SỐNG TRONG THƠ

Sự phong phú của cuộc sống là không kể xiết. Nếu chúng ta lưu ý tới lời khuyên của Socrates, và sống trải một cuộc sống có phản tỉnh, suy tư sâu sắc, và chịu tự xét lại mình, có thể chúng ta sẽ phát hiện được trước khi lìa đời rằng có biết bao điều đáng giá không kể xiết hiện diện bên trong tâm trí chúng ta. Chúng ta hãy nắm bắt lấy sức mạnh của khả năng nhận thức và tính dễ uốn nắn của thực tại! Cớ sao chúng ta cứ phải đi tìm những cảnh tượng hùng vĩ và xa vời trong khi có những đóa hoa huệ nở rộ ngay bên dưới cửa sổ phòng ngủ của chúng ta?

SỐNG TRONG THƠ
Alexander Kotowske


Điều trước nhất quyết định để thơ đích thực là thơ, chính là nhận thức [perception]. Yếu tính mãi mãi không thể định rõ của cái được gọi là “thơ” thì không phải là sở hữu riêng tư của một số ít những cá nhân tài năng, có tính sáng tạo và sâu sắc. Nhận thức có-tính-thơ, cảm thụ có-tính-thơ, vốn là điều kiện cần thiết nơi nhà thơ có tài năng sáng tạo, thì bắt nguồn từ những miền sâu thẳm của một tâm trí và tinh thần có tính phổ quát, chung cho mọi con người. Chúng ta thảy đều được phú bẩm để thụ hưởng Suối Nguồn Thơ. Điều cần phải được hiểu rõ, và là điều thường bị quên lãng, đó là thơ không chỉ là một dạng nghệ thuật; thực ra, thơ là một cách thái sống và nhìn ngắm. Thơ là trái tim nhảy múa cùng cặp mắt.

Phẩm chất và sự phong phú của cuộc sống chúng ta chủ yếu được định đoạt bởi tính chất của những nhận thức của chúng ta. Khi khảo sát thực tại theo cách có phản tỉnh thận trọng, chúng ta phát hiện ra rằng bản thân thực tại chủ yếu là một sự chọn lựa [của chúng ta]. Những nhà thơ không chỉ tạo ra thơ, mà họ sống trong thơ. Nếu cuộc sinh hoạt của chúng ta không còn là một tiến trình sáng tạo, và thoái hoá thành một vòng tuần hoàn khô khan, đơn điệu, và tẻ ngắt, thì đó chỉ vì chúng ta chọn cách sống không có điện năng của thơ. Điều tôi muốn nói có rất ít liên hệ với nghệ thuật hoặc những vấn đề chuyên môn trong việc làm thơ. Chủ yếu là tôi quan tâm tới điều có thể được gọi là “nhận thức có-tính-thơ”, là điều mà một cách cơ bản sẽ tiến-hóa-thành và gợi-hứng-cho công cuộc sáng tạo thơ. Có nghệ thuật, và trước đó có nhận thức mà nó định hình cho nghệ thuật đó; đó chính là điều kiện tiên quyết về mặt tâm lí để có được sự sáng tạo – nghệ thuật. Nói cách khác, nhà thơ có trước thơ; nghệ sĩ có trước nghệ thuật. Không phải là việc làm thơ khiến một người trở thành nhà thơ; điều đó chỉ là thứ yếu – như cái cây nở hoa và rồi kết trái. Tôi biện giải rằng điều kiện hoặc nhận thức có-tính-thơ là thứ mà tâm trí của bất kì ai cũng đều đạt tới được. Tôi không đưa ra luận cứ rằng bất kì ai cũng có thể làm thơ. Tôi chỉ muốn nói rõ rằng mọi người đều có khả năng đạt được nhận thức có-tính-thơ. Nếu bản chất làm nền tảng cho việc làm thơ lại tồn tại trong thế giới chung của trải nghiệm của con người, thì điều đó có nghĩa là chúng ta thảy đều sống trong thơ. Do vậy, chúng ta thảy đều sở hữu những chất liệu thô của thơ. Nhà thơ là người không chỉ nhận thức được, nhìn ra được tính-thơ trong thực tại (đây là một khả năng có tính phổ quát, mọi người đều có được), mà còn biểu đạt được, hoặc nói rõ ra được cái “tính-thơ” đó. Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng nhận thức được cái “tính-thơ” trong thực tại theo đúng nghĩa là “tính-thơ” – khi mà nó bộc lộ trong trải nghiệm của chúng ta và định hình trong kí ức chúng ta – nhận thức đó chỉ là vấn đề của sự chọn lựa của chúng ta, không phải vấn đề về khả năng. “Bất kì ai đều là nhà thơ trong chừng mực mà người đó còn bíết đắm chìm trong cái đẹp mê hoặc của tự nhiên,” Ralph Waldo Emerson đã viết thế, “bởi lẽ mọi người đều có được những suy nghĩ về vũ trụ này, rằng nó chính là một lễ hội.” [1]

Tại sao chúng ta lại chọn cách sống va vấp như kẻ mù kẻ nghèo ngày này qua ngày khác, khi thế giới là thứ mà tâm trí ta khi nhận thức về nó cũng là lúc ta tùy nghi nhào nặn nó? Ý thức ta tuôn trào qua bản stencil tự tạo của tâm trí – dàn trải, định hình, và quyết định nên cái thực tại mà chúng ta đã chọn lựa để thể hiện. Đành rằng thế giới trình ra trước chúng ta những sự kiện đã-rồi, không thể thay đổi được nữa, thế nhưng chúng ta còn có tự do – trong mọi sự việc – để tùy nghi diễn giải những sự kiện đó. Khi cuộc đời được sống trải một cách có ý thức và có-tính-thơ, thì thế giới trở nên phù hợp với cái tâm trí nhận thức về nó. Đành rằng cùng một sự thể, người này thấy là đẹp, người khác thấy là tầm thường. Sở dĩ vậy, vì tâm trí, vì cái phối cảnh, cách tiếp cận cuộc sống chính là yếu tố quyết định. Với những con người bình thường ở thời chúng ta hiện nay, do được cung cấp thừa mứa những trò giải trí, nên họ có dáng vẻ người quan sát hơn là người tích cực, chủ động sống trải cuộc sống của chính họ, thì những lời lẽ sau đây của Henry David Thoreau rõ rệt là giúp cảnh tỉnh:

Cũng là đáng kể, việc có khả năng vẽ nên một bức tranh đặc biệt, hoặc tạc nên một pho tượng, như thế là làm ra được một vài thứ đẹp đẽ, nhưng sẽ là vinh quang gấp bội nếu tạc nên và vẽ ra được chính cái bầu không khí và môi trường qua đó chúng ta nhìn ngắm, chúng ta có thể hành động hợp đạo lí. Tác động vào chính cái phẩm chất của thời đại, đó mới là thứ nghệ thuật cao cả nhất. [2]

Những nhận thức giống như những cây cọ dùng để vẽ nên cái thực tại của chúng ta. Chúng ta thảy đều là những nghệ sĩ sáng tạo nên những thực tại. Thế tuy nhiên “sự buồn chán” và sự tầm thường lại trở thành những căn bệnh của thời chúng ta. Tại sao chúng ta tìm kiếm cái siêu phàm và cái khác thường và né tránh cái thường nhật? Tại sao chúng ta thầm nguyền rủa cái bất xác thay vì tán dương nó? Trong một thế giới bị tàn phá bởi sự phân hóa, tôn giáo, ma túy, và sự nghèo khổ, trong một tâm trí đã trở thành bản sao nhàm chán, nhàu nát của hàng tỉ những tâm trí khác, thì chưa bao giờ thế giới lại cực kì cần tới chất mật hoa tinh ròng của thơ như hiện nay.

Từ quá lâu rồi thơ trở thành sở thích bí truyền của một nhóm người đứng bên lề. Do nhận thức sai lầm phổ biến rằng có sự chia lìa giữa thơ và thực tại (hoặc giữa nghệ thuật và thực tại nói chung), phần đông người ta không tìm thấy trong thơ có gì là bổ ích hoặc thân thuộc. Với họ, thơ là địa hạt không thể thâm nhập và thuộc về cõi khác. Tâm trí con người hiện đại bị thu hẹp trong địa hạt cằn cỗi của lí trí và sự phân loại; nó có tính máy móc và tính toán; nó được cấu tạo để nhìn thế giới dưới dạng những luận cứ lô-gíc. Tuy nhiên trải nghiệm trực tiếp của chúng ta về cuộc sống (điều mà thơ cố nắm bắt vào “cái lồng của hình thái”, như Lu Chi từng viết) [3] lại chẳng hề là những thứ cứng nhắc đó: qua một dòng chảy đều đặn của những trải nghiệm thoáng qua, thực tại tràn vào và tràn khỏi chúng ta (khi thì gầm rú, khi thì thầm thì), chẳng hề có bất kì diễn giải, mô tả, hoặc phương hướng nào làm cơ sở. Đào bới tới cốt lõi của bất kì bài thơ nào thực-sự-là-thơ, bạn sẽ khám phá thấy một thế giới hệt như khi nó được trải nghiệm trực tiếp bởi tâm trí – một thế giới trần trụi, của cảm tính, và ngổn ngang. Thế giới là thơ được rỡ tung. Không có sự phân biệt giữa yếu tính của thơ và yếu tính của thực tại mang-tính-chủ-quan [subjective reality] (nghĩa là thực tại duy nhất, được trải nghiệm bởi một chủ thể là một con người). “Thơ là một công cuộc mang tính chủ quan và tự định đoạt,” cũng hệt như thực tại mà chúng ta trải nghiệm mỗi ngày.[4]. Chúng ta thảy đều tham dự vào thơ; hiểu theo một nghĩa nào đó, thơ hoạt hóa những mối quan hệ của chúng ta và thơ tràn ngập cuộc hiện hữu của chúng ta. Điều quyết định để thơ được thanh nhã đồng thời định hình cho thơ, thì bắt nguồn từ đại dương bao la của khả năng cảm thụ nhạy bén của con người. Có thể nói rằng người không-là-nhà-thơ [the non-poet] là người sống đó nhưng cũng như đã chết. Thế nhưng thơ lại được nhiều người coi là trò tiêu khiển của một thiểu số có tài năng và “có năng khiếu nghệ thuật”. Để thơ còn được tồn tại lâu dài, điều vô cùng quan trọng là nhận thức sai lầm vừa nêu trên cần được chấm dứt. Ta cần phải hiểu rằng cội rễ của thơ thì sâu xa hơn cái sản phẩm vật lí là những chữ có vần điệu được ghi trên giấy. Chính vào lúc tôi qui định thế giới [bằng nhận thức của tôi], thì tính khả hữu của thơ được dấy lên. Toàn bộ cuộc hiện hữu chợt tuôn trào từ Suối Nguồn Thơ – tuôn trào thành một loạt không dứt những diễn giải, màu sắc, và sự uyển chuyển. Chúng ta hít thở cái tinh thần ngọt ngào có-tính-thơ vào mọi khoảnh khắc của cuộc sống chúng ta, vậy mà chúng ta nằm im lìm, ngái ngủ ở ngưỡng cửa thiên đường. Chỉ vì thiếu nhận thức đúng đắn mà chúng ta cứ trượt dài từ ngày này sang ngày khác, từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, phải vật lộn với cái bóng ma không ngừng oán than về sự buồn chán và âu lo. Đã tới lúc để “chúng ta cần phải nhìn thề giới bằng cặp mắt mới. [5]

Dường như là không cần thiết hoặc thừa thãi nếu trình bày với các nhà thơ và những người say mê văn chương về mục đích và sức mạnh của “nhận thức có-tính-thơ”, vả lại điểm chủ yếu của bài tiểu luận của tôi là giải thích sự triển khai của một dạng thơ mới, mà nếu được thực hiện một cách kĩ lưỡng và có chủ ý, có thể có khả năng làm thức tỉnh cái “nhận thức có-tính-thơ” tuy là phổ quát nơi mọi người nhưng lại nằm im lìm từ rất lâu rồi.

Người ta phải tự hỏi: tại sao thơ đã mất đi vị trí trung tâm của nó trong nền văn hóa của loài người? Và đâu là số phận của nó nếu thế giới cứ tiếp diễn như hiện nay? Với những người Hi Lạp cổ đại, thơ là nguồn sống, là nhân tố quyết định đối với thực tại của họ. Lịch sử, tôn giáo, đức lí của họ, thảy đều được xem xét thông qua thơ. “Hình tượng về một thế giới hào hùng và về những đức hạnh cao cả dị thường mà mọi người Hi Lạp mang theo trong tâm trí họ và họ rất thường phấn đấu để mô phỏng qua những hành động của họ, thì đã được Homer tạo dựng nên.” [6] Một tác giả là Timothy Steele từng ghi nhận rằng “lí do khiến Plato quá đỗi bận tâm tới tác động của thơ về mặt đạo đức và xã hội là bởi trong thời của ông thơ được xem như phương tiện để truyền đạt tri thức nói chung.” [7] Nhà thơ và thơ là không thể thiếu vắng trong cuộc vận hành của xã hội Hi Lạp thời đó. Nhưng trong thế giới mà chúng ta đang sống hiện nay thì thơ (trong dạng thức chủ yếu là bị nhận thức sai lạc) lại nằm trong bóng tối – bị phủ bụi và tàn úa bên một bờ rìa ngày càng co cụm trong một nền văn hóa toàn cầu. Một cách chậm rãi và dai dẳng, thơ bị đẩy ra khỏi nền giáo dục của chúng ta. (Trong các trường đại học thời nay, hiện âm ỉ một kiểu nhạo báng ngành khoa học nhân văn theo cung cách đầy vẻ phô trương — rằng ngành học này là cổ lỗ, chẳng đáng quan tâm. Khi học phí tại các trường đại học tăng lên, và mức thu nhập của các ngành nghề sau khi tốt nghiệp ngày càng trở thành yếu tố duy nhất quyết định sự chọn lựa môn học chính của sinh viên, thì vị thế của các ngành nghệ thuật ngày càng mờ nhạt.) Chúng ta là nhịp đập rộn ràng của một cơ thể chủ yếu là có-tính-thơ, sống trải thông qua sự sáng tạo, sự biểu đạt, và thông qua cảm xúc, thế tuy nhiên chưa bao giờ cảm xúc lại quá xa rời cuộc sống hàng ngày của chúng ta như hiện nay. Con người thời nay sống và cảm nhận một cách gián tiếp theo kiểu sống hờ, cảm nhận lây theo, qua một màn hình tivi hoặc màn hình điện thoại di động. Chúng ta không còn coi thế giới của phim ảnh và kịch nghệ, hoặc thế giới của nghệ thuật nói chung, như một biến thái hoặc phản ánh của thực tại của chúng ta. Một cách vô thức chúng ta nhìn nhận yếu tố có-tính-thơ trong một vài bộ phim hoặc truyện; yếu tố đó làm bùng cháy những cảm xúc nơi chúng ta; thế tuy nhiên chúng ta lại chọn lựa việc không nhận thức được tính-thơ trong lòng cuộc sống của chính chúng ta. Chúng ta sống trải cuộc sống đầy bi kịch, hài kịch, và đầy tính-thơ, tuy nhiên chúng ta lại không nhận thức được cái bi, cái hài, và tính-thơ đó. Và vì thiếu một nhận thức như vậy, nên chúng ta sống trong cảnh nghèo nàn.

Khi chúng ta trú ngụ trong thế giới của thơ, khi chúng ta sống trong thơ, là chúng ta sống trong thế giới của ý nghĩa; nói thế, là nói rằng chúng ta đã nhận ra, một cách sâu sắc và thường trực, rằng chúng ta, với tư cách những cá nhân, đảm nhận vai trò trung tâm trong công cuộc sáng tạo nên thực tại của chúng ta. Điều này trực tiếp liên quan tới sự kiện khách quan của cuộc hiện hữu của chúng ta, rằng chúng ta thảy đều sở hữu khả năng tùy nghi ban phát ý nghĩa và giá trị cho bất kì trải nghiệm nào của chúng ta. Chúng ta rất giống những nghệ sĩ sáng tạo nên thực tại của chính chúng ta, hơn là những món đồ chơi [playthings] trong một thế giới thờ ơ, lãnh đạm. Theo lời triết gia Tây Ban Nha José Ortega y Gasset thì “cuộc sống là một nhiệm vụ có-tính-thơ, bởi lẽ con người phải phát minh ra điều mà hắn dự tính trở thành.” [8] Lời tuyên bố đó tỏ rõ là có một trọng trách mà con người phải đảm nhiệm, rằng “tôi là bản thân tôi và còn là tình huống mà tôi sống trong đó.” [9] Tự do của tôi trải rộng khắp cái thực tại mà tôi trải nghiệm bởi lẽ “thực tại quanh tôi ‘tạo nên nửa kia của con người tôi.’” [10] Thế tuy nhiên ngày nay chúng ta chỉ sống kiểu cục bộ, sống không trọn vẹn, và sống một cách thụ động, giống như những khán giả đờ đẫn xem một vở tuồng chán ngắt, với chỉ nửa phần bản ngã của chúng ta dấn mình vào cuộc sống. Nghệ thuật, phim ảnh, thơ bị coi là biệt lập, là khác với thực tại của đời thường nhật; là cuộc sống của cái khác nhẹ hẫng, ảo, và lí tưởng [the airy, virtual, and ideal other]; đem so sánh, thì thực tại của chúng ta xem ra là tầm thường nhạt nhẽo và “nhàm chán”; bởi lẽ chúng ta không cảm nhận một cách có ý thức thông qua những cảm xúc của chính chúng ta. Trong cuốn Poetry and Experience (Thơ và Trải nghiệm), nhà thơ Mĩ Archibald MacLeish cho người đọc nhận ra cái thân phận u ám của con người hiện đại, và ông tin rằng khả năng cảm nhận của con người đó đang chậm rãi chết dần:

Cảm nhận một niềm xúc động thì ít ra cũng là cảm nhận. Trong số những tội chống lại cuộc sống, thì cái tội tệ hại nhất là tội không còn cảm nhận [not to feel]. Và có lẽ là chưa từng có nền văn minh nào trong đó tội vừa nói trên – tội lờ đờ uể oải, tội thiếu sinh khí, tội lãnh cảm, làn da lạnh như da rắn, với con tim băng giá – lại phổ biến cho bằng nền văn minh thời công nghệ kĩ thuật của chúng ta, mà trong đó những cảm xúc vô hồn [emotionless emotions] của đám thiếu niên thì được sản xuất hàng loạt trên những màn hình tivi, những cảm xúc kiểu đó làm cái việc cảm nhận thay cho chúng ta, và khát vọng sống của một phụ nữ bị bóp méo bởi những quảng cáo trên truyền hình thành niềm khao khát một loại bột giặt mới, dùng cho cả gia đình, không hại cho đôi tay của bà, như thể bà chưa từng sống thực. Đó là cái chết hiện đại không đau đớn: sự héo mòn bị thương mại hóa của con tim. Không ai trong chúng ta được miễn trừ cái chết đó… Nếu thơ có thể làm sống lại những cảm xúc đã tê liệt của chúng ta, thì sự hữu dụng hiển nhiên có-tính-người của thơ không cần được chứng thực gì thêm nữa. [11]

Cảm xúc là máu huyết của thơ. Nó là chất liệu thô của nghệ thuật. Và không một ai độc chiếm được cảm xúc và nhận thức. Bởi nếu là vậy, thì thơ hẳn đã mai một từ rất lâu rồi, vì không thích đáng và thiếu kết nối với mọi người. Thơ chính là phận người, là nơi chốn/cảm xúc/nhận thức trong đó chúng ta có thể có được thể tính của chúng ta.

Chính là ở thời này, đối diện với cái chết của cảm xúc, mà nhà thơ phải gánh vác một trọng trách chưa từng thấy. Diễm phúc thay kẻ nào còn biết cảm xúc trong một thời gọi được là thời của sự tê liệt. Cái chết của triết lí và của thơ sẽ tới gần, điều thật đáng buồn, nếu như tinh thần phổ quát nằm bên trong những hoạt động chủ yếu của con người không được tiếp sức sống và được định dạng lại thành một dạng lí thú hơn và trong suốt hơn. Những nhà thơ phải chia sẻ quan điểm của họ. Giống như một tấm gương triển khai thành nhiều phản ánh đa dạng, thơ phản ánh thực tại, làm giàu thực tại, và tạo ra những thực tại mới. Nhà thơ sáng tạo một bài thơ cũng như một người sáng tạo nên thực tại. Ý nghĩa được phả vào trải nghiệm. Người đọc kiên nhẫn và có ý thức có thể chợt thấy lóe lên một tia sáng trong thơ, là tia sáng từ cái thực tại hiện đương hoặc còn ở dạng tiềm tàng của người đó. Bài thơ phù hợp với người đọc, và người đọc phù hợp với bài thơ. Cả hai, theo một nghĩa nào đó, đang tìm kiếm lẫn nhau – như băng tuyết trên núi tan chảy tạo ra vô vàn dòng chảy xuống thung lũng. Như Khế Iêm đã viết, “Và như thế chẳng có giải thích nào là gần đúng hay đúng nhất. Bài thơ hay một tác phẩm nghệ thuật, có một ý nghĩa tự thân, và người đọc hay thưởng ngoạn, từ nhiều góc cạnh khác nhau, có những tiếp cận và cảm nhận khác nhau. Và có lẽ, chính những giải thích của từng cá nhân người đọc, là những giải thích đúng nhất (cho riêng họ thôi).”

Từng người đọc riêng lẻ sẽ nhận thức được những nối kết sâu và không lời giữa thực tại đang diễn biến của chính họ với những từ, những âm, và những ý nghĩa còn đang lưu chuyển của bài thơ. Tôi biết rằng tôi thực sự yêu quí một bài thơ khi tôi không thể diễn thành lời rằng tại sao tôi yêu quí nó. Đúng là như vậy. Đối với vô số những người yêu thơ, điều đó nói lên nguyên cớ chính của tình yêu họ dành cho thơ. Họ nhận ra rằng thơ đổ tràn vào thực tại, rằng chẳng bao giờ có thể phát hiện được cái này (thơ/thực tại) khởi đầu ở đâu và cái kia (thực tại/thơ) chấm dứt ở đâu, rằng thơ là thực tại được biểu đạt. Nhưng đối với đa số quần chúng, thơ vẫn là cái bí ẩn. Cùng với sự ghi nhận toàn bộ điều vừa nói trong tâm trí, chúng ta hãy bắt đầu tiến hành một cuộc thử nghiệm trong địa hạt nghệ thuật.

Thay vì than vãn về sự qua đi của thời gian, về cuộc cách mạng công nghệ kĩ thuật, và về tiến trình toàn cầu hóa của thế giới, chúng ta hãy sử dụng chính những sự kiện và những điều kiện đó để mở rộng mối quan tâm và tính thích đáng của thơ thời nay. Thế giới này đã chin mùi (và đầy khao khát) cho một phong trào văn học toàn cầu. Cùng với sự ra đời của các phương tiện truyền thông đại chúng và của Internet, các nhà thơ giờ đây có được khả năng chia sẻ tức khắc những ý tưởng, những viễn cảnh, và những thực tại tới khắp mọi phương trời gần xa. Khái niệm thơ chuỗi, tức là một bài thơ do nhiều nhà thơ liên tục tiếp tay nhau thực hiện, do Khế Iêm đề xuất, có lẽ là dạng thơ thích hợp nhất trong thời đại toàn cầu. Một dạng thơ không vần sống động nhưng đơn giản chính là mạch dẫn truyền hợp lí cho một khái niệm như vậy. Thơ như vậy dễ dịch sang ngôn ngữ khác, mà vẫn giữ được dáng vẻ truyền thống của thơ, và được nói lên bằng thứ tiếng hiểu được một cách phổ quát. Ý tưởng cơ bản là phải có được một nhóm các nhà thơ được tổ chức tốt, họ sẽ phối hợp với nhau tạo dựng một câu chuyện duy nhất nhưng gồm nhiều bài thơ, được viết ra bởi nhiều nhà thơ – tạo thành một chuỗi mạch lạc gồm nhiều bài thơ.

Một khía cạnh quan trọng của dạng thơ do nhiều người cộng tác là sự sử dụng nhất quán ngôn ngữ thông tục. Đây là điểm chủ yếu để thơ có được một cử tọa nói chung là vượt ngoài phạm vi trường đại học. Cuộc sống và những cuộc đối thoại hàng ngày của chúng ta phải tuôn chảy vào thơ theo cách khiến ta không thể nhận thấy được. Từ Euripides tới Horace, và tới thời hiện đại của Eliot và Pound, thơ được viết ra chính là một cuộc tìm kiếm lâu dài và không ngừng nghỉ để cuối cùng nắm bắt lấy thực tại sinh động. Nếu lịch sử có một qui luật vững chắc nào, thì qui luật đó chính là cách mạng. Và thật lí thú, là những nhà thơ cách mạng – từ cổ đại tới hiện đại – đều nổi bật lên do “lòng khao khát hội nhập được vào thơ cái cách nói thông tục đương thời.” ‘[13] Như Timothy Steele đã viết về cuộc cách mạng hiện đại trong thơ (nhưng cũng áp dụng được với những cuộc cách mạng thời xa xưa do Horace và Euripides phát động), rằng những cuộc cách mạng cốt ở “một sự phản kháng chống lại cách diễn đạt chẳng chút liên quan tới ngôn ngữ sinh động.” Thêm nữa, hầu hết những nhà thơ cách mạng không chỉ khao khát “hội nhập lời nói thực vào thơ” mà còn muốn “hội nhập đời sống thực vào thơ”. [14] Điều này là rất đáng chú ý, và từ đó có thể biện luận rằng nó còn là yếu tố quan trọng nhất của những cuộc cách mạng văn học. Thực tại và ngôn ngữ thường nhật dường như không ngừng nỗ lực tự khẳng định là suối nguồn của thơ. Ford Madox Ford có viết: “Thà là tôi hiểu được đoạn thơ trong đó có những cảm xúc và có khung cảnh của một tay vô chính phủ ở Phố Goodge còn hơn là nghe lại những ca khúc do các ngư nữ hát.” [15] Trước Ford gần 1,900 năm, Horace từng viết trong cuốn The Art of Poetry (Nghệ thuật Thơ) – cùng chia sẻ một thái độ tương tự rất đáng lưu ý – rằng những nhà thơ cần phải “nhìn vào cuộc sống và những phong tục tập quán để tìm ra khuôn mẫu, và rút ra từ đó những ngôn từ sinh động.” [16] Bài học rút ra từ những cuộc cách mạng đó – như thể Tinh thần của Thơ đã nói lên và chỉ dẫn một cách tinh tế thông qua sự hình thành của lịch sử của nó – là bài học rằng thơ là thực tại và thực tại là thơ. Có lẽ nghệ thuật thơ là tiếng báo hiệu của cốt lõi của thơ. Đây là điều mà dường như lịch sử của thơ đã chỉ ra vì, một cách kiên định, nhất quán, thơ luôn “trở về với thực tại.” Một bà lão tốt bụng mô tả những nỗi đau và những niềm vui trong cuộc đời mình, rồi kết thúc câu chuyện bằng tiếng thở dài biểu lộ sự thất vọng cùng cặp mắt mở to u tối, bà cụ chính là nhân vật trung tâm trong vở Bi kịch lớn nhất và hấp dẫn nhất chưa từng được viết ra, tuy nhiên bà cụ lại rên xiết dưới gánh nặng ngày càng nặng thêm của cuộc hiện hữu, khiến bà cụ không thể có cái nhìn thấu hiểu thông qua nỗi đau. Bạn thấy đó, bà cụ còn việc phải làm, là phát hiện ra thơ trong lòng thực tại. Đây chính là nhiệm vụ mà tôi hi vọng là phong trào thơ cộng tác, vào thời điểm nào đó, sẽ cân nhắc để đảm nhiệm. Bằng cách phối hợp nhiều viễn cảnh có-tính-thơ khác nhau (rất nhiều trái tim, rất nhiều tâm trí, rất nhiều cặp mắt, cùng chung sức làm việc), như thế có lẽ rằng chúng ta có thể đạt tới sự hiểu biết rõ ràng về nhận thức có-tính-thơ, hoặc về cái nhìn có-tính-thơ vốn là phổ quát, chung cho mọi người.

Như đã được nói rõ ở phần trên, thơ trước hết là một cách nhìn, và rốt cuộc là một dạng nghệ thuật. Dạng thơ cộng tác có khả năng nhắc nhở người đọc về sự phong phú của cuộc sống thường nhật đồng thời làm nổi bật mối tương quan giữa việc sáng tạo thơ và sáng tạo thực tại. Trong trường hợp thơ chuỗi, toàn bộ bài thơ không phải là trải nghiệm hoặc viễn cảnh duy nhất của một “người thấu thị” đơn lẻ có tài năng, như lịch sử của thơ cho thấy, mà là biểu đạt của rất nhiều cặp mắt cùng nhận thức cuộc sống trong thơ và thông qua thơ. Những nhà thơ có thể được phú bẩm cái năng khiếu biểu đạt, chứ không phải là năng khiếu thấu thị – vì năng khiếu này là chung cho mọi người. Và điều đó, theo ý tôi, là chiều hướng thích đáng cho tương lai của thơ. Nếu “chân lí của thơ là vẽ nên cái hồn người đúng như sự thật”, như John Stuart Mill từng viết, vậy thì nguồn gốc của thơ, hoặc thơ trong dạng nguyên thủy nhất và có hệ thống nhất, thì nằm trong “hồn người.” [17] Một cách lí tưởng, người đọc có thể phát hiện tỏ tường rằng những chữ được viết ra, rằng tác phẩm chỉ là phản ánh được nói rõ ra, tràn ngập ý nghĩa – một phản ánh có hơi thở và có nhạc điệu – của một thực tại chủ quan tự tạo, rằng cái nằm dưới những chữ và những gợi ý mới là suối nguồn của khả năng cảm thụ của con người. Bài thơ được sáng tạo nên, và với thực tại thì cũng vậy. Cuối cùng thì những nhà thơ mặc sức tưởng tượng về nội dung của câu chuyện, của hư cấu; nhưng để phong trào thơ đó có được ý nghĩa và hiệu quả, chứ không phải rốt cuộc trở thành ánh le lói của một ngọn lửa cháy tàn, thì nó phải tiếp nhận một loại triết lí có-tính-thơ, một mục đích dẫn đạo, và tích hợp viễn cảnh đó vào trong tác phẩm. Chúng ta thảy đều có khả năng sống trải những cuộc sống tràn đầy cảm hứng, nhìn ra được cái siêu việt bên trong cái tầm thường, rút ra được chất ngọt ngào từ cái thường ngày; thế nhưng có sự kiện thật đáng buồn rằng đa số trong chúng ta sống theo kiểu trông chờ sự cố, ngày này qua ngày khác, đồng thời thường coi rẻ cái khoảnh khắc giữa hai sự cố, cái ‘lâm thời’. Với niềm ái mộ tới mức cuồng tín, chúng ta đua đòi theo cuộc sống của những ngôi sao thể thao, những nhân vật nổi tiếng – chúng ta bị phỉnh gạt bởi lòng tin nông cạn rằng những ngôi sao đó đã đạt tới tột đỉnh của sự phát triển của con người, so với họ chúng ta thấy cuộc sống thường nhật của chúng ta thì nhợt nhạt, vô nghĩa, và “tẻ ngắt”. Nhưng cuộc sống có-tính-thơ hoàn toàn tương phản với một cuộc sống vô nghĩa hoặc “tẻ ngắt”. Thật sự là có sự tự tạo ra ý nghĩa trong bất kì trải nghiệm nào – bởi lẽ mỗi trải nghiệm đều được tái định dạng thông qua phản ánh và kết thúc bằng một hồi ức được “sáng tạo” một cách riêng biệt. Trừ thực tại không kể, thì không có gì uyển chuyển cho bằng quá khứ. Dạng thơ cộng tác, để có được một mục đích và một phương hướng, phải nhấn mạnh, thông qua cách nói và nội dung của nó, vào tính trung tâm của cá nhân trong thực tại, vào cái giá trị không kể xiết của cuộc đời và những trải nghiệm thường nhật của họ, vào cái năng khiếu lớn lao của khả năng cảm thụ, và vào khả năng sáng tạo để ban phát ý nghĩa cho cuộc sống. “Mỗi cuộc sống là một quan điểm về vũ trụ,” Ortega đã viết thế. [18] Thật là một vị trí đáng quí trọng biết bao và là vị trí có một không hai mà từng cá nhân nắm giữ! Thế nhưng cái sức mạnh đồng hóa trong xã hội đương đại của chúng ta lại gia tăng nhanh chóng, trong khi giá trị của cuộc sống cá nhân – nghĩa là sự phong phú của trải nghiệm nội tại và chủ quan – dường như lại sút giảm tương ứng. Như Ortega từng viết, “Mỗi con người đều có sứ mạng nói lên chân lí. Nơi nào mắt tôi nhìn tới, nơi đó không có cặp mắt nào khác; cái phần đó của thực tại mà mắt tôi nhìn thấy, thì không một ai khác nhìn ra được. Không một ai trong chúng ta là có thể thay thế, chúng ta thảy đều là thiết yếu … Viễn cảnh [từ đó mỗi người nhìn ngắm] là một trong những bộ phận cấu thành của thực tại.” [19]

Chúng ta hãy khởi sự bằng một mục đích. Thay vì là những nhà thơ làm việc riêng lẻ, thì phong trào thơ cộng tác khuyến khích những nhà thơ thảo luận và chia sẻ cùng nhau những viễn cảnh có-tính-thơ duy nhất của từng người, và cuối cùng khuyến khích họ kết hợp thành một viễn kiến duy nhất, trong khi vẫn gìn giữ tinh thần sáng tạo cá biệt của mọi người tham dự. Đó chính là nỗ lực rút ra và định dạng cái tinh thần phổ quát có-tính-thơ – là cái phổ quát và chung trong tâm khảm của mọi nhà thơ (và cuối cùng, tuy là chưa được thể hiện, trong tâm khảm và trong tâm trí của mọi con người). Xét trong bản chất, là một nhà thơ, nhìn ngắm như một nhà thơ nhìn ngắm, có nghĩa là có điều gì đó có thể được hiện thân nhờ vào tác phẩm trong một dạng chung và được đồng tình. Điều này là không dễ thực hiện, và là rất mờ tối khi thơ được sản sinh chỉ do một nhà thơ. Hiển nhiên là có những dị biệt lớn lao giữa những nhà thơ, nhưng tôi tin tưởng rằng chúng ta thảy đều có thể đồng ý rằng có một nghĩa chung nào đó của từ “nhà thơ” mà nó đoàn kết mọi nhà thơ lại với nhau, và chính sự có cùng đặc điểm đó [that commonality] đòi hỏi phải có một tiếng nói vào thời nay. Nếu nhiệm vụ trong tầm tay đó được hoàn tất và đủ sức nhắc nhở ít nhất chỉ một cá nhân thôi, rằng yếu tính của thơ là yếu tính của thực tại chủ quan, và rằng rốt cuộc thực tại lả một sự chọn lựa, thì tôi sẵn lòng coi thử nghiệm đó là một thành tựu. “Một con người lớn lao không phải người có thể biến đổi vụ việc, mà là người có thể biến đổi trạng thái của tâm trí tôi,” [20] nhà Hiền giả thị trấn Concord đã viết thế.

Sự phong phú của cuộc sống là không kể xiết. Nếu chúng ta lưu ý tới lời khuyên của Socrates, và sống trải một cuộc sống có phản tỉnh, suy tư sâu sắc, và chịu tự xét lại mình, có thể chúng ta sẽ phát hiện được trước khi lìa đời rằng có biết bao điều đáng giá không kể xiết hiện diện bên trong tâm trí chúng ta. Chúng ta hãy nắm bắt lấy sức mạnh của khả năng nhận thức và tính dễ uốn nắn của thực tại! Cớ sao chúng ta cứ phải đi tìm những cảnh tượng hùng vĩ và xa vời trong khi có những đóa hoa huệ nở rộ ngay bên dưới cửa sổ phòng ngủ của chúng ta? Trong tư thế thường trực kinh ngạc sững sờ trước tính-thơ của cuộc sống, chúng ta có được khả năng nhìn ra thơ trong mọi sự thể, như thể mọi khoảnh khắc đều xứng đáng để có được (và ngầm đòi hỏi) bài thơ của nó. Thơ xét như một nghệ thuật, như một triết lí, như một nhận thức, có quyền lực để làm nên những điều lớn lao trong thế giới. Khúc Ca mà chúng ta cất tiếng hát sẽ không bao giờ được hoàn tất. Nếu bạn tin tưởng rằng điều chủ yếu khiến nhà thơ là nhà-thơ-đúng-theo-nghĩa chỉ là sở hữu riêng tư của nhà thơ đó, bạn hãy bỏ qua những điều tôi đã nói, coi chúng như những mộng tưởng hão huyền, những ý kiến chẳng đem lại kết quả nào. Hầu như thái độ của tôi có thể được đúc kết bằng câu trả lời của thi sĩ Mĩ William Stafford: Khi được hỏi rằng khi nào ông ta trở thành một nhà thơ, ông đáp lại bằng câu hỏi mạnh mẽ và gây đảo lộn này: “Đó thực sự không phải là vấn đề. Vấn đề là khi nào bạn không còn là một nhà thơ?” Có điều gì đó sâu xa và không thể dò ra được trong thơ, mà nó bắt nguồn từ tâm hồn, và nó vốn dĩ vừa là của tôi vừa là của bạn. Thế giới kêu đòi, như vẫn luôn là vậy, rằng phải có nhà thơ của nó – nhà thơ, người hạm trưởng trầm lặng và cung kính của thời đại.

Một trải nghiệm mới trong nghệ thuật vừa được khởi sự. Trước mắt là một chân trời mà lúc nào cũng là của buổi hừng đông, rải đầy những thực tại còn chưa được thể hiện, chúng ta hãy rong buồm ra khơi. “Thời khắc này, như tất cả mọi thời khắc, là thời khắc rất đỗi thích hợp, nếu như quả thật chúng ta biết là phải làm gì với nó.” [21]


Phạm Kiều Tùng chuyển dịch

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Latest Articles

MỘT TỜ BÁO GIẤY

Một thế giới rung cảm nơi con người tìm đến nhau từ sâu thẳm - Thơ đi theo nhịp rơi trái tim mình

THÁNG BA

Trần Phương Kỳ Tháng Ba vẫn còn gió lạnh và thỉnh...

Review “Thơ kể” Poetry Narrates

William Noseworthy University of Wisconsin-Madison Review Thơ Kể: Tuyển Tập Thơ Tân...

Poetry ponderings from the produce section

Aug. 22—I read a beautiful poem by Alison...

The Study of Poetry

The Study of Poetry / Nghiên cứu Thi ca Bhaskar Banerjee|...

Chùm thơ: Gyảng Anh Iên

Giới thiệu Diễn Đàn thơ Tân hình thức Việt http://www.thotanhinhthucviet.com _____________________________ Chùm...

Related Articles

TÂM –/CẢM THỨC THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT

   TÂM –/CẢM THỨC THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT ________________________________________ Biển Bắc   … … Chúng ta bây giờ bước vào trong thế giới tâm thức hay còn gọi...

SÁNG TÁC THEO CÁCH LÀM THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT

"Thơ Tân hình thức Việt kết hợp những yếu tố của thể luật và tự do, sáng tác với cả hai bán cầu não phải và trái. Cũng cần nhắc lại, thơ thể luật (vần điệu) sáng tác nghiêng về cảm xúc với bán cầu não phải, còn thơ tự do nghiêng về lý trí là loại thơ trí tuệ, với bán cầu não trái. Thơ Tân hình thức Việt phối hợp cả hai, giữa cảm xúc và trí tuệ, và nhịp điệu thơ là chiếc cầu nối.

TUẦN THƠ 52: XÂU CHUỖI THƠ: CHIẾC XE ĐẠP

 XÂU CHUỖI THƠ CHIẾC XE ĐẠP Khế Iêm   BỨC TRANH Người đàn ông dựa xe đạp vào vách tường vừa kịp cơn giông ập xuống mang theo mưa và mưa và mưa...