TUẦN THƠ 20: PHIÊN CHỢ ÁNH TRĂNG

Chúng ta đã có tiêu chuẩn đánh giá một bài thơ: cái mới trong ý tưởng và cái hay trong nhịp điệu; cùng cách làm thơ Tân hình thức Việt, và bây giờ là thời điểm của vận động sáng tác. Thơ Tân hình thức Việt tái định nghĩa, thơ là một hành trình hồi phục người đọc, so với điện ảnh và ca nhạc, đó là tham vọng chẳng có gì phải thất vọng, vì đó là thơ. Nhưng để hồi phục người đọc, phải hồi phục nhịp điệu thơ, và để có nhiều người đọc, phải có nhiều người sáng tác. Chúng tôi mong muốn có những sáng tác mới, áp dụng theo cách làm thơ Tân hình thức Việt, và ngoài việc sáng tác, xin các thân hữu bỏ ít nhiệt tâm vận động thêm người tham gia. 

THƠ MỖI TUẦN


Sáng tác xin gửi về Diễn đàn hoặc email:
baogiaytanhinhthuc@yahoo.com | info@tintho.net


Nguyễn Thánh Ngã
PHIÊN CHỢ ÁNH TRĂNG

tôi đi tìm chợ giữa Delhi cổ kính mặc
trầm vẻ huyền bí từ tiếng kinh cầu quanh những
đỉnh tháp u hoài lạnh lẽo phiên chợ hiện ra
trên xe tuk tuk, kìa Chandni Chowk (*) đó sao,

hay chỉ là Chor Bazaar “Chợ kẻ cắp”?
tôi đến hỏi một người con đạo Sikh giọng thuộc
Anh như chữ Pali dẫn tôi lạc Wali
Gali ngõ hẹp, ăn lát bánh mì nhồi khoai

tây truyền thống, vào Khari Baoli mùi gia
vị thơm nồng thấy em bước ra từ cửa hàng
trang sức, chợ Kinari mua áo cưới cô
dâu lộng lẫy thần Shiva từ đền Hindu

hay đền Jain lâu đời nhất, bên cạnh em
những người phu bao tải và từng đàn sari
hồng sặc sỡ đeo khuyên mũi lấp lánh các bà
áo đen che kín mặt, tôi cầm đồng rupee

quay về khách sạn bọn trẻ ăn xin như đám
mây sà xuống ly sữa dê đàn hát, tiếng trống
nóng hổi vỗ vào lòng tôi, tôi chỉ muốn bán
ánh trăng lấy đồng xu nhỏ đặt vào những bàn

tay đen nhẻm và ánh mắt trong veo…

New Delhi tháng 4.2018


Đài Sử
ĐỊNH NGHĨA MÙA ĐÔNG

mùa đông đó là định nghĩa
của nắng ấm cùng sự chia tay giữa
phút và giây (giờ không còn
là đơn vị thời gian) như bài thơ
là sự hiện diện cuối cùng
khi tôi hay em là người nằm trong
chiếc áo quan mùa đông và
kẻ còn lại là người choàng cái áo
mùa hè đen ngòm đứng bên
cạnh nói không còn cần thiết chỉ là
những công việc được sắp đặt
lại và mùa đông và những
định nghĩa được bắt đầu


Phạm Quyên Chi
THƠ

Chơi một trò chơi lạnh
Lùng giữa mùa hè nóng
Nóng một tháng tư thiếu
Vài ngày trước mặt tháng
Năm thất lạc phương hướng
Con thuyền lao tới lộn
Nhào trên ngọn sóng cộng
Trừ nhân chia ấy! Chơi
Một trò chơi lạnh lùng
Dưới bóng cây mái tóc
Mặt trời bạn tôi ơi
Đâu có ai đâu cần
Chi đến trò lùi lại
Lùi lại rồi mất tích
Để chẳng biết mình đang
Cần gì cần gì liệu
Có giật mình rùng mình
Rơi mất cuộc hành trình
“Tan biến” – Thơ – chơi trò
Chơi bên phải dừng lại
Bên trái nghỉ ngơi như
Đã đến nơi – Thơ!


Hoàng Huy Hùng
CÓ & KHÔNG

Có kẻ nào đã phá sập
những đền đài giấc ngủ giấc mơ tôi

đổ lên từng hồi chuông về
một cái chết giả hung dữ dọa dẫm

từ từ từ từ vỡ tan
tành tấm gương soi không đủ soi khuôn

mặt mình đã già đi quá
nhiều và nặng đầy khổ đau khổ đau

biết để đâu cho hết có
kẻ nào qua đường đóng đinh vào đời

tôi những trò kịch bi hài
đến hả dạ cho kẻ nào mồi nhử

tôi sa vào nhà tù ma
ám của quá khứ mụ mị chăn dắt

những bài ca buồn não nuột
não nuột có kẻ nào nhả ra bắn

vào tôi hàng loạt hàng loạt
hàng tấn hàng tấn viên đạn đầu độc

sặc mùi giáo điều sách vở
những chủ thuyết ác hiểm điên rồ tẩy

não thành con mọt hằn học
hằn học hận thù vô cớ nghiến răng

kèn kẹt kèn kẹt có kẻ
nào dẫn dắt đi con đường ngồi lên

ngai vàng lọt xuống cỗ quan
tài đắp mồ chôn tôi phủ đầy hoa

tươi ăn mừng đắc ý khoái
chí có kẻ nào dẫn dắt tôi gặp

em hóa thành định mệnh có
kẻ nào


Nguyễn Thói Đời
CHUNG RIÊNG

Những bài thơ tôi viết về
những nỗi niềm của tôi những nỗi niềm
đã cũ triệu triệu năm rồi
cũng buồn vui cũng yêu thương hờn giận
cũng hạnh phúc cũng đau khổ
tủi hờn từ đời này qua đời khác
từ tôi này qua tôi khác
những nỗi niềm của tôi mà không phải
chỉ của riêng tôi những bài
thơ vì vậy đã trở thành của chung
tôi và của riêng mọi người


Hường Thanh
NỖI ĐAU CỦA CÁI ĐẦU

viết cho Lazier

Nỗi đau của cái đầu nhức vì
chỉ còn là cái đầu chẳng nghĩ
về trái tim nào hết có cái
đầu rụt cổ sau khung cửa sổ

trở lại cô phòng làm sự tĩnh
vật cho nỗi đau thêm nỗi đau
của cái đầu chỉ mình em tiếc
nhớ khi tựa trên ban công cao

nhìn xuống những cái đầu đang nghĩ
về biết bao cái ước mơ thật
êm đềm bọn trẻ muốn nói gì
với em? nhưng chúng cũng đã chạy

đi khá xa em trong nỗi đau
của cái đầu nhức vì đã trở
thành tĩnh vật thêm đau nỗi đau
em muốn giấu đi cái đầu của

riêng em em muốn nghĩ đến những
ước mơ đơn giản trong thế giới
của em trong thế giới vẫn còn
điên đứng tựa ban công cao nhìn.

4.2018


Vương Ngọc Minh
CẤU TRÚC LỜI

không cần phải giải thích
ai cũng biết tôi – một
con người bình thường. vẫn
biết là một con người

bình thường thì cũng như
bao con người bình thường
khác. số phận có run rủi
trở nên một người bình

thường thì cuộc đời sẽ
an nhàn hơn những người
không được bình thường. tỉ
như tôi thì không được

kể như một người bình
thường do luôn trong bóng
tối. bắt đầu cuộc đời
bằng hai bàn tay lấm

lem mà không hề đặt
giả thiết lấm lem với
tay trắng thì tay trắng
bình thường hay lấm lem

bình thường do đó bắt
đầu cuộc đời bằng hai
bàn tay lấm lem khỏi
nói ai cũng biết vất

vả hơn hai bàn tay
trắng một mặt vì không
thể nói chuyện được với
người bình thường tôi cứ

phải cố quay lại chính
con người bình thường của
mình tất nhiên về khía
cạnh một con người bình

thường tôi ở vị trí
xã hội – ai rõ cũng
đều day dứt nơi mặt
này, khác với người bình

thường – tôi chỉ trong bóng
tối. có ăn liền cho
chim ăn mà không hề
cướp cơm chim. mùa xuân

lũ chim hót râm ran
làm con người bình thường
nơi tôi. rất nhớ!


Khế Iêm
CHUYỆN CŨ CŨ!

“Con đường cứ dài ra
dài ra những bước chân
ngắn lại bên kia bờ
rào người đàn bà lùa

đàn gà vào chuồng …” những
dòng chữ ghi lại nguệch
ngoạc trên một mảnh nhật
trình cũ bỏ lại nơi

quán trọ của một người
đàn ông dằn dưới vỏ
bao thuốc lá trên bàn
rồi đi hình ảnh “người

đàn bà lùa đàn gà”
mù tăm làm người chủ
quán bâng khuâng cố mường
tượng người khách qua

đường một sớm đầu năm
có gì khác biệt khác
biệt với những ngày khác
chăng có lẽ là những

dòng chữ sắp bắt đầu
kể một câu chuyện kể
nào đó của một người
nào đó về “người đàn

bà lùa đàn gà” mới
đây đã thành cổ tích
người chủ quán ngó quanh
không biết làm gì đúng

là không biết làm gì
tiện tay vò mảnh giấy
những dòng chữ bỏ vào
sọt rác dưới chân bước

ra cửa lắng nghe hơi
hướm của mùa xuân về
xua đi nỗi niềm cũ
và những hình bóng cũ.


Tranh bài: Joan Miro: “Untitled Woman and Dog” from the series of paintings known as ‘Slow Paintings’ – lithograph

 

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Latest Articles

TUẦN THƠ 51: CHUỖI THƠ: NGƯỜI VỢ TRẺ

XÂU CHUỖI THƠ: NGƯỜI VỢ TRẺ Hường Thanh   THƠ DẠI người mẹ...

BLUES

Giới thiệu diễn đàn thơ Tân hinh thức Việt BLUES Nguyễn...
01:52:57

Đến với bài thơ hay: Ánh sáng soi sáng bức tranh quê đầy màu sắc

Trần Thắng   Tháng mười ở quê   Nắng có mùi rơm rạ Tháng...

TUẦN THƠ 48: XÂU CHUỖI THƠ: NGƯỜI PHỤ NỮ VÀ CÁI LÒ GẠCH

XÂU CHUỖI THƠ NGƯỜI PHỤ NỮ VÀ CÁI LÒ GẠCH Nguyễn...

TUẦN THƠ 55: TIN MỪNG BÌNH AN CHO NHÂN LOẠI

  Thơ • Chủ trương & chủ bút Khế Iêm...

TUẦN THƠ 10: CHUYỆN GIẤC NGỦ KỂ

CHUYỆN GIẤC NGỦ KỂ Sáng tác xin gửi về Diễn...

Related Articles

THƠ PHẢN CHIẾN TRONG THỜI KỲ CHIẾN TRANH VIỆT NAM

  Nguyễn Lương Ba Lối phê bình ấn tượng luôn chú trọng đến những ý niệm, những phản ứng chủ quan trước một tác phẩm văn...

TUẦN THƠ 57: THƠ DỰ THI 1

Giải Diễn đàn thơ Tân hình thức Việt được trao tặng cho những sáng tác thơ xuất sắc do các thành viên tham gia sáng tác trong mục “Thơ Sáng Tác” hoặc gửi về Ban biên tập thơ theo địa chỉ thư điện tử, địa chỉ bưu điện. Những sáng tác của những thành viên trong Ban quản trị và Ban biên tập không được xét để trao giải thưởng.

THANH XUÂN

Thanh Xuân là một dòng thơ thuần phác, với ngôn ngữ vần điệu truyền thống, chưa vướng bụi trần. Bụi trần ở đây có nghĩa là những trăn trở của chữ nghĩa, như hai tập thơ tự do và tân hình thức sau này, Dấu Quê và Thơ Khác.