XÓM THƯỢNG TỨ

Phải chăng trong tôi có đến hai con người ? Điều ni tôi chịu, có biết mô. Thế rồi tôi đã đi xa, đi khá lâu, khi quay về chỉ kịp nhìn thấy mạ. Mạ mở mắt thì thào tiếng được tiếng mất : ” Con..về..rồi..à..Lộc! “, rồi mạ nhắm mắt không mở nữa.

Nguyễn Văn Quế


Tên ở nhà của tôi là Lộc. Không biết thực hư ra răng chơ tên ni nghe có vẻ giàu có và trù phú, khiến ai cũng phát thèm! Rứa mà không hiểu răng ba mạ tôi khi làm giấy tờ khai sinh lại đặt tên là Quế, cái tên nghe cay xè. May mà có đệm thêm chữ Văn nghe có phần tao nhã cũng giảm cay, giảm đắng phần nào.
Thật ra tên Quế cũng không đến nổi quá dở nhưng nghe như hơi cay và khô. Có lúc quế ăn vào cay chảy cả nước mắt. Nghe người ta hay nói ăn quế nhiều mờ con mắt đó, có biết chưa, đáng sợ thật! Cũng may mà quế còn có chút hương, còn dùng làm hương liệu trong đông y và ẩm thực, không thì tiêu tùng lâu rồi, còn mô!
Nay mai khi tôi đã “phiêu diêu miền…”, nếu có ai đó còn nghĩ đến, về chốn cũ nơi cái xóm “Thượng Tứ ngày xưa, nhớ nhớ quên quên” ấy để tìm mà hỏi thăm Quế thì chắc chắn tôi sẽ tiêu diêu luôn. Vì thật ra ở xóm Thượng Tứ không ai biết tên tôi là Quế cả. Chỉ hoài công thôi.
Tên với họ đôi lúc cũng rắc rối thật, rứa mà người ta cứ thay đổi các tên đường đến chóng mặt và mù cả mắt.
***
Gia đình tôi, gia đình Lạc Thành, gia đình Mộng Hoa, gia đình Quảng Phong bán thuốc lá Cẩm lệ, gia đình chú Nuôi bi da (thời gian sau này)… đều là những gia đình đông con nhất xóm Thượng Tứ hồi ấy.
Ba tôi, chuyên gia ăn cau trầu tầm cỡ nhất nhì Huế, có tiệm xe Minh Lợi chuyên sửa chữa xe đạp và xe gắn máy, cũng có bán ít phụ tùng để thay thế và cho thuê xe đạp nữa.
Ba kể hồi nớ (thời Pháp thuộc) sửa xe đạp và cho Tây thuê xe đạp để họ đạp xe dạo chơi Huế mộng mơ cũng kiếm khá tiền nuôi cả bầy anh em tôi ăn học.
Ba còn kể, hồi đó đôi lúc có vài cô đầm xinh đẹp như minh tinh màn bạc, tầm cỡ Sophia Loren hay Vivien Leigh chi đó hay đến tiệm thuê xe đạp. Có lúc mấy cô đầm nớ còn nhờ ba tôi vịn để tập cho đi xe đạp nữa. Trời ạ! hồi nớ tôi còn nhỏ xíu nhưng nghe ba kể rứa mà thèm. Ba tôi rứa mà sướng thật!
Tiệm xe của ba tôi mở hoạt động từ năm 1938, lúc ba tôi mới 18 tuổi. Tuổi trẻ tài cao! Tiệm ăn Lạc Thành rất nổi tiếng hồi đó thì mở sớm hơn (nghe nhà văn Quế Chi nói tiệm ăn mở từ lâu nhưng đến năm 1947 mới đặt tên Lạc Thành). Hiệu sách của ôn La Ngu, tên hiệu sách là chi tôi quên mất, do chị Cam đứng bán (sau này là nhà sách Thượng tứ), chị ấy là con gái bác La Ngu cũng có tiệm bán sách vở ở Hàng bè ngay dưới chân cầu Đông ba), tiệm thuốc bắc Phúc Thọ Đường bán thuốc bắc và có cho cầm đồ của bác Nghè ngay sát bên nhà tôi, tiệm bán thuốc lá Quảng Phong, hiệu đóng giày Bùi Khán, nhà bác Thân (bác Thân là chuyên gia mở khóa cho khách khi bị kẹt khóa hay bị mất chìa khóa, cả Huế đều biết), hiệu ảnh và vẽ chân dung Maria Mộng Hoa, hiệu ảnh Đông Nam, phòng mạch và nhà thương của bác sĩ Lê Khắc Quyến…đều là những nơi kinh doanh hành nghề lâu đời ở xóm Thượng tứ.
Thân phụ của nhà văn Quế Chi ở tiệm Lạc Thành, hai bác rất đạo đức, thương người, được cả lối xóm quý mến. Họ hay giúp đỡ bà con trong xóm, và người lao động ở xóm bờ hồ Trần Hưng Đạo. Hai bác cũng như hai bác ở Phúc Thọ Đường, bác Quảng Phong…các bác đều là đàn anh đàn chị ba mạ tôi, nhưng họ khá thân nhau.
Sau này còn có nhiều tiệm cũng quen thuộc mà người Huế mình vào ra trên đoạn đường ấy đều biết như hiệu may áo dài Mỹ lệ, hiệu ảnh Gina, nhà in Nguyễn văn Phước, hiệu sách Nắng mới, khách sạn Đức Lợi…
***
Nếu tính từ ngoài đường Trần Hưng Đạo quẹo phải vào đường Đinh Bộ Lĩnh (chừ là Đinh Tiên Hoàng) thì đầu tiên là quán cháo lòng của bà Ba, kế đến là hiệu may áo dài Mỹ Lệ, và trên vỉa hè ngay ở góc trước quán cháo lòng và nhà may Mỹ lệ đặc biệt có hai chị em là chị Hai và chị Hường bán nước chè xanh nóng hổi thơm lựng mùi gừng tươi, tiếp đến là tiệm bánh khoái Lạc Thiện nổi tiếng Huế (bác gái là em ruột của bác trai tiệm Lạc Thành), tiếp nữa là nhà bác Đeo bán thuốc bắc và rượu thuốc, hiệu ảnh Gina, tiệm ăn Lạc Thành, bida Nuôi, nhà sách của ôn La Ngu (sau này là tiệm may Phương Mai), tiếp đến là nhà thương của bác sĩ Quyến (nơi bệnh nhân ở xa nằm điều trị), nhà in Nguyễn Văn Phước, tiệm Quảng Phong bán thuốc lá Cẩm lệ, tiệm đóng giày Bùi Khán, nhà bác Thân, tiệm xe Minh Lợi, hiệu thuốc bắc Phúc Thọ Đường, cuối cùng sát bờ hồ có thêm nhà của bác Chín (Quảng Phong) nơi dùng để chế biến thuốc lá Cẩm lệ. Mùi nấu cọng của lá thuốc trong những thùng tô nô to đùng để lấy nước thuốc rắc vào lá thuốc cho dịu, làm thơm phức cả xóm, hỏi răng mấy ôn mệ không thèm thuốc lá Cẩm lệ được!
Còn phía bên trái vào, đầu tiên là bức tường phía phải của trường Tiểu Học Thượng tứ, kế đến là xóm khách sạn Đức Lợi (sau này), hiệu ảnh Mộng Hoa, hiệu sách Nắng Mới, phòng mạch và là nhà ở của bác sĩ Quyến, nhà ôn Võ Truy (nay là khách sạn Thành Lợi), nhà ôn Thị Bốn với hiệu ảnh Đông Nam. Sau này con ôn là chú Dinh mở hiệu thuốc Tây Thượng Tứ. Tôi nhớ hồi ấy nhà ôn Thị Bốn dài lắm, vườn nhà kéo dài dọc theo bờ hồ Trịnh Minh Thế, sát bờ hồ trồng nhiều cây vú sữa, hồi đó xế trưa ôn hay thức dậy chống gậy ra chửi đuổi mấy cậu choai choai leo hái trộm vú sữa, ôn còn nuôi cả ong ruồi để lấy mật nữa, dọc bờ hồ có dựng lên nhiêu cái nhà nuôi ong. Hồi nớ đứng trên cầu vồng Thượng tứ nhìn qua mấy cái nhà nhỏ, mỗi cái được dựng trên một cái cột, tôi đã ngạc nhiên nghĩ răng Huế mình có nhiều chùa một cột rứa, trông giống thật.
Tiệm xe của ba tôi hoạt động kéo dài đến năm 75. Sau đó tiệm chỉ sửa chữa xe gắn máy, xe đạp và hàn lại đồ nhựa của xe honda bị vỡ thôi. Còn Tiệm ăn Lạc Thành sau 75 chỉ bán chè hoặc bánh trái chơ không còn tiệm ăn nữa.
***
Trên vỉa hè của xóm Thượng Tứ vào buổi sáng có rất nhiều gánh hàng rong thu hút khách ăn không chỉ trong xóm mà còn có khách qua đường, khách từ xóm Lê Hữu Tý, bến xe Trịnh Minh Thế (nay là bến xe Nguyễn Hoàng), xóm Bờ hồ Trần Hưng Đạo và khách từ phía trong cửa Thượng tứ ra ăn nữa. Các gánh hàng rong bán điểm tâm đủ các thứ Huế mình có thời ấy như bún bò O Quéo, mệ Béo…, xôi bắp trắng, xôi bắp đỏ hầm với đậu đỏ, xôi trắng, xôi đậu xanh, xôi vò, bánh dầy chấm mè, bánh đúc mật màu xanh, màu trắng, ăn với mắm nêm hay với mật mía…
Đặc biệt nhất là cháo gạo đỏ o Thỉ (nấu với gạo hẻo rằng), nhìn tô cháo múc ra nóng hổi, điểm trên mặt chút tôm cá kho quẹo với ớt trái đỏ cay xè, ăn vào ngon ngọt, béo ngậy răng mà quên được. Hồi nớ thỉnh thoảng có một hai anh lính Mỹ ngồi chò hỏ ăn bún, vừa cười vừa húp nước bún sùn sụt, mồ hôi và nước mắt tuôn chảy thành sông vì cay quá, nhưng miệng họ luôn nói “good, good”. Thì ra cái xóm Thượng tứ của tôi không những luôn dễ thương với bà con lối xóm và khách vãng lai mà còn sống chung hòa bình với người ngoại quốc nữa.
Chưa hết, buổi trưa, đi học hay đi làm về còn được ăn chè các loại, thạch xoa, cà rem, đậu hũ hay cơm rượu nếp nữa.
Buổi chiều, sau giấc ngủ trưa còn được thưởng thức nhiều món dân dã Huế mình như bánh canh Nam Phổ, bánh nậm, lọc, ram ít, bánh ướt, bánh bèo, chả tôm…do các o mặc áo dài gánh hoặc nách đến bán, cũng có các gánh lục tào xá và chè các loại nữa, răng mà kể hết được. Đặc biệt là thời Đệ nhất cộng hòa, buổi chiều thỉnh thoảng có một ông người Ấn độ mắt to tròn sáng quắc da nâu bóng láng, hai tay xách hai cái gióng, một tay là soong cà ri Ấn thơm phức nóng hổi, tay kia là lồng bánh mì được ủ ấm bằng nhiều lớp vải trắng, ông đi bán dạo từng nhà, cà ri ông ấy bán hồi ấy đối với tôi là ngon nhất thế giới. Đó là chưa kể mấy gánh phở, xe phở, xe bán bánh bao, xe đạp ba bánh bán thịt bò khô xắt lát trộn với đu đủ xanh cho thêm chút nước mắm chua ngọt ăn vào thít tha cay xè ngon vô cùng trời đất.
Buổi tối còn có mì nóng, bắp rang, đậu phụng rang trứng lộn nóng hổi vừa thổi vừa ăn, phở xe, phở gánh, cháo bò, cháo gà, mì xíu…
Thôi, kể ngang nớ được rồi, kể thêm bao tử tiết nhiều dịch vị mà không được đáp ứng, hư cái dạ dày mà chết, ai chịu!
***
Trở lại với cái tên. Tôi chưa hề nghe ba mạ, anh chị em, bà con nội ngoại tôi và những người trong xóm Thượng Tứ gọi tôi bằng cái tên Quế cả, mà lúc mô cũng một Lộc, hai ba chi cũng Lộc. Làm như cái tên Quế không hề tồn tại trên cõi đời này vậy. Nghĩ kỹ thấy không vui.
Phải chăng trong tôi có đến hai con người ?
Điều ni tôi chịu, có biết mô.
Thế rồi tôi đã đi xa, đi khá lâu, khi quay về chỉ kịp nhìn thấy mạ.
Mạ mở mắt thì thào tiếng được tiếng mất : ” Con..về..rồi..à..Lộc! “, rồi mạ nhắm mắt không mở nữa.
* Chút hồi ức về xóm Thượng Tứ.
Chỉ là ghi lại những thước phim ngắn ngủi trong trí nhớ bồng bềnh và hạn hữu về nơi ấy. Mong các anh các chị xóm mình thông cảm những thiếu sót, sai phạm để sửa chữa và bổ sung cho.
Trân trọng.
* Tôi rất biết ơn nhà văn Quế Chi đã chân tình sửa chữa cho tôi các sai lỗi và thiếu sót trong bài. Xin cảm ơn anh. Cảm ơn các anh các chị đã ghé thăm và đóng góp ý kiến vui vẻ như người chung một nhà, chung một xóm.
Thật ấm lòng.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Latest Articles

SINH KHÍ THƠ CỦA TAM KHOA

SINH KHÍ THƠ CỦA TAM KHOA ___________________________ Frederick Turner   Dĩ nhiên, khi...

THƠ HÀO SẢNG: MỘT CÂU TRUYỆN

THƠ HÀO SẢNG: MỘT CÂU TRUYỆN By Frederick Feirstein Thơ Hào...

THƠ TÂN HÌNH THỨC NHƯ MỘT NỖ LỰC MỞ RỘNG BIÊN GIỚI THƠ

THƠ TÂN HÌNH THỨC NHƯ MỘT NỖ LỰC MỞ...

The Dutch City Poets Who Memorialize the Lonely Dead

Author: Christine Ro | Dec 24 2016 Any funeral is poignant....

THANH TRÍ, người bạn cùng thời hay tiếng sóng vỡ dưới trăng…

THANH TRÍ, người bạn cùng thời hay tiếng sóng...

Related Articles

RA MẮT SÁCH – SINH HOẠT THƠ – CON MÈO ĐEN

Vì thế thơ Tân hình thức Việt chuyển những thể thơ truyền thống 5, 7, 8 chữ và lục bát có vần thành không vần để đưa thơ Việt ra ngoài thế giới. Những thể thơ mới này gọi là thể thơ không vần, sử dụng kỹ thuật vắt dòng để chuyên chở ý tưởng liền lạc, và kỹ thuật lập lại bằng trắc để tạo nhịp điệu. Kết quả giới đọc giả Mỹ đã quan tâm tới thơ Việt qua tờ báo song ngữ Anh Việt, Journal Poetry.

KỊCH THƠ: HÒN THAN

KỊCH THƠ: HÒN THAN ___________________ Trầm Phục Khắc   Kịch dựng trên nền 3 bài thơ Mất Dạy của Xuân Thủy Vô Đề của Khế Iêm và À Ơi của Trầm Phục...
00:02:59

The Notebook (Movie Review)

THE NOTEBOOK Bởi Britt Gillette | ngày 25 tháng 2 năm 2006 [youtube https://www.youtube.com/watch?v=yDJIcYE32NU?si=QvNKbN6TMMDprmEl] Adapted to screen from the Nicholas Sparks novel of the same name, The Notebook is one...