Có lần tôi nghe Xuân Diệu nói chuyện

Nhà thơ Xuân Diệu (1916 -1985) là một thi sĩ lớn. Ông được coi là trụ cột của phong trào Thơ mới trước Cách mạng tháng 8 và được mệnh danh là “ông hoàng thơ tình” bởi là tác giả nhiều bài thơ tình nồng nàn, cháy bỏng khát vọng yêu đương được độc giả đương thời truyền tụng. Thơ tình của ông vừa lãng mạn, đam mê, vừa thâm thúy, sâu sắc.

Ông còn là một nhà phê bình, lý luận, thẩm thơ sắc bén, tinh tế và uyên bác. Ngoài ra, ông cũng nổi tiếng trong lĩnh vực nói chuyện thơ trước mọi đối tượng. Những buổi nói chuyện về thơ của ông luôn thu hút một số lượng đông đảo người nghe.

Lần đầu tiên, tôi được nghe Xuân Diệu nói chuyện trực tiếp là mùa đông năm 1963. Khi ấy, tôi học lớp 10 Trường phổ thông cấp 3 Chu Văn An, Hà Nội. (Trước đó, vì rất yêu thích văn học, luôn là học sinh giỏi môn này nên tôi đã biết ông nhưng mới chỉ qua đọc thơ và nhìn ảnh ông trên sách báo). Ông được Ban Giám hiệu nhà trường mời đến nói chuyện cho toàn thể giáo viên bộ môn văn và những học sinh diện khá môn này của toàn trường nghe (cả 3 khối 8, 9, 10. Mỗi khối có 8 lớp từ A đến I, vị chi 24 lớp. Phổ thông ngày ấy chỉ có 10 năm). Tổng cộng tất cả cũng tới gần 100 người cả thầy và trò, được tổ chức trong phòng hàng ngày vẫn là phòng họp của Hội đồng nhà trường. Hôm ấy kê thêm ghế và bầy đặt lại, có lọ hoa to để đón nhà thơ nổi tiếng.

Vì rất háo hức chờ đợi cuộc nói chuyện này nên tôi đã đến sớm 20 phút so với giờ quy định.

Biết nhà thơ đã đến trước cả tôi, đang ngồi ở phòng thầy Hiệu trưởng nên tôi tò mò, cứ đi qua đi lại phòng này để nhìn Xuân Diệu. Tôi nhận ngay ra nhà thơ vì đã nhiều lần nhìn thấy trong sách, báo với mái tóc xoăn tự nhiên, đôi mắt to, đeo chiếc kính trắng. Trông ông rất đẹp.

Thấy một cậu học trò cứ qua lại có ý nhìn mình, Xuân Diệu vẫy tôi vào. Nhưng tôi không dám mặc dù rất muốn. Nhận ra sự rụt rè của tôi, ông cất lời:

– Cứ vào đây, em, không ngại. Thầy Hiệu trưởng cho phép mà.

Thầy Hiệu trưởng cũng nói:

– Em vào đi.

Tôi chào nhà thơ và mấy thầy trong phòng. Xuân Diệu lại hỏi tôi:

– Còn bạn nào nữa không, nói các bạn cứ vào.

– Thưa, không ạ. Còn 20 phút nữa mới đến giờ ạ.

Bứt ra khỏi Ban Giám hiệu đang tiếp mình, Xuân Diệu quay sang hỏi tôi:

– Em có thích thơ không? Nếu thích thì có đọc thơ Xuân Diệu bao giờ không?

Tôi chưa kịp trả lời thì thầy Hiệu trưởng nói:

– Thưa anh. Các em hôm nay đến nghe anh nói chuyện toàn là học sinh giỏi môn văn của toàn trường đấy ạ nên chắc chắn là phải thích thơ văn rồi. Em San, hãy trả lời nhà thơ hỏi là có đọc thơ Xuân Diệu không đi.

Tôi nói:

– Dạ, thưa. Không những em đọc nhiều thơ Xuân Diệu mà còn rất thích nhiều bài ạ.

Nhà thơ lớn hưng phấn hẳn:

– Ô! Chẳng hạn những bài nào?

Tôi quên rằng bên cạnh mình có mấy thầy giáo mà vẫn cứ rất tự nhiên đọc luôn:

– Em rất thích bài “Mùa thu tới”: “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang/ Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng/ Đây mùa thu tới, mùa thu tới/ Với áo mơ phai dệt lá vàng”. Em còn thích cả bài có mấy câu sau: “Ai đem phân chất một mùi hương/ Hay bản cầm ca, tôi chỉ thương/ Chỉ lặng chuồi theo dòng cảm xúc/ Như thuyền ngư phủ lạc trong sương”.

Xuân Diệu khen tôi:

– Giỏi quá! Mà em chỉ thuộc những bài không phải là thơ tình. Này, nói đến Xuân Diệu, trước hết phải nói đến thơ tình đấy nhé. Em không thuộc bài nào sao? Năm nay em bao nhiêu tuổi?

– Thưa, em 17 tuổi ạ.

– 17 tuổi yêu quá đi ấy chứ. Ngày trước, 17 tuổi, tôi đã thích yêu lắm rồi nên mới làm được nhiều thơ tình đấy.

– Em cũng thuộc nhiều bài thơ tình của nhà thơ ạ.

– Đọc một bài xem nào?

Tôi lại cất giọng:

– Em xin đọc bài “Tương tư chiều” của nhà thơ: “Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm/ Anh nhớ em, em hỡi! Anh nhớ em/ Không gì buồn bằng những buổi chiều êm/ Mà ánh sáng mờ dần cùng bóng tối/ Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối/ Đêm bâng khuâng đôi miếng lẩn trong cành/ Đàn chim tìm về dãy núi xa xanh...”.

Tôi vừa ngừng lời, Xuân Diệu vỗ tay: -Bravo! Bravo! (Hoan hô! Hoan hô!). Em có giọng đọc thơ rất hay, truyền cảm, lôi cuốn người nghe. Lát nữa, tôi giới thiệu em đọc thêm mấy bài nữa của Xuân Diệu cho mọi người nghe nhé.

Thầy Hiệu trưởng tiếp lời nhà thơ:

– Em San vẫn ngâm thơ và diễn kịch ở trường đấy ạ.

– Tốt lắm. Lát nữa, em cứ đọc lại mấy bài vừa rồi nhé.

Tôi khấp khởi trong lòng. Đúng lúc ấy, một thầy giáo đến mời nhà thơ ra phòng Hội đồng vì đã đến giờ.

Phòng có thể ngồi được hàng trăm người nhưng vì một số bạn và một số thầy, cô vắng mặt nên còn rỗng, thừa nhiều ghế. Sau tràng vỗ tay kéo dài chào đón Xuân Diệu bước vào phòng. Đáp lễ mọi người xong, ông nói luôn:

– Còn nhiều chỗ để không, phí quá. Đề nghị Ban Giám hiệu huy động các thầy, trò đến nghe. Mấy khi đón được Xuân Diệu đến. Tôi rất bận, phải thu xếp mãi mới có thể đến thế này.

Thầy Hiệu trưởng báo cáo với nhà thơ là hiện lúc này các thầy cô có giờ thì đang đứng lớp. Ai không có giờ thì được phép ở nhà. Tại trường chỉ có mấy người làm ở bộ phận Hành chính. Xuân Diệu nói:

– Vậy hãy cho mời tất cả các anh chị em hành chính kể cả lao công, tạp vụ, bảo vệ đến nghe. Xuân Diệu không chỉ phục vụ giới có học mà còn rất thích nói chuyện cho người lao động bình thường nghe. Chính họ mới là đối tượng đầu tiên của văn nghệ đó. Các đồng chí không được xem thường.

Ngay lập tức, đích thân thầy Hiệu phó đi mời tất cả mọi người còn lại của trường dừng việc để đến dự buổi nói chuyện. Chỉ vài phút sau, các ghế đã có người ngồi chật. Xuân Diệu tỏ sự hài lòng và nói:

– Lần sau, các đồng chí hãy tổ chức vào buổi tối để tất cả thầy, trò, cán bộ, nhân viên được nghe. Và phải đưa ra hội trường mới đủ chỗ. Hội trường trường ta tôi thấy rộng và đẹp đấy.

Cuộc nói chuyện bắt đầu. Xuân Diệu gây ấn tượng mạnh, lôi cuốn người nghe ngay từ phút đầu tiên khi trước hết ông đọc tặng mọi người một bài thơ vừa sáng tác coi như món khai vị. Ông có lối đọc rất hấp dẫn bằng cái giọng trẹ của Hà Tĩnh lại pha hơi hướng khu 5 nghe thật thú vị, nhất là biết thay đổi tiết tấu, khi dồn dập, khi khoan thai theo cảm xúc bài thơ. (Ông quê Hà Tĩnh nhưng lớn lên ở Bình Định).

Nói được chừng nửa giờ, bỗng Xuân Diệu đột ngột dừng lại, hỏi mọi người:

– Các thầy và các em có dạy và học “Truyện Kiều” trong chương trình không?

Tất cả trả lời:

– Có ạ.

Nhà thơ hỏi tiếp:

– Vậy có học đoạn Thuý Kiều đánh đàn cho Kim Trọng nghe không?

Lại đồng thanh trả lời:

– Có ạ.

– Vậy các thầy, trò có nhớ Nguyễn Du miêu tả tiếng đàn của Kiều như thế nào không?

Một trò nhanh nhẩu giơ tay và được nhà thơ mời nói:

– Thưa nhà thơ. Nguyễn Du miêu tả tiếng đàn của Kiều là “Trong như tiếng hạc bay qua/ Đục như nước suối mới sa nửa vời/ Tiếng khoan như gió thoảng ngoài/ Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa”.

– Khá lắm. Em rất giỏi, chắc là học sinh xuất sắc về môn văn đây.

Xuân Diệu hỏi tiếp:

– Còn đoạn thơ nào tả thái độ, cách thưởng thức của Kim Trọng khi nghe Kiều đánh đàn?

Câu này thì học sinh có vẻ bí. Nhà thơ hướng sang các thầy, cô giáo:

– Thầy, cô nào trả lời giúp các em nào?

Một thầy còn trẻ, chỉ chừng 30 tuổi giơ tay rồi đứng lên nói:

– Thưa nhà thơ. Đó là các câu: “Khi tựa gối, khi cúi đầu/ Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày” ạ.

– Rất đúng. Đó. Các thầy, các em có thấy cái chàng Kim Trọng đó có cách thưởng thức Kiều đánh đàn rất tâm đắc, thể hiện sự đồng cảm, ngưỡng mộ tuyệt vời dành cho người đánh đàn không? Anh chàng chẳng những chăm chú, tán thưởng Kiều đánh đàn mà còn bộc lộ rõ mọi xúc cảm ra bên ngoài khiến Kiều càng tăng thêm hứng thú, càng “bốc” hơn để tiếp tục đánh đàn hay hơn trước. Kim Trọng quả là một công chúng biết thưởng thức, sành thưởng thức. Chứ cứ ngồi ngay như phỗng, không biểu hiện gì thì dù có hâm mộ tiếng đàn của Kiều bao nhiêu cũng không thể khiến nàng cao hứng biểu diễn. Tiếc rằng không phải ai cũng biết thưởng thức như Kim Trọng. Tất nhiên, không nhất thiết cứ phải “tựa gối, cúi đầu, vò chín khúc, chau đôi mày” mới là biết thưởng thức mà chỉ cần vỗ tay cũng là biết hưởng ứng, biết nghe một cách rất văn minh, lịch sự vậy.

Nghe Xuân Diệu nói thế, các thầy, cô hôm đó hiểu ngay vấn đề. Họ đã lập tức vỗ tay hồi lâu để tán thưởng. Và từ phút đó, cứ mỗi khi nhà thơ nói ý nào chí lý, họ lại vỗ tay. Không khí từ phút ấy sôi động hẳn khiến Xuân Diệu rất hài lòng.

Sau buổi nói chuyện, ai nấy ngoài việc tán thưởng nội dung Xuân Diệu đem đến cho người nghe còn thú vị mãi cái cách nhà thơ gợi ý người ta vỗ tay cổ vũ mình. Ông quả là rất thông minh và hóm hỉnh vậy.

Nguyễn Đình San

Source link

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Latest Articles

Như thế…Tôi đã đến với Tân hình thức.

When we try to help others, they consider us enemies. But we can thank them because, through them, we can know the nature of each person. The Wuhan Virus helps us to recognize the good and the bad, to rise above both to retain our human affection. Thanks to that, new love arises. Hopefully.

TUẦN THƠ 40: ?

Sáng tác xin gửi về Diễn đàn hoặc email:...

XUÂN THU NHÃ TẬP VÀ THƠ TÂN HÌNH THỨC – TỪ GÓC NHÌN SO SÁNH

Các nhà Tân hình thức cho rằng thơ vận hành theo hình thái của hiệu ứng cánh bướm: “Ngôn ngữ tạo ra âm thanh, ý tưởng và hình ảnh, biểu tượng cho tính tự tương đồng trong hình học fractal và yếu tố trật tự trong lý thuyết hỗn mang. Kỹ thuật lặp lại làm chức năng phản hồi (feedback) và lặp lại (iteration) mang những âm thanh, ý tưởng và hình ảnh chuyển động. Và vắt dòng làm thành sự tuôn chảy liên tục của hệ thống động lực là bài thơ. Sự tác động ngầm của tất cả những yếu tố trên tạo ra ý nghĩa bài thơ”(5).

THƠ VĂN MIỀN NAM TRƯỚC NĂM 1975

TẠP CHÍ VĂN SỐ 45(1/11/1965)     FRANCOISE SAGAN DƯỚI MẮT CHÍNH...

Bài thơ trong ngày: ‘Khi tôi nghe nhà thiên văn học uyên bác’

Poem of the Day: ‘When I Heard the Learn’d...

Related Articles

Nghe Giang Trang hát cách tân nhạc Trịnh

  Giọng hát Giang Trang không hay, không dở, nhưng rất vừa vặn với tinh thần nhạc Trịnh Công Sơn. Đó là sự tối giản,...

ĐỌC MỘT BÀI THƠ NHƯ THẾ NÀO

NGUYỄN ĐỨC TÙNG Sinh tại Quảng trị, lớn lên đi học tại Quảng trị và Huế. Thuyền nhân, định cư tại Canada. Tốt nghiệp y...

CAN POETRY MATTER?

Dana Gioia Thơ Mỹ hiện nay thuộc về một nhóm văn hóa Không còn là một phần trong dòng chính của đời sống nghệ sĩ và...