TÂN HÌNH THỨC: NHỮNG NẺO ĐƯỜNG TIẾP NHẬN

TÂN HÌNH THỨC: NHỮNG NẺO ĐƯỜNG TIẾP NHẬN
(4 BÀI THƠ CỦA 4 TÁC GIẢ NGUYỄN HOẠT, NGUYỄN TẤT ĐỘ, KHẾ IÊM VÀ BIỂN BẮC)

Bửu Nam

I. TÂN HÌNH THỨC: CÔNG CHÚNG CHƯA BIẾT VÀ TÍNH QUẢNG BÁ CỦA “MẠNG”
Tôi hỏi một nữ sinh viên cao học của tôi, vốn là một giáo viên cấp ba: “Chị có biết trường phái Tân hình thức không?” Cô ấy trả lời: “Dạ, không”. Có phải là Thơ cách tân của nhóm Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng không Thầy?

Tôi dò hỏi thêm một giảng viên Đại học trẻ, được xem là giỏi và có năng lực. Câu trả lời cũng không.
Tuy nhiên, khi tôi nói các cô chỉ cần gõ vào google “Tân hình thức – Khế Iêm – Tạp chí Thơ” hoặc www.thotanhinhthuc.org thì mọi sự sẽ rõ.
Và hôm sau cả hai đều trả lời: Tụi em đã hiểu và cập nhật được thêm một trường phái và một phương pháp sáng tác của Thơ Việt mới.
Tuy nhiên, tôi hỏi thêm các em có thích lối thơ này không? Hoặc nghĩ ra sao về nó ? Thì câu trả lời là: “Lạ, kỳ kỳ” và muốn nhận xét phải cần thời gian làm quen và thâm nhập, thẩm thấu vào thế giới nghệ thuật của loại thơ này.
Từ câu chuyện trên; có thể rút ra hai điều: một là trường phái tân hình thức chưa cập nhật rộng rãi ở Việt Nam, đặc biệt trong giới trẻ và trí thức gọi là am hiểu văn chương, hai là nhờ sức mạnh của Internet mạng, điều đó rất dễ khắc phục, nếu biết gây tò mò, chú ý.
II. TÂN HÌNH THỨC “THAY HỒN ĐỔI CỐT THƠ TRUYỀN THỐNG” & ĐỘ LỆCH THẨM MỸ KHI TIẾP NHẬN
Một hôm tôi thử đưa bốn bài thơ của nhóm Tân hình thức. Bài 1: “Tình buồn” của Nguyễn Hoạt (Tạp chí sông Hương, tháng 8.2013). Bài 2: (Những) Người Điên của Nguyễn Tất Độ (trong tập Vũ khúc không vần của Khế Iêm, nhà xuất bản Văn học 2011, trang 280). Bài 3: “Cô gái da đen” của Khế Iêm (trong tập Thơ Khác, nhà xuất bản Văn hóa thông tin, 2013, trang 88-90). Bài 4: “Khúc những vì sao may mắn”, của Biển Bắc (trong tập Thúy Liên khúc ngoài, nhà xuất bản Văn học, 2012, trang 59) cho một số sinh viên và đề nghị họ thử cho nhận xét và phân tích.
Sau đây tôi thử ghi lại một vài ý kiến chính, có chọn lọc lại: (tên các nhân vật trong này có thay đổi)
Thanh: Em thấy cả bốn bài thơ đều sử dụng lại các thể thơ truyền thống, thơ 5 chữ như hai bài “Tình buồn” (Nguyễn Hoạt), “Cô gái da đen” (Khế Iêm), thơ lục bát như bài “(Những) Người Điên” (Nguyễn Tất Độ), thơ 7 chữ “Khúc những vì sao may mắn” (Biển Bắc). Những bài thơ này đều chia thành khổ 4 câu, nhưng nó khang khác các thể thơ truyền thống nói trên. Khác ra sao thì em chưa nói được
Phước: Cái khác là hình như bỏ vần, điệu, nhịp, luật bằng trắc vốn có trong các thể thơ này, nên đọc lên không thấy nhạc điệu quen thuộc vốn có của chúng và nghe nó là lạ, kỳ kỳ và thiếu thiếu.
Tâm: Em thấy mấy bài thơ này các câu thơ xuống dòng khang khác, “ra răng”, hình như các tác giả này họ tùy tiện hay có dụng ý chi không biết. Hầu như thơ trước đây, xuống dòng là câu thơ đã đủ ý, hoặc chưa đủ ý thì câu tiếp cũng có một lô gích nối tiếp câu trên cả về cú pháp, từ vựng và ngữ nghĩa. Còn các bài thơ này, cách xuống dòng, vắt dòng của họ như bẻ gãy ngang lưng câu thơ, một cách phi lô gích, phi luật tắc. Ví dụ: bài “Tình buồn”, ba khổ, mỗi khổ 4 câu, tự nhiên lại thòi một cái đuôi ngăn ngắn một chữ “lệ” , thành ra khổ thứ tư này chỉ có một chữ. Bài “Cô gái da đen” câu hai vắt dòng ngay chữ “như”, rồi câu ba tiếp “thế sao đôi mắt cô”. Câu 4 lại “buồn như thế buồn như”, cách vắt dòng này có cái gì dang dở. Nói chung xuống dòng, vắt dòng vắt qua khổ thơ tùy tiện hay có chủ ý không biết. Điều đó em nghĩ, nó tạo ra sự lạ hóa, nhưng lại có cảm giác chôi chối tai so với điều đã nghe, đã biết về thơ.
Hoàng: Ngoài cách vắt dòng, vắt khổ lạ lùng này, em thấy họ còn đưa cả lời nói hàng ngày, chất thô ráp vào thơ. Chẳng hạn, khổ cuối cùng của bài thơ Cô gái da đen:
chẳng sai nhiều) khuôn mặt:
Cô đẹp như thế phải
Có đôi mắt hồn nhiên
Của một thiên thần chứ
Khổ này nối với hai câu khổ áp cuối vắt dòng, vắt khổ:
“Tôi nói có sao đâu
(nếu có sai thì cũng
Hoặc khổ ba và khổ cuối của bài thơ (NHỮNG) NGƯỜI ĐIÊN:
Hắn điên và khăng khăng bảo
Hắn điên hắn vẫn chạy vòng vòng và
Vừa chạy vừa quay cho giống
Sự chuyển động của hành tinh mà
Hắn và loài người đang sống
(Nguyễn Tất Độ)
Các bài thơ này theo em không có tính nhạc, không có tính thơ, không có chất thơ.
Mỹ Anh: Em có ý khác, em thấy chúng vẫn có tính nhạc, có chất thơ, chất cảm xúc của tâm trạng, ý tưởng, câu chuyện. Tuy nhiên tính nhạc này khang khác, như kiểu nhạc “rap”, loại nhạc trẻ và mỗi bài thơ vẫn tạo được cảm xúc và tiếng nhạc riêng. Có lẽ ở giọng điệu, sự trùng điệp từ, nhóm từ và đôi khi cả trùng điệp âm của mỗi bài thơ, phong cách thơ.
Hảo: Em muốn nói ở đây sự trùng điệp từ, nhóm từ tạo nên nhạc tính. Chẳng hạn bài “Tình buồn”, có sự lặp, điệp các từ “đồng hồ” (2 lần), “qua” (2 lần), “vô tư” (2 lần), “không tới” (3 lần), “lặng im” (3 lần), “ngày” / “đêm” (2 lần) lại có vần cuối “vô” (câu 2), “đỏ” (câu 4), “không” (câu 5,6) với “lặng” (câu 8), “chỉ” (câu 11) và “lệ” (câu 13). Bài này lại có nhạc tình cao, nhạc tính lôi cuốn, thu hút người đọc vào nỗi buồn. Bài “(Những) Người điên” lặp lại các nhóm từ “chạy vòng vòng” (3 lần), “hắn không” (2 lần), “hắn điên” (2 lần), “vừa chạy vừa quay” (3 lần), “không” (2 lần), “vừa … vừa” (3 lần). Bài “Cô gái da đen”, có các cụm từ lặp, như “cô gái da đen ơi” (4 lần), “đôi mắt” (6 lần), “buồn” (6 lần), “cuộc đời” (5 lần), “hồn nhiên” (2 lần), “sai” (3 lần).
Nhìn chung, ở đây có lặp từ, cụm từ, lặp âm, do đó tạo nên chất nhạc. Bài “(Những) người điên” còn có gieo vần cuối câu như “không”, “còn”, “vòng” (khổ 1) và “như”, “như” (khổ 2), “và”, “mà” (câu 12, câu 14), “giống” (câu 11) và “sống” (câu 15)… Nói như vậy là họ đã tạo nên chất nhạc riêng do sự trùng điệp này.
Tuyến: Nhà nghiên cứu về thơ, Phan Ngọc cũng viết: “Thơ là một kiểu ngôn ngữ được tổ chức quái đản, giàu tính nhạc, dễ thuộc, dễ nhớ”. Em e rằng 4 bài thơ này khó nhớ, khó thuộc hay không thể nhớ và thuộc được, nó trục trà, trục trặc làm sao đó.
Hiền: Mỗi kiểu thơ theo em, có một “điển phạm” khác nhau, không thể lấy kiểu điển phạm “truyền thống” mà Phan Ngọc đã nêu để làm khuôn mẫu cho thể thơ này. Với kiểu thơ này cần phải thay đổi tầm đón đợi (phạm trù này là phạm trù cơ bản của Mỹ học tiếp nhận trường phái Constance), mở rộng nó để cảm, hiểu thêm một loại thơ, thấy được cái hay riêng, sự cách tân theo con đường riêng và sự đóng góp trong việc phát triển Thơ Việt. Em còn thấy ở đây chất truyện kể và chất văn xuôi, chất tự sự ở mỗi bài thơ thấm đẫm trong đó.
Hoa: Hai bài thơ “Tình buồn” và “Khúc những vì sao may mắn” đều có chủ điểm tình yêu, bài đầu bất hạnh, bài sau hạnh phúc. Bài đầu đề cập đến mối tình tan vỡ, con mắt nhỏ lệ và vấn đề thời gian không chờ được nhau, không nén được giận hờn, bài hai là kiểu tình yêu “mạng” ở hai đầu thế giới, cảm thông, chia sẻ được cho nhau như hai ngôi sao hạnh phúc. Bài “(Những) người điên” với tiết tấu chạy vòng, viết về người điên, nhưng cũng viết về thân phận chúng ta cứ chạy vòng quanh, đi loanh quanh mỏi mòn của kiếp người phi lý, như bài nhạc Trịnh Công Sơn. Bài “Cô gái da đen” là câu chuyện về đôi mắt buồn của gái da đen, xinh đẹp nhưng bên dưới là thân phận của kiếp người bất hạnh, bị quăng ra ngoài lề xã hội với bi kịch của gia đình tan vỡ nhưng cũng là tấm lòng nhân đạo của nhà thơ với sự ao ước mộc mạc mong thấy được “đôi mắt dẹp kia đáng lẽ phải được hồn nhiên”.
Có chuyện, có nghệ thuật kể chuyện, có chất văn xuôi nhưng hai bài đầu có chất trữ tình đậm nét hơn, bài ba thì chất giọng tưng tưng nhưng đầy ám dụ triết lý, bài cuối thì gợi cả tấn bi kịch nhân sinh của một chủng tộc bị áp bức, bi kịch của cái đẹp u buồn và xót xa.
Các em mời tôi phát biểu bổ sung và đúc kết.
Tôi nói: các bài thơ đó thuộc vào một trường phái mới: Có tên là Tân hình thức. Tân hình thức có một số điểm mới và lạ:
Về mặt thời gian: xuất hiện chủ yếu thế kỷ 21, trong khi các khuynh hướng Thơ Việt khác chỉ yếu xuất hiện ở thế kỷ 20.
Về mặt không gian: Trước tiên nó xuất hiện ở cộng đồng hải ngoại gắn với một tên tuổi như một chủ soái của nhóm: Khế Iêm và dần dà du nhập vào trong nước, được một tạp chí văn nghệ có tiếng ở Huế là tạp chí Sông Hương tiếp sức, tháng 11.2013 sẽ có một hội thảo lớn về trường phái thơ này, có tính cách quốc gia và cả quốc tế, mời các em tham dự.
– Về mặt văn học so sánh thì kiểu thơ Tân hình thức này có sự tiếp biến đầy sáng tạo của kiểu thơ Tân hình thức Mỹ và văn hóa Mỹ đặc biệt là tính thực dụng, tính hữu ích được đưa lên hàng đầu, khác với các khuynh hướng thơ thế kỷ 20 như Thơ Mới, Trường Thơ Loạn, nhóm “Xuân Thu Nhã Tập”, nhóm “Sáng Tạo”, các nhóm này chủ yếu được tạo từ cú hích của thơ ca Pháp và văn hóa Pháp các thế kỷ 19 và 20 như Tượng trưng, Siêu thực, Thơ Chữ (Lettrisme). Thơ cách mạng 45-86 lại chịu ảnh hưởng của thơ ca Nga như Maiakobski, Exénhin, Blok, Eptusenkoô…
– Các đặc điểm của loại thơ Tân hình thức này như trở về kiểu thơ truyền thống nhưng lại “thay hồn đổi cốt” bằng lối vắt dòng, tính lặp, chất tự sự, kể chuyện, ngôn ngữ đời thường được tổ chức thành một hệ thống, một cấu trúc, một chỉnh thể tạo nên sự khác biệt, kết hợp tính cổ điển với tính hiện đại, sự lai ghép các thể loại thơ với văn xuôi, trữ tình với tự sự…
– Ngoài ra kiểu thơ này còn chịu ảnh hưởng lớn của tinh thần và cảm quan hậu hiện đại đó là đề cập đến, các câu chuyện tiểu tự sự nhưng mang tính khái quát nhân bản cao, nó đả phá các kiểu đại tự sự như Thơ Cách Tân Tháp Ngà khó hiểu của chủ nghĩa hiện đại cực đoan, đả phá điển phạm Thơ “dễ thuộc, dễ nhớ”, nhưng nó lại trở về truyền thống Thơ kể chuyện của người hát rong thuở xưa. Do đó, nó nối kết nền văn hóa truyền thống cổ truyền, đại chúng, với văn hóa hiện đại, tinh tuyển… Nó cũng mang tính dân gian hiện đại với các kiểu thơ trình diễn “slam”, hướng đến thu hút khối đông độc giả quần chúng quay về với thơ mà trong đó chuyển tải tới các thông điệp về nhân sinh, thế sự, kiếp người với những khao khát, ước mơ, ám ảnh…
– Về mặt thưởng thức, cần làm quen với một kiểu thưởng thức mới, các điển phạm mới, cách đọc mới, đọc một hơi cho hết ý, phải tạm từ bỏ lối nhạc tính, vần điệu cũ để thưởng thức một kiểu nhạc tính mới rất riêng của loại thơ ca này và đặc biệt các thông điệp ẩn đằng sau thơ truyện kể này, với các giọng điệu rất đa dạng hài hước, sầu có, chiêm nghiệm triết lý có, xót xa thương cảm có. Đây là một lối thơ “giả” truyền thống, phân giải hình thức thơ truyền thống, nhại thơ truyền t hống, có chất giọng ngang phè, nooiri loạn của ngôn ngữ đời thường chống lại và cũng kết hợp với ngôn ngữ tao nhã, tinh tế của thơ truyền thống.
– Bốn bài thơ tân hình thức trên được coi là thành công trong chừng mực nào đó. Nó tạo được cảm nhận tức thời của độc giả, và nó cũng lay động được cảm xúc sâu xa của người đọc. Mỗi bài là một phong cách, một giọng điệu, có khí sắc riêng, tạo ra một mảnh thế giới thơ ca riêng.
– Đây còn là một lối thơ đầy tiềm năng và triển vọng ở thế kỷ XXI, lôi kéo độc giả và người sáng tác trẻ đến với thơ để diễn tả những câu chuyện về những mảnh đời đa đoan, nhiều ý vị mà cũng rất sâu lắng của mỗi con người trên hành trình tìm kiếm bản ngã đích thực của mình cũng như những chân lý đa dạng ở cuộc sống…

B. N.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Latest Articles

THƠ HÀO SẢNG: MỘT CÂU TRUYỆN

THƠ HÀO SẢNG: MỘT CÂU TRUYỆN By Frederick Feirstein Thơ Hào...

VIRUS VŨ HÁN VÀ CÂU CHUYỆN TÌNH YÊU

When we try to help others, they consider us enemies. But we can thank them because, through them, we can know the nature of each person. The Wuhan Virus helps us to recognize the good and the bad, to rise above both to retain our human affection. Thanks to that, new love arises. Hopefully.

THÁNG BA

Trần Phương Kỳ Tháng Ba vẫn còn gió lạnh và thỉnh...

XÓM THƯỢNG TỨ

Nguyễn Văn Quế Tên ở nhà của tôi là Lộc....

Poem – I Wouldn’t Change a Thing

Poem - I Wouldn't Change a Thing O'Della Wilson AKA...

MỘT CHUYẾN TRỞ DẠ CỦA NÀNG THƠ

William Noseworthy vừa là nghiên cứu sinh của Trường Đại Học Wisconsin-Madison vừa là nghiên cứu viên cao cấp cho Trung Tâm Khmer Học ở Phnom Penh, Cambodia. Sau khi nhận bằng thạc sĩ (2011), anh đã được một nhánh nghiên cứu về “Văn chương của Cộng đồng Hải Ngoại.” Những bài nghiên cứu của anh xuất hiện trên: ASEAS, the Middle Ground Journal và The IIAS Newsletter. Anh cũng viết bài điểm sách cho Studies on Asia và Cha: An Asian Literary Journal. Hiên này anh đang nghiên cứu về “các ghi nhớ về khu vực biên giới” ở Cambodia và Việt Nam.

Related Articles

THƠ VIỆT TRÊN ĐƯỜNG BIẾN ĐỔI – Khế Iêm

Tùy theo vị trí, các nhà sử học, xã hội học hay văn học có thể nhìn và đánh giá những sự kiện lịch sử theo những chiều hướng khác nhau. Ngay cả trong phạm vi văn học, chúng tôi cũng chỉ lược qua những điểm chính yếu để nhìn ra chiều hướng thay đổi  chứ không đi sâu vào toàn bộ những dòng văn học khác nhau của từng thời kỳ. Vì vậy, khuyết điểm chắc chắc không thể trách khỏi, mong được sự góp ý và bổ sung thêm của thân hữu và bạn đọc. Chúng tôi xin gửi lời cảm tạ tới các thân hữu: Nhà phê bình Đặng Tiến, nhà văn Nguyễn Tiến Văn và Phạm Thị Hoài, nhà thơ Đỗ Kh. và Nguyễn Thị Ngọc Nhung đã góp ý và hiệu đính một số sai sót để bài viết tương đối được hoàn chỉnh. Bài này mới là bài chính thức và mới nhất.

TUẦN THƠ 54: chuỗi tràng hạt !!

HÀ BẠCH QUYÊN tên thật: Nguyễn Thị Duyên Tuổi Thân 1956 Nơi sinh: Khánh Hội - Quận 4 Sài Gòn Bút hiệu cũ trước 1975: Thương Thanh Duyên...

Đất nước vào thu

Tản văn của Nguyễn Tự Lập Vậy là thêm một năm nữa - có lẽ năm thứ hai rồi phải không anh? Đất nước vào...