NGUYỄN ĐẠT : NHÀ THƠ BỊ ÁM ẢNH

Nguyễn Lương Ba


Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Nguyễn Đạt xuất hiện đều trên các tạp chí văn học ở hải ngoại. Người đọc rất quen thuộc với tên tuổi của anh như một nhà thơ đặc sắc luôn dấu mình trong những dòng chữ buồn, cô đơn và cuối cùng là một nỗi ám ảnh nào đó không rõ về thân phận, về cuộc sống như tiếng kêu vang lên trong thơ anh.

Anh sống và được nuôi dưỡng trong dòng văn học miền Nam vào giai đoạn tạp chí Sáng Tạo đẩy mạnh phong trào thơ tự do. Năm 1960 anh gửi bài thơ đầu tiên đến tờ Ngàn Khơi (của thi sĩ Trần Dạ Từ) nhưng bài thơ đã không được đăng. Từ đó anh không viết nữa. Mãi đến năm 1963, anh mới sinh hoạt văn nghệ trở lại trên tờ đặc san của trường trung học Chu Văn An ở Sàigòn với bài thơ ngắn 5 chữ. Nhà thơ Viên Linh khi làm tờ Nghệ Thuật đã đọc được thơ của anh đăng trên tờ Đặc san của trường Đại học Văn khoa Sàigòn, đã gọi anh gửi bài. Từ đó anh bước vào sinh hoạt văn học miềnNam như một nhà thơ trẻ có tiếng nói u uẩn, đầy bi kịch trong thơ của anh. Và lần lượt anh đã có thơ trên các tạp chí nổi tiếng như Nghệ Thuật, Khởi Hành, Văn…

Anh theo học ban Triết Tây tại trường Đại học Văn khoa Sàigòn và đã cùng một nhóm bạn chủ trương tờ tập san Văn Chương gồm: Joseph Huỳnh Văn, Nguyễn Tử Lộc, Nguyễn Quốc Trụ, Phạm Kiều Tùng, Nguyễn Tường Giang, Nguyễn Nghiệp Nhượng, Phạm Thiên Thư, Phạm Hoán. Chủ trương biên tập: Joseph Huỳnh Văn (đã từ trần). Tạp san Văn Chương ra được 5 số. Số đầu tiên ra vào tháng 5/1973 và số cuối cùng tháng 11/1974. Và cũng từ tạp san Văn Chương, Nguyễn Đạt bắt đầu viết truyện. Truyện ngắn “Đại Hồ Cầm” của anh đăng trong tạp san Văn Chương số cuối cùng đã gây được tiếng vang thời đó.

Về cuộc sống cá nhân, anh thích lang thang đây đó, bạn bè hàng quán. Nhìn anh có vẻ khinh khỉnh bề ngoài nhưng lòng anh luôn đầy ắp những tình tự viễn mơ. Anh thích sống mạo hiểm, phiêu lưu, bung tìm những cảm giác mạnh đầy bấp bênh. Trước khi đến với văn chương, anh đã theo học lớp quyền anh, thụ giáo ở lò võ của võ sư người Việt gốc Hoa Lương Kế Chính. Anh đã thử thượng đài một hai lần nhưng ông thầy không muốn cho anh tiếp tục vì cho rằng anh không có cái trán nhô ra, cặp mắt hơi bị lộ, có nguy cơ nếu trúng đòn sẽ vỡ con ngươi. Nhà thơ Viên Linh trong một bài viết đăng trên Khởi Hành số 20 (tháng 6/98) có cho rằng Nguyễn Đạt tuy tài hoa nhưng có vẻ hơi khinh bạc. Tôi hỏi anh nghĩ thế nào? Nguyễn Đạt trả lời như sau: “Tôi nghiệm về tôi thấy mình chưa từng như vậy. Tất nhiên trong một chuyện cụ thể nào đấy, qua một hành vi biểu hiện nào đấy, có thể tôi đã gây ngộ nhận. Nhưng bản chất con người tôi, tôi không phải là kẻ khinh bạc.”

Nguyễn Đạt chuyên về thơ tự do và thơ đều chân (néo-classic). Rất ít làm thơ lục bát. Anh quan niệm chỉ với thơ tự do mới mang tính triệt để sáng tạo. Thơ anh thường chất chứa niềm u ẩn, nhiều tâm sự hay dằn vặt nào đó ám ảnh suốt trên nhữn chặng đường thi ca của anh. Anh thường nói về chính mình trong thơ mà người đọc rất khó nhận biết bởi đâu anh đã mang một tâm trạng u hoài như vậy. Về sự cô đơn anh tự mang lấy giữa một vùng rừng núi hoang dã:

Rừng thôn Đại Ninh xanh sốt rét

Co ro cùng tôi bên chân cầu

Nước thác thượng nguồn nào ai biết

Tan cùng vỡ vụn dưới lòng sâu

Tan cùng hồn thi sĩ nghiêm sâu

Cơn đau lòng đá nước dồn dập

Núi vỡ lên rừng thông chất ngất

Tôi về co cúm bên chân cầu

Tôi về ai biết bởi vì đâu

Bởi đâu rừng Đại Ninh sốt rét

Một đêm liêu vắng lưng chừng đồi

Người thiếu phụ bí mật bốn hai

Và rừng Đại Ninh thông sốt rét

Và núi Đại Ninh đau thấp khớp

Buốt rên chỉ có một mình tôi

Một mình tôi một mình tôi thôi

Với giấc phù du với mộng ảo

Những tầng mây và những đỉnh trời

Cao ngất như Đại Ninh sốt rét

Co ro người thi sĩ ai hay

Cho dẫu người góa phụ bốn hai

Mở cửa liêu vắng nhìn huyễn hoặc

Bởi đâu rừng Đại Ninh chất ngất.

(Chất Ngất Rừng Đại Ninh)

Tiếng kêu hay tiếng la đó ắt hẳn là không chia sẻ với bất cứ ai. Anh ôm lấy co quắp giữa cơn buốt lạnh của núi rừng.

Và ở một khu rừng khác:

Rừng Giá Tỵ suốt một mùa trút lá

Cây lá xương nắng lửa cháy thâu ngày

Vẫn tôi lơ ngơ kiếm tìm chi thế

Vẫn nắng lửa kia thiêu đốt rừng cây

Vẫn đáy giếng soi mặt người thuở nọ

Mạch nước khô lâu mùa hạ năm nào

Và lá lớn như chiếc tàn che phủ

Chưa dấu xong câu chuyện cũ buồn đau

Sao tôi ghé về đây rừng Giá Tỵ

Tìm kiếm chi trong lớp bụi mù bay

Không một tiếng dù thì thầm của gió

Đang lướt qua rừng Giá Tỵ trưa nay.

(Ghé Lại Rừng Giá Tỵ)

Trong thơ anh, hình ảnh thật xa vắng, quạnh quẽ. Khu rừng không có ai, một nơi đến để tìm kiếm sự mất mát, để khơi dậy một kỷ niệm nào đó đã làm nhức nhối con tim tác giả. Người đọc bàng hoàng và xúc động trước cái vẻ đẹp buồn bã được phác họa tài tình qua những vần thơ cốt lõi nắm bắt được sự sống trong một khu rừng đã chết.

Đọc tập thơ “Nơi Giá Băng” của anh, rất nhiều bài nói về Đơn Dương, một vùng rừng núi ở cao nguyên Lâm Viên (Đà Lạt). Nguyễn Đạt sinh quán ở miền Bắc nhưng anh vẫn thích tự nhận mình như một người miền Nam sinh quán ở Đơn Dương. Ở anh có nhiều kỷ niệm sâu sắc về một mối tình dang dở với một cô gái người Thái trắng tên Uyên. Chính mối tình này đã đẩy anh vấp ngã. Day dứt và ám ảnh vì đoạn kết oái oăm của cuộc tình:

Gió Than Uyên về buốt đêm Đơn Dương

Sao mai ôm tịch mịch cây rừng

Lẻ loi linh hồn hai mươi tám tuổi

Hai mươi tám năm đau đớn thống khổ

Như núi rừng vời vợi điêu linh

Em cứ thả tóc mãi Uyên

Em cứ thả tóc kéo tuột đời anh

Không hờn oán không than van

Bởi niềm an ủi một đêm trăng rừng

Bầy thông reo hò cho anh chạy tới

Cho đời thôi tê buốt gió Than Uyên

Cho em thỏa dạ tình yêu anh

Ôi vì sao mai còn đứng đó

Mãi mãi rừng Đơn Dương chứng kiến

Anh quỳ xuống ngàn lần thú tội

Y xô đẩy em từ chóp đỉnh hạnh phúc

Y xô đẩy em xuống lòng thác

Ôi vì sao mai gió Than Uyên

Y đắp mộ y trên đồi Đơn Dương.

(Gió Than Uyên)

Anh rời Đơn Dương rồi trở lại Đơn Dương như một nỗi chết không rời. Vì thế:

Đêm tối như rừng cây rừng cây

Đốm lửa đỏ soi trên mặt buồn phiền

Nằm ngủ khi không tràn nước mắt

Nằm ngủ co tay ôm lấy mình.

(Đêm Đơn Dương)

Cuộc tình thầm vỡ đó, trong một giai đoạn đã làm thơ anh điêu đứng. Anh luôn bị chìm ngập trong những thao thức dày vò về một nơi chốn. Nơi chốn nào để thơ cư ngụ. Anh đã chọn Đơn Dương. Và thơ anh đã ứa máu:

Em thơ ngây rạng rỡ

Em ngồi ngoan thơ thẩn trước đàn

Em run rẩy những cuộc tình thầm vỡ

Em nghe thấy chăng

Những đêm hoang vu gió lóc thịt xương

Dưới một cành thông buốt nhọn ở Đơn Dương

Anh đứng trầm mình trong nỗi tự sát và yêu em.

(Trích đoạn Đơn Dương)

Đây là đoạn đời gay go của nhà thơ Nguyễn Đạt. Anh sống lẫn lộn giữa thực và mộng, kết hợp từ bản tính sôi nổi và những ước muốn tự thân. Mà kẻ sôi nổi thì lại lắm khi ủ rũ, buồn rầu. Hoàn cảnh rồi cũng qua đi, đổi khác nhưng con người lại rất khó chuyển đổi:

Làm sao tôi giống được mọi người

Tôi

Tật nguyền trọn vẹn cô đặc từ

Thuở sơ nguyên nào chả biết.

(Ngộ Nhận)

Tật nguyền trọn vẹn của chính anh là sự vùng vẫy bất tận trong cái bi đát ở đời:

Tôi bơi

Hóa ra ngược dòng

gặp vô số cọc ngầm

Tôi vỡ đôi

Nửa tôi điên cuồng cơn lốc

Quay nhanh cái trục hiện tại

Nửa tôi chia mười

Phiêu tán các miền

Tôi mò

Những cọc ngầm

Sức bền của chúng hay sự ngộ nhận

Chúng bền như mùn rữa để tồn tại sau cùng

Tôi được sinh

Được đặt tên như bài thơ tự do

Được nuôi nấng giữa băng giá.

(Tự Sự)

Sau 75, cuộc sống của anh gặp khó khăn hơn, anh phải đi đây đó để kiếm sống. Có thời gian anh lại luẩn quẩn ở vùng rừng núi Đơn Dương, đem nhặt những trái thông khô đem bán:

Tàn hơi tàn hơi không rã nát

Quả khô hằng kiếp vây linh hồn

Tôi về nghe ngóng mùa thiêu đốt

Tôi về theo hẹn với rừng thông

Quả khô quả khô không chờ mong

Mùa dẫn tôi về nhặt trái rớt

Năm xưa hẹn năm sau hóa kiếp

Linh hồn hẹn linh hồn phục sinh

Tôi về Đa Thọ lên Đơn Dương

Chiếc gùi năm xưa mang trên lưng

Nhặt nhặt quả khô lòng chẳng chật

Rơi rơi linh hồn không nguôi ngưng.

( Khúc Hát Quả Thông)

Anh không có làm việc gì khác ngoài công việc tận tụy với văn chương. Vì hế anh vẫn luôn sống trong khắc khổ và đạm bạc. Anh phải sống có nghĩa là anh sẽ tiếp tục viết dù anh biết rất rõ anh sẽ nghèo biết là chừng nào. Kể từ khi anh lập gia đình (1984) anh mới thấy rõ hơn sự bất lực của chính mình trong mưu sinh. Vợ anh là một cô giáo đã đảm đang mọi công việc trong gia đình. Hãy nghe anh nói về gia cảnh của mình:

Chán mảnh dẻ như sậy

Con thêm tuổi thêm gầy

Dung nhan nhòa bụi phấn

Cô giáo ấy là ai

Tôi rong rêu ngày tháng

Trơn đẩy bước thêm sai

Con ngó cha hốt hoảng

Cô giáo quên chấm bài

Cô giáo ấy là ai

Tôi là ai nữa vậy

May đã có căn nhà

Nhiều năm che dấu hỏi

Sự thật ở trong kia

Sự thật ở ngoài kia

May đấy có căn nhà

Chia đều hai mái che.

(Cảm Thán Mới)

Tuy sự thật là như thế nhưng mặt khác hình như anh cũng muốn làm lại với thơ như một khoảnh khắc khác. Khoảnh khắc của sự tồn tại phơi mở đương nhiên:

Buổi sáng òa vỡ trên mái ngói

Đàn chân chim mới tinh

Nỗi buồn biến thành tiền kiếp

Hồn sơ sinh

Phủ trùm chiếc áo mùa đông

Anh nhận chẳng ra em

Cười tung lồng ngực

Mở cửa tim

Thiệt tình anh chẳng nhận ra em

Cùng chấm bụi đen

Đã lẫn vào vô tận.

(Khúc Hát Sớm Mai)

Và những lời thơ giữa một đêm thật khuya:

Đêm

Các thứ đều im lặng

Trừ gió

Niềm an ủi dịu dàng

Gió từ miền hiu quạnh của trời

Nơi vì sao run rẩy

Tràn vào miền hiu quạnh đời tôi

Thấy em

Như một lời thú tội

Tình yêu ở ngoài biên giới

Ở vô cùng

Đêm còn gió nổi

Nơi vì sao đã nguội tắt

Tràn vào hồn tôi mãi.

Dù đêm hay ngày, ngay cả khi tác giả có vẻ hưng phấn, nỗi cô đơn vẫn bao trùm. Như vậy trải qua giai đoạn khủng khoảng ray rứt cho đến thời kỳ an tâm hơn, thơ Nguyễn Đạt vẫn là tiếng nói của nỗi cô đơn bất kể trạng thái tâm lý của tác giả. Loang ướt thâm nhập làm bùng vỡ lên những lời thơ đớn đau đầy ám ảnh, truy hỏi về thân phận, về cuộc sống mà sự bi thảm đã bị đóng đinh. Nói một cách khác, thực tế cuộc sống và nỗi chịu đựng của con người không đồng đều tạo nên dòng thơ Nguyễn Đạt. Và trên các chặng đường phiêu lưu của anh, Nguyễn Đạt đã là một thi sĩ mà lời thơ còn vấn vương lòng người, tuy thoáng nhẹ mà phải nghĩ suy.


Nguyễn Lương Ba

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Latest Articles

10 HUYỀN THOẠI VỀ SỰ SÁNG TẠO

When we try to help others, they consider us enemies. But we can thank them because, through them, we can know the nature of each person. The Wuhan Virus helps us to recognize the good and the bad, to rise above both to retain our human affection. Thanks to that, new love arises. Hopefully.

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn, từng nổi tiếng trước...

MỘT CHUYẾN TRỞ DẠ CỦA NÀNG THƠ

William Noseworthy vừa là nghiên cứu sinh của Trường Đại Học Wisconsin-Madison vừa là nghiên cứu viên cao cấp cho Trung Tâm Khmer Học ở Phnom Penh, Cambodia. Sau khi nhận bằng thạc sĩ (2011), anh đã được một nhánh nghiên cứu về “Văn chương của Cộng đồng Hải Ngoại.” Những bài nghiên cứu của anh xuất hiện trên: ASEAS, the Middle Ground Journal và The IIAS Newsletter. Anh cũng viết bài điểm sách cho Studies on Asia và Cha: An Asian Literary Journal. Hiên này anh đang nghiên cứu về “các ghi nhớ về khu vực biên giới” ở Cambodia và Việt Nam.

THƠ VÀ HÒA GIẢI: TÂN HÌNH THỨC

William Noseworthy vừa là nghiên cứu sinh của Trường Đại Học Wisconsin-Madison vừa là nghiên cứu viên cao cấp cho Trung Tâm Khmer Học ở Phnom Penh, Cambodia. Sau khi nhận bằng thạc sĩ (2011), anh đã được một nhánh nghiên cứu về “Văn chương của Cộng đồng Hải Ngoại.” Những bài nghiên cứu của anh xuất hiện trên: ASEAS, the Middle Ground Journal và The IIAS Newsletter. Anh cũng viết bài điểm sách cho Studies on Asia và Cha: An Asian Literary Journal. Hiên này anh đang nghiên cứu về “các ghi nhớ về khu vực biên giới” ở Cambodia và Việt Nam.

TUẦN THƠ 27: LẠC NGOÀI ĐÊM

Thứ hai Lạc ngoài đêm Lời nhà thơ Vào đầu cữ đêm Bảy chữ trước Holloween Ân sủng tháng Mười Em Gần hết tháng bảy Một cái khác Ở số 225 đường Woodland Buồng chuối ném qua

Thơ Viên Linh

Thế giới thơ mộng của Viên Linh là thế giới con người đầy rẫy những hậu quả của số phận. Số phận của một dân tộc lang thang hoang tàn. Số phận của những con người nhỏ bé yếu đuối trong dòng chảy điên cuồng của cuộc đời. Số phận của tình yêu thật mệt mỏi, nhàm chán và bất định. Thơ Viễn Linh là sự thể hiện Con người như một chúng sinh trong trần gian với mọi đau khổ và niềm vui. Ông vừa qua đời vào cuối tháng 3, Việt Bảo trân trọng đăng lại một số bài thơ của ông để tưởng nhớ nhà thơ đã khuất.

Related Articles

TUẦN THƠ 05: DẶN ANH

TUẦN THƠ: DẶN ANH Frank O'Hara BUỔI SÁNG Tôi phải nói với em làm sao tôi luôn yêu em tôi nghĩ về điều đó vào những buổi sáng xám với nỗi...

‘Tất cả sự sống đều liên quan đến nhau’: MLK, Nguyên tắc tương quan và chủ nghĩa môi trường – OpEd

Tháng Một 15, 2024 | Tác giả Charles Pantelick Vào ngày tưởng nhớ Martin Luther King và những lý tưởng mà ông tán thành, thật có giá...

CÂU CHUYỆN VỀ CẨM NANG PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID 19

Câu chuyện về đại dịch: "virus cúm cả trăm năm nay ko có miễm dịch cộng đồng. Nó đến rồi đi. Khảo sát cho...