tôi gửi đăng trên Tạp chí Văn của nhà văn Mai Thảo, sau đó Tạp chí Văn đứng ra xuất bản. Đến khi chủ trương Tạp chí Thơ, tôi bắt đầu sáng tác một loại thơ cấu trúc, Dấu Quê (Traces of My Homeland). Tạp chí Thơ được 10 năm, tôi tự động chấm dứt, làm ngỡ ngàng những người cộng tác. Chính tôi cũng không hiểu tại sao. Đến khi chủ trương phong trào thơ Tân hình Thức Việt, tôi sáng tác một loại thơ mới, thơ Tân hình thức, với tập mang tên Thơ Khác (Other Poetry).

Thật ra, Tạp chí Thơ xuất hiện là do tình cờ. Sau khi Tạp chí Văn xuất bản tập thơ Thanh Xuân, một lần vui miệng tôi nói với nhà thơ Phạm Việt Cường, tôi sẽ làm tờ báo Thi Ca, rồi quên bẵng đi mất. Anh Phạm Việt Cường, lúc đó sống ở San Jose, lại thông báo với mọi người về tin này. Chờ đợi cho tới 1 năm, chẳng thấy tin tức gì, một vài người như nhà thơ Nguyễn Tiến, Trịnh Y Thư, Đỗ Kh. tự động gửi tới cho tôi mỗi người $200.00 US. Tôi không biết làm sao, đành phải tìm kiếm bài vở, ra mắt số báo Thơ đầu tiên. Không ngờ lại được mọi người ưa thích, thế là tiếp tục hết số này đến số khác, trong vòng 10 năm, với 27 số. Nhưng số người ghen ghét đố kỵ cũng không ít, vì ảnh hưởng tờ báo lan rộng khắp nơi, kể cả trong nước.

Thơ Tân hình thức Việt, ảnh hưởng thơ Mỹ, nhưng thơ tự do Mỹ khi đạt tới cùng rồi thì phải quay về đổi khác thơ thể luật. Còn thơ Việt thì quay về đâu, chẳng lẽ lại trở về với vần điệu theo kiểu Tiền chiến? Đó là lý do, thơ Tân hình thức Việt ra đời, kết hợp thể thơ truyền thống và tự do, với hai yếu tố Ý tưởng và Nhịp điệu. Cả hai yếu tố đều khó, cần người có tài thơ. Đó cũng là lý do khiến nhiều người chống đối. Chống đối vì khó hiểu đối với họ. Muốn hiểu tiến trình đổi mới thơ phải có kiến thức về thơ. Vì vậy, phần lý thuyết phải hoàn tất sau 18 năm học hỏi, nhưng chỉ có giới nghiên cứu và khoa bảng quan tâm tới thôi. Trong sinh hoạt văn học, nếu chúng ta làm điều gì khác với người khác, họ sẽ không ưa, vì nếu ưa thì có nghĩa là họ tự phủ nhận chính họ sao. Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền cũng bị rất nhiều người ghét, và cũng từng bị viết bài đả kích. Và thơ ông cũng là loại thơ khó.

Trước năm 1975, chỉ có vài tờ tạp chí như Văn, Văn Học, Khởi Hành … nhưng tôi chẳng bao giờ gửi bài, nên chẳng ai biết tôi là ai. Năm 1972, tôi có tự xuất bản một tập kịch, Hột Huyết, rồi cũng lặng lẽ cho đến sau năm 1975. Năm 1988, tôi vượt biên, nghĩ rằng ra đi là đi mãi, không bao giờ về, ngay cả cái sống cái chết cũng không mấy bận tâm, nên tôi gửi lại anh (Thanh Tâm Tuyền) một bài thơ. Năm 1990 tôi định cư tại Mỹ, không ngờ năm sau anh cũng đến Mỹ theo diện H.O, và được nhạc sĩ Cung Tiến bảo trợ qua tiểu bang Minnesota, còn tôi ở Orange County, California. Nhà văn Mai Thảo có lần than phiền với tôi, anh không chịu gặp những người anh không quen. Điều đó cũng bình thường, vì anh bị nhiều người ghét. Tính anh thì khó, chỉ thân với người anh thân. Anh từng có tập thơ “Tôi không còn cô độc”, nhưng lúc nào anh cũng cô độc, vì nếu không cô độc thì quan tâm tới cô độc làm gì. Khi có dịp qua chơi California, anh ghé thăm nhà văn Mai Thảo. Khi nghe tin anh sắp tới, nhà văn Mai Thảo vội đuổi những đàn em văn nghệ, thường tụ tập nghe anh uống rượu, đọc thơ. Nhưng anh cũng chỉ ghé chốc lát, rồi tới ở chung phòng với tôi một đêm, sáng hôm sau, xuống San Diego City thăm các người bạn thời dạy học tại trường võ bị Đà Lạt, chẳng màng tới giới văn nghệ. Đó là lần tôi gặp anh lần cuối cùng. Anh mất năm mới 70 tuổi.

Đêm đó, anh kể với tôi chuyện giải thưởng văn học tổng thống, anh cùng với nhà thơ Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa trong ban giám khảo. Anh bỏ phiếu trao giải thưởng cho tập thơ của Trần Tuấn Kiệt, còn Nguyên Sa thì không. Anh cho rằng Trần Tuấn Kiệt là người nghèo, cần giúp đỡ. Anh và Nguyên sa không ưa nhau từ đó. Tôi đồng ý với anh, vì đúng ra giải thưởng không nói lên được điều gì, chỉ là sự đánh giá của vài người trong ban giám khảo. Giải thưởng thơ Mỹ cũng vậy, chẳng có ai nổi tiếng nhờ giải thưởng cả. Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng có giải thưởng nào đâu.

Con Virus Vũ Hán cho chúng ta biết một điều, tất cả mọi sự trên đời đều phù vân, chẳng mang một ý nghĩa nào cả, ngoài tình người. Những người càng cô độc, tình người trong họ càng thấm thía, càng phát huy cái tài năng thiên bẩm của họ. Vũ trụ có âm có dương, con người có tốt có xấu, cứ nói ra cho hết. Con virus Vũ Hán cho chúng ta biết mình là ai, giữa cuộc đời đầy bất trắc, khổ đau này.


Truyện ngắn song ngữ
THE FANTASTIC LOVE / MỐI TÌNH MỘNG TƯỞNG
Gina Nguyen


Khe Iem
YOUNG WOMAN / THIẾU PHỤ JEUNE FEMME


NHỮNG DÒNG THƠ CŨ


Nguyễn Đăng Thường
MỘNG BAN ĐẦU

Thanh Tâm Tuyền
BÀI HÁT BUỒN

Nguyễn Đức Sơn
CẢM THƯƠNG

Khế Iêm
TỰ CA

Nguyễn Tiến Đức
NHỮNG NỖI ĐAU NGOÀI BÀI THƠ

Thành Tôn
NÓI VỚI CÔ GÁI NGỒI QUÁN

Lê Giang Trần
CHÀO VÀ CHỜ

Nguyễn Hoài Ân
HOA CẢI THÁNG BA

Trầm Phục Khắc
TỪ NGỮ CỦA MỘT THỜI

Đinh Thị Như Thúy
TRO, CỦA HOA HỒNG


THƠ TÂN HÌNH THỨC


Xuân Thủy
NHẮM MẮT CHỈ THẤY MỘT CHÂN
TRỜI TÍM NGẮT

Đài Sử
NGANG VỀ QUÁ KHỨ

Hường Thanh
MẮT

Phạm Quyên Chi
NƠI HOA NỞ

Nguyễn Hoài Phương
CHUYỆN KỂ CỦA QUẢ BÓNG

Nguyễn Đặng Thùy Trang
TRONG CĂN PHÒNG CỦA CHÚNG MÌNH

Hoàng Huy Hùng
TẤM GƯƠNG VÔ HÌNH
HOA CỎ
KÊ ĐƠN

Nguyễn Ngọc Trìu
DỌN ĐẾN NƠI Ở MỚI

Chu Thụy Nguyên
DỊU KHÚC

Lý Thừa Nghiệp
CHÌM DẦN


Tiểu luận
Ý NGHĨA VÀ THỜI GIAN

TRONG THƠ TRẦN PHỤC KHẮC
Phạm Quyên Chi


Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Latest Articles

TUẦN THƠ 20: PHIÊN CHỢ ÁNH TRĂNG

Chúng ta đã có tiêu chuẩn đánh giá một bài thơ: cái mới trong ý tưởng và cái hay trong nhịp điệu; cùng cách làm thơ Tân hình thức Việt, và bây giờ là thời điểm của vận động sáng tác. Thơ Tân hình thức Việt tái định nghĩa, thơ là một hành trình hồi phục người đọc, so với điện ảnh và ca nhạc, đó là tham vọng chẳng có gì phải thất vọng, vì đó là thơ. Nhưng để hồi phục người đọc, phải hồi phục nhịp điệu thơ, và để có nhiều người đọc, phải có nhiều người sáng tác. Chúng tôi mong muốn có những sáng tác mới, áp dụng theo cách làm thơ Tân hình thức Việt, và ngoài việc sáng tác, xin các thân hữu bỏ ít nhiệt tâm vận động thêm người tham gia. Sáng tác xin gửi về email: baogiaytanhinhthuc@yahoo.com ~ tanhinhthuc@gmail.com ~ info@thotanhinhthucviet.vn

HÒA BÌNH VÀ KINH NGHIỆM MỸ HỌC

Có nhiều câu hỏi cổ động cho giao điểm giữa ‘hòa bình’ và ‘nghệ thuật.’ Chiến tranh đã được biểu trưng trong văn chương và điện ảnh, và những thứ biểu trưng như thế có thể được dùng để thấm nhuần những hứa hẹn cho hòa bình? Sự đính ước với nghệ thuật có thể  giúp chúng ta tưởng tượng ra một tương lai an bình? Sự hài hòa tạo nên, thí dụ, trong trình diễn âm nhạc, có dẫn đến sự hài hòa lớn hơn trong đời sống hàng ngày hay không?

Thơ Bùi Giáng Một Thử Nghiệm Đọc

Thơ Bùi Giáng Một Thử Nghiệm Đọc Khế Iêm - Trích...

The Study of Poetry

The Study of Poetry / Nghiên cứu Thi ca Bhaskar Banerjee|...
01:52:57

Đến với bài thơ hay: Ánh sáng soi sáng bức tranh quê đầy màu sắc

Trần Thắng   Tháng mười ở quê   Nắng có mùi rơm rạ Tháng...

Related Articles

Review “Thơ kể” Poetry Narrates

William Noseworthy University of Wisconsin-Madison Review Thơ Kể: Tuyển Tập Thơ Tân Hình Thức Ấn Bản Song Ngữ (Poetry Narrates: An Anthology of Vietnamese New Formalism Poetry)....

THE STATE OF POETRY – VÙNG ĐẤT CỦA THI CA

HIỆN TRẠNG CỦA THƠ Frederick Turner LTS: Frederick Turner sinh năm 1943 tại Anh, lớn lên tại Phi châu và trở thành công dân Mỹ vào...

THƠ DANA GIOIA

THƠ DANA GIOIA ON THE SHORE The waves unbend beneath the empty wharves, And the old storm god departs exhausted. What are you doing? Me, I fill...