THI ẢNH KHẨU CẢM TRONG THƠ HÀN MẶC TỬ

Bài này nhằm nêu một khía cạnh đặc biệt của những hình đến khẩu ảnh trong thơ Hàn Mặc Tử: những hình ảnh liên quan cảm. Những hình ảnh này rất nhiều, rất phong phú và được tác giả dùng về mọi đề tài, từ trăng, mộng, đến thi hứng, sáng tạo và Thượng Đế. Điều ấy không có gì làm cho chúng ta ngạc nhiên. Miệng là cơ quan của vị giác, cơ quan để ăn uống và nuôi thể xác, nhưng cũng là cơ quan của lời nói. Trong lúc sáng tạo, thi sĩ vận dụng trong tiềm thức lưỡi và miệng. Riêng trong thơ Hàn Mặc Tử những cảm giác của miệng và lưỡi chiếm một địa vị đặc biệt. Trích Tập-san Khoa-học Nhân-văn của Hội-đồng Quốc-gia Khảo-cứu khoa-học Saigòn, tập II .1974,- Trang 163-172.

Bùi Xuân Bào

Trích Tập-san Khoa-học Nhân-văn của Hội-đồng Quốc-gia Khảo-cứu khoa-học Saigòn, tập II .1974,- Trang 163-172.



Bài này nhằm nêu một khía cạnh đặc biệt của những hình đến khẩu ảnh trong thơ Hàn Mặc Tử: những hình ảnh liên quan cảm. Những hình ảnh này rất nhiều, rất phong phú và được tác giả dùng về mọi đề tài, từ trăng, mộng, đến thi hứng, sáng tạo và Thượng Đế.

Điều ấy không có gì làm cho chúng ta ngạc nhiên. Miệng là cơ quan của vị giác, cơ quan để ăn uống và nuôi thể xác, nhưng cũng là cơ quan của lời nói. Trong lúc sáng tạo, thi sĩ vận dụng trong tiềm thức lưỡi và miệng. Riêng trong thơ Hàn Mặc Tử những cảm giác của miệng và lưỡi chiếm một địa vị đặc biệt.

Hàn Mặc Tử ít khi trực tiếp nói đến miệng lưỡi, như trong câu thơ sau đây:

“Ai cho châu báu cho thanh sắc
Miệng lưỡi khô khan hết cả thèm”(1)

Những hình ảnh về vị giác cũng rất hiếm, ngoại trừ những thành ngữ như mùi cay đắng đã mất từ lâu tính cách của một thi ảnh để trở thành một sáo ngữ. Riêng vị giác ngọt, thi sĩ đã nói đến nhiều lần, nhất là để tả cảm giác về mùa xuân, do sự giao cảm giữa khứu giác và vị giác:

“Vì chưng xuân là lương thực ngon ngọt mỹ vì, ánh xuân là nguồn tư tưởng thơm tho, tinh khiết, khí xuân là mạch trường sinh bất tử, tình xuân là cung cầm nguyệt mê li, tuổi xuân là NGỌC NHƯ Ý, tên xuân là DẠ LAN HƯƠNG.(2)

“Trầm ngán nghê bay trong lãnh cung
Xuân thơm bối rối ngọt vô cùng” (3)

Mỹ vì cũng được dùng trong một đoạn thơ khác, cũng liên hệ đến mùa xuân, nhưng lần này kết hợp với xúc giác :

“Hơi xuân ấm mỹ vì hơn dạ yến
Ta đem ươm trong ý vị đêm nay” (4)

Lúc còn nhỏ, dạo thuyền với một người chị để thưởng thức trăng rằm một đêm thu. Hàn Mặc Tử có cảm giác khoái lạc vô cùng:

Sao đêm nay kiều diễm như một bức tranh linh động thể này? Tôi muốn hỏi xem chị tôi có thấy ngọt ngào trong cổ họng như vừa uống xong một ngụm nước lạnh, mát đến tê cả lưỡi và hàm răng. (5)

Khi tả sự đau khổ vì ái tình, thi sĩ lại dùng những hình ảnh có tính cách vật chất hơn về sự thèm khác ăn uống :

“Trời hỡi! Nhờ ai cho khỏi đói?
Gió trăng có sẵn, làm sao ăn?
Làm sao giết được người trong mộng
Để trả thù duyên kiếp phụ phàng?” (6)

Trong thơ văn Á Đông, từ Lý Thái Bạch đến Vũ Hoàng Chương, rượu và thơ thường đi đôi với nhau. Thơ của Hàn Mặc Tử không ngoài thông lệ đó :

Nhạc dường say và rượu vẫn còn thơm (7)
“A, ha ha, say sưa chê chán đã
Ta là ta hay không phải là ta” (8)
Có lúc, Hàn Mặc Tử cho rằng vạn vật cũng choáng váng

hơi men:

“Cho trăng xuân tràn trề say chới với” (9)

Điều này chẳng có gì là đặc biệt, vì do sự ứng chuyển cảm giác từ thi nhân đến thiên nhiên, thường thấy trong văn thơ xưa nay. Nhưng khi thi sĩ tả sự say sưa của trời đất, hay của chính mình, thì hay dùng những động từ hình dung sự cử động của môi và miệng lúc uống rượu như nhấp, hớp:

“Đêm nay lại giống đêm nào,
Nhấp xong chung rượu buồn vào tận gan” (10)
“Trời như hớp phải men ngan ngát.
Đắm muôn ngôi tinh lạc xuống mười phương” (11)

Tửu hứng lại là một nguồn thơ rấy mạnh kết hợp với đau thương. Ở đây chúng ta bước vào thế giới mãnh liệt của Hàn Mặc Tử. Trong bài Đàn Ngọc “nàng” (12) cần phải say sưa tột độ để nảy ra những tiếng đàn đê mê thống thiết :

“Nốc đi cho làn phấn điểm màu say
Cho rúng động toàn thân người rớm khóc”
“Rồi muôn xuân đã nư chiều thổn thức
Đều rung lên như thể tắm hồn mơ.
Ai gieo chi thương tiếc giữa đường tơ
Cho lỡ dở vang lên từng tiếng nấc” (13)

Các hình ảnh ở đây có một động lực hai chiều: Rượu đưa nguồn cảm hứng vào tâm hồn, và những nguồn nhạc tuôn trào từ tay nhạc sĩ (14). Ở đây chúng ta nhận thấy rằng những hình ảnh của Hàn Mặc Tử có tính cách dịch thể (images liquides) kết hợp với nhau thành một hệ thống, thành một mạng nhện hình ảnh (réseau d’images) theo một biện chứng pháp của trí tưởng tượng (15):

“Ai nỡ nào cắt nghĩa tới hàng mi
Là ứ lại là trào ra nước mắt” (16)

Nhạc đã chảy tràn một khi rượu đã thấm nhuần con người của nhạc sĩ cũng như đau khổ đã ứ lại và trào ra nước mắt: Và sau khi thôi thúc uống nhiều nữa:

Tiết “Hãy uống đi cốc rượu ngấm đầy hơi
Chan chứa vị nồng cay đêm hợp cẩn (17)

Thi sĩ lại van lơn nhạc sĩ dừng tay:

“Hay khoan tay cầm lại trí tương tư
Đang chờn vờn trong nguồn sáng ngất ngư
Đang lướt mướt ở trong màu hoa lệ” (18)

Để thấy rõ tiết điệu nhị phân hay nhịp đôi (rythme binaire) của thi ảnh của Hàn Mặc Tử, chúng ta có thể so sánh bài thơ Đàn ngọc của Hàn Mặc Tử với bài Dựng của Vũ Hoàng Chương cũng khai triển đề tài tương tự : nhạc và say

“Đàn rưng rưng lệ phách dồn mưa
Tiếng hát tàn rơi hận thưở xưa
Bụi nhuốm Thiên thai nhoà hứng rượu
Đời sau say giúp mấy cho vừa

Cô đơn men đắng sầu trăng bến
Đất trích Tầm Dương quanh tiễn đưa
Nhịp đổ càng mau nghe ríu rít
Tê rời tay ngọc lúc buông thưa”(19)

Trong Vũ Hoàng Chương nhạc và say hoà hợp với nhau từ đầu đến cuối bài thơ, chứ không tách rời nhau để cấu tạo nhịp đôi của thi ảnh.

Trong những bài thơ đặc biệt nhất của Hàn Mặc Tử, chúng ta cũng thấy lại nhịp đôi của hình ảnh như đã nêu trên. Trong bài mở đầu tập Thơ Hàn Mặc Tử tác giả cũng diễn tả bản chất của thi nhân đón nhận tinh hoa của vũ trụ để đưa tất cả linh hồn vào khúc nhạc:

“Gió phương mô đẩy đưa Người đến bờ xa lạ, đầy trinh tiết và đầy thanh sắc. Người dừng lại để hái lá tinh hoa. Người nín lặng để mà nghe tiếng trăng reo vang như tiếng châu báu vỡ lỡ. À ra người cũng dại dột hốt vàng rơi trong vạt áo”.

– “Tôi làm thơ?

“Nghĩa là tôi nhấn mạnh một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng.

“Anh sẽ thấy hơi đàn lả lướt theo hơi thở của hồn tôi và chìu theo những sóng điện nóng an trút xuống bởi năm đầu ngón tay uyển chuyển

“Anh sẽ rung theo khúc ngân nga của tơ đồng, sẽ để mặc cho giai âm rền rĩ nuối không ngưng”(20)

Đối với Hàn Mặc Tử, thi hứng có nghĩa là thi sĩ nhận một luồng cảm hứng từ ngoại giới vào thể xác và tâm hồn, và sau đó thị sĩ biến chất luồng cảm hứng đó thành lời thơ. Tin vào Thượng Đế, Hàn Mặc Tử cho rằng thi sĩ thuộc vào một “loài” đặc biệt, khác hẳn với “loài người”. Thi sĩ phải biết tận hưởng tạo vật để đưa lời thơ đến nhân loại

“Loài này là những bông hoa rất quý và rất hiếm, sinh ra đời với một sứ mạng thiêng liêng: phải biết tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa trời đã gây nên, ca ngợi quyền phép của người, và trút vào linh hồn người ta, những nguồn khoái lạc đê mê, nhưng rất thơm tho, rất tinh sạch(21).

Một thi sĩ Tây phương, Paul Claudel, cũng là một nhà thơ công giáo, quan niệm thi hứng gần như thế, khi ông tả một cách thiết thực hơn nguồn cảm hứng của thi nhân:

“Hình như là ở bên ngoài đột nhiên có một hơi thở thổi vào tiềm năng để rút ra ánh sáng và hiệu lực, có thể nói là khơi mào khả năng ngôn ngữ của chúng ta”(22)

oOo

Khai triển hai đề tài quan trọng và cao thượng nhất của chính mình cũng như của thi ca nhân loại. Hàn Mặc Tử dùng những hình ảnh liên hệ đến sự ăn, ăn để nuôi sống linh hồn và duy trì sinh lực của nguồn thơ.

Như một đứa bé đói bụng thèm ăn, Hàn Mặc Tử đòi hỏi một nguồn thi hứng được đưa vào rất nhiều và rất lanh chóng để thi sĩ có thể thốt ra những lời thơ “cao sang” và sáng láng.

Trong thơ Hàn Mặc Tử sáng trăng nhiều lần gợi cảm hứng, nhưng nguồn cảm hứng sâu xa nhất là Thượng Đế đã tạo dựng vũ trụ và con người, cho nên trăng kết hợp với ơn của Thượng Đế:

“Cho mau lên! Dồn ánh nguyệt vào đây. Lời thơ ta sẽ sáng trưng như thất bảo. Tình cảm ta sẽ nóng ran như mặt trời. Ý tử ta sẽ cao cường hơn ngọn núi.

“Lạy Chúa Trời tôi! Hãy ban cho tôi hằng hà sa số là ơn lành, ơn cả. Thơ tôi sẽ rất no, rất ớn, rất nư, trọng vọng như tài hoa, cao sang như nhân đức, chói chan vô vàn phước lộc”(23)

Các thi sĩ thường tìm nguồn thơ trong thiên nhiên đầy hương sắc và thanh âm. Hàn Mặc Tử cũng thế, nhưng đi xa hơn: thơ của ông thật sự có vũ trụ tính vì thi sĩ có “Chí muôn sao”. Khao khát tuyệt đối và vô biên, ông muốn nuốt cả vũ trụ vào lòng:

“Ôi! Trời hạo nhiên đây không phải do phép tắc mầu nhiệm của Đấng Vô thỉ Vô chung?”

Đưa ra, nào là nhạc thơm, hương gấm, mộng ngọc và hoa trinh bạch, đàn ly tao, tranh tuyệt phẩm.

“Đưa ra nào là gió biệt ly, trăng đoàn viên, chim tứ chiếng, mây giang hồ, và nào là trời thanh sắc, bông nhũ hương, niềm mộc dược.(24)

“Vẫn chưa bưa, chưa đã, chưa nguôi được chí muôn sao!”

Đó là những gì mà thi sĩ muốn cho vào tâm hồn mình. Để đáp lại lòng thương vô ngần của Thượng Đế, thi sĩ:

“… Cho ra một dòng thơ rất mát
Mới tinh khôi và thanh bạch bằng hương”

“Ta há miệng cho nguồn thơ trào vọt
Đường thơ bay sáng láng như sao sa”(25)

Đối với Thánh nữ đồng trinh cũng thế: Maria:

“Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi”(26)

và thi sĩ nhận được ơn phước của ngài, lòng thi sĩ “vẫn thấm nhuần ơn trìu mến”(27).

Hưởng được tình thương vô biên của Đức Mẹ, thi sĩ sẳn sàng thốt ra những câu thơ dồi dào và trong sáng

“Dòng thao thao bất tuyệt của nguồn thơ
Bút tôi reo như châu ngọc đèn vua;
Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị..
Và trong miệng ngâm câu ca huyền bí,
Và trong tay nắm một nạm hào quang,
Tôi no rồi, ơn võ lộ hoà chan” (28)

Trong những bài thơ được trích dẩn trên đây được xem như những bài thơ tiêu biểu nhất cho thi tài của Hàn Mặc Tử, những khẩu cảm được lặp đi lặp lại rất nhiều, và những bài thơ đó lại ca tụng những lý tưởng cao quý nhất của con người : thơ và tôn giáo, làm cho chúng ta có cảm tưởng rằng trong thơ Hàn Mặc Tử đề tài cao thượng bao nhiêu thì những khẩu cảm lại nhiều và mạnh mẽ bấy nhiêu.

Thơ là điều quan trọng nhất đối với Hàn Mặc Tử, Hàn Mặc Tử sống nhờ thơ và vì thơ, nuôi tâm hồn mình bằng thơ và cho rằng sứ mạng độc nhất của ông là làm thơ. Và thơ của ông chảy như “máu vọt”(29) và ông muốn“hồn trào ra đầu bút”(30) một khi dồn chứa đủ chất thơ trong tâm hồn, và dù thơ có “rướm máu” thi sĩ cũng sung sướng lúc làm thơ:

Đã no nê, đã bưa rồi, thế hệ
Của phường trai mê mẩn khí thanh cao
Đương cầu xin ọc thơ ra dường sữa
Ta ngất đi trong khoái lạc của hồn đau (31)

Đề tài quan trọng nhất trong thơ Hàn Mặc Tử không phải là ái tình, cũng không phải là đau khổ (32) và cũng không phải là Thượng Đế, mà chính là thơ. Ái tình chỉ làm cho Hàn Mặc Tử mơ mộng luyến tiếc và đau khổ. Và dù đau khổ, Hàn Mặc Tử vẩn vui sướng khi sáng tạo. Thượng Đế đối với Hàn Mặc Tử là nguồn thơ thuần tuý và cao thượng nhất và thi sĩ có lúc ước vọng gặt hái một mùa thơ cao siêu hơn cả Thượng Đế:

“Ta chấp hai tay lạy quỳ hoan hảo
Ngửa trông cao, cầu nguyện trắng không gian
Để vừa dâng vừa hiệp bốn mùa xuân
Nở một lượt giàu sang hơn Thượng Đế” (33)

Những gì tươi đẹp nhất trong vũ trụ, quý hoá nhất trong tâm linh, huyền bí nhất trong tôn giáo, Hàn Mặc Tử đều đồng hoá với thơ. Trăng sao vằn vặc, mùa xuân mát dịu và tươi sáng, lòng thương yêu của Chúa Trời và Mẹ Đồng Trinh đều là biến thể của chất thơ man mác:

“Đây, thi sĩ của đạo quân Thánh giá
Nửa Đêm nay vùng dậy để tung hô
Để sớt cho cả xuân xuân thiên hạ
Hương mến yêu là lộc của lời thơ” (34)

Tin Chúa ra đời mà thiên thần Gabriel đưa xuống cho Maria cũng là thơ :

“Hỡi sứ thần Thiên Chúa Gabriel
Khi Người xuống truyền tin cho Thánh nữ,
Người có nghe xôn xao muôn tinh tu Ô?
Người có nghe náo động cả muôn hoa ?

Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Để ca tụng – bằng hương hoa sáng láng
Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiều rạng
Một đêm xuân là rất đổi anh linh” (35)

Nhưng đồng thời, thơ cũng là một cái gì cụ thể, có thể sờ mó được, có thể nắm được. Nếu Xuân Diệu muốn “quấn riết đôi vai” của người yêu để tránh “xa cách”(36) và muốn “cắn vào xuân hồng”(37) thì Hàn Mặc Tử cần lời thơ và siết nguồn thơ:

“Đừng nắm lại nguồn thơ ta đang siết
Cả lòng ai trong mở chữ rung rinh (38)
“Bởi vì mê mẩn vì khoan khoái,
Anh cắn lời thơ để máu trào”

……………..

Lời thơ ngậm cứng không rền rĩ
Mà máu tim anh vọt láng lai” (39)

Đây thi sĩ nói đến một bài thơ của người yêu mà chàng phải vĩnh biệt. Thi sĩ để cho linh hồn mình theo dõi người trong mộng.

Thám hiểm những vùng thiêng liêng và bí mật nhất của đời sống tinh thần. Hàn Mặc Tử không thể không tự đặt câu hỏi mà xưa nay chưa một người nào giải đáp dứt khoát : Hồn là gì?(40) và cố nhiên. Hàn Mặc Tử chỉ biết đặt câu hỏi mà thôi.

Nhưng nói về hồn, thi sĩ cũng dùng những hình ảnh liên quan đến những tác dụng của miệng:

“Hồn vội mớm cho tôi bao ánh sáng…
Tôi chết giả và no nê vô hạn,
Cười như điên, sặc sụa cả mùi trăng
Áo tôi là một thứ ngợp hơn vàng
Hồn đã cấu, đã cào, nhai ngấu nghiến” (41)

Thật tình không vì một tiên kiến nào trong khi đọc thơ Hàn Mặc Tử, tác giả bài này nhận thấy rằng đa số những thi ảnh đặc biệt của Hàn Mặc Tử, nhất là trong những đề tài độc đáo nhất của ông, là những thi ảnh liên hệ đến khẩu cảm : vũ trụ, tín ngưỡng, tôn giáo và thơ, đều nhuốm màu những hình ảnh ấy.

Những hình ảnh ấy có tính cách động, mãnh liệt, và có một động lực hai chiều (42) và được dùng nhiều nhất trong các đề tài xa với đời sống vật chất và liên hệ mật thiết nhất với đời sống của tâm linh.

Sau khi nhận thấy tầm quan trọng của những thi ảnh khẩu cảm, soạn giả bài này cố gắng thử ứng dụng vào những thi ảnh ấy phương pháp phân tích tiết điệu thi ảnh (43) mà nhà phê bình văn học Gaston Bachelard đã sáng tạo và được giới văn học Tây phương cho là một khám phá tân kỳ và sâu xa nhất để hiểu thơ. Cố gắng nói trên đã đem lại một vài kết quả tích cực và hữu ích.

Sự phân tích các thi ảnh khẩu cảm trong thơ Hàn Mặc Tử cho phép chúng ta kết luận rằng thi sĩ đã ghi vào những thi ảnh đó hai chiều hướng thi hứng và sáng tạo : thi sĩ đón nhận vào tâm hồn những gì cao đẹp nhất trong thiên nhiên, trong con người, và trong tôn giáo để biến thành thơ.

Và do đó chúng ta nhận xét rằng Hàn Mặc Tử sống để làm thơ và phụng sự thơ. Đối với ông, nhất là trong thời kỳ bệnh tình trầm trọng nhất, thơ không phải chỉ là nguồn an ủi cuối cùng, mà là nguồn sống duy nhất của thi sĩ. Vì vậy, khi ca tụng thơ ông lại dùng nhiều thi ảnh khẩu cảm hơn khi nào hết.

Nguồn vui độc nhất của Hàn Mặc Tử là thơ mà thi sĩ đồng hoá với đức tin và có khi còn cho là cao hơn cả đức tin. Trích dẫn bốn câu: (32)

‘Ta chắp hai tay, lạy quỳ hoan hảo
Ngửa trông cao, cầu nguyện trắng không gian
Để vừa dâng, vừa hiệp bốn mùa xuân
Nở một lượt giàu sang hơn Thượng Đế

Nhà phê bình Võ Long Tê nhận xét rằng sự cạnh tranh giữa “bốn mùa xuân và Thượng Đế, dù là khả nghi, có vẻ vượt qua ngoài khung cảnh của một từ hoa vô tội và trái lại chứng tỏ chiều hướng của Hàn Mặc Tử tự phụ về thiên chức thi nhân của mình”(41).

Dù sao ước vọng của Hàn Mặc Tử đạt đến đời sống thiêng liêng là sự thèm khát tuyệt đối, và thơ thoả mãn sự thèm khát đó:

Của thế gian nếm mãi, chưa bưa, chưa ớn, chưa hả hê chút nào. Thi sĩ vẫn còn đi tìm mãi và kêu rên thảm thiết, để đi đến cõi ước mơ hoàn toàn (42).


Trích Tập-san Khoa-học Nhân-văn của Hội-đồng Quốc-gia Khảo-cứu khoa-học Saigòn, tập II .1974,- Trang 163-172.

Chú Thích.

(1).- Ghen, Thơ Hàn Mạc Tử .- Tân Việt, 1958, tr.37. Trong bài nghiên cứu này, thơ Hàn Mạc Tử sẽ được viết tắt THMT.

(2).- Xuân Như Ý, THMT, tr.65

(3).- Nhớ Thương, THMT, tr.75

(4).- Nguồn Thơm, THMT, tr.70

(5).- Chơi giữa mùa Trăng, An Tiêm, tr.35

(6).- “Lang Thang”, Xuân như ý, trích trong Hàn Mạc Tử của Trần Thanh Mại, Tân Việt 1957, tr.95

(7),- “Nguồn Thơm”, Hàn Mạc Tử, tr,70

(8),- “Siêu Thoát”, Hàn Mạc Tử, tr.58

 

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Latest Articles

TUẦN THƠ 55: TIN MỪNG BÌNH AN CHO NHÂN LOẠI

  Thơ • Chủ trương & chủ bút Khế Iêm...

Bài Thơ Trong Ngày: ‘Lạy Chúa, vào buổi sáng’

A hymn of mortality that becomes a hymn of...

Tập Văn Ngày Mai – Nhóm Ngày Mai trong phong trào Hòa Bình tại Huế (1954)

Chu Sơn | chusonth@gmail.com Tập Văn Ngày Mai – Nhóm...

Poem: Your Lifestyle Awaits

Biên soạn bởi John Miles | Tháng Chín 15, 2021 Monique...

GHI CHÚ VỀ MỘT LÀNG VĂN BOHEMIA MỚI

Dana Gioia Cách đây hai mươi năm, tôi bắt đầu...

NGHĨ VỀ CÁCH LÀM THƠ

Tiếp theo Vũ Điệu Không Vần, tập tiểu luận này quan tâm tới việc thực hành và sáng tác thơ Tân hình thức Việt. Vì những bài viết được viết rải rác trong những thời điểm khác nhau, nên có một số chi tiết nòng cốt thường được lập lại để bạn đọc nắm được vấn đề, ghi nhớ và dễ dàng trong việc làm thơ. Những sai sót chắc chắn là có, xin bạn đọc rộng lòng lượng thứ.

Related Articles

CAN POETRY MATTER?

Dana Gioia Thơ Mỹ hiện nay thuộc về một nhóm văn hóa Không còn là một phần trong dòng chính của đời sống nghệ sĩ và...

TUẦN THƠ 16: CON BÀI

Chúng ta đã có tiêu chuẩn đánh giá một bài thơ: cái mới trong ý tưởng và cái hay trong nhịp điệu; cùng cách làm thơ Tân hình thức Việt, và bây giờ là thời điểm của vận động sáng tác. Thơ Tân hình thức Việt tái định nghĩa, thơ là một hành trình hồi phục người đọc, so với điện ảnh và ca nhạc, đó là tham vọng chẳng có gì phải thất vọng, vì đó là thơ. Nhưng để hồi phục người đọc, phải hồi phục nhịp điệu thơ, và để có nhiều người đọc, phải có nhiều người sáng tác. Chúng tôi mong muốn có những sáng tác mới, áp dụng theo cách làm thơ Tân hình thức Việt, và ngoài việc sáng tác, xin các thân hữu bỏ ít nhiệt tâm vận động thêm người tham gia. Sáng tác xin gửi về email: baogiaytanhinhthuc@yahoo.com ~ tanhinhthuc@gmail.com ~ info@thotanhinhthucviet.vn

4 TẬP THƠ TÂN HÌNH THỨC 2019: PHẦN 3 – TÂM Ý TRONG THƠ

Tâm ý là tập thơ của hai tác giả Phạm Quyên Chi (hội viên Hội VHNT Bình Định) và Hường Thanh do NXB Thuận Hóa vừa ấn hành. Đây là tuyển tập thơ đầu tiên in chung của các tác giả này. Tập thơ theo hướng đi của thơ Tân hình thức, nghiêng về phát triển tính truyện trong thơ.