Trần Huyền Sâm – Trần Đình Nhân
xtnt123b
Một chân lý hiển nhiên: sẽ không thể loại nào có thể trường tồn nếu độc giả không còn tha thiết với nó nữa. Văn học muốn tồn tại, phải có độc giả. Muốn vây, bản thân các thể loại không ngừng phải cách tân để khẳng định chỗ đứng của mình. Thơ không phải là trường hợp ngoại lệ. Thơ Tân hình thức (New Formalism Poetry) là một hiện tượng khá thú vị. Thể loại thơ này xuất hiện tại Mỹ vào giữa thập niên 1980, đạt được những thành tựu vào giữa thập niên 1990 và bắt đầu lan sang Việt Nam vào khoảng năm 2000. Có thể nói, đây là một hiện tượng ở thì hiện tại đang tiếp diễn. Vậy nên, việc bàn cãi, thậm chí phủ nhận, chê bai là điều rất bình thường trong đời sống văn học.

Dưới đây, chúng tôi xin trở lại Xuân Thu nhã tập – một hiện tượng có những nét khá tương đồng với khuynh hướng thơ Tân hình thức, nhất là quan niệm về sáng tạo thơ ca. Dẫu hoàn cảnh khác nhau, nhưng cả hai hiện tượng này đều có những tìm tòi, cách tân trên cở sở cội nguồn thơ ca dân tộc. Việc nhìn lại Xuân Thu nhã tập để thơ Tân hình thức tiếp tục con đường cách tân là điều rất cần thiết…

1. Những điểm tương đồng thú vị giữa Xuân Thu nhã tập và thơ Tân hình thức.

Hiện tượng Xuân Thu nhã tập chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (1942-1945) rồi lâm vào bế tắc. Tiếp sau đó có nhóm Dạ Đài của Trần Dần, Đinh Hùng, Trần Mai Châu, Vũ Hoàng Địch… Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử (chỉ mới ra được một số, số thứ hai chưa kịp ra mắt thì toàn quốc kháng chiến bùng nổ) nên sự cách tân chưa được thể nghiệm. Sau giải phóng, thơ tự do quay trở lại chiếm ưu thế, thể hiện những suy tư của cá nhân, cách cảm, cách nghĩ của một thế hệ mới. Tuy nhiên, các nhà Tân hình thức cho rằng “trong hai thập niên qua, thơ tự do đã trở thành nhằm chán, nhạt nhẽo, nghèo nhạc tính, không có gì nổi bật, làm mất nhiều độc giả và cuối cùng thì thơ thu hẹp lại không ra khỏi phạm vi trường đại học” (2, tr. 18).

Với nhận thức đó, thơ Tân hình thức Việt ra đời như là một sự tiếp nối nỗ lực cách tân mà Xuân Thu nhã tập còn đang dang dỡ. Tuy nhiên, không đi vào con đường huyền bí, Tân hình thức chủ trương đưa thơ lại gần hơn với cuộc sống đời thường. So với Xuân Thu nhã tập, thơ Tân Hình thức Việt hôm nay còn có những cách tân táo bạo hơn nữa. Tuy nhiên, giữa hai hiện tượng này có sự gặp gỡ tương đồng rất thú vị.

Tinh thần trở về cội nguồn của Xuân Thu nhã tập

Xuân Thu nhã tập ra đời khi Thơ mới đã rơi vào bế tắc, khủng hoảng. Cái tôi – mảnh đất linh diệu của Thơ mới đã được đào sâu đến tận cùng, và lúc này, đã mất hết sức sống. Trong xu thế đó, Xuân Thu đã trăn trở và tìm một hướng đi mới cho thơ ca dân tộc. Ngay từ khi ra đời, Xuân Thu đã mang một tinh thần tiên phong với ý thức cách tân táo bạo. Mục đích cách tân thể hiện trên hai phương diện: Không lặp lại cái tôi của Thơ mới; chống lại sự đồng hóa của phương Tây để ngăn cái họa mất gốc: “Tìm con đường thực, nối liền nguồn gốc xưa với ước vọng nay. Gọi về những tính cách riêng của ta, để có thể xuôi chảy trong cái dòng sống thực của ta, không quanh co, lúng túng vì những ảnh hưởng ngoài”(1, 2)

Giá trị lớn nhất và ấn tượng sâu nhất của Xuân Thu nhã tập, đó là phần tiểu luận về thơ. Bằng những kiến giải độc đáo, Xuân Thu nhã tập đã nêu được những vấn đề lý luận cơ bản của thơ ca.

Câu hỏi cổ xưa này đã được Xuân Thu luận giải một cách khá lý thú. Thơ là sự rung động, sự quyến rũ- không thể cưỡng lại, một cách tự nhiên, hoàn toàn. Thơ – vì thế, không cần để hiểu mà cốt để cảm. Thơ được ví như giai Nhân, như Đẹp, như Trời: “Áng thơm của hoa, vẻ trong của nước, thần của vạn vật, thơ của văn nghệ…” (1, tr3).

Thơ được Xuân Thu nhã tập đồng nghĩa với Trong, Đẹp, Thật. Thơ là một phạm trù thiêng liêng, cao quí, là một trí thức cao cấp sánh với tình yêu, nẻo đạo và tôn giáo:“Thơ trước hết phải là sự trong trẻo, sự vô tư lợi, sự khêu gợi không cùng, sự rung động tức khắc, sự gặp gỡ đột nhiên, sự hiến dâng không nghĩ đến trở về”( 1, 4).

Đưa thơ vào phạm trù của đạo, xem thơ là một thứ cao siêu như tôn giáo, Xuân Thu nhã tập đã rút ra một nguyên lý căn bản (trong mối quan hệ) giữa thơ ca với vũ trụ: ĐẠO – ÂM + DƯƠNG – SÁNG TẠO – RUNG ĐỘNG – THƠ – ĐẠO. Nằm trong vòng tương sinh đó, thơ mới đạt đến sự siêu việt, trong trẻo, nhịp nhàng, mới vươn đến cái tuyệt đối, cái đẹp – lẽ cuối cùng.

Hinh-1-bia-sach-Tho-Tan-hinh-thuc-Viet
Tinh thần phục hưng của thơ Tân hình thức

Nếu như Xuân Thu nhã tập ra đời khi phong trào thơ mới đã rơi vào bế tắc thì giờ đây, với ý thức rằng thơ tự do đang mất dần vị thế trong lòng độc giả, các nhà Tân hình thức cho rằng sự xuất hiện của thơ Tân hình thức là để vãn hồi một nền thi ca đang lung lay. Họ đặt ra câu hỏi: “Giả thử một lúc nào đó không còn ai đọc thơ hay truyện nữa, chúng ta sẽ thấy thảm hoạ của con người đến chừng nào…” (2, tr.19).

Đứng trước yêu cầu phải đổi mới để tiếp tục khẳng định vị trí của thơ, cả Xuân Thu nhã tập lẫn Tân hình thức đều đã chọn con đường đi bằng một lối thơ khác với truyền thống, thể hiện một tư duy thơ không theo quan niệm đã sáo mòn.

Nhìn vào con đường cách tân thơ Việt của cả Xuân Thu nhã tập lẫn Tân hình thức ta sẽ bắt gặp một điểm chung khá thú vị: cả hai đều mang tư tưởng phục hưng. Nếu như Xuân thu chủ trương tìm về với cội nguồn để nối liền nguồn gốc xưa với ước vọng nay thì thơ Tân hình thức lại chủ trương phục hưng các thể thơ truyền thống (5 chữ, 7 chữ, 8 chữ). Tuy nhiên họ chỉ kế thừa số lượng âm tiết mà thôi. Các yếu tố khác của thể thơ truyền thống đều bị lược bỏ. Bản thân Khế Iêm, “chủ soái” của dòng thơ này cũng đã khẳng định: “gọi là Tân hình thức là do tinh thần trở về đời sống thực tại, hồi phục lại nghệ thuật thơ và những giá trị nhân bản đã mất sau chiến tranh…”(2 tr. 20).

Một điểm tương đồng khác đáng lưu ý đấy là cả hai khuynh hướng thơ này đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của thơ nước ngoài. Trong khi Xuân Thu nhã tập chịu ảnh hưởng của trường phái tượng trưng, siêu thực Pháp thì thơ Tân hình thức Việt lại bắt nguồn từ lối thơ Tân hình thức Hoa Kỳ. Loại thơ này chủ trương thơ gần với ngôn ngữ nói thông thường, vận dụng nhịp điệu và vần luật thơ Anh ngữ truyền thống…

Từ những điểm tương đồng trên, rõ ràng chúng ta có thể lấy Xuân Thu nhã tập như một điểm mốc để xem thơ Tân hình thức Việt hôm nay đã tiến xa đến đâu trên con đường tìm một lối đi, một lối tư duy khác cho thơ.

2. Những “ đối âm” thú vị của hai hiện tượng cách tân

Thứ nhất, quan niệm về thơ. Nếu như Xuân Thu cho rằng thơ được ví như Đạo, rất linh thiêng, là tinh túy của đất trời thì trong quan điểm của Tân hình thức, thơ rất đỗi đời thường. Thơ không phải là cái gì đó cao siêu của riêng những bậc cao nhân mà đó chính là cuộc sống thường ngày. Với đặc trưng thi pháp đời thường, các nhà Tân hình thức dường như đang kéo thơ tiếp xúc gần hơn với cái hiện tài phù vân (chữ dùng của Bakhtine). Điều đó sẽ tránh được cho thơ thoát khỏi đông cứng, yếu tố có thể khiến cho nó có thể đi đến sự hoàn kết. Từ đó, các nhà Tân hình thức đi đến chỗ khẳng định vai trò to lớn của thơ: “thơ phải sinh động, quyến rũ, mới mẻ, tích cực hơn, góp phần làm thăng bằng và duy trì nền văn minh, hoà hợp với tự nhiên, và niềm tin yêu giữa con người với nhau, thể hiện ý nghĩa đời sống…” (2, tr 22)
Nếu như sự cách tân của nhóm Xuân Thu ngày trước vốn đã được coi là một bước đi táo bạo để thay đổi quan niệm về thơ thì phái Tân hình thức hôm nay còn tiến xa hơn thế. Họ không chỉ thay đổi quan niệm về thơ mà còn thay đổi cả bản chất của thơ. Nếu xem Xuân Thu nhã tập là hiện tượng cách tân trong một phạm trù thì thơ Tân hình thức là sự cách tân trong tính tổng thể. Có thể nói, thơ Tân hình thức đã phá vỡ cả một hệ thống thi pháp thơ truyền thống.

* Thứ hai, sự khác biệt trong quan niệm thể loại

Từ góc độ tư duy và chức năng nghệ thuật, Xuân Thu đã khu biệt nét đặc trưng giữa thơ và văn xuôi. Thơ không thuộc về lý trí, mà thuộc về tình cảm: “Văn nói chuyện đời, nhưng thơ chính là tiếng đời u huyền, trực tiếp” (1, tr. 6). Văn xuôi có tính vụ lợi, thơ không mang tính vụ lợi, không mang nghĩa tục. Văn xuôi thường kích động người đọc một cách thô sơ, dễ dãi; còn thơ là cái gì huyền ảo, tinh khiết, thâm thúy, cao siêu, cái hình ảnh sự khắc khoải bất diệt của muôn sự vật, hay là cõi vô cùng.

Tính hàm súc, đa nghĩa, gợi cảm chính là đặc điểm cơ bản nhất để phân biệt thơ và văn xuôi: “Một bài thơ không được hiểu như một bài văn một cách lộ liễu, nhất định. Phải chứa nhiều sức khêu gợi, ý ở ngoài lời, đủ với sự thật sâu sắc, bao la trong toàn thể” ( 1, tr. 8).

Xuân Thu nhã tập chủ trương ngôn ngữ thơ phải bóng bẩy, tinh luyện, thơ phải đạt đến độ TRONG – ĐẸP – THẬT. Đặc trưng cơ bản dễ nhận ra trong thơ Xuân Thu là sự trau chuốt về ngôn ngữ, sự phức tạp về tu từ.

Tuy nhiên đến thơ Tân hình thức, điều đó đã bị chối bỏ. Với thơ Tân hình thức, ngôn ngữ thô nhám thế chỗ ngôn ngữ tinh luyện. Họ chủ trương chối bỏ tu từ: “chữ nghĩa và hình ảnh bóng bẩy và cầu kỳ không còn, chỉ còn sự đơn giản, tự nhiên như một dòng đời sống”(1, tr16)

Tân hình thức chủ trương thi pháp đời thường trong thơ ca. Một trong những điểm nhấn gây ấn tượng mạnh nhất trong thi pháp thơ Tân hình thức đó chính là họ chủ trương lối thi pháp đời thường thay cho thi pháp cảm tính vốn là đặc trưng không thể thiếu của thơ. “Nếu không mang được những câu nói thông thường vào thơ thì làm sao mang được đời sống vào thơ? Và nếu không thì làm sao chia sẻ được nỗi vui buồn của mọi tầng lớp xã hội, để thơ trở thành tiếng nói của thời đại?” (2, tr. 22). Mỗi bài thơ thay vì là một mảnh cảm xúc, tâm trạng của nhân vật trữ tình thì nay trở thành một câu chuyện, một lát cắt của cuộc sống (rất gần với truyện ngắn). Thậm chí ngay cả khi nói về tình yêu, thơ cũng thiên về kể. Có thể dẫn ra trường hợp sau:

“Tình yêu đẹp như một buổi chiều
trên bãi biển có mây có gió
có con sóng vỗ bờ cát vàng
có đôi tình nhân (có thể là
anh và em, cũng có thể là
một đôi tình nhân khác) bước đi
tay trong tay, mắt nhìn về phía
xa xa trong trí tưởng tượng có
một chốn bình yên trong đôi môi
gắn chặt trong đôi mắt nhắm nghiền
trong niềm hạnh phúc trào dâng họ
quên rằng chút xíu nữa là đêm”
(Bài tình số 2 – Nguyễn Tất Độ)

Thứ ba, yếu tố tính nhạc trong thơ ca

Trở về với tính hàm súc, tính đa nghĩa của thơ ca cổ điển phương Đông, Xuân Thu nhã tập đã bắt gặp tính ám gợi, tính biểu tượng của chủ nghĩa tượng trưng phương Tây. Đi từ cái Tôi đến cái Ta, từ công thức: “Thơ = Trong = Đẹp = Thật, và bằng tuyên ngôn sáng tác: “Trí thức, Sáng tạo, Đạo lý”, Xuân Thu đã tạo ra những thi phẩm đậm tính chất tượng trưng, siêu thực: “Quên cái đã gặp, ngã về cái chưa tìm, nhớ cái sẽ mất”. Một số quan niệm về thơ của Xuân Thu nhã tập (tính nhạc, tính huyền diệu, tính trong trẻo, gợi cảm của thơ ca…) rất giống với quan niệm của Valéry.

Không chỉ gặp chủ nghĩa tượng trưng trong một vài ý tưởng kiến giải về thơ, mà những sáng tác của nhóm Xuân Thu đã biểu hiện rõ thi pháp của chủ nghĩa tượng trưng. Hầu hết, các sáng tác của Xuân Thu nhã tập đã vượt lên tính xúc cảm, tính chất giãi bày cái tôi cá nhân của Thơ mới. Xuân Thu đã tiến đến chủ nghĩa tượng trưng ở tính ám gợi, tính biểu tượng, tính mơ hồ, huyền bí. Hoài Thanh cho bài thơ Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ là một lối thơ rất tinh tế và kín đáo, nhưng hình ảnh mờ:

“Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh…”

Đến Buồn xưa, Hồn ngàn mùa, Bình tàn thu của Nguyễn Xuân Sanh thì đã rơi vào cõi siêu thực, hư vô. Người đọc không dễ tìm được mã để giải nghĩa văn bản. Dường như nhà thơ sáng tạo trong một trạng thái vô thức, siêu thăng. Tính triết lý không vượt qua được tính siêu thực để mang lại sự lôgich cho bài thơ. Chẳng hạn ở bài thơ Buồn xưa:

“Lẵng Xuân
Bờ giũ trái xuân sa
Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà
Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa”

Chúng ta thử làm thao tác đảo lộn thứ tự các khổ thơ trong văn bản nghệ thuật trên thì nghĩa của nó cũng không có gì thay đổi. Chứng tỏ những câu chữ, hình ảnh ở đây được tuôn ra trong một trạng thái vô thức, khó nắm bắt. Nhân vật trữ tình như chìm trong cõi hư vô, tan biến thành từng mảnh để nhập vào các biểu tượng. Đúng như Xuân Thu nhã tập chủ trương: “Một bài thơ có thể hiểu ra nhiều lối dù có cảm một cách duy nhất. Nên độc giả tùy theo trình độ trí thức mà hưởng thụ ít hay nhiều”.

Đến thơ Tân hình thức, yếu tố vần đã hoàn toàn bị xoá bỏ. Thơ trở thành những bài thơ không vần . Họ cho rằng “vần, nếu là yếu tố mạnh trong ngữ điệu hát thì lại là yếu tố trở ngại trong ngôn ngữ thông thường, làm mất tự nhiên và không còn cần thiết” (2 tr. 24). Và khi không còn vần điệu nữa thì mỗi bài thơ thực sự là một câu chuyện cuộc sống. Quan niệm này không phải được bạn đọc dễ dàng chấp nhận. Không phải sự dị ứng, phản bác của độc giả, vì thói quen vần điều trong thơ truyền thống. Sâu xa hơn, nó nằm ở bản chất ngôn ngữ.

Trong thơ truyền thống, yếu tố nhạc tính được tạo nên nhờ sự phối thanh, phối vần. Sự nhịp nhàng, uyển chuyển trong ngôn ngữ thơ khiến câu thơ bật lên tiếng nhạc: “Em không nghe mùa thu/ Lá thu kêu xào xạc/ Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô…”

Thơ Tân hình thức vẫn bảo lưu tính nhạc, thậm chí xem nó là một đặc trưng không thể thiếu của thơ. Tuy nhiên nguyên tắc nhạc tính của thơ thì đã có sự thay đổi. Khi không còn sự phối hợp nhịp nhàng của yếu tố thanh và vần điệu nữa thì tính nhạc được tạo nên từ nhịp điệu của sự đọc: “khi đọc chúng ta cảm thấy thanh thoát tự nhiên như đang hít thở không khí, gặp gỡ ngoài đường phố, giao tiếp với bạn bè và mọi người. Đó là thứ âm nhạc của trò chuyện (music of conversation), phong phú, hàm súc, mỗi lúc mỗi khác và là những khoảnh khắc có thực của thực tại.” (2, tr. 28).

Sự nhấn mạnh yếu tố “tính truyện” và hiệu ứng cánh bướm trong thơ. Yếu tố tính truyện được tạo ra nhờ thơ Tân hình thức sử dụng kĩ thuật lập lại và sự xâu chuỗi nhờ vào hiệu ứng của kĩ thuật vắt dòng (enjambment): “Mỗi lần lập lại một ý tưởng tiêu biểu cho toàn sự cố, chúng ta dẫn sự cố đi theo một hướng khác, và như thế sẽ tạo ra nhiều diễn biến khác biệt và phức tạp”(2, tr.29). Trong khi đó, kĩ thuật vắt dòng tạo nên sự liên kết các dòng thơ không những chỉ là về hình thức mà còn liên kết cả về nội dung.

Các nhà Tân hình thức cho rằng thơ vận hành theo hình thái của hiệu ứng cánh bướm: “Ngôn ngữ tạo ra âm thanh, ý tưởng và hình ảnh, biểu tượng cho tính tự tương đồng trong hình học fractal và yếu tố trật tự trong lý thuyết hỗn mang. Kỹ thuật lặp lại làm chức năng phản hồi (feedback) và lặp lại (iteration) mang những âm thanh, ý tưởng và hình ảnh chuyển động. Và vắt dòng làm thành sự tuôn chảy liên tục của hệ thống động lực là bài thơ. Sự tác động ngầm của tất cả những yếu tố trên tạo ra ý nghĩa bài thơ”(5).

Yếu tố tính truyện cùng chủ trương thi pháp đời thường khiến cho mỗi bài thơ trở thành một câu chuyện đời thường. Với đặc tính này, liệu thơ Tân hình thức có đánh mất đặc trưng thuần khiết của thơ ca?

Với mục đích cách tân, cố gắng tìm ra một hướng mới cho thơ ca dân tộc, tuy nhiên, mỗi hiện tượng là một nẻo đường còn “ chông chênh”. Ở đây, chúng tôi chỉ trình bày những nét tương đồng và khác biệt của Xuân Thu nhã tập và thơ Tân hình thức. Sự bình luận đúng sai, hay dở của hai hiện tượng, xin nhường lời cho bạn đọc.

3. Thay cho lời kết: Thơ Tân hình thức, hay là “thì hiện tại đang tiếp diễn”…

Cũng như Xuân thu nhã tập, thơ Tân Hình thức ra đời với mong muốn thay đổi một nền thi ca mà họ cho là đang chết dần vì tự giẫm vào lối cũ. Họ mong muốn biến mình thành một lối ca dao hiện đại.

Tuy nhiên, từ quan điểm cá nhân, chúng tôi cho rằng cũng giống như Xuân Thu nhã tập, thơ Tân hình thức đang phải đối mặt với những mâu thuẫn hết sức phức tạp. Họ mong muốn phổ thông hoá thơ ca, biến thể loại thơ của mình thành một thể loại ca dao hiện đại, nhưng họ lại chọn một lối thơ khó đọc. Điều đó phải chăng họ đang tự mâu thuẫn với chính mình, điều mà Xuân Thu nhã tập đã từng mắc phải?

Kết hợp lối thơ Anh truyền thống với các hình thức thơ dân tộc, các nhà Tân hình thức kì vọng sẽ xoá đi giới hạn về ngôn ngữ của thơ, đưa thơ Việt Nam vươn ra với thế giới. Các nhà Tân hình thức đã chọn một lối thơ có nguồn gốc từ nước ngoài, kết hợp với “bộ khung” của thơ Việt để tạo nên một “thể lai”. Đây có thể xem là một bước đi táo bạo. Tuy nhiên, lối thơ này, với các đặc tính: không vần, không tu từ, mang tính truyện, xem ra khó phù hợp với tư duy thơ của người Việt…

Từ khi bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam đến nay, thơ Tân hình thức được bạn đọc đón nhận theo nhiều chiều hướng khác nhau. Có người cổ xúy, động viên, nhưng cũng không thiếu kẻ chê bai, phản bác. Điều này cũng đã diễn ra trong lịch sử Việt Nam, nhất là cuộc tranh luận giữa phái Thơ mới và thơ cũ (1930-1945). Bất kỳ sự cách tân nào cũng chịu những “trả giá” bước đầu.

Ngay lúc này đây, chúng ta chưa thể khẳng định: liệu thơ Tân hình thức có đủ sức khiến thơ Việt rẽ sang một hướng khác hay không? Xem ra, sứ mệnh to lớn này, cần phải có thời gian để chứng nghiệm…
—————————————————-

Chú thích
(1) Xuân Thu nhã tập (1992), NXB Văn học, Hà Nội
(2) Khế Iêm (2011) Vũ điệu không vần – Tứ khúc và những tiểu luận khác, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội,
(3) Inrasara, Tân hình thức, một bước đi mới, nguồn: http://tan-hinh-thuc-mot-buoc-di-moi.html
(4) Đặng Tiến, Tân hình thức – nhịp đập thời đại, nguồn: http://thotanhinhthuc.org/Thokhongvan/Introduction.html
(5 ) Khế Iêm, Phong cách tân chiết trung,nguồn: http://tapchisonghuong.com.vn
(6) Thụy Khuê, Thụy Khuê trả lời Ðoàn Xuân Kiên và Khế Iêm, nguồn: http://thuykhue.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.