THƠ VIỆT TRÊN ĐƯỜNG BIẾN ĐỔI – Khế Iêm

Như vậy, hai dòng thơ chính luồng và ngoài luồng đều không có khả năng thay đổi, và những nhà thơ cũng không muốn thay đổi, vì thay đổi có nghĩa là mất hết, không còn gì. Thơ không có người đọc, vì thơ chính luồng chỉ tiếp nối loại thơ vần điệu và phá thể từ thời Tiền chiến, với nội dung lập lại những khuôn mẫu chính trị có sẵn, còn thơ ngoài luồng thì người đọc lại không ai hiểu, và nhà nước cũng muốn như thế vì đỡ đi một mối bận tâm.

Đây là bài viết tham dự hội nghị hàng năm lần thứ 56 của Hiệp hội Nghiên cứu Á châu (Association For Asian Studies), qui tụ giới học giả và nghiên cứu từ các nơi trên thế giới và toàn quốc Hoa kỳ. Website của Hiệp hội Nghiên cứu Á châu (AAS): https://www.asianstudies.org/

Trong hội nghị này, hợp tác cùng Hội đồng Giáo chức Giảng dạy và Nghiên cứu Ngôn ngữ Vùng Đông Nam Á (Council of Teachers of Southern Asian Languages), thơ chỉ là một trong 219 cuộc hội thảo, bao gồm khoảng 800 diễn giả về đủ mọi vấn đề từ lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội, ngôn ngữ, văn học… của các nước Á châu từ Trung hoa, Nhật bản, Đại hàn, Ấn độ cho tới Mã lai, Indonisia… Chủ đề của cuộc hội thảo (panel) thơ: “Poetry as a Window on History and Change in Southeast Asia” (Thơ, cửa sổ qua lịch sử và biến đổi tại Đông Nam Á), với ba nước Thái Lan, Phi Luật Tân và Việt nam. Bốn diễn giả gồm:

1/ Ruth Mabanglo, University of Hawaii, Manoa: “Filipinas in the Margin: Metaphorizing Women in Diaspora.

2/ Chiranan Pitpreecha, Cornell of University: “Recording Motion and Emotion: Poetry as History”

3/ Khe Iem: “Contemporary Vietnamese Poetry: On the Path of Transformation”

4/ John C. Schafer, Humboldt State University: “Trinh Cong Son: A Songwriter and a Poet”

Chủ tọa: Carol J. Compton, University of Wisconsin, Madison. Thảo Luận: Thomas John Hudak, Arizona State University.

Tùy theo vị trí, các nhà sử học, xã hội học hay văn học có thể nhìn và đánh giá những sự kiện lịch sử theo những chiều hướng khác nhau. Ngay cả trong phạm vi văn học, chúng tôi cũng chỉ lược qua những điểm chính yếu để nhìn ra chiều hướng thay đổi  chứ không đi sâu vào toàn bộ những dòng văn học khác nhau của từng thời kỳ. Vì vậy, khuyết điểm chắc chắc không thể trách khỏi, mong được sự góp ý và bổ sung thêm của thân hữu và bạn đọc. Chúng tôi xin gửi lời cảm tạ tới các thân hữu: Nhà phê bình Đặng Tiến, nhà văn Nguyễn Tiến Văn và Phạm Thị Hoài, nhà thơ Đỗ Kh. và Nguyễn Thị Ngọc Nhung đã góp ý và hiệu đính một số sai sót để bài viết tương đối được hoàn chỉnh. Bài này mới là bài chính thức và mới nhất. 

Quí vị nào cần bản tiếng Anh để tham khảo, xin gửi email về TC Thơ.


THƠ VIỆT TRÊN ĐƯỜNG BIẾN ĐỔI

(Hay Bức Tranh Văn Học)

Khế Iêm


Trong hội nghị hàng năm lần thứ 56 của Hiệp hội Nghiên cứu Á châu (Association For Asian Studies) hợp tác cùng Hội đồng Giáo chức Giảng dạy và Nghiên cứu Ngôn ngữ Vùng Đông Nam Á (Council of Teachers of Southern Asian Languages), thơ là một phần của chương trình. Chủ đề của cuộc hội thảo (Panel Description): Thơ, cửa sổ qua lịch sử và biến đổi ở vùng Đông nam Á (Poetry as a Window on History and Change in Southeast Asia). Hiểu một cách nào đó, thơ gắn liền với lịch sử và biến đổi. Lịch sử ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả những biến đổi về ngôn ngữ, văn học và chính trị, vì đó là những yếu tố không thể nào tách rời của khu vực văn hóa. Đề cập tới thơ, có nghĩa là đề cập tới toàn cảnh văn học vì trước thời kỳ chữ Quốc ngữ, Việt nam hầu như không có văn xuôi. Cho đến khi chữ Quốc ngữ được dùng để dịch những tác phẩm của Trung quốc và Pháp, và vào lúc Đông dương Tạp chí (1913) ra đời, mới bắt đầu xuất hiện truyện ngắn. Như vậy tiểu thuyết chỉ mới có từ khoảng đó trở về sau, tiêu biểu là tác phẩm Tố Tâm (1925) 1, một tiểu thuyết lãng mạn của Hoàng Ngọc Phách. Những tiểu thuyết sau đó dù lãng mạn hay hiện thực đều sáng tác nương theo cách kết cấu và diễn đạt qua những tác phẩm dịch ngoại quốc, hòa nhập cùng phong cách của nghệ thuật tu từ của thơ. Những biến động văn học, chủ yếu  do thơ, vì thơ mới chính là linh hồn của mọi biến động trong văn học. Nhưng thơ, xuyên suốt hơn 1000 năm, luôn luôn bị chi phối bởi quyền lực chính trị, cùng với sự thay đổi chữ viết, vì thế chúng ta phải nhìn qua nhiều khía cạnh, nhiều lăng kính từ ngôn ngữ, những biến cố lịch sử cùng ảnh hưởng văn hóa từ Trung hoa và phương Tây để có thể hiểu rõ những khúc quanh chuyển đổi của thơ nói riêng và văn học Việt nam nói chung.


Những thời điểm văn học                            

Trong lịch sử, Việt nam đã có khoảng 1000 năm lệ thuộc Trung quốc2 (từ năm 111 trước  Công nguyên đến năm 938 sau Công nguyên) và 80 năm bị Pháp đô hộ (1883-1945). Những năm tháng mất chủ quyền đã hằn lên dân tộc Việt những dấu ấn văn hóa, và ảnh hưởng sâu đậm tới tâp tục, đời sống và văn học. Người Hán khi cai trị đã mang tới tập tục, đồng thời dạy chữ viết để dùng trong công việc hành chính thông thường, bởi vì trước đó, người Việt có tiếng nói riêng nhưng không có chữ viết. Sau khi Ngô Quyền (939-965) giành được độc lập, đến đời nhà Đinh3 (968-980) mới tổ chức theo chế độ chuyên che của Trung quốc, và tiếp tục dùng chữ Hán trong các công văn giấy tờ và sự giao tiếp giữa hai nước. Thơ chữ Hán có lẽ đã bắt đầu từ đời nhà Lý, do những nhà sư làm ra, thường là các bài kệ3, vì trước đó, việc học chỉ có ở trong các chùa chiền. Phật giáo vào Việt nam qua hai đường Ấn độ và Trung hoa, phần nhiều kinh điển dịch ra chữ Hán nên các nhà sư giỏi chữ Hán, và Hán học nhờ Phật học mà truyền bá trong dân gian.

Đến thế kỷ thứ 10, hầu như mọi nghi lễ, học thuật, văn tự, nghệ thuật, tôn giáo cho tới chế độ gia tộc, chính trị, xã hội đều rập khuôn theo Trung quốc. Năm 1075, vua Lý Nhân Tôn mở khoa thi đầu tiên, để tuyển chọn nhân tài ra làm quan. Do đó, tuy thoát ra khỏi sự lệ thuộc về chính trị, nhưng vẫn lệ thuộc vào chữ viết và văn hóa, cho đến đời vua Trần Nhân Tôn (1279-1298), Hàn Thuyên5 lấy chữ Nôm làm bài “Văn Tế Cá Sấu”, một loại chiết tự theo chữ Hán, nay đã thất truyền. Chữ Nôm, chuyển âm nói của tiếng Việt, cách viết cũng khó như chữ Hán, chỉ giới quan lại và sĩ tử mới hiểu, nên không thông dụng trong dân chúng. Chữ Nôm có từ bao giờ, không ai biết, nhưng có lẽ phát sinh từ nhu cầu của đời sống xã hội, có những tên người, tên xứ, tên đồ vật… không dùng chữ Hán để viết trong các công văn, giấy tờ, phải ghép những chữ Hán, một phần hay toàn thể, để thành chữ mới, viết tiếng Việt. Chữ Nôm có một số qui luật nhưng chưa được điển chế đúng mức, mỗi người dựa theo ý riêng mà đặt thành nên khi đọc phải đoán ý mà hiểu.

Vào thế kỷ 16, trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh, những nhà buôn và nhà truyền giáo phương Tây bắt đầu đặt chân tới Việt nam. Vì chữ Nôm khó học, các giáo sĩ bèn dùng mẫu tự Latinh, ghi âm tiếng Việt để dễ dàng truyền đạo, và dịch kinh Thánh. Chữ Quốc ngữ là công sức của nhiều người, gồm các giáo sĩ Ý, Pháp, Bồ Đài Nha… Đến năm 1651, Giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1591-1660) soạn ra cuốn tự điển Việt-Bồ-La và in tại Roma thì chữ Quốc ngữ được dùng từ đó. Khi người Pháp chiếm Nam kỳ6 vào năm 1863, chiếm toàn Việt nam 1884, đặt Nam kỳ làm thuộc địa (áp đặt dùng chữ Quốc ngữ), Bắc và Trung kỳ thuộc chế độ bảo hộ (chữ Quốc ngữ được dùng sau đó). Vào thời kỳ đầu, phải lo bình định những phong trào Cần Vương7, đến năm 1915 mới bãi bỏ chế độ khoa cử ở miền Bắc, và Huế vào năm 1919, mở trường đào tạo một thế hệ mới, để làm việc cho Pháp. Song song, năm 1906 Phan Bội Châu tổ chức phong trào Đông du8, đưa sinh viên Việt nam sang Nhật du học, vì thấy Nhật Âu hóa mà trở nên hùng mạnh, nâng cao tinh thần yêu nước của thanh niên. Đầu năm 1907, một số nhà Nho yêu nước như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc… mở trường Đông kinh Nghĩa thục9, chủ trương bỏ chữ Nôm, dùng ngay chữ Quốc ngữ, đưa vào tinh thần dân tộc, tiếp thu tư tưởng mới, nâng cao dân trí, chống lại sự đồng hóa văn hóa.

Đến cuối năm 1907, Pháp đóng cửa Đông kinh Nghĩa thục, ký kết với Nhật cấm du học sinh. Công cuộc tranh đấu của phong trào Đông du và Đông kinh Nghĩa thục thất bại, một số học giả quay về thỏa hiệp với Pháp, làm công việc nghiên cứu, khảo luận, dung hòa văn hóa Đông Tây. Nằm trong chiến dịch tuyên truyền văn hóa, chính phủ thuộc địa Pháp tài trợ cho Đông Dương tạp chí10 (1913-1915) của Nguyễn Văn Vĩnh, chuyên dịch thuật những tác phẩm từ Hán văn và Pháp văn ra Quốc ngữ, đặc biệt là Nam Phong tạp chí11 (1917-1932) của Phạm Quỳnh, bằng ba thứ tiếng, Việt (Quốc ngữ), Pháp và Hán, lựa chọn những tác phẩm có giá trị tư tưởng, biên khảo công phu, mang tính học thuật, phát hành rộng rãi để lôi kéo mọi thành phần người đọc, từ cựu đến tân học, truyền đạt học thuật cổ kim và du nhập tư tưởng Đông Tây. Cuốn “Tục ngữ Phong dao” (1928) của Nguyễn Văn Ngọc (1880-1942), sưu tầm 8000 câu ca dao tục ngữ12, nằm trong chiều hướng đó, bắc cầu cho sự hòa điệu sau này giữa thơ cũ và mới. Ở đây chúng ta thấy sự quan trọng của chữ viết, mẫu tự La tinh dễ học, dễ viết, gần gũi với chữ viết của Anh, Pháp, đã chuyển ảnh hưởng văn hóa từ Trung quốc qua phương Tây.

Từ 1932, một thế hệ mới trưởng thành, không còn theo khuynh hướng dung hòa văn hóa Đông Tây của thế hệ Đông dương và Nam phong tạp chí, đả kích cái cũ, ca ngợi cái mới. Khởi đầu là nhà văn Nhất Linh, xuất bản tờ Phong Hóa13, và thành lập Tự Lực Văn Đoàn vào năm 1933, gồm Nhất Linh, Khái Hưng (1896-1947), Thạch Lam (1910-1942), Hoàng Đạo, Tú Mỡ, Nguyễn Gia Trí (1908-1993) và Thế Lữ (1907-1989), dùng chữ quốc ngữ để sáng tác thơ văn. Sau đó thêm Xuân Diệu (1916-1985). Nhiều nhà thơ khác, Huy Cận (1919-), Vũ Hoàng Chương (1916-1976), Đinh Hùng (1920-1967)… xuất thân từ dòng dõi Nho học, có Tây học, kết hợp giữa thơ Đường với ca dao, là một dòng thơ dân gian, và văn thơ Pháp, để làm thành loại thơ vần điệu đặc biệt Việt nam, gọi là Thơ Mới14. Cho tới thời điểm này, mọi sinh hoạt chữ nghĩa, văn thơ bằng chữ viết, đều hạn chế trong những thành phần có học ở thành phố, vì đa số người dân  vẫn còn mù chữ. Đến đây, văn học Việt nam chính thức bước hẳn qua một thời kỳ khác, chấm dứt một thời gian dài ảnh hưởng văn hóa Trung hoa.

Trước đó, Việt nam theo chế độ quân chủ chuyên chế của Trung quốc, dựa vào cách tổ chức xã hội của Nho giáo để cai trị dân. Nho giáo trở thành một học thuyết chính trị và nhà Nho khi làm quan, trở thành những nhà chính trị, thi hành lý tưởng trị nước an dân. Nho giáo chủ trương quân quyền và phụ quyền, vua là con trời, bắt bầy tôi chết, bầy tôi phải chết. Cũng như trong chế độ gia trưởng, quyền của người cha là tuyệt đối. Vua chúa dựa vào giai cấp Nho sĩ để trị nước an dân, Nho sĩ dựa vào vua chúa để hưởng đặc quyền đặc lợi. Để thi hành quan điểm chính trị, nhà Nho nắm lấy chính quyền, ra làm quan, qua con đường khoa cử.  Trong các kỳ thi15, sĩ tử phải làm thơ văn bằng chữ Hán, đúng vần và luật, rất phức tạp và khó khăn, và nếu phạm những điều cấm kỵ, có thể bị tù tội. Nho học biến thành lối học khoa cử, kết quả là từ vua tới quan đều là những nhà thơ lành nghề trong các lối từ chương, tiểu xảo, đẽo gọt câu chữ sao cho cầu kỳ bóng bảy. Vì vậy trải qua gần hai ngàn năm ảnh hưởng Trung hoa, thơ chữ Hán chỉ là loại thơ quan trường, ít có giá trị, nếu so sánh với những nhà thơ đời Đường của Trung hoa. Thơ từ khởi đầu là một phương tiện tìm kiếm quyền lực, rồi sau đó trở thành quyền lực. Khi nhà Nho biến thành ông quan, những nhà cai trị, thơ mang ý nghĩa linh thiêng, tôn kính, không còn là một nghệ thuật thông thường. Chữ Hán được coi như chữ của Thánh hiền, không thể đem ra để đùa cợt, giải khuây. Nhưng từ khi Hàn Thuyên dùng chữ Nôm, là chữ nôm na của bọn dân quê chất phác, làm bài văn tế, thì càng lúc càng có nhiều người làm thơ chữ Nôm để làm dịu bớt những lễ nghi phép tắc căng thẳng trong chốn quan trường. Thơ Nôm mượn những thể thơ của Trung hoa, dần dần chuyển hẳn, dùng ngay thể thơ dân gian là lục bát hay song thất lục bát. Như vậy, lúc đầu những nhà thơ chỉ dùng chữ Nôm làm thơ để mua vui, sau đó một số nhà thơ có tài, lại gặp được thứ chữ có thể tự do giải bày tâm sự, đã đẩy thơ Nôm lên hàng nghệ thuật hơn cả thơ Đường, làm thành dòng thơ cổ điển, tiêu biểu là Nguyễn Trãi. Con người quan cách lấn lướt con người mua vui, thơ Nôm trở thành loại thơ cao cấp, đầy điển tích khó hiểu, thay thế thơ chữ Hán.

Nếu trước kia thơ chữ Hán và quyền lực chính trị nhập làm một thì bây giờ, thơ chữ Nôm tách ra, đối kháng với quyền lực chính trị. Trong con người nhà thơ, ẩn chứa hai thứ quyền lực, vừa ảo tưởng vừa chính trị, vừa là nhà thơ vừa là ông quan, như Nguyễn Du tuy làm quan với triều đình nhà Nguyễn nhưng luôn luôn bất mãn, đành dùng thơ để gửi gấm tâm sự. Thơ chữ Nôm cũng như chữ Hán là sản phẩm của nền văn hóa phong kiến, thấm đẫm tính chất quan quyền, độc đoán, mất hẳn sự cảm thông với đại chúng, chỉ dành riêng cho tầng lớp sĩ phu, tự mệnh danh là “đại nhân, quân tử”. Người đọc và nhà phê bình, dĩ nhiên, không có vị trí nào trong dòng thơ đó. Khi người Pháp vào đô hộ, chấm dứt khoa cử, đào tạo một thế hệ mới, vì chỉ lo trị an, ít quan tâm và can thiệp vào việc sáng tác, nên thơ văn mới rũ bỏ được những ám ảnh quyền lực ảo tưởng và chính trị.

Người bình dân không biết chữ Hán, chữ Nôm, còn chữ Quốc ngữ chưa phát triển, đứng ngoài thế giới văn học, có đời sống tinh thần và tình cảm riêng biệt, gần gũi với thiên nhiên, bộc lộ qua những câu hò giọng hát, từ hàng ngàn năm trước. Ca dao là câu hát phổ thông trong dân gian, thường là theo thể lục bát hay song thất lục bát, diễn tả những lề thói, phong tục, tính tình của bình dân đại chúng. Vì trong sinh hoạt thường ngày, như đi cấy, tát nước, giã gạo, ngay cả ru con, không có công việc nào mà người bình dân không kèm theo những câu hát, để làm vơi đi những sự khó nhọc. Thật ra, ca dao cũng do những người có học làm ra, để răn dạy đời, hay phản ảnh tâm tư tình cảm, và là một nhu cầu trong sinh hoạt của xã hội nông nghiệp. Ca dao vì vậy rất ngắn gọn, 2 hay 4 câu, là một ngôn ngữ có vần điệu, một ngữ điệu hát hò, là một loại văn chương truyền khẩu hay văn chương bình dân.

Trong khi thơ Đường là một thơ thể luật, rất khắt khe và gò bó, niêm luật từng câu dòng, như ngũ ngôn tứ tuyệt (một dòng 5 chữ, 4 câu) hay thất ngôn bát cú (mỗi dòng 7 chữ, 8 câu). Thơ Mới mượn vần, các thể 5, 7 chữ của Đường thi, thêm vào thể 8 chữ và lục bát, nương theo ngữ điệu của ngôn ngữ. Nhưng ca dao cũng chỉ dừng lại ở những câu hò hát, theo bản năng tự nhiên, không thể tạo thành luật tắc và quan điểm mỹ học riêng. Những nhà thơ cổ điển và Tiền chiến theo tiếng gọi của tiềm thức, qua ca dao, tìm về bản sắc dân tộc, để hình thành dòng thơ Việt, nhưng đơn thuần chỉ nói lên tâm tình của một thiểu số có địa vị trong xã hội. Nếu thơ cổ điển đầy những điển tích và hình ảnh của một đất nước Trung hoa xa lạ thì thơ Tiền chiến là những tình tự trai gái, lãng mạn và cá nhân chủ nghĩa, lạc lõng trong đời sống xã hội truyền thống. Trong dòng thơ Việt, cho tới bây giờ chưa bao giờ có hình bóng của đám đông. Đám đông dân chúng, thật ra là mọi thành phần ở ngoài giai cấp văn học, luôn luôn bị nhìn như những kẻ thất học.

Điều đáng nói là từ năm 1932 đến 1945, đất nước tương đối thanh bình, nhưng  đến năm 1945, thế chiến II chấm dứt, Việt nam rơi vào cuộc chiến 9 năm chống Pháp, và kết quả là hiệp định Genève16, 20-7-1954, chia đôi đất nước: Miền Bắc theo chế độ cộng sản, miền Nam theo chế độ tư bản. Chẳng bao lâu sau, khoảng cuối năm 1960, một cuộc chiến khác bùng nổ, và lần này là cuộc chiến giữa hai miền. Và cũng ở vào thập niên này, miền Bắc có phong trào Nhân văn Giai phẩm17, và miền Nam với phong trào thơ tự do, cả hai đều gồm những nhà thơ có khuynh hướng thoát ra khỏi dòng thơ Tiền chiến, sáng tác theo thể tự do hay gần với thể thơ tự do. Năm 1975, chiến tranh chấm dứt, thơ Việt rơi vào hai thập niên bất động, và tới đầu năm 2000 mới nổi lên phong trào thơ tân hình thức. Trong bài viết, chủ yếu chúng tôi dùng phương pháp so sánh, và nương theo những biến cố lịch sử quan trọng để làm bật lên đặc tính và sự chuyển hóa của thơ Việt, từ thập niên 1960 tới nay.


Con đường chuyển hóa

Trong thời gian đô hộ Việt nam, Trung hoa có thời đại nhà Đường (618-906), một thời kỳ cực thịnh về văn học, đặc biệt là thơ với thơ Đường. Cách làm thơ Việt, dù có thay đổi qua nhiều thời đại, nhiều thời kỳ thơ, và cả khi thay đổi chữ viết, vẫn theo tinh thần và phong cách Đường thi. Để hiểu rõ hơn tính cách này, chúng ta có thể dựa vào điển tích như sau:

Nhà thơ Trung hoa, Giả Đảo (779-843), khi còn thanh niên, lên kinh đô thi, có làm 2 câu thơ:

Mã túc trì trung thụ
Tăng thôi (xao) nguyệt hạ môn

Ngựa ngủ ở khóm cây bờ ao
Sư đẩy (gõ) cánh cổng dưới ánh trăng

Ông chưa ưng ý chữ “thôi” (đẩy), đang đi đường suy nghĩ, không hay có quan Lệnh doãn (quan coi về kinh sư) là Hàn Dũ (768-824) đi qua. Lính dẹp đường bắt, ông trình bày lý do, Hàn Dũ khuyên ông dùng chữ “xao” (gõ) thay vì chữ “thôi” (đẩy), đắc địa hơn, và tha cho. Ý của hai câu thơ vừa sâu sắc vừa đòi hỏi người đọc phải có một sở học uyên thâm. Giả Đảo mượn quan điểm của Phật giáo, coi trần tục là cõi “tâm viên ý mã”, có nghĩa là tâm con người nhảy nhót như vượn, ý lồng lộn như ngựa, không lúc nào yên. Nhà sư kiềm chế được cái tâm của mình, như hình ảnh con ngựa ngủ bên khóm cây, bóng soi dưới bờ nước, tượng trưng cho cõi đời hư ảo. Nhưng khi an được cái tâm rồi, nhà sư đẩy( gõ) cửa, để tìm ra chân lý, vì phật pháp, kinh kệ chỉ là một phương tiện, là ngón tay chỉ, và mặt trăng mới là chân lý. Nhà sư đang trên hành trình đi tìm giải thoát, tìm niết bàn. Hình ảnh con ngựa, cánh cửa, và ánh trăng tượng trưng cho cái tâm con người, phật pháp và chân lý. Hàn Dũ khuyên dùng chữ “xao” có nghĩa là “gõ”, không những xảy ra trong tức khắc, mà còn như ám chỉ, chân lý không ở đâu xa, chỉ trong gang tấc.

Với hai câu thơ thôi, mà đã mở ra cả một nhân sinh quan. Đây là cách làm thơ “ý tại ngôn ngoại”, có nghĩa là ý ở ngoài lời. Sau này, Giả Đảo làm quan, khi cáo lão điền viên, trở thành nhà sư, vẫn tiếp tục làm thơ, từng than:

Lưỡng cú tam niên đắc
Thi thành song lệ thùy

Ba năm làm được hai câu
Thơ xong, hai dòng lệ ứa

Sự tích “Thôi Xao” (đẩy, gõ), và phương cách thể hiện ý ở ngoài lời ảnh hưởng xuyên suốt đời sống văn học Việt, từ chữ Hán qua Quốc ngữ, từ thơ Đường qua Tiền chiến, và tự do. Thi pháp Đường thi là một nghệ thuật cấp cao, đòi hỏi người làm thơ và đọc thơ phải tinh tường ba nguồn tư tưởng Phật, Lão và Nho giáo, không chủ trương phản ảnh, mà là vượt thoát khỏi thế giới thực tại. Thơ cổ điển và Tiền chiến là một nghệ thuật tu từ, dùng chữ, chọn chữ, theo như quan niệm của Giả Đảo, chỉ khác là thơ cổ điển lạm dụng điển cố, rút ra từ văn học Trung quốc, còn thơ Tiền chiến chủ vào ngôn ngữ óng chuốt để diễn đạt tình tự lãng mạn. Thơ Việt cho đến 1945, sinh hoạt trong một xã hội bình thường, nên cách làm thơ theo đúng nghệ thuật tu từ, nhưng sau thập niên 1960, ở cả hai miền Nam Bắc, hoàn cảnh xã hội thay đổi, phong cách cũ đã không còn phù hợp, những nhà thơ tìm cách thay đổi phương pháp biểu hiện.

Ở miền Bắc, nhà nước cấm đoán mọi sự thay đổi, nên những nhà thơ trở lại với con chữ, dù rằng những sáng tác không thể phổ biến, chỉ giữ lại cho riêng mình. Chữ được dùng một cách khác thường, dù chỉ là những chữ thông thường, không quan tâm tới vấn đề cú pháp, biện minh bằng phương pháp ý ở ngoài lời, đa tầng đa nghĩa, nhưng không có nghĩa nào là đúng thực. Trong khi ở miền Nam, những nhà thơ chủ trương đổi mới, đa số di cư từ miền Bắc 1954, còn xa lạ với môi trường sống, vài năm sau lại bị cô lập trong thành phố vì chiến tranh, quay về nội tâm và sách vở, chú tâm vào chữ, mục đích để tạo cảm xúc chứ không phải truyền đạt tư tưởng. Như vậy, cả hai miền Nam Bắc, và thơ tự do ngoài luồng sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975, quan điểm tu từ là tìm những chữ hiếm, chữ lạ, làm bật lên một số chữ để tạo nên những hình ảnh bất ngờ, không có gì là thực.

Ảnh hưởng phương Tây, manh nha từ thập niên 1920 cho tới lúc này, từ tư tưởng chính trị đến văn học, vốn dĩ đã chứa đầy tinh thần cực đoan, trong lúc trình độ dân trí chưa đủ sức phân biệt và chọn lọc cái hay cái dở, nên chỉ tiếp nhận được cái phần tiêu cực của những chủ thuyết, Cộng sản và Siêu thực chẳng hạn, mà không biết rằng ở phương Tây, người ta đã sàng lọc và đào thải. Sự hăng say quá đáng, đả phá truyền thống của những nhà văn thời Tự lực Văn đoàn là một điển hình, khởi đầu cho những nhiễu loạn trong văn học. Hoàng Đạo, với “Mười Điều Tâm Niệm”, đổi mới hoàn toàn đổi mới. Nhất Linh trong tiểu thuyết “Đoạn Tuyệt”, người vợ tên Loan, tiêu biểu cho thành phần Tây học, vô tình can tội giết chồng là Thân, tiêu biểu cho những giá trị cổ truyền. Hình ảnh châm biếm Lý Toét, Xã Xệ17, coi xã hội cũ chỉ toàn những kẻ mù loà, ngu dốt nơi làng thôn. Như vậy khi chỉ tiếp thu được phần tiêu cực của phương Tây thì cũng đánh giá và nhìn truyền thống qua phần tiêu cực mà không phân biệt và rút ra phần tích cực để bổ khuyết và phát huy truyền thống.

Vụ án ngộ sát trong Đoạn Tuyệt, mang tính bạo động đã là mầm mống cho hàng loạt những cuộc bạo động và quá khích sau này. Bởi vì chỉ tiếp thu thành phẩm, đọc những tác phẩm của những tác giả lớn phương Tây, rồi suy diễn và phán đoán, mà không nắm được cốt lõi về ngôn ngữ và văn hóa cùng tiến trình chuyển biến về văn học và xã hội đã đưa tới tình trạng văn học luẩn quẩn trong thuật ngữ và tu từ, suốt hơn nửa thế kỷ qua. Nhưng thế hệ sau tiếp tục đi theo bước chân của thế hệ trước, và cho đến bây giờ vẫn coi phương Tây là tuyệt đối văn minh, tạo nên tinh thần độc tôn, bảo thủ, coi người dân bình thường vẫn chỉ là những Lý Toét Xã Xệ của thời Tự lực Văn đoàn, và thơ Việt toàn chữ nghĩa và sách vở, vắng bóng đời sống của mọi thành phần trong xã hội.

Nhưng thơ Việt thập niên 1960 và sau 1975 không chỉ có thơ tự do, mà song song đó vẫn còn thể loại thơ vần điệu, chỉ khác là thơ chính luồng ở miền Bắc nội dung sáng tác chủ vào giai cấp đấu tranh, tính đảng và tính chiến đấu, còn ở miền Nam là làm mới nội dung về tình yêu. Tuy nhiên, dòng thơ vần điệu chỉ thể hiện được cái hay cái đẹp của thơ, chứ không phải là động lực để đẩy thơ chuyển động. Như vậy từ sau thời kỳ Tiền chiến, thơ văn Việt chia làm hai ngả, một đàng vẫn tiếp tục lối diễn đạt theo kiểu tình tự trong sáng, nối tiếp Tự Lực Văn Đoàn, không còn mấy tác dụng, một đàng đổi mới văn học cũng có nghĩa là đổi mới ngôn ngữ, biến thành một dòng văn học chỉ vụ vào chữ, cả thơ lẫn văn. Sự bế tắc kéo dài tới bây giờ, có lẽ vì thiếu hẳn một căn bản mỹ học mới, dẫn tới sự nghèo nàn cả phần tư tưởng học thuật, và đó là vấn đề chúng ta phải giải quyết.

Tu từ học (rhetoric) cổ Hy lạp có từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, là một nghệ thuật hùng biện trước công chúng, trong đó bao gồm cả cách dùng chữ, dù văn nói hay văn viết, một nghệ thuật lý luận và giải thích, chuyên chở tư tưởng để thuyết phục người nghe, đặt căn bản trên cú pháp. Lý luận vì thế phải mạch lạc rõ ràng, một vấn đề đặt ra phải dẫn dắt người đọc am hiểu tới nơi tới chốn. Lý luận cũng như tinh thần tự do dân chủ, là một tập tục, một truyền thống lâu đời, có khả năng làm bật ra sự thật, và người nói hay viết phải có tài năng và kiến thức để giải quyết vấn đề một cách rốt ráo, có đầu có đuôi, như một câu truyện kể. Trong thơ, tu từ (rhetorical figure) không làm thay đổi nghĩa chữ mà chỉ là cách lập lại, tạo hiệu quả nhấn mạnh. Nói rõ thêm, tu từ là sự tìm kiếm và dàn dựng ý tưởng qua phong cách diễn đạt, đào tạo khả năng diễn giảng cho giới tu sĩ, luật sư và những nhà chính trị. Ngay từ thời Trung cổ, sinh viên đại học được học về tam khoa (trivium) — văn pháp, tu từ pháp và biện chứng pháp (grammar, rhetoric, and dialectic) — nhấn mạnh vào phong cách và lý luận.

Đến thời Phục hưng, khi máy in được phát minh, chữ viết càng ngày càng trở nên quan trọng, qua nhiều thời kỳ của từng thế kỷ, tu từ chuyển từ thực hành văn nói sang văn viết, và cho đến bây giờ là lý thuyết dạy về văn chương và ngôn ngữ tiếng Anh. Phương pháp giảng dạy đã đạt tới sự hoàn hảo song hành với nền giáo dục, và sau này, Tân tu từ (New rhetoric) lại đưa ra một quan điểm mới, không những chỉ liên quan đến nội dung, cấu trúc hay phong cách bản văn trình bày, mà còn bao gồm thêm vấn đề chính trị xã hội, gắn liền với đời sống, để sự giao tiếp được trung thực, bởi sự hòa trộn nhiều sắc dân sống chung với nhau, có những đặc tính văn hóa riêng, nên thường xảy ra  trường hợp, dù chỉ là những câu chữ đơn giản, cũng đưa tới sự hiểu lầm ý định của người nói hay viết. Tân tu từ vì thế, tách ra khỏi quan điểm cũ, thay vì nghiên cứu bản văn qua nội dung hay cái đẹp, thì bây giờ trở thành phương tiện giải mã thông tin về văn hóa xã hội, tạo sự hiểu biết lẫn nhau giữa mọi con người. Dĩ nhiên, tu từ cũng có khi rơi vào nghĩa tiêu cực (negative terms), dùng chữ khoa trương không cần thiết (unnecessary amplification), giả dối (sham words), rỗng không (empty)… Nói chung, tu từ theo quan niệm phương Tây chỉ là một phương pháp, giúp con người mở ra với thế giới, thì trong khi theo cách hiểu của người Việt lại là cánh cửa đóng lại với thế giới bên ngoài, diễn biến theo đúng với hoàn cảnh lịch sử.

So sánh hai quan niệm về tu từ, chúng ta có thể nhìn ra lý do tại sao thơ Việt phải chuyển hóa. Quan niệm một câu thơ có một chữ hay là một câu thơ hay, một bài thơ có một câu thơ hay là một bài thơ hay. Theo tiến trình, chữ tồn trữ trong đầu người đọc qua học hỏi và kinh nghiệm (từ Hán Việt chẳng hạn), là một ký hiệu gồm âm thanh hình ảnh (signifier) và khái niệm (signified) tự nó có sẵn, và khi tác phẩm văn học chỉ dùng chữ hay câu chữ để gây ấn tượng và cảm xúc, đưa người đọc nhập vào thế giới siêu hình, siêu thực (thật ra, không có gì trong đó, ngoài chữ), tạo ra những ảo giác từ chữ, cắt lìa với đời sống hiện thực. Cái phù phiếm của văn chương, nếu quá độ sẽ biến thành độc hại, và ngôn ngữ sẽ là thuốc độc, mê hoặc con người, nếu không còn là phương tiện chuyển tải tư tưởng từ người này sang ngưới khác. Chữ trở thành đặc quyền đặc lợi cho một thiểu số văn hóa, một thứ quyền lực, nội bất xuất, ngoại bất nhập, và nhà thơ cảm thấy an toàn khi thoát khỏi thực tại. Cái hay của tác phẩm là cái hay của cảm xúc và hình ảnh toát ra từ chữ, cái dở là từ đó đã kéo theo cả một nền văn học không phát huy được trong bình diện tư tưởng. Như vậy sự khác biệt giữa hai hệ thống, một đàng biến đổi quan điểm tu từ của Đường thi, từ cách dùng chữ tự nhiên thành bí hiểm, khó hiểu, một đàng dựa vào văn phong và nghị luận, không ngừng tìm kiếm tư tưởng, thay đổi cho phù hợp với thời đại xã hội, vì thế hai bên không thể nào hiểu nhau, dù có chuyển ngữ qua lại những tác phẩm văn học.

Thơ Việt, trong dòng chảy tự nhiên, đã có những thời điểm đáng ghi nhớ. Sau Thế chiến, ngay trong thập niên 1940, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thơ vần điệu đã không còn đủ sức chuyên chở những biến động của thời thế, và thơ tự do, thật ra chỉ dừng lại ở loại thơ phá thể,  bắt đầu với những nhà thơ như Trần Mai Ninh, Nguyễn Đình Thi, Hữu Loan, Hoàng Cầm… Rồi chiến tranh chấm dứt, đất nước chia đôi, miền Bắc tự cô lập với thế giới phương Tây trong cơ chế xã hội chính trị, mọi sáng tác văn nghệ đều phải dưới quyền chỉ đạo của Đảng và nhà nước. Một biến cố lớn trong giai đoạn này là vụ án Nhân văn Giai phẩm. Sau đại hội đảng cộng sản Liên xô lần thứ 20, vào tháng 2-1955, Nikita Khruschev (1894-1971) lên án đường lối sùng bái lãnh tụ của Joseph Stalin (1879-1953), đồng thời được tiếp nhận thêm phong trào Trăm hoa Đua nở19 của Trung quốc 1956, tổng bí thư đảng cộng sản Việt nam là Trường Chinh, bật đèn xanh cho một số văn nghệ sĩ trí thức, xuất bản Nhân văn Giai phẩm, số mùa Xuân vào tháng 1-1956, gồm Trần Đức Thảo, Phan Khôi, Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt… đòi hỏi tự do sáng tác và tách rời văn nghệ khỏi chính trị.

Nhưng cùng năm đó lại xảy ra cuộc cách mạng Poznan20 ở Ba Lan và Budapest21 ở Hungary, do những thành phần công nhân và sinh viên nổi dậy, nương theo tinh thần xét lại của Khruschev đề ra, nhưng vì Liên xô sợ sẽ làm thay đổi chủ nghĩa cộng sản ở những xứ này nên ra tay can thiệp, và dập tắt. Đảng cộng sản Việt nam cũng sợ sẽ có biến động, liền lập tức đàn áp, khủng bố tinh thần những thành viên phong trào. Đặc biệt những nhà thơ của phong trào phần nhiều làm thơ tự do, một thể loại bị lên án và cấm đoán từ thời kháng chiến, có lẽ vì cái tên gọi của nó: tự do, dù rằng đây chỉ là loại thơ phá thể không vần, chứ không phải là thơ tự do theo quan niệm của phương Tây. Phần lớn những nhà thơ sau đó, đành phải tìm lối thoát cho riêng mình, lui vào bóng tối, tránh né đời sống, đi sâu vào phong cách tu từ.

Trong lúc, thập niên 1960 ở miền Nam, những nhà thơ tiếp nhận thơ tự do phương Tây, trong bối cảnh, người Pháp cuối cùng rời khỏi Việt nam, chấm dứt một thời kỳ dài đô hộ, để rồi, một cuộc chiến khác bắt đầu bùng nổ. Những nhà thơ này, ảnh hưởng văn hóa Pháp, quay lưng lại với vần điệu Tiền chiến, cổ súy phong trào thơ tự do. Khác biệt về hoàn cảnh xã hội, hệ thống ngôn ngữ và văn hóa, phương pháp biểu hiện, lại ở cách xa một nửa địa cầu, nên khi tiếp nhận thơ tự do phương Tây trên trang giấy, thơ tự do Việt biến thành loại thơ tu từ khó hiểu. Thơ tự do là đặc điểm của ngôn ngữ đa âm, hình thức gắn liền với cách đọc, có khả năng tạo nhạc tính, không có công dụng với ngôn ngữ đơn âm, nếu chỉ đơn giản phân bố chữ trên trang giấy. Căn bản của thơ dựa vào nghệ thuật diễn đạt, cú pháp tạo ra cách đọc (âm pháp), cách đọc tạo ra ý tưởng, và ý tưởng liên kết với nhau qua cấu trúc (đối với thơ Tân hình thức thì qua thể thơ) của toàn bài tạo ra tư tưởng. Sự thất bại của thơ tự do thập niên 1960 ở miền Nam đưa tới phản ứng ngay trong thời kỳ đó, là thơ vần điệu bắt đầu trở lại, cùng tư tưởng Thiền học phương Đông, cuốn theo phong trào Phật giáo sau cuộc đảo chánh vào năm 1963, với những nhà thơ như Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn, Phạm Thiên Thư… cũng là tu từ. Như vậy, cả hai miền Nam Bắc, dù ở hai hoàn cảnh hoàn toàn khác biệt, thơ vẫn đi theo một hướng chung, nằm trong khuôn mẫu tu từ, bởi sáng tác bằng tu từ dẫn tới phương pháp phê bình bằng tu từ, thưởng thức bằng tu từ, và thậm chí suy nghĩ cũng bằng tu từ.

Sau biến cố 30 tháng 4 – 1975 22 Việt nam mất liên hệ với với thế giới phương Tây. Một phần người Việt di tản ra khỏi nước, trong khởi đầu vì những đau thương mất mát, một phần bận rộn, và thích ứng với đời sống mới nơi xứ người, cùng lúc trong nước, những nhà thơ trẻ trưởng thành trong thời kỳ đóng cửa, không có gì để tiếp nhận đành phải trở về với phần dịch thuật và sáng tác của miền Nam thời thập niên 1960. Nhưng thật ra, những nhà thơ trẻ chẳng phải chỉ tiếp nhận văn học miền Nam, mà họ còn sống trong không khí gần gũi với giai đoạn Nhân văn Giai phẩm, tiếp nhận luôn phong cách tu từ của những nhà thơ thập niên 1960 ở miền Bắc, vô tình làm trung gian hòa giải giữa hai dòng thơ, lạ lùng thay đều là hai dòng thơ ngoài luồng trong thời đại của họ. Thơ trẻ nằm trong hệ quả đó, tu từ là chính, quay mặt với đời sống, mang tâm thức nổi loạn, chẳng khác nào thế hệ thời thập niên 1960, dù tiêu cực hay tích cực, của cả hai miền. Và khi vai trò của họ xong thì cũng chấm dứt luôn phong trào thơ Trẻ, vì làm sao đi xa được khi đã mắc vào cái bẫy của hai dòng thơ Nam Bắc, và có lẽ định mệnh đã phục sẵn trong tên gọi: thơ Trẻ.

Thật ra, những nhà thơ thời Nhân văn Giai phẩm, miền Nam thập niên 1960, và thơ Trẻ đều là những người muốn đổi mới văn học. Nhưng những nghệ sĩ phương Tây, khi phản ứng với xã hội và thời đại, họ đều lồng vào những thay đổi mang tầm mỹ học.  Thơ tự do phương Tây đầu thế kỷ 20 là một cuộc cách mạng mỹ học lớn, thay đổi phương pháp biểu hiện, phản kháng lại xã hội kỹ nghệ, và những phong trào tiền phong nửa sau thế kỷ, khai phá thêm những khía cạnh mỹ học và quan điểm mới cho thơ tự do. Điển hình là suốt thế kỷ 20, khi chủ nghĩa đế quốc (dù tư bản hay cộng sản), và chiêu bài quốc gia được giương cao, kết hợp nhiều sắc dân lập thành những khối liên kết, thì những nghệ sĩ phần mảnh tác phẩm của họ, như tập thơ “The Waste Land” của T.S. Eliot, tranh lập thể của Picasso, và mới nhất là phong trào Tiền phong thơ Ngôn ngữ Hoa kỳ, thập niên 1980, khi coi ngôn ngữ là biểu tượng cho quyền lực chính trị, họ phần mảnh cú pháp, đưa ra quan điểm mỹ học của họ.

Nhưng sau khi chiến tranh lạnh23  chấm dứt, những sắc dân tách lìa,  xung đột tạo nên những thảm cảnh chiến tranh cục bộ, thì thơ Tân hình thức lại quay về với sự liền lạc của cú pháp, những lý tưởng tự nhiên, toàn bích tiêu biểu qua các thể thơ, thể hiện mong ước được sống cuộc đời bình thường, như một cố gắng xóa bỏ dị biệt, kêu gọi sự cảm thông chia sẻ với nỗi khốn khó của mọi kiếp người. Sỡ dĩ các nghệ sĩ phương Tây gây được những phong trào tiền phong lớn như vậy, vì xã hội tự do cho phép họ tìm được sự đồng thuận về quan điểm xã hội, đồng thời thừa kế một bề dày mỹ học, hai yếu tố gần như lúc nào cũng kết hợp với nhau. Trong khi tại Việt nam, xã hội miền Bắc khép kín, cô lập cá nhân với nhau, còn miền Nam, tuy tương đối tự do nhưng lại không có truyền thống nào ngoài Đường thi, Tiền chiến, nên cả hai đơn thuần chỉ là những phản ứng cá nhân trước thời thế, một đằng là hoàn cảnh xã hội chính trị, một đằng là hoàn cảnh chiến tranh. Nếu thất bại trong việc thay đổi mỹ học, thì những nhà thơ ở thời này lại thành công, đưa thơ Việt lên tới đỉnh cao của tu từ, bởi khó ai hơn được họ, đẩy những thế hệ sau ở vào vị thế bắt buộc phải làm công cuộc thay đổi. Điều này rõ nhất, khi nhà thơ Thanh Tâm Tuyền (1936–) cuối đời quay về vần điệu với tập thơ “Thơ ở đâu xa”, thơ Trẻ quay về thập niên 1960, và nhà thơ Lê Đạt chơi một mình với “Bóng chữ”. Mỗi nhà thơ như một tinh cầu cô lẻ, mở ra một lối riêng chỉ vừa một người đi trong cái dù che của từ pháp, chỉ vài năm là bí lối. Trong khi thơ, đáng ra không thể là tiểu lộ, phải là đại lộ, hàng ngàn người cùng đi mà vẫn rộng thênh, không thấy đường cùng.

Trong phong trào văn học đổi mới nửa cuối thập niên 1980, nhân thời mở cửa, một số nhà văn tưởng như tìm được sự đồng thuận xã hội nào đó, và thơ Trẻ bây giờ, ở vào thời điểm văn học không còn ảnh hưởng nhiều về mặt xã hội, tuy chưa được chính thức công nhận, nhưng họ cũng đã được tự do sáng tác, muốn viết gì thì viết, nhưng cả hai phong trào vẫn dừng lại, một đằng là phản ứng với cơ chế xã hội chính trị và liền bị dập tắt ngay, một đằng là phản ứng với kinh tế thị trường. Bởi vì muốn chuyển đổi, phải chuyển đổi phương thức biểu hiện, thay thế nghệ thuật tu từ bằng nghệ thuật cú pháp, bước đầu căn bản để hình thành một phương pháp luận, xây dựng những tác phẩm mang tầm vóc tư tưởng, hầu sánh được với những nền văn học khác.

Dĩ nhiên, nền văn học Việt từ hàng thế kỷ nay đã có được những tác phẩm xứng đáng, những nhà thơ tài năng, cùng với một lớp độc giả thưởng thức cái hay của thơ văn xuyên qua hình thức tu từ — chỉ tiếc rằng những thế hệ sau không có thêm được gì mới, ngoài lập lại những sáng tác và bài viết toàn lời hay ý đẹp, đọc nửa chừng phải bỏ ngang, vì thiếu hẳn phân tích lý luận để nối kết ý tưởng, qui vào một mối, lôi cuốn người đọc. Lớp độc giả đó càng ngày càng ít, vì thế hệ có nhiều chữ (như Hán Việt) để thưởng thức được cái hay của nghệ thuật tu từ dần dần mai một. Khi sự cân bằng giữa sáng tác và người đọc không còn, nền văn học rơi vào bế tắc, và người viết cũng chính là người đọc. Thơ trẻ có lẽ là thế hệ sau cùng còn tiếp nối được, và cũng là thế hệ chấm dứt luôn nền văn học tu từ, bởi một thế hệ trẻ hơn sau này, trưởng thành trong thời mở cửa, sẽ không còn khả năng thưởng thức những cái hay mang tính tu từ của những tác phẩm hiện nay. Và họ cần những tác phẩm có cách diễn đạt trong sáng, chuyên chở được tư tưởng và đời sống thực tại của chính họ đang sống. Cũng như những nhà thơ Tân hình thức Việt hiện nay, họ có nhiều cơ may và khả năng tiếp xúc với thế giới bên ngoài, cởi mở hơn và dễ tiếp nhận phương cách biểu hiện mới trong văn học, giúp họ tiếp thu được kiến thức và hiểu biết có ngọn ngành. Từ điểm đó, nhìn lại những biến chuyển của văn học Việt, những dòng văn học đóng góp cho sự chuyển động mạnh mẽ lại là những dòng ở ngoài luồng chính, bị trấn áp và ngăn cấm như Nhân văn Giai phẩm, Văn học miền Nam 1960, Văn học Đổi mới thập niên 1980, và bây giờ là thơ Trẻ và thơ Tân hình thức. Đó là đặc điểm của văn học Việt trong hơn nửa thế kỷ qua, và cũng nói lên một sự thực, không ai có thể phủ nhận giá trị của một dòng văn học. Có lẽ vì thế mà văn học Việt tiến chậm hơn các nền văn học của những nước khác chăng? Có lẽ vì thế mà tình trạng dân trí càng ngày càng thụt lùi, và khoảng cách giữa lớp người đọc và sáng tác  càng ngày càng lớn, tưởng như khó vượt qua?

Thêm nữa, thơ tự do phương Tây là một dòng thơ đã lạc điệu, bị hạn chế bởi phương cách tự diễn đạt, nhà thơ nhân danh cái tôi, chỉ nói đến suy nghĩ, cảm xúc qua nhãn quan của chính cá nhân họ, không có khả năng phát hiện sự mới lạ nơi những câu chuyện tầm thường giản dị xảy ra chung quanh. Kết quả là người đọc sợ thơ, nhà văn không đọc thơ, ngay nhà thơ cũng không đọc thơ của những nhà thơ khác, chỉ đọc thơ của mình và bạn bè mình, và người đọc mất đi sinh thú thưởng thức cái hay của thơ. Nếu cơ chế tu từ là một hàng rào cản, ngăn cấm bất cứ sự giao tiếp nào với thế giới bên ngoài, thì thơ tự do là sản phẩm của thế kỷ 20, mang tất cả những đặc tính của thế kỷ này, cả về xã hội và chính trị, không còn phù hợp với xu thế thời đại, cần hàn gắn những bất đồng, để mọi người có thể chung sống trong an bình hạnh phúc. Đối với Việt nam lại còn khẩn thiết hơn vì hậu quả của cuộc chiến tương tàn, lòng người phân tán, cần có phương thuốc chữa lành, sau những tang thương đổ nát.


Tác động của thời thế và vai trò nhà thơ

Việt nam, trong nửa thế kỷ qua, vừa thoát khỏi sự đô hộ của Pháp, thì lại rơi vào cuộc chiến 20 năm, khốc liệt nhất từ trước đến nay. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, ba nước bị phân chia là Đức, Triều tiên và Việt nam. Năm 1975, Việt nam thống nhất nhưng lại rơi vào cơ chế xã hội chủ nghĩa, và cho đến khi các nước Đông âu tan rã vào năm 1989, Đông Đức và Tây Đức hợp nhất, chủ nghĩa tư bản thắng thế, hệ thống chính trị và kinh tế nước Đức theo chế độ tư bản; trong khi đó, Triều tiên vẫn còn ở tình trạng phân chia. Sau khi Đông âu và Liên Xô tan rã, hàng loạt những cuộc chiến tranh chủng tộc và tôn giáo xảy ra như  tại Yugoslavia (1991), Rwanda (1994), Sri Lanka, Đông và Tây Timor… Tiếp theo đó là chủ nghĩa khủng bố, thể hiện sự bất đồng giữa thế giới Hồi giáo và phương Tây, với cao điểm, hai tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới bị phá sập thành tro bụi ngày 11-9-2001 tại New York.

Nhu cầu hòa giải giữa những sắc dân, khác biệt về chính trị, tôn giáo, văn hóa cần phải đặt ra để mọi người có thể sống chung trong hòa bình, và những bộ môn văn học gắn liền với đời sống và tâm tư con người cũng cần thay đổi cách biểu hiện, để phù hợp với những biến chuyển của thời đại. Như vậy Việt nam, Đức và Triều tiên là ba mô hình hiện nay để chúng ta có thể rút ra những bài học và kinh nghiệm về tinh thần hòa giải: Đức, tư bản; Việt nam, nửa kinh tế thị trường, nửa cộng sản; Triều tiên, Bắc cộng sản, Nam tư bản.  Nhìn lại lịch sử Việt, sau khi Ngô Quyền giành được độc lập vào năm 938, để tránh sự xâm lược, những triều đại sau này, hàng năm vẫn phải mang phẩm vật triều cống Trung hoa. Điều này chứng tỏ dân Việt là một dân tộc hiếu hòa, dễ thích nghi với mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên, lịch sử Việt nam lại có rất nhiều cuộc phân hóa. Lần đầu tiên là hai họ Trịnh Nguyễn phân tranh, hay Nam Bắc triều từ 1543-1788, và khi Người Pháp đô hộ Việt nam, dùng chính sách chia để trị, và với địa thế hình cong chữ S, và hệ thống giao thông khó khăn, chỉ thuần đường bộ và đường thủy, với ngựa và ghe thuyền, đã làm cho tinh thần kỳ thị Nam Bắc trầm trọng thêm. Cuối cùng là cuộc chia cắt đất nước vào năm 1954. Như vậy, vai trò của văn học phải là sự tiếp nhận có phương pháp những yếu tố văn hóa, hòa giải những dị biệt giữa người dân với nhau, để có được những phát triển đúng hướng.

Sau thế chiến II, những biến động lịch sử trên thế giới ảnh hưởng rõ nét đến tình hình Việt nam. Mùa Xuân 1940, Đức thắng Pháp, dựng nên chính phủ bù nhìn Marshal Henri-Phillipe Pétain (1856-1951), và cũng năm này Nhật liên minh với Đức làm thành phe trục Đức Ý Nhật. Trước đó Nhật đã tấn công Trung hoa năm 1937, và tháng 9-1940 tràn vào Việt nam, lợi dụng thỏa ước giữa Pháp và Đức (tháng 6-1940) khiến Pháp không thể tiếp viện cho Đông dương, yêu sách theo đó Nhật và Pháp chung sức bảo vệ Đông dương, thật ra Nhật kiểm soát hết và Pháp chỉ giữ cơ chế cai trị. Hoa kỳ vẫn đứng ngoài cuộc chiến cho đến khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) vào ngày 7 tháng 12-1941, trước khi tiến chiếm Đông Nam Á và quần đảo Mã lai để tìm nguồn dầu hỏa, cao su và thực phẩm (extensive food). Ngày hôm sau, Quốc hội Hoa kỳ tuyên chiến với Nhật, và 4 ngày sau, phe Trục tuyên chiến với Hoa kỳ. Vào ngày (D-Day) 6 tháng 6-1944, quân đội Đồng minh băng qua eo biển Anh, đổ bộ thành công lên miền bắc nước Pháp, giải phóng Paris vào ngày 25 tháng 8-1944. Chiến tranh chấm dứt ở Âu châu với sự đầu hàng vô điều kiện của Đức vào 8 tháng 5-1945, Anh Pháp Trung Hoa kêu gọi chính phủ Nhật đầu hàng nhưng không được trả lời.

Khi Pháp được quân đồng minh giải phóng 24, Nhật lật đổ Pháp 25 ở Việt nam vì sợ Pháp lật ngược tình thế. Nhưng cũng chỉ được vài tháng,26 đến ngày 14-8-1945 Nhật đầu hàng vô điều kiện vì bị hai quả bom nguyên tử của Hoa kỳ bỏ xuống Hiroshima và Nagasaki. Lúc này, Việt nam rơi vào khoảng trống quyền lực vì Pháp đã bị Nhật lật đổ và Nhật lại đầu hàng, nên Việt Minh, với danh nghĩa của đảng cộng sản Việt nam, lợi dụng cơ hội, giành chính quyền, tuyên bố độc lập vào ngày 19-8-1945. Vị vua cuối cùng của triều Nguyễn là Bảo Đại thoái vị 27. Sau khi Nhật đầu hàng, quân Đồng minh giao cho Tưởng Giới Thạch của Trung hoa, do hai tướng Lư  Hán và Tiêu Văn cầm đầu, giải giới quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc, và quân Anh Pháp từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam. Chỉ 21 ngày sau ngày Việt Minh tuyên bố độc lập, Pháp vào thay thế quân Anh ở Sài gòn, thành lập chính quyền tạm thời từ Nam ra Bắc 28. Lúc này, Việt Minh hãy còn yếu thế, bèn ký kết Hiệp định Sơ bộ29, làm hòa với Pháp, liên hiệp với các đảng phái quốc gia, để cũng cố lực lượng và thâu tóm quyền lực, cho đến ngày 19-12-1946 mới phát động toàn quốc kháng chiến chống Pháp. Từ năm 1947 đến 1949, chính quyền hoàn toàn nằm trong tay Pháp, cho đến Hiệp ước Élysée ngày 8-3-1949, Pháp trao trả độc lập cho Việt nam, nhưng không phải cho Việt Minh mà thành lập Quốc gia Việt nam, đưa Bảo Đại lên làm Quốc trưởng. Cuộc chiến Quốc Cộng từ đó bắt đầu.

Đó là giai đoạn vô cùng hỗn loạn, lòng người phân tán, thời thế đổi thay, nhà thơ cũng chẳng khác nào người dân thường, không còn tâm trí đâu để nghĩ đến sự thay đổi cách làm thơ, những sáng tác vì thế hoặc là vần điệu Tiền chiến, hoặc là tiếp tục loại thơ phá thể từ thời Phan Khôi, chỉ có nội dung là khác, nói lên tinh thần yêu nước, tâm trạng của người chiến binh xa nhà, và những ước mong hòa bình, dứt bỏ lãng mạn cá nhân, đề cao tình tự dân tộc. Thơ bước qua một bước khác, đề cập tới đời sống bình thường, bởi nhà thơ, trong lúc hòa nhập với mọi người, tham gia cuộc chiến lý tưởng, chia sẻ tình tự và những khốn khó của mọi tầng lớp xã hội. Và một đặc điểm khác là ngay cả những nhà thơ với nhau, cũng không còn phân chia khuynh hướng lãng mạn hay hiện thực, mà dường như gộp chung thành lãng mạn hiện thực, dù là vần điệu hay thơ tự do phá thể, chỉ thuần nói lên tâm tình của con người, trong sáng và chân thật. Và cũng trong bối cảnh đó, chính sách chia để trị của thực dân Pháp dần dần bị hóa giải.  Nhưng phải đợi tới cuộc di cư năm 1954 của khoảng 700 ngàn người dân miền Bắc, tại miền Nam, người dân hai miền mới có được những va chạm thực tế, hoàn tất qui trình hòa giải.

Cả hai miền Nam Bắc, người dân chỉ được sống trong hòa bình vài năm, đến 20-12- 1960, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam được thành lập, bắt đầu cuộc chiến giữa hai miền. Sự chia rẽ lại trở thành một vết thương trí mạng vì sự nhúng tay của những thế lực bên ngoài, một đằng là lý tưởng cộng sản đại đồng, một đằng là lý tưởng tự do của chủ nghĩa tư bản. Năm 1976, đất nước thống nhất, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, Việt nam chỉ còn quan hệ với Liên xô và một số nước xã hội chủ nghĩa, và người dân ở cả hai miền Nam Bắc, trong khó khăn cùng cực, đầy ngộ nhận và hiềm khích qua những thể chế khác biệt về ý thức hệ, phải tự hòa giải với nhau để sống còn, và hàn gắn lại những vết thương tâm lý.

Hơn một thập niên sau, năm 1978, tại Trung hoa, Đặng Tiểu Bình (1904-1998) lên nắm quyền lực, tiếp tục chủ trương Tứ Hiện Đại Hóa của Chu Ân Lai (1898-1976), canh tân kỹ nghệ, canh nông, quốc phòng và khoa học. Tại Nga, Mikhail Gorbachev (1931–) chủ trương đổi mới (Perestroika) vào năm 1986, và cũng năm này, Việt nam nương theo ảnh hưởng của Nga, chủ trương đổi mới và cởi trói văn nghệ, xuất hiện văn nghệ đổi mới. Nhưng đến năm 1989, bức tường Bá linh sụp đổ, kéo theo sự tan rã của những chế độ cộng sản Đông âu, thì Việt nam chấm dứt sự cởi trói văn nghệ vì sợ rằng sẽ kéo theo sự sụp đổ chế độ. Đến năm 1991, Boris Yeltsin (1931–) lên nắm quyền tại Nga, giải tán đảng Cộng sản, Việt nam mất đi nguồn viện trợ chủ yếu từ Nga (3 tỷ mỹ kim từ 1976-80), hướng về Trung hoa thì lại vướng vào cuộc xung đột biên giới30 vào năm 1979, nên đến năm 1992, phải quay qua kinh tế thị trường, tìm kiếm nguồn đầu tư từ thế giới tự do, cứu vãn nền kinh tế, nhưng vẫn giữ định chế chính trị, với quan niệm, kinh tế thị trường định hướng bởi xã hội chủ nghĩa. Với một quan điểm, bảo vệ sự ổn định chính trị để phát triển kinh tế, một phần vì nền văn học in ấn đã không còn sức mạnh như cách đây nửa thế kỷ, một phần khác, sự chuyển qua kinh tế thị trường, làm cho người dân, mong muốn có một đời sống tốt đẹp hơn nên những quan tâm của họ hoàn toàn hướng về đời sống kinh tế. 

Nhà nước Việt nam đã gần như chỉ chú tâm tới những tác phẩm mang tính chống đối và có màu sắc chính trị, nên những sáng tác thuần văn học như trường hợp thơ Trẻ mới có cơ hội xuất hiện. Thực ra, chấp nhận sự đổi mới văn học, không ảnh hưởng nhiều đến chế độ chính trị, mà còn làm cho chế độ có được bộ mặt cởi mở, đối với cộng đồng thế giới. Những phát hiện về lý thuyết hỗn mang (chaos theory) cho chúng ta thấy, một sự xáo trộn nhỏ trong trạng thái đầu tiên của hệ thống, có thể thay đổi triệt để trạng thái sau cùng, và tùy thuộc mẫn cảm vào những điều kiện ban đầu (Sensitive dependence on initial conditions). Và như thế sự thay đổi qua kinh tế thị trường, sẽ dần dần dẫn đến những sự thay đổi khác, một cách tự nhiên và không ai có thể đoán trước.

Một năm sau khi đổi mới, vào năm 1987, William Joiner Center bắt đầu qua văn học, đặc biệt là thơ như một chất xúc tác (catalyst) để mang kẻ thù trở thành bạn, với mong ước, dùng thơ để phá tan sự phân chia tạo ra bởi những định kiến chính trị. Dĩ nhiên những cựu chiến binh Hoa kỳ, không hề quan tâm tới giá trị nghệ thuật và tư tưởng của tác phẩm, mà chỉ xem qua những tác phẩm đó, kẻ cựu thù nói gì về mình, và mục đích của họ, bước đầu là hòa giải với nhà nước Việt nam, dọn đường cho sự hòa giải về chính trị và giao thương buôn bán. Quan niệm như thế dĩ nhiên là đúng, bởi vì thơ là một hình thức mỹ học mạnh nhất có khả năng tạo sự cảm thông và hòa giải.  Cynthia Cohen 31 viện dẫn  triết gia người Pháp Gaston Bachelard, cho rằng:

“để hiểu một bài thơ, chẳng những chúng ta cần chú tâm đến chữ và âm thanh của bài thơ, mà còn phải chú tâm đến cách nào những chữ và âm thanh đó vang dội trong ta. Ông nói, sự chú tâm của chúng ta “rọi sáng”, giữa hình ảnh thi vị và đáp ứng của chính mình. Như vậy, bài thơ mời gọi chúng ta kinh nghiệm vài điều mà trước đó tự mình không biết về mình; và ngược lại, chỉ bằng cách chú tâm đến thứ được khơi dậy bên trong chúng ta, mới có thể “hiểu” được bài thơ. Bachelard nhắc đến loại cảm thông này – sự cảm thông sâu xa xảy ra cùng lúc của bản ngã và kẻ khác qua nhau – như một xuyên-chủ-thể.”

Cynthia Cohen nhấn mạnh tới “sự cảm nhận tỉnh thức” (feelingful awareness), tương đương như quan điểm “bi và trí” (compassion and wisdom) một tư tưởng của Phật giáo đã hòa nhập vào nền văn hóa Việt, vả lại, những bài thơ đầu tiên xuất hiện từ đời nhà Lý, đầu thế kỷ 11, lại là những bài kệ do những thiền sư Phật giáo làm ra. Bi là sự đồng cảm, cùng chia sẻ với nỗi đau của kẻ khác, trong khi trí là nhìn rõ được thật tướng của thế gian, của con người. Dĩ nhiên, khi lý giải để áp dụng vào trong đời sống, nó không còn mang ý nghĩa của tôn giáo, mà có thể hiểu như Cynthia Cohen, qua bài thơ, người đọc dễ nảy sinh sự cảm thông, với chính mình, và với kẻ khác, nhìn ra được sự thật, thấy được cả những ưu và khuyết điểm để vượt qua những hố sâu ngăn cách.

Từ thập niên 1990 trở về trước, văn học Việt đều nằm trong hệ tu từ, nên khi cuốn theo tác động của kinh tế thị trường, sau năm 1992, hàng loạt tác phẩm được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp nhưng không tạo nên được bất cứ ảnh hưởng nào trong giới văn học phương Tây, và hầu như đi vào quên lãng. Bởi một điều, sự khác biệt giữa hai hệ thống văn học phương Tây và Việt nam lại thuộc về hai phương pháp sáng tác khác hẳn, một đằng theo phương pháp tu từ, một đằng dựa vào phương pháp luận và cú pháp văn phạm để chuyển tải tư tưởng, nên khi chuyển dịch ra tiếng Anh, người đọc phương Tây, hoặc không tìm thấy gì trong đó, hoặc là rất khó hiểu. Nhất là thơ lại càng khó hơn, vì khi dịch ra văn xuôi, thơ chỉ còn là những đoạn văn tầm thường, nhạt nhẽo, hoặc lủng củng cú pháp. Chẳng những thế, tác phẩm được chuyển dịch, thường thuộc về chính luồng, do sự kiềm chế của nhà nước, chỉ muốn duy trì thơ ở nguyên trạng cũ từ nửa thế kỷ trước, nên không những không nói lên được thực trạng đời sống xã hội, mà phương pháp biểu hiện cũng đã lỗi thời, không đúng thực với tình trạng thơ Việt. Ở đây, chúng ta có thể nhận ra, nếu phương Tây, bắt đầu từ thời Phục hưng, với cuộc cách mạng kỹ nghệ, xã hội luôn luôn thay đổi và vì thế hết trào lưu này qua trào lưu khác, văn học nghệ thuật là những khám phá không ngừng, nhưng xã hội Việt nam là một xã hội nông nghiệp, nên không có nhu cầu thay đổi về mọi phương diện. Giống như thơ văn từ Tiền chiến đến tự do, dù có thay đổi cách biểu hiện vì tác động của thời thế, nhưng cũng như xã hội, vẫn đặt căn bản trên nghệ thuật tu từ. Mặt khác, vì nhà nước luôn luôn tìm cách can thiệp vào quyền tự do sáng tác, nên mọi cố gắng đổi mới, hoặc bị bóp nghẹt hoặc rất khó xảy ra.

Nếu văn học phản ảnh đời sống xã hội và chính trị, thì ngược lại, qua đời sống xã hội và chính trị, chúng ta có thể hiểu được nền văn học đó. Việt nam từ trước đến nay đều coi trọng nghề nông, sĩ nông công thương, nghề nông chỉ đứng sau tầng lớp thống trị, nên bản chất người dân ưa chuộng hòa bình, cốt an cư lạc nghiệp chứ không muốn cạnh tranh, tiến thủ. Những cuộc chiến tranh gây ra, cũng chỉ vì bất đắc dĩ để bảo tồn cuộc sống, phát xuất từ tinh thần bảo thủ cố cựu. Về tinh thần người dân, giàu cảm xúc hơn khoa học, giàu trực giác hơn lý luận, thích văn chương phù phiếm hơn thực chất tư tưởng. Với thơ cổ điển, nếu Truyện Kiều 32 của Nguyễn Du dùng thể thơ lục bát của dân gian kết hợp với nghệ thuật cao cấp và tinh hoa của nền văn hóa Trung quốc, giữa nghệ thuật tu từ điển tích và tu từ đời thường, thì Cung Oán Ngâm Khúc 33 của Ôn Như Hầu, và bản dịch Chinh Phụ Ngâm34 (nguyên tác bằng chữ Hán, của Đặng Trần Côn, làm theo thể Trường Đoản Cú, câu dài câu ngắn, loại thơ phá thể) ra chữ Nôm của Phan Huy Ích, theo thể song thất lục bát. Sau khi chữ Quốc ngữ được phổ biến rộng rãi, thơ Tiền chiến tiếp tục tinh thần đó, dùng lại vần và các thể của Đường thi.

Sự chuyển giao giữa hai dòng thơ cũng là sự chuyển giao giữa nền cựu học và Tây học, giữa chữ Nôm và chữ Quốc ngữ, giữa thế hệ này và thế hệ khác. Như đã đề cập, thơ cổ điển (hay thơ chữ Nôm) tách ra được với cơ chế quyền lực chính trị (chữ Hán), và thơ chữ Quốc ngữ cũng không bị quyền lực chi phối nên khi chuyển giao, sự mâu thuẫn hầu như không có. Bởi một lý do, nền tảng quyền bính nằm trong tay Pháp, đã không cho phép tiếp tục duy trì thơ cũ, một lý do nữa là người khởi đầu thơ mới lại là một nhà khoa cử cựu học là Phan Khôi (1887-1959) với bài thơ “Tình Già” xuất hiện năm 1932, và một nhà thơ Tây học như Vũ Đình Liên (1913-1996) với bài thơ “Ông Đồ” vào năm 1936, lại nuối tiếc một thời đã suy tàn.  Những nhà thơ vẫn gắn bó với Đường thi và chuyên làm theo thể loại này như Đông Hồ (1906-1969), Quách Tấn (1910-1992), Ngân Giang… có nhà thơ làm cả hai thể loại như Vũ Hoàng Chương. Thơ Việt từ 1945 trở về trước, phát triển bình thường, dưới chế độ phong kiến và thuộc địa, vì dù có thay đổi chữ viết, đời sống xã hội thuần phác, căn cỗi thơ Việt vẫn nằm trong ảnh hưởng và tâm thức Đường thi. Những tư tưởng Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo thấm nhuần trong đời sống dân gian, hai dòng thơ cổ điển và Tiền chiến cũng chỉ thể hiện đúng tinh thần của nền văn hóa đó. Những nhà thơ có được quyền tự do và độc lập với cơ chế chính trị, nên đã có được những tác phẩm giá trị, một cách nào đó đã làm đúng chức năng của thơ, hòa giải giữa hai nền văn hóa, giữa giai cấp thống trị và dân gian.

Thơ Tiền chiến dựa vào các thể thơ của Đường thi và ca dao để đưa vào cảm xúc và nội dung mới, kết hợp ngọn gió cuối mùa của phong trào Lãng mạn Pháp với không khí suy tàn của Đường thi còn sót lại, trên nền tảng nghệ thuật tu từ đã có sẵn từ thơ cổ điển. Trong khi thơ tự do phương Tây là một bước ngoặt, thoát ra khỏi thơ truyền thống, hoàn tất một nền tảng mỹ học khác. Vì vậy vào thập niên 1960, những nhà thơ miền Nam phát động phong trào thơ tự do, cách tiếp nhận ảnh hưởng phương Tây cũng không khác nào thơ Tiền chiến trước đó, không quan tâm tới học thuật như thời Đông dương và Nam phong Tạp chí, chỉ tiếp nhận những khái niệm mà không tiếp nhận được phương pháp, nên không thể vượt qua được bề dày tư tưởng học thuật phương Tây. Thơ tự do vướng vào thuật ngữ, hòa trộn tu từ thời Đường thi Tiền chiến với tư tưởng Siêu thực Pháp ở thập niên 1930, dựa theo loại thơ phá thể đã có từ thơ cổ điển. Cũng giống như thơ Tiền chiến, thập niên 1960 ở miền Nam, không bị quyền lực chính trị chi phối, bởi một điều, chính quyền và giới văn nghệ sĩ có chung một lý tưởng bảo vệ tự do, nên sự kiểm soát văn học không cần thiết, chỉ có sự kiểm duyệt báo chí vì nhu cầu chiến tranh, nhưng khác thơ Tiền chiến và giống với thơ chữ Nôm trước đó, nhà thơ rơi vào ảo tưởng quyền lực của chữ.

Trong khi thơ luồng chính ở miền Bắc, tuy không qua con đường khoa cử nhưng các lãnh tụ đều coi thơ như một phương tiện qua đó kiểm soát toàn bộ văn học. Nếu trong chế độ phong kiến, vua quan đều làm thơ, thì dưới chế độ cọng sản, các lãnh tụ đều làm thơ như Hồ Chí Minh (1890-1969), Lê Đức Thọ (1911-1990), Trường Chinh (1907-1988), Tố Hữu (1920-2002)… Thơ phải đơn giản dễ hiểu để quyền lực qua thơ được mở rộng và ảnh hưởng đến mọi tầng lớp dân chúng. Một số nhà thơ bị o ép bởi cơ chế quyền lực chính trị, tránh né những biểu hiện có tính nội dung, qua chữ, tìm kiếm một quyền lực ảo tưởng khác để phản ứng lại. Như vậy, thơ ngoài luồng miền Bắc và thơ miền Nam, dù không có liên hệ gì với nhau, vì sự đối đầu chính trị giữa hai miền, nhưng lại có cùng một khuynh hướng, thể hiện tính đối kháng, bế tắc về chính trị và học thuật, tạo nên cực đoan về văn học, đẩy phương pháp tu từ tới chân tường, không còn mang ý nghĩa thông thường, tự nhiên như thơ cổ điển và Tiền chiến. Quan niệm ý ở ngoài lời biến thành thói quen suy diễn và phán xét, cũng biểu lộ khía cạnh của quyền lực.

Sau 1975, quyền lực văn học chính luồng nằm trong tay thế hệ chống Mỹ, theo đúng đường lối và chỉ thị của đảng và nhà nước, và thế hệ trẻ trưởng thành sau chiến tranh bị đẩy ra ngoài luồng, không có bất cứ phương tiện nào ngoài cách in ấn bằng computer, chuyền tay trong bạn bè. Nếu những nhà thơ thời Nhân văn Giai phẩm thừa hưởng nền giáo dục Pháp, có khả năng ngôn ngữ và ảnh hưởng văn hóa Pháp, thuộc về thế hệ chống Pháp, thì những nhà thơ chống Mỹ, gần như không có khái niệm gì về phương Tây, chỉ ảnh hưởng một chiều văn học cộng sản thời Liên xô cũ. Sự phản ứng trong văn học thấy rõ, những nhà thơ ở ngoài luồng chính, thuộc thế hệ sau chiến tranh, quay về với dòng văn học bị lên án là phản động và đồi trụy thập niên 1960 ở miền Nam. Nhưng khi chỉ liên hệ với con chữ, ma lực của chữ làm cho người làm thơ rơi vào ảo tưởng, sống trong một thế giới huyền hoặc, càng lúc càng xa rời nghệ thuật thơ, xa rời đời sống thực.

Như vậy, hai dòng thơ chính luồng và ngoài luồng đều không có khả năng thay đổi, và những nhà thơ cũng không muốn thay đổi, vì thay đổi có nghĩa là mất hết, không còn gì. Thơ không có người đọc, vì thơ chính luồng chỉ tiếp nối loại thơ vần điệu và phá thể từ thời Tiền chiến, với nội dung lập lại những khuôn mẫu chính trị có sẵn, còn thơ ngoài luồng thì người đọc lại không ai hiểu, và nhà nước cũng muốn như thế vì đỡ đi một mối bận tâm. Thơ đánh mất chức năng tạo sự cảm thông, đứng ngoài trước sự thay đổi của thời thế, trong khi đáng lý ra, phải nói lên được khao khát của mọi tầng lớp xã hội, chia sẻ và hòa giải những bất đồng và làm dịu vết thương chiến tranh. Sự can thiệp của cơ chế chính trị vào văn học đã tạo nên một nền văn học không bình thường, phản ảnh một xã hội không bình thường. Dĩ nhiên, nhà thơ cũng như thơ chỉ là nạn nhân của những thế lực áp đặt từ bên ngoài, bất lực trước những vấn nạn của lịch sử. Nhìn vào những xã hội tự do dân chủ, nền văn hóa văn học độc lập với cơ chế quyền lực chính trị, nên phát triển và lớn mạnh, lúc nào cũng theo sát những biến chuyển của đời sống và kịp bước với nền văn minh.

Nếu cứ như thế, thì dù thời gian có trôi đi, nền văn học sẽ mãi đứng nguyên một chỗ. Nhưng khi chiến tranh kết thúc, cuộc di cư tái diễn, hàng triệu người bỏ nước ra đi, nhưng lần này bi thảm hơn, phải trả giá bằng sự chết, giữa đại dương mênh mông. Một số nhà thơ trẻ ở thời điểm đó, nắm chắc ngôn ngữ Việt, đến được đất nước tự do, phải đối mặt với sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa, và sau hơn hai thập niên vượt qua mọi khó khăn, nhận ra khuyết điểm và bế tắc của thơ Việt gần nửa thế kỷ. Đầu năm 2000, xuất hiện phong trào thơ Tân hình thức, nhưng không giống như cuộc chuyển đổi êm đềm giữa Đường thi và Tiền chiến, chỉ 3 năm sau, gây nên cuộc tranh luận gay gắt, bởi một điều dễ hiểu, Tân hình thức cố gắng đưa nền văn học thoát ra khỏi cơ chế tu từ. Nhưng thói quen sáng tác và thưởng thức tác phẩm văn học qua tu từ, vẫn hoàn toàn bao trùm trên nền văn học từ trong ra ngoài nước, nên tinh thần bảo thủ, sợ thơ Tân hình thức sẽ làm lu mờ những dòng thơ khác như vần điệu và tự do. Điều này hoàn toàn không đúng nếu chúng ta tìm hiểu lý thuyết và đường hướng thơ tân hình thức Việt.

Tân hình thức là một thuật ngữ mà những nhà thơ Việt mượn từ phong trào thơ Tân hình thức Hoa kỳ, nhưng nếu thơ Hoa kỳ quay trở về với thể luật truyền thống, rót ngôn ngữ thông thường vào thơ, làm thành thi pháp đời thường, tiếp nối cuộc cách mạng đã khởi đi từ một thế kỷ trước với phong trào Lãng mạn và giai đoạn đầu của thơ tự do, nhưng đã bị gián đoạn bởi những phong trào tiền phong ở nửa sau thế kỷ, thì thơ Việt ở vào một trường hợp khác hẳn. Không thể đưa ngôn ngữ thường ngày vào thơ vì bị vướng vào luật vần của thơ Tiền chiến, và cũng không thể rút tỉa được gì nơi loại thơ tự do tu từ của thời thập niên 1960, những nhà thơ Tân hình thức Việt phải so sánh sự khác biệt giữa ngôn ngữ đa và đơn âm, chọn lọc những yếu tố phù hợp với ngôn ngữ và văn hóa Việt để tạo thành luật tắc mới cho thơ. Và từ thành quả trong sự thực hành, những nhà thơ Tân hình thức Việt tình cờ tiếp nhận được thể thơ “không vần” của phương Tây. Dùng lại các thể thơ 5, 7, 8 chữ và lục bát, thay thế luật vần của thơ Tiền chiến bằng kỹ thuật lập lại và vắt dòng, nhưng kỹ thuật lập lại chẳng phải chỉ rút tỉa nơi luật tắc Iambic và kỹ thuật của thơ tự do tiếng Anh, mà còn phối hợp với Hiệu ứng cánh bướm, phản hồi và trùng lặp, nương theo biến đổi từ những biến cố tự nhiên.

Như vậy Tân hình thức cũng không khác gì thơ cổ điển, Tiền chiến, và ca dao lục bát, đều là những dòng thơ mang tinh thần Việt, có khả năng hòa giải và tiếp nhận rất cao, không hề có sự phân biệt giữa dòng này và dòng khác, chỉ là cuộc chuyển đổi, và biến thể để thành một dòng thơ mới, chẳng khác nào những trào lưu văn học, một trào lưu này cũng chỉ là sự biến thể của một trào lưu trước đó mà thôi. Một điều đáng ghi nhận, nếu thơ Tiền chiến giữ vần và của Đường thi, thì Tân hình thức bỏ luôn vần, tiếp tục hòa giải với nền văn hóa phương Tây. Và cũng trong tinh thần hòa giải, giữa truyền thống và tự do, thơ tân hình thức Việt là một dòng chảy mới, học hỏi cả ở tự do và vần điệu để tìm kiếm một nền thơ mới, như tiếng nói của mọi người Việt, tha thiết với sự chuyển đổi, để có thể đập chung một nhịp với cộng đồng thế giới rộng lớn. Và bởi tính cách bình dân của nó, thơ Tân hình thức có khả năng chuyên chở tình tự của mọi con người, phá vỡ tính cao cấp, khó hiểu, thể hiện tinh thần bình đẳng, dân chủ, có khả năng lấp đi khoảng cách giữa người đọc và sáng tác, và cũng là bước đầu kéo theo sự biến chuyển của những bộ môn khác như tiểu thuyết, hội họa, kịch nghệ…


Kết luận

Khi chấp nhận kinh tế thị trường, Việt nam bước qua một trang sử mới, và dù có định hướng bởi xã hội chủ nghĩa thì đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời, từ từ hình thành vị trí của mình trong cộng đồng thế giới. Thơ và các loại hình văn học, là tầm nhìn của một dân tộc, phải thích ứng để thế giới nghe được tiếng nói của mình, và mình nghe được tiếng nói từ thế giới bên ngoài. Nhìn suốt qua tiến trình chuyển hóa, văn học Việt luôn luôn bị chi phối và ám ảnh bởi quyền lực, dù chính trị hay ảo tưởng. Quyền lực ảo tưởng làm cho nền văn học trở thành bất động, bảo thủ, xa cách đời sống. Nhưng văn học vì phải sống tầm gửi vào quyền lực quá lâu, có tâm lý sợ quyền lực và nhu cầu lệ thuộc quyền lực. Những cuộc tranh luận, dù trước kia hay bây giờ, chỉ thể hiện quan điểm giành lấy một quyền lực ảo tưởng nào đó chứ không hề đưa ra được phương cách đóng góp vào sự chuyển biến văn học, hay tiếp cận sự thật. Đám đông bị đẩy ra ngoài đời sống văn học, và nếu không thì cũng chỉ là con rối. Một nền văn học không hề có một lý thuyết mỹ học và phương pháp luận làm kim chỉ nam, thì biết đường nào mà phát triển. Vì thế, dẫn đến điều vô lý, hoặc dùng học thuyết chính trị Marx-Lenin để giải thích văn học, hoặc dựa vào những khái niệm triết học và văn học của xã hội kỹ nghệ hay tiêu thụ phương Tây áp đặt lên những tác phẩm được hình thành từ một xã hội nửa nông nghiệp nửa cộng sản. Sự kiện này chứng tỏ những người làm văn học đã không nhận ra chân tướng của nền văn học. Trong khi đất nước sau nửa thế kỷ chiến tranh và phân hóa, đang cần sự cảm thông hòa giải giữa con người với nhau, và giữa mọi tầng lớp xã hội, thì thơ và văn học gần như không có tác dụng gì với đời sống văn hóa. Nhà thơ Frederick Turner trong bài nói chuyện ngày 21 tháng 9 năm 2002 tại The Philadelphia Society Cleveland Regional Meeting, với tựa đề “The New Classicism and Culture” 35 cho rằng:

“… nhưng với mạng lưới quốc tế internet, một thành tố mới có ý nghĩa đã nhập cuộc, và trong khi thời Phục hưng có lẽ phải mất 300 năm để phổ biến khắp Âu châu và phong trào Lãng mạn cả trăm năm mới phổ biến khắp phương Tây, bây giờ chỉ cần một hai thập niên là toàn thế giới bừng tỉnh trước sự thay đổi đang xảy ra ở khí hậu văn hóa.”

Văn học chân chính không phải là một động lực để phục vụ hay lật đổ chính quyền, mà là thể hiện và phản ảnh đời sống xã hội. Trong tình trạng đó, nhà nước không thể kiểm soát được dòng thơ ngoài luồng, vả lại cũng vô hại, nên thơ Việt hiện nay đang có cơ hội để tìm kiếm một quan điểm mỹ học mới. Nhà thơ tương đối vẫn có tự do sáng tác, chỉ tiếc rằng khi có tự do lại không biết phải làm gì với tự do. Sự vướng mắc là do chính những nhà thơ, nhà văn không dám cởi trói chính mình, rũ bỏ quá khứ, để thơ và văn học có được những sinh hoạt lành mạnh.

Hiện nay, hơn năm mươi phần trăm dân số Việt nam sinh ra và trưởng thành sau chiến tranh, không còn thích ứng với những thành kiến và óc bảo thủ lỗi thời của thế hệ trưởng thành trong chiến tranh. Trong khi đó, Việt nam đang có một hoàn cảnh thuận lợi, với gần 3 triệu người Việt sống rải rác ở khắp nơi trên thế giới, thủ đắc được hầu hết kiến thức về khoa học, tiếp cận trực tiếp với nền văn hóa mới, và có khả năng tiếp thu tư tưởng và học thuật từ những nền văn hóa khác tới nơi tới chốn, như một nhịp cầu giao lưu văn hóa từ cả ngàn năm nay chưa bao giờ có được. Mỗi thời kỳ văn học có giá trị lịch sử của nó, và không ai có thể phủ nhận. Học hỏi ở quá khứ, không có nghĩa là lập lại quá khứ, biến quá khứ thành bóng ma bao trùm hiện tại. Và khi nhìn ra khuyết điểm của quá khứ cũng có nghĩa là chúng ta nhìn thấy được tương lai. Bài viết này chắc chắn sẽ tạo nên sự bất bình trong giới văn học, người viết xin nhận lấy tất cả trách nhiệm vì một lý do, chỉ muốn cho nền thơ đó có sức sống và biến đổi để kịp bước với những nền thơ khác. Lược qua một số biến chuyển của thời cuộc và đặc tính của từng thời kỳ thơ, chúng ta thấy, thơ Việt có phong thái của một nền thơ có tầm vóc, nếu những nhà thơ dám chấp nhận sự thật, thấy những thất bại của mình, tiếp nhận những yếu tố mới, phù hợp với thời đại. Cơ may thay đổi, nếu chúng ta không tiếp nhận, lẽ đương nhiên sẽ rơi vào thế hệ sau, vì thơ tự nó đã chứa mầm mống của sự thay đổi.

Bài đã đăng trên Talawas ngày 22 tháng 7 – 2004


Tham khảo

Đào Duy Anh. Việt Nam Văn Hóa Sử Cương. Hội Nhà Văn 2000

Nguyễn Thế Anh. Việt Nam Dưới Thời Pháp Đô Hộ. Lửa Thiêng, 1970.

Nghiêm Toản. Việt Nam Văn Học Sử Trích Yếu. Sống Mới, 1949.

Trần Văn Giáp. Lược Truyện Các Tác Gia Việt Nam. Văn Học, 1972.

Thế kỷ 21 số 122, 1999.

Thế Kỷ 21 số 159, 2003.

Khế Iêm. Tân Hình Thức, Tứ Khúc và Các Tiểu Luận Khác. Văn Mới, 2003.

Edward Mc Nall Burns, Robert E. Lerner, Standish Meacham. Văn Minh Phương Tây. Cuốn 2, in lần thứ 9, W. W. Norton & Company, New York, London.


Ghi chú

  1. Theo Trần văn Giáp, những tiểu thuyết đầu tiên là Cành Lê Tuyết Điểm (1921), Cuộc Tang Thương (1922) của Đặng Trần Phất và Tố Tâm (1925) của Hoàng Ngọc Phách.
  2. Thật ra, trong khoảng 1000 năm lệ thuộc Trung hoa, có hai thời kỳ ngắn ngủi với Hai Bà Trưng (năm 40-43 sau Công nguyên) và Lý Nam Đế (544-602) nổi dậy và xưng vương.
  3. Sau nhà Ngô, xảy ra nạn Thập nhị sứ quân (945-967). Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan được loạn sứ quân lên ngôi lấy miếu hiệu là Đinh Tiên Hoàng lập nên triều đại nhà Đinh (968-980). Sau khi Đinh Tiên Hoàng mất, bộ tướng của ông tên Lê Hoàn lên ngôi lấy miếu hiệu làLê Đại Hành, gọi là nhà Tiền Lê. Tiếp theo đó, Lý Công Uẩn lên ngôi, miếu hiệu là Lý Thái Tổ, định đô ở Thăng Long, mở đầu cho một triều đại kéo dài rất lâu từ năm 1010 đến 1225. Nhà Trần (1225-1400) tiếm ngôi nhà Lý cho đến 1400 thì bị Hồ Quí Ly cướp ngôi, nhưng cũng chỉ được vài năm, đến năm 1414 quân Minh (Trung hoa) xâm chiếm. Đến 1427, Lê Lợi nổi lên đánh đuổi quân Minh, lập nên triều đại nhà Lê (1428-1788). Cuối đời nhà Lê, Mặc Đăng Dung cướp ngôi (1527-1592), Trịnh Kiểm giúp vua Lê khôi phục ngai vàng, nhưng nắm giữ quyền hành, xưng là chúa Trịnh. Con cháu dòng họ Nguyễn Kim, một tướng lãnh của vua Lê, chạy về phương Nam, lập nên chúa Nguyễn, tạo nên cuộc phân chia Nam Bắc lần thứ nhất từ 1600 đến 1788. Đến năm 1792, ba anh em nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ nổi loạn và đánh bại nhà Nguyễn ở miền Nam, diệt nhà Trịnh ở miền Bắc, thống nhất đất nước sau hơn 200 năm chia cắt. Trong khi đó hậu duệ cuối cùng của nhà Nguyễn chạy ra Phú Quốc, nhờ giám mục Pignau de Behaine cầu cứu nước Pháp giúp đánh bại Tây Sơn, thâu tóm quyền hành từ Nam ra Bắc, lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long. Triều đại nhà Nguyễn kéo dài từ 1802 đến 1945.
  4. Kệ là một bài văn vần ngắn, dễ nhớ, dễ hiểu, tóm lược những điều giảng dạy về đạo. Trong khi kinh là một bài giảng về đạo.
  5. Hàn Thuyên tên thật là Nguyễn Thuyên, không rõ năm sinh và năm mất, đời vua Trần Thái Tông. Năm 1282 tục truyền có cá sấu vào sông Lô, vua sai ông làm bài “Văn tế Cá sấu”, ném xuống sông, cá sấu bỏ đi. Việc đuổi cá sấu giống việc làm của Hàn Dũ đời Đường nên vua khen thưởng và cho ông theo họ Hàn. Ông có tài làm thơ Nôm và là người đầu tiên dùng luật thơ Đường vào thơ Nôm, nên đời sau gọi thơ Nôm theo Đường luật là Hàn luật. Sau đây là bài thơ của Hàn Thuyên:

 Văn tế cá sấu

Ngặc ngư kia hỡi mày có hay

Biển Đông rộng rãi là nơi này

Phú Lương đây thuộc về thánh vực

Lạc lối đâu mà lại đến đây

Há chẳng nhớ rằng nước Việt xưa

Dân quen chài lưới chẳng tay vừa

Đời Hùng vẽ mình vua từng dạy

Xuống nước giao long cũng phaœi chừa

Thánh thần nối dõi baœn triều nay

Dấy từ Haœi ấp ngôi trời thay

Võ công lừng lẫy bốn phương tịnh

Biển lặng sông trong mới có rày

Hùm thiêng xa dấu dân cày cấy

Nhân vật đều yên đâu ơœ đấy

Ta vâng đế mạng baœo cho mày

Hãy vào biển Đông mà vùng vẫy

(trích từ  “Les chefs-d’oeuvres de la littérature vietnamiennes”, Dương Đình Khuê, Kim Lai Ấn Quán, Sài Gòn, 1966?)

* Phù Lương:

Dương Đình Khuê chú thích Phù Lương là sông Hồng Hà (Fleuve Rouge).

Dương Quaœng Hàm nói là sông Nhị Hà (Hồng Hà).

Từ điển Nguyễn Quốc Trụ ghi là: “… văn tế cá sấu và đưa chúng ra khoœi sông Phù lương (có sách nói sông Lư giang)…” tức là sông Lô.

Bài “Văn Tế Cá sấu” vì đã thất lạc nên cũng chỉ được biết đến như một huyền thoại. Chúng tôi ghi lại như một tham khảo mà thôi.

  1. Lấy cớ triều đình nhà Nguyễn cấm đạo, quân Pháp mang quân xâm chiếm ba tỉnh miền Đông Nam kỳ là Biên Hòa, Bà Rịa, Vĩnh Long, đưa tới hòa ước Sàigon 5-6-1862. Sau đó tiến chiếm Bắc kỳ với mục đích dùng sông Hồng hà làm con đường thông thương với miền Nam Trung hoa. Và cuối cùng, dùng vũ lực buộc triều đình nhà Nguyễn chấp nhận sự bảo hộ của Pháp ở miền Trung và Bắc Việt nam, với hòa ước Patenôte ngày 6-6-1884.
  2. Cuối tháng 7-1884, vua Kiến Phúc mất, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi lên ngôi, mưu đồ chống lại hòa ước Patenôte, tấn công quân Pháp nhưng thất bại, phải đưa vua chạy trốn, truyền hịch kêu gọi thần dân nổi dậy chống Pháp. Các sĩ phu và quan lại hưởng ứng và lan rộng khắp ba miền Nam Trung Bắc. Điển hình là Nguyễn Xuân Ôn (1825-1889), Phan Đình Phùng (1847-1895).
  3. Phan Bội Châu (1867-1940) và các đồng chí muốn khôi phục chế độ quân chủ độc lập với sự trợ giúp của Trung hoa và Nhật bản, chọn Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, hậu duệ vua Gia Long làm lãnh tụ phong trào quốc gia. Năm 1905, Phan Bội Châu cùng các đồng chí đưa Kỳ Ngoại Hầu Cường Để sang Nhật, đồng thời kêu gọi thanh niên Việt nam xuất ngoại qua Đông kinh để huấn luyện về quân sự và chính trị để sau này về lãnh đạo các phong trào chống Pháp.
  4. Nghi ngờ thiện chí giúp đỡ của Nhật, vì Nhật cũng chỉ nhắm vào sự đô hộ cả Đông á, nên Phan Chu Trinh (1827-1926) và các đồng chí chủ trương phong trào Duy tân, nâng cao dân trí rồi mới giành lại sự độc lập bằng phương pháp bất bạo động. Đông kinh Nghĩa thục thành lập tại Hà nội vào đầu năm 1907, mở lớp học miễn phí, gồm cả Việt văn, Hán văn và Pháp văn, tổ chức diễn thuyết, đề cao sự cần thiết của giáo dục và thương nghiệp. Cũng năm này xảy ra cuộc khủng khoảng chính trị, vua Thành Thái buộc phải thoái vị và bị đày qua đảo Réunion, phong trào chuyển sang việc chống nộp thuế. Nhà cầm quyền Pháp phản ứng, đóng cửa Đông kinh Nghĩa thục, bắt giam và đày ra Côn đảo những nhân sĩ nổi tiếng như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947), Ngô Đức Kế (1878-1929).
  5. Ngày 15-5-1913, Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) được sự tài trợ của Pháp, ra tờ tuần báo Đông Dương Tạp chí gồm Phạm Quỳnh (1892-1945), Phạm Duy Tốn (1883-1924), Nguyễn Văn Tố (1889-1947), Phan Kế Bính (1875-1921), Nguyễn Đỗ Mục, Dương Bá Trạc (1884-1944). Sau này, một vài người tách ra, chỉ còn lại Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Đỗ Mục và Phan Kế Bính. Đông dương Tạp chí chuyên về mặt học thuật văn chương. Các nhà Nho giới thiệu nền văn hóa cổ, còn các nhà tân học thì phiên dịch và giới thiệu văn chương Pháp.
  6. Nam phong Tạp chí ra hàng tháng, số đầu tiên vào tháng 7-1917, lúc đầu do Phạm Quỳnh làm chủ bút phần Quốc ngữ, Nguyễn Bá Trác (– 1945) làm chủ bút phần chữ Hán, với những trợ bút như Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến (1874-1944), Sở Cuồng Lê Dư, Nguyễn Đôn Phục (– 1945), Trần Trọng Kim (1887-1953), Nguyễn Triệu Luật (– 1946)… Nam Phong Tạp chí nhân danh là cơ quan của hội Khai Trí Tiến Đức. Phạm Quỳnh là người sáng lập và tổng thư ký hội này.
  7. Ca dao là những câu hát ngắn, lưu truyền trong dân gian, thường là câu 4 chữ, lục bát hay song thất lục bát. Tục ngữ là những câu nói có từ lâu đời, nhiều người nói thành quen.
  8. Báo Phong Hóa do Nhất Linh (1905-1963) mua lại của Phạm Hữu Ninh, ra ngày 22-9-1933, là tờ báo của nhóm Tự lực Văn đoàn, bị đình bản vào năm 1936 vì Hoàng Đạo (1906-1948) viết bài châm biếm Hoàng Trọng Phu.
  9. Thơ Mới gọi chung thời kỳ từ 1932 tới 1945, còn gọi là Tiền chiến, vì là thời kỳ tương đối thanh bình vì sau 1945 mới bắt đầu thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp. Thơ văn thời này có nhiều khuynh hướng từ Lãng mạn tới hiện thực, ảnh hưởng văn hóa Pháp, và cũng là thời kỳ phát triển chữ Quốc ngữ.
  10. Có hai kỳ thi. Thi Hương là thi từng vùng để lấy cử nhân và tú tài. Sau đó các cử nhân trong cả nước lên kinh đô để thi Hội, lấy tiến sĩ và phó bảng. Trong các kỳ thi Hương và Hội đều thi Kinh nghĩa, văn sách, thơ phú và tứ lục. Kinh nghĩa là bài văn xuôi bình giảng một câu trích trong kinh, truyện. Văn sách là bài vấn đáp về việc đương thời hay đời cổ. Thơ phú vừa có vần vừa có đối, còn tứ lục không có vần nhưng phải có đối. Ngoài ra còn có thi Đình tại triều đình.
  11. Sau khi Pháp thất trận Điện Biên Phủ, ngày 7 tháng 5-1954, đưa tới hiệp định Genève ngày 20 tháng 7-1954 chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 17. Khoảng 700 ngàn người miền Bắc di cư vào Nam.
  12. Nhân văn và Giai phẩm: Giai Phẩm số mùa Xuân tháng 1-1956, tiếp theo là các số mùa Thu, mùa Đông, và sau đó là báo Nhân Văn tháng 11-1956 do một số nhà thơ nhà văn có tinh thần đổi mới văn học như Phan Khôi, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán, Văn Cao chủ trương. Sau đó những nhà văn nhà thơ này bị đàn áp và cấm sinh hoạt văn học suốt 30 năm.
  13. Lý Toét, Xã Xệ là tên hai nhân vật hí họa trong tuần báo Phong Hóa do Nhất Linh và nhóm Tự lực Văn đoàn chủ trương ”cười cợt để sửa đổi phong hóa”. Lý Toét làm chức Lý trưởng, bị bệnh toét mắt. Xã Xệ, béo xệ ở thôn xã nên gọi là Xã Xệ. Ghi chú thêm: hai nhân vật này xuất hiện trước Phong Hóa, và sau đó có mặt trên nhiều báo, kể cả Nam Phong (PTH).
  14. Vào năm 1956, vì muốn cải cách đảng Cộng sản, Mao Trạch Đông phát động phong trào “Trăm Hoa Đua nở”, thúc đẩy mọi người bày tỏ ý kiến của mình, đưa tới sự mở rộng bàn thảo khắp nước. Chiến dịch lấy từ một câu nói truyền thống ”hãy để trăm hoa đua nở, hãy để mọi tư tưởng cạnh tranh”. Tuy nhiên ngay sau đó bị dẹp tan, và những người tham gia bị kết án là “Bọn quí tộc cánh hữu”, “kẻ thù của nhân dân”. Mục đích của chiến dịch chỉ là cớ để thanh lọc hàng ngũ lãnh đạo, tiến tới “Bước nhảy vọt” (1958-1961).
  15. Hưởng ứng tinh thần xét lại qua bản diễn văn bí mật của Khrushchev (1894-1971), ở Pozan, Ba lan, 15000 công nhân nổi loạn vào ngày 15 tháng 6-1956, tạo lý do cho Hồng quân Nga tới biên giới, vào Ba lan. Trong cố gắng dẹp tan cuộc nổi loạn, đảng Cộng sản Ba lan tái chỉ định Wladislaw Gomulka là Tổng bí thư đảng, một người bị Stalin bỏ tù, và được nhìn như là cấp tiến đối với dân chúng. Hồng quân sau đó rút lui, và chính quyền Xô viết cũng nới lỏng sự kiểm soát Ba lan.
  16. Ở Hungary vào năm 1956, dân chúng hy vọng bản diễn văn bí mật của Khrushchev sẽ chấm dứt sự cai trị khắc nghiệt của Maytyas Rakosi, một tay thân tín của Xô viết. Tinh thần chống Xô viết của dân chúng tập trung vào Rakosi, và nhân một đám tang của một đảng viên ôn hòa, khoảng 300 ngàn sinh viên, công nhân biểu tình vào ngày 6-10-1956. Đảng Cộng sản Hungary đưa Imre Nagy lên làm Tổng bí thư, cũng là một nhân vật ôn hòa để càn quét đám đông và kêu gọi sự trợ giúp của Liên xô. Đám đông đòi Nagy giải tán chính quyền Cộng sản và Hồng quân Nga phải rút lui. Ngày 4 tháng 11-1956, quân Liên xô tấn công Hungary. Nagy trốn vào tòa Đại sứ Nam tư, Liên xô đưa Janos Kadar lên nắm quyền. Khoảng 20 ngàn người Hungary chết, 200 ngàn người chạy trốn qua nước ngoài. Cuộc nổi loạn bị dẹp tan.
  17. Sau hiệp định Paris, quân đội Mỹ rút ra khỏi miền Nam Việt nam, đến 30 tháng 4-1975, cộng sản miền Bắc chiếm trọn miền Nam, thống nhất đất nước sau 20 năm chia cắt.
  18. Chiến tranh lạnh được coi như bắt đầu từ Hội nghị Yalta giữa 3 cường quốc Anh Mỹ Nga (Franklin Roosevelt, Winston Churchill, và Josef Stalin), tìm cách chấm dứt thế chiến II. Hiệp ước Yalta được ký kết ngày 11 tháng 2-1945. Mục đích của Hội nghị là tái lập lại những quốc gia bị Đức xâm chiếm, đồng thời chia nước Đức cho 3 nước chiến thắng. Nga kiểm soát Đông Đức và Đông Bá Linh, và ảnh huỏng chủ nghĩa cộng sản trên các nước Đông âu như Ba lan, Tiệp khắc, Hung Gia Lợi, Bảo Gia Lợi, Lỗ Ma Ni để đổi lại Nga sẽ giúp Đồng minh đánh Nhật. Các nước Đông âu theo hiệp ước, sẽ được độc lập và tổ chức tổng tuyển cử, thành lập một chính phủ độc lập. Nhưng Nga đã ngăn cản cuộc tuyển cử, duy trì chính quyền cộng sản ở các quốc gia đó, và Hoa kỳ vì bận cuộc chiến với Nhật nên đã không can thiệp. Như vậy chiến tranh lạnh bắt đầu từ 1945 và chấm dứt vào 1991, năm Liên Xô sụp đổ.
  19. Tháng 8-1944.
  20. Tháng 3-1945.
  21. Từ tháng 3-1945.
  22. Bảo Đại (1913-1997), vị vua cuối cùng triều Nguyễn thoái vị vào ngày 25-8-1945.
  23. Và đến tháng 1-1947.
  24. Ngày 6-3-1946.
  25. Cuộc xung đột biên giới giữa Trung hoa và Việt nam xảy ra trong 29 ngày từ 17 tháng 2-1979 đến 5 thàng 3-1979. Nguyên nhân Trung hoa cho rằng Việt nam đã quá liên hệ với Liên xô, đối xử bất công và trục xuất người Hoa sống tại Việt nam về Trung hoa, và giấc mơ bá quyền ở Đông Nam Á.
  26. Cynthia Cohen, “Hòa bình và Kinh nghiệm Mỹ học: Sự Chung sống, Hòa giải và Nghệ thuật”, Nguyễn Thị Ngọc Nhung dịch.
  27. Truyện Kiều của Nguyễn Du (1766-1820) kể về 15 năm lưu lạc của Thúy Kiều, bị lừa bán mình vào Lầu xanh, lỡ dở tình duyên với người yêu là Kim Trọng, phải làm vợ Mã Giám Sinh, Từ Hải, sau đó tự tử, được cứu thoát, đi tu. Nguyễn Du là người có văn tài, học rộng, trước đã làm quan cho triều Lê, sau lại làm quan cho triều Nguyễn.
  28. Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều (1741-1798), tả nỗi oán hận của một thiếu nữ tài sắc hơn người, được tuyển vào cung, lúc trước được vua yêu sau bị chán bỏ, than thở, thương cho số kiếp “má đào phận bạc”.
  29. Chinh Phụ Ngâm là một khúc ngâm bằng Hán văn của Đặng Trần Côn, viết theo thể tự do, câu dài câu ngắn, sau đó Phan Huy Ích và nhiều nhà nho dịch ra chữ Nôm. Đặng Trần Côn không rõ năm sinh và năm mất, tính tình phóng khoáng, thích rượu, hay thơ. Đời vua Lê chúa Trịnh có lệ cấm lửa ban đêm, ông đào hầm đốt lửa để đọc sách. Thời đại của ông, chúa Trịnh cầm quyền, tin dùng bọn hoạn quan, người dân bị đè nén áp bức, giặc giã nổi lên khắp nơi, quan quân phải di đánh dẹp. Người lính phải lìa cửa nhà, xa vợ con, bỏ mình nơi chiến trường. Do đó Đặng Trần Côn đã làm ra khúc Chinh Phụ Ngâm nổi tiếng và được truyền tụng cho đến ngày nay. Bản dịch thông dụng là của Phan Huy Ích.
  30. Frederick Turner, “Chủ nghĩa Kinh điển Mới và Văn hóa”, Nguyễn Tiến Văn dịch.

 

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Latest Articles

CON ĐƯỜNG THƠ

   

TUẦN THƠ 56: KHÚC HÁT THÁNG TƯ

KHÚC HÁT THÁNG TƯ   Xuân Thủy   NỖI BUỒN   Nếu nỗi buồn có...

TheraPoetry: The 5-Point Healing Properties of POEMS

The 5-Point Healing Properties of POEMS Have you ever found...

TUẦN THƠ 04: TIẾNG BÊN KIA

Giới thiệu Diễn đàn thơ Tân hình thức Việt www.thotanhinhthucviet.vn/diendan __________________________________ TUẦN...

Thư gửi người thi sĩ trẻ tuổi

Ông hãy thử tự nhận với ông rằng nếu người ta cấm ông viết thì ông có phải chết mất đi không? Nhất là: ông hãy tự hỏi vào giây phút thầm lặng nhất trong đêm tối: “tôi có thực sự phải cần viết không?”. Hãy đào xới trong tâm hồn của ông để tìm cho ra một câu trả lời thâm thuý nhất. Nếu câu trả lời kia xác nhận sự đòi hỏi trong tâm tư ông, nếu ông có thê đối mặt với câu hỏi nghiêm trọng này bằng một câu trả lời dứt khoát giản dị “tôi phải viết”, nếu có thể trả lời như thế thì ông hãy xây dựng đời ông theo mối nhu cầu tâm tư ấy.

Five Stages Of Reading Development

5 GIAI ĐOẠN CỦA VIỆC ĐỌC SÁCH Bởi Pamela Beers | ngày 05...

Related Articles

How to Take Care of Your Art Materials

CÁCH CHUẨN BỊ ĐỒ DÙNG CHO TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT CỦA BẠN Matthew Aldis ngày 17 tháng 5 năm 2012 Your art materials are the base for...

Như thế…Tôi đã đến với Tân hình thức.

When we try to help others, they consider us enemies. But we can thank them because, through them, we can know the nature of each person. The Wuhan Virus helps us to recognize the good and the bad, to rise above both to retain our human affection. Thanks to that, new love arises. Hopefully.

THỜI TRANG VÀ HIỆN ĐẠI

Tóm tắt Bài viết của Butor, một cách có phương pháp, đầu tiên được phát hành bằng tiếng Pháp vào năm 1969, liên quan đến những áp dụng cấu trúc đầu tiên trong thời trang bởi Roland Barthes trong các thập niên 1950 và 1960, bao gồm trong cuốn Système de la Mode của ông. Tiểu luận của Butor được chia ra thành nhiều đoạn có chủ đề: quần áo như ngôn ngữ; trang sức và nơi chốn; phát động thời trang, theo đuổi thời trang; từ xưởng thương hiệu may đến xưởng may gia đình; ai tạo ra thởi trang?; ngôn ngữ quanh thời trang; ngôn ngữ như quần áo; avant-garde; thanh lọc các thứ cổ điển; và ai tạo ra văn chương?