HỘI HỌA HIỆN ĐẠI

Nhà phê bình nghệ thuật người Mỹ ủng hộ thẩm mỹ hình thức chủ nghĩa. Ông được biết đến nhiều nhất với tư cách là nhà tiên phong đầu tiên của Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng.

Clement Greenberg

(born Jan. 16, 1909, Bronx, N.Y., U.S.—died May 7, 1994, New York, N.Y.) American art critic who advocated a formalist aesthetic. He is best known as an early champion of Abstract Expressionism./ (sinh ngày 16 tháng 1 năm 1909, Bronx, N.Y., Hoa Kỳ—mất ngày 7 tháng 5 năm 1994, New York, N.Y.) 



Lịch sử nghệ thuật thế kỷ 20 ghi nhận một bước ngoặt quan trọng với chủ nghĩa hiện đại. Về những đặc trưng của nền nghệ thuật mới này, người ta thường nhắc đến bài tiểu luận nổi tiếng mang tính đột phá của Clement Greenberg. Mặc dù được viết cách đây nhiều thập kỷ, nhưng trong đó, Greenberg đã đưa ra định nghĩa cô đọng nhất về chủ nghĩa hiện đại. Tư liệu này rất đáng chú ý vì những quan sát sáng tỏ (và phần lớn chưa được phát triển) về bản chất và lịch sử của hội hoạ. Nó mở rộng đến mức nào sang các phương tiện nghệ thuật khác, chưa nói đến các lĩnh vực khác, đến nay vẫn còn gây tranh cãi.

Phan Đan dịch

Bài tiểu luận không quá dài nên tôi dịch toàn văn. Đoạn đầu, Greenberg đề cập sơ lược một số vấn đề triết học, bạn nào ngại có thể đọc từ đoạn giữa, sau dấu hoa thị.

Mark Rothko: Orange and Yellow – Orange and Yellow, oil on canvas by Mark Rothko, 1956; in the Albright-Knox…Albright-Knox Art Gallery, Buffalo, gift of Seymour H. Knox

Chủ nghĩa hiện đại bao gồm nhiều thứ hơn là nghệ thuật và văn chương, nó bao trùm gần như toàn bộ những gì thực sự tồn tại trong văn hóa phương Tây. Tuy nhiên, nó có vẻ rất mới lạ về mặt lịch sử. Nền văn minh phương Tây không phải là nền văn minh đầu tiên quay lại và đặt câu hỏi về nền tảng của chính mình, nhưng có lẽ nó là nền văn minh đã tiến xa nhất trong việc làm như vậy. Tôi đồng nhất chủ nghĩa hiện đại với sự gia tăng, gần như trầm trọng hơn, của xu hướng tự phê phán bắt đầu từ Immanuel Kant. Bởi vì ông là người đầu tiên chỉ trích bản thân các phương tiện phê phán, nên tôi muốn xem Kant là người theo chủ nghĩa hiện đại đầu tiên.
 
Theo tôi, bản chất của chủ nghĩa hiện đại nằm ở việc sử dụng các phương pháp đặc trưng của một thể loại để phê phán chính thể loại ấy, không phải để lật đổ nó mà để củng cố nó vững chắc hơn trong chính năng lực của nó. Kant đã sử dụng logic để thiết lập các giới hạn của logic, và trong khi ông rút bỏ phần lớn thẩm quyền cũ của nó, logic lại càng được đảm bảo hơn với những gì còn lại.
 
Sự tự phê phán của chủ nghĩa hiện đại không giống như sự phê phán của thời kỳ Khai sáng. Thời kỳ Khai sáng phê phán từ bên ngoài, theo cách thức được chấp nhận; chủ nghĩa hiện đại phê phán từ bên trong, thông qua các quy chuẩn của chính điều đang bị phê phán. Kiểu phê phán mới này lẽ ra phải xuất hiện đầu tiên trong triết học, vốn mang tính phê phán theo định nghĩa, nhưng sau thế kỷ 18, nó đã xâm nhập vào nhiều lĩnh vực khác. Một sự biện minh hợp lý hơn đã được yêu cầu đối với mọi hoạt động xã hội, và sự tự phê phán của Kant, vốn nảy sinh trong triết học để đáp lại yêu cầu này ngay từ đầu, cuối cùng đã được kêu gọi đáp ứng và giải thích trong các lĩnh vực bên ngoài triết học.
 
Chúng ta biết điều gì đã xảy ra với một hoạt động như tôn giáo, một hoạt động không thể tận dụng sự phê phán nội tại của Kant để tự biện minh. Thoạt nhìn, nghệ thuật có vẻ cũng ở trong tình trạng giống như tôn giáo. Bị thời kỳ Khai sáng từ chối mọi nhiệm vụ mà nó có thể thực hiện một cách nghiêm túc, nghệ thuật như thể sắp hòa nhập với những trò giải trí thuần túy và đơn giản, và bản thân trò giải trí có vẻ như sắp hòa nhập, giống như tôn giáo, với các phương cách trị liệu. Nghệ thuật chỉ có thể tự cứu mình khỏi sự xuống cấp này bằng cách chứng minh rằng loại trải nghiệm mà nó đưa ra có giá trị riêng và không thể thấy ở bất kỳ loại hoạt động nào khác.
 
Hóa ra, mỗi loại hình nghệ thuật đều phải tự mình thực hiện việc này. Những gì được đưa ra không chỉ là những gì độc đáo và tối giản trong nghệ thuật nói chung, mà còn là những gì độc đáo và tối giản trong từng loại hình nghệ thuật cụ thể. Thông qua các hoạt động và sản phẩm riêng, mỗi loại hình nghệ thuật phải xác định những đặc trưng của mình. Làm như vậy nó sẽ thu hẹp phạm vi tác động, nhưng đồng thời sẽ làm cho việc sở hữu những đặc trưng ấy vững chắc hơn.
 

Người ta nhanh chóng nhận ra rằng năng lực phù hợp và độc đáo của mỗi loại hình nghệ thuật trùng khít với những gì độc đáo trong phương tiện hoạt động của nó. Nhiệm vụ của việc tự phê phán là loại bỏ khỏi hoạt động cụ thể của mỗi loại hình nghệ thuật bất kỳ cung cách nào có thể vay mượn hoặc thông qua phương tiện của loại hình nghệ thuật khác. Như vậy, mỗi loại hình nghệ thuật sẽ trở nên “thuần khiết” và trong sự “thuần khiết”, sẽ tìm thấy sự đảm bảo cho các tiêu chuẩn về chất lượng cũng như tính độc lập. “Thuần khiết” có nghĩa là tự xác định, và tự phê phán trong nghệ thuật sẽ trở thành tự xác định ở mức cao nhất.


20th Century Art in 20 Unforgettable Works: Mark Tansey’s ‘Triumph Over Mastery II’ | The Emily Fisher Landau Collection: An Era Defined | Sotheby’s (sothebys.com)


Mark Rothko (American artist) | Britannica


 

Triumph of the New York School
Mark Tansey’s oil painting Triumph of the New York School (1984; collection…
Courtesy of Mark Tansey
Nghệ thuật theo chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự nhiên đã tách rời với phương tiện của chính nó, dùng nghệ thuật để che giấu nghệ thuật; còn chủ nghĩa hiện đại dùng nghệ thuật để thu hút sự chú ý đến bản thân nghệ thuật. Những hạn chế của phương tiện – bề mặt phẳng, hình dạng của khung tranh, tính chất của màu vẽ – đã được các bậc thầy của nghệ thuật hội hoạ xưa coi là những yếu tố tiêu cực chỉ có thể được thừa nhận ngầm hoặc gián tiếp. Với chủ nghĩa hiện đại, những hạn chế này lại được coi là những yếu tố tích cực và được thừa nhận một cách công nhiên. Tác phẩm của Manet đã trở thành những bức tranh theo chủ nghĩa hiện đại đầu tiên do sự thẳng thắn khi thể hiện bề mặt phẳng mà chúng được vẽ lên đó. Những người theo trường phái ấn tượng, theo sau Manet, đã từ bỏ lớp sơn nền và lớp sơn phủ bóng, để người xem không còn nghi ngờ gì về thực tế rằng màu sắc mà họ sử dụng là sơn lấy thẳng từ các ống sơn. Cézanne đã hy sinh tính như thực hoặc tính chính xác để các đường nét và hình dạng của bức tranh phù hợp một cách rõ ràng hơn với hình chữ nhật của khung tranh.
 
Tuy nhiên, việc nhấn mạnh đến độ phẳng tất yếu của mặt tranh là điều cơ bản nhất đối với quá trình sáng tác mà nghệ thuật hội hoạ dùng để tự phê phán và tự xác định theo chủ nghĩa hiện đại. Bởi vì chỉ có tính chất phẳng là đặc trưng và độc quyền của hội hoạ. Hình dạng khung bao quanh bức tranh là điều kiện giới hạn hoặc quy tắc thì hội hoạ cũng giống như nghệ thuật sân khấu; màu sắc là một quy tắc khác và là phương tiện thì không chỉ giống với sân khấu mà còn với cả điêu khắc. Bởi vì mặt phẳng là thứ duy nhất mà hội họa không chia sẻ với các loại hình nghệ thuật khác, nên hội họa theo chủ nghĩa hiện đại tự định hướng đến tính chất phẳng mà không làm như vậy với bất cứ tính chất nào.
 
Các bậc thầy thời xưa cũng đã cảm nhận được việc phải bảo toàn cái được gọi là tính toàn vẹn của mặt phẳng hình ảnh: nghĩa là phải thể hiện sự hiện diện bền bỉ của tính chất phẳng ngay trong ảo giác sinh động nhất về không gian ba chiều. Chính mâu thuẫn rõ ràng này là điều cần thiết cho sự thành công của họ, vì nó thực sự cũng là thành công của tất cả các tác phẩm nghệ thuật tạo hình. Những người theo chủ nghĩa hiện đại đã không tránh né cũng như không giải quyết mâu thuẫn này mà đúng hơn, họ đã đảo ngược các điều kiện của nó. Người xem biết về tính chất phẳng của bức tranh trước, sau đó mới biết mặt phẳng ấy thể hiện những gì. Trong khi trước đây người xem có xu hướng thấy những gì mà một bậc thầy thời xưa thể hiện trước khi thấy chính bức tranh, thì bây giờ người xem thấy tác phẩm của chủ nghĩa hiện đại trước tiên là một bức tranh. Tất nhiên, đây là cách tốt nhất để thưởng thức bất kỳ bức tranh nào, tranh của các bậc thầy thời xưa hay tranh của chủ nghĩa hiện đại, nhưng chủ nghĩa hiện đại áp đặt nó như là phương cách duy nhất và thiết yếu, và thành công của chủ nghĩa hiện đại khi làm như vậy là thành công của sự tự phê phán.
 
Hội họa hiện đại trong giai đoạn gần đây nhất vẫn không từ bỏ việc thể hiện các vật thể dễ nhận biết. Về nguyên tắc, những gì nó từ bỏ là việc thể hiện không gian dung chứa các vật thể ấy. Sự thể hiện tính trừu tượng, hay tính phi biểu hình, bản thân nó vẫn chưa được chứng minh là một bước ngoặt thiết yếu trong quá trình tự phê phán của hội họa, mặc dù các nghệ sĩ lỗi lạc như Kandinsky và Mondrian đã nghĩ như vậy. Sự trình hiện hay mô phỏng không mang đến tính độc đáo của nghệ thuật tạo hình; mà phải là sự liên kết của những gì được trình hiện. Tất cả các thực thể có thể nhận biết (kể cả bản thân bức tranh) đều tồn tại trong không gian ba chiều, và gợi ý đơn giản nhất về một thực thể có thể nhận biết cũng đủ để gợi lên những liên tưởng về không gian dung chứa chúng. Bóng dáng vụn vỡ của một khuôn mặt, hoặc của một tách trà, cũng gợi lên những liên tưởng về không gian ba chiều, và như vậy sẽ khiến bức tranh rời xa tính chất mặt phẳng hai chiều vốn đảm bảo cho sự độc lập của hội họa với tư cách một loại hình nghệ thuật. Vì, như chúng ta đã biết, không gian ba chiều là lĩnh vực của điêu khắc. Để đạt được sự tự trị, hội họa trước hết phải loại bỏ những gì mà nó có chung với điêu khắc, và chính nỗ lực ấy của nó – tôi nhắc lại cũng không thừa – để loại trừ tính trình hiện hoặc tính văn chương, hội họa đã tự làm cho mình trở nên trừu tượng.
 
Tuy nhiên, đồng thời, hội họa theo chủ nghĩa hiện đại cho thấy, chính từ sự đề kháng với nghệ thuật điêu khắc, nó vẫn gắn bó chặt chẽ với truyền thống bất kể vẻ ngoài có vẻ ngược lại. Vì sự đề kháng của hội hoạ với nghệ thuật điêu khắc đã có từ rất lâu trước khi chủ nghĩa hiện đại ra đời. Hội họa phương Tây, trong phạm vi chủ nghĩa tự nhiên, có mối liên hệ rất lớn với điêu khắc vốn mang lại cho nó cách dựng mô hình và cách đổ bóng để tạo ra ảo giác về hình nổi, thậm chí cả cách xử lý ảo giác đó để có cảm nhận về chiều sâu không gian. Tuy nhiên, một số kỳ công lớn lao nhất của hội họa phương Tây lại là nỗ lực mà nó đã thực hiện trong bốn thế kỷ để loại bỏ tính điêu khắc. Bắt đầu ở Venice vào thế kỷ 16 và tiếp tục ở Tây Ban Nha, Bỉ và Hà Lan vào thế kỷ 17, nỗ lực đó ban đầu được thực hiện nhân danh màu sắc. Khi David, vào thế kỷ 18, cố gắng hồi sinh hội họa mang tính điêu khắc, một phần là để cứu hội họa khỏi tính trang trí mà dường như việc nhấn mạnh vào màu sắc gây ra. Tuy nhiên, sức mạnh của những bức tranh đẹp nhất của David, chủ yếu là những tác phẩm ngoài quy chuẩn, nằm ở màu sắc của chúng tương tự như bất kỳ yếu tố nào khác. Và Ingres, học trò trung thành của David, mặc dù chú trọng màu sắc nhất quán hơn nhiều so với David, đã thực hiện những bức chân dung tinh tế thuộc loại những bức tranh phẳng nhất, ít tính điêu khắc nhất trong hội hoạ phương Tây kể từ thế kỷ I4. Như vậy, đến giữa thế kỷ 19, mọi khuynh hướng đầy tham vọng với vô số dị biệt đã hội tụ theo hướng phản điêu khắc.
 

Chủ nghĩa hiện đại, tiếp tục hướng đi này, đã khiến nó có ý thức hơn về bản thân. Với Manet và những người theo trường phái ấn tượng, câu hỏi không còn là màu sắc trong tương quan với hình hoạ, mà là một trải nghiệm thị giác thuần túy đối lập với những trải nghiệm thị giác được chỉnh sửa hoặc biến đổi bởi các liên tưởng xúc giác. Chính nhân danh trải nghiệm thị giác thuần túy và theo nghĩa đen, chứ không phải nhân danh màu sắc, mà những người theo trường phái ấn tượng đã thực hiện việc phá bỏ cách vẽ đổ bóng và dựng mô hình cũng như nhiều thứ khác trong hội họa mang tính điêu khắc. Một lần nữa, nhân danh tính điêu khắc, với cách vẽ đổ bóng và dựng mô hình, Cézanne và những người theo chủ nghĩa lập thể sau ông đã phản ứng chống lại trường phái ấn tượng, như David đã phản ứng chống lại Fragonard. Nhưng rồi, một cách nghịch lý, giống như phản ứng của David và Ingres ở trạng thái cực điểm dẫn đến một thứ hội họa thậm chí ít tính điêu khắc hơn, cuộc “phản cách mạng” của trường phái lập thể đã kết thúc trong một thứ hội họa phẳng hơn bất cứ thứ gì trong nghệ thuật phương Tây kể từ trước Giotto và Cimabue – thực sự phẳng đến mức hầu như nó khó có thể dung chứa những hình ảnh nhận biết được.


 

Triumph of the New York School
Mark Tansey’s oil painting Triumph of the New York School (1984; collection…
Courtesy of Mark Tansey
Trong khi đó, các tiêu chuẩn cơ bản khác của nghệ thuật hội họa khởi đầu với chủ nghĩa hiện đại đã trải qua một sự biến đổi sâu xa, có thể nói là ngoạn mục. Nó sẽ khiến tôi mất nhiều thời gian hơn để chỉ ra quy chuẩn về hình dạng hoặc khung tranh đã được nới lỏng, rồi siết chặt, rồi nới lỏng một lần nữa, rồi lại siết chặt một lần nữa, bởi các thế hệ họa sĩ theo chủ nghĩa hiện đại tiếp nối nhau. Hoặc các tiêu chuẩn về mức độ hoàn thiện và kết cấu sơn vẽ cũng như độ tương phản về màu sắc đã được biến đổi như thế nào. Những rủi ro mới đã được chấp nhận với tất cả các quy chuẩn này, không chỉ vì lợi ích của sự biểu đạt mà còn để thể hiện chúng rõ ràng hơn như những quy chuẩn. Bằng cách thể hiện, chúng được kiểm định tính thiết yếu. Quá trình thử nghiệm chưa hề kết thúc, và thực tế là nó càng trở nên sâu sắc hơn khi tiếp tục giải thích cho sự giản hóa triệt để được thấy trong hội hoạ trừu tượng, và những phức tạp căn bản cũng được thấy trong đó.
 
Không có thái cực nào là thất thường hay tùy tiện. Ngược lại, các quy ước của một thể loại càng được xác định chặt chẽ thì chúng càng có ít khả năng cho phép sự tuỳ tiện. Các chuẩn mực hoặc quy ước cơ bản của hội họa đồng thời cũng là những điều kiện giới hạn mà một bức tranh phải tuân thủ để được trải nghiệm như một bức tranh. Chủ nghĩa hiện đại đã phát hiện ra rằng những giới hạn này có thể bị đẩy lùi hết mức – trước khi một bức tranh không còn là một bức tranh nữa và biến thành một vật thể tùy tiện; nhưng người ta cũng phát hiện ra rằng những giới hạn này càng bị đẩy lùi thì chúng càng phải được tuân thủ và được chỉ định rõ ràng hơn. Những đường viền đen và những ô màu trong tác phẩm của Mondrian dường như khó có thể tạo nên một bức tranh, nhưng chúng lại áp đặt dạng thức của bức tranh như một chuẩn mực được điều tiết với một sức mạnh mới mẻ và sự hoàn chỉnh bằng cách lặp lại dạng thức đó một cách chặt chẽ. Không hề gặp phải nguy cơ tùy tiện, hội hoạ của Mondrian chứng tỏ theo thời gian, gần như quá nguyên tắc, quá truyền thống và bị ràng buộc bởi quy chuẩn ở nhiều khía cạnh. Một khi đã quen với tính chất trừu tượng hoàn toàn của nó, chúng ta nhận ra rằng nó lại có vẻ bảo thủ hơn về màu sắc, cũng như phụ thuộc vào khung tranh, so với những tác phẩm thời kỳ cuối của Monet.
 
Tôi hy vọng người đọc hiểu rằng khi vạch ra cơ sở lý luận của hội họa theo chủ nghĩa hiện đại, tôi đã phải cố gắng đơn giản hóa và cường điệu hóa. Tính chất phẳng mà hội họa hiện đại hướng tới không bao giờ có thể là phẳng tuyệt đối. Độ phẳng cao có thể không còn cho phép ảo giác về không gian ba chiều, hay trompe-l’oeil (ảo ảnh thị giác), nhưng nó có thể và phải cho phép các hiệu ứng quang học. Dấu vết đầu tiên được tạo ra trên mặt vải vẽ sẽ phá hủy độ phẳng theo nghĩa đen. Kết quả của những dấu vết do một nghệ sĩ như Mondrian tạo ra vẫn là một loại ảo ảnh gợi ý về chiều không gian thứ ba. Chỉ khác nó là một chiều thứ ba hoàn toàn từ hiệu ứng quang học. Các bậc thầy xưa đã tạo ra ảo giác về không gian có chiều sâu mà người ta có thể tưởng tượng mình đang bước vào, nhưng ảo giác tương tự do họa sĩ theo chủ nghĩa hiện đại tạo ra chỉ có thể được nhìn, thậm chí có thể được đi qua – theo nghĩa đen hoặc nghĩa bóng – chỉ bằng mắt.
 
Hội hoạ trừu tượng gần đây nhất cố gắng đáp ứng sự nhấn mạnh của trường phái ấn tượng về hiệu ứng quang học như ý nghĩa duy nhất mà một nghệ thuật biểu hình hoàn chỉnh và tinh túy có thể gợi lên. Nhận ra điều này, người ta cũng bắt đầu nhận ra rằng những người theo trường phái ấn tượng, hay ít nhất là những người theo trường phái tân ấn tượng, không hoàn toàn sai lầm khi đề cao khoa học. Sự tự phê phán của Kant, bây giờ đã được thể hiện đầy đủ nhất trong khoa học hơn là trong triết học, và khi nó bắt đầu được áp dụng trong nghệ thuật, hội hoạ đã được đưa đến gần khoa học hơn bao giờ hết – gần về mặt tinh thần hơn so với Alberti, Uccello, Piero della Francesca, hay Leonardo của thời Phục hưng. Nghệ thuật thị giác chỉ nên giới hạn ở những gì được đưa ra trong trải nghiệm thị giác và không đề cập đến bất cứ điều gì được đưa ra theo trải nghiệm khác, là một khái niệm mà sự biện minh duy nhất của nó nằm ở tính nhất quán khoa học.
 
Chỉ riêng phương pháp khoa học đã yêu cầu, hoặc có thể yêu cầu, rằng một tình huống phải được giải quyết theo đúng những điều kiện mà nó được trình bày. Nhưng kiểu nhất quán này không hứa hẹn gì về chất lượng thẩm mỹ, và thực tế là những tác phẩm nghệ thuật thú vị nhất trong gần một thế kỷ vừa qua ngày càng tiến gần hơn đến tính nhất quán đó đã không cho thấy điều ngược lại. Từ quan điểm của nghệ thuật, bản thân sự hội tụ của nó với khoa học chỉ là một sự tình cờ đơn thuần, và cả nghệ thuật lẫn khoa học đều không thực sự mang lại hay đảm bảo cho nhau điều gì. Tuy nhiên, điều mà sự hội tụ ấy cho thấy là mức độ sâu sắc mà nghệ thuật của chủ nghĩa hiện đại thuộc về cùng một xu hướng văn hóa như khoa học hiện đại, và điều này có ý nghĩa nhất với tư cách là một thực tế lịch sử.
 
Cũng nên hiểu rằng việc tự phê phán trong nghệ thuật hiện đại chưa bao giờ được thực hiện theo cách nào khác ngoài cách tự phát và phần lớn là trong tiềm thức. Như tôi đã nói, nó hoàn toàn là một vấn đề thực tiễn, gắn liền với thực tiễn và không bao giờ là một chủ đề lý thuyết. Người ta đã nghe nói nhiều về các chương trình liên quan đến nghệ thuật của chủ nghĩa hiện đại, nhưng thực tế là hội hoạ theo chủ nghĩa hiện đại có ít tính lập trình hơn nhiều so với hội họa Phục hưng hoặc hội hoạ hàn lâm. Với một vài trường hợp ngoại lệ như Mondrian, các bậc thầy của chủ nghĩa hiện đại không có ý tưởng cố định nào về nghệ thuật hơn Corot. Những khuynh hướng nhất định, những khẳng định và nhấn mạnh, cũng như những từ chối và tiết chế, dường như trở nên cần thiết đơn giản vì con đường dẫn đến nghệ thuật mạnh mẽ hơn, biểu cảm hơn nằm ở đó. Mục tiêu trước mắt của những người theo chủ nghĩa hiện đại vẫn mang tính cá nhân, và sự thật cũng như thành công trong các tác phẩm của họ cũng mang tính cá nhân hơn bất kỳ điều gì khác. Và phải mất nhiều thập kỷ, sự tích lũy của rất nhiều nỗ lực cá nhân mới bộc lộ xu hướng tự phê phán chung của hội họa theo chủ nghĩa hiện đại. Không có nghệ sĩ nào chưa nhận thức về nó, cũng như không có nghệ sĩ nào có thể làm việc tuỳ tiện khi đã nhận thức về nó. Ở mức độ này – và đó là một mức độ lớn – nghệ thuật được tiếp tục với chủ nghĩa hiện đại theo cách tương tự như trước đây.
 
Và tôi khẳng định rằng chủ nghĩa hiện đại chưa bao giờ, và không có nghĩa là bây giờ, có bất cứ điều gì giống như sự đoạn tuyệt với quá khứ. Nó có thể có nghĩa là một sự thoái hóa, một sự tháo gỡ truyền thống, nhưng nó cũng có nghĩa là sự tiến hóa hơn nữa. Nghệ thuật hiện đại tiếp tục quá khứ mà không có khoảng trống hay sự gián đoạn, và dù kết thúc ở đâu, nó sẽ không bao giờ ngừng quy chiếu về quá khứ. Việc tạo ra các bức tranh đã được kiểm soát ngay từ khi nó bắt đầu bởi tất cả các chuẩn mực mà tôi đã đề cập. Thợ vẽ hoặc thợ khắc thời đồ đá cũ có thể bỏ qua quy chuẩn của khung tranh và xử lý bề mặt với cung cách điêu khắc theo nghĩa đen, vì họ tạo ra hình ảnh chứ không phải vẽ tranh và làm việc trên một giá đỡ là một vách hang, một khúc xương, một cái sừng hoặc một hòn đá mà giới hạn và bề mặt của nó được thiên nhiên trao cho họ một cách ngẫu nhiên. Còn việc vẽ tranh lại có nghĩa là cố ý tạo ra hoặc lựa chọn một mặt phẳng cũng như cố ý khoanh vùng và giới hạn nó. Sự cố ý này chính xác là điều mà hội họa theo chủ nghĩa hiện đại hướng tới: thực tế là những điều kiện hạn chế của nghệ thuật chính là những điều kiện của con người.
Nhưng tôi muốn nhắc lại rằng nghệ thuật theo chủ nghĩa hiện đại không đưa ra những minh chứng mang tính lý thuyết. Đúng hơn, có thể nói rằng nó tình cờ chuyển đổi những khả năng lý thuyết thành những khả năng thực nghiệm, qua đó nó kiểm tra các lý thuyết về mức độ phù hợp của chúng với thực tiễn và trải nghiệm thực tiễn về nghệ thuật. Chỉ riêng ở khía cạnh này, chủ nghĩa hiện đại có thể được coi là có tính chất lật đổ. Một số yếu tố mà chúng ta từng cho là cần thiết cho việc tạo ra và trải nghiệm nghệ thuật lại không phải như vậy, bởi thực tế là hội họa theo chủ nghĩa hiện đại đã có thể loại bỏ chúng mà vẫn tiếp tục mang lại trải nghiệm nghệ thuật ở tất cả những yếu tố cần thiết của nó. Thực tế nữa là chứng minh này đã giữ nguyên hầu hết các đánh giá cũ của chúng ta chỉ khiến nó trở nên thuyết phục hơn. Chủ nghĩa hiện đại có thể liên quan gì đó đến sự hồi sinh danh tiếng của Uccello, Piero della Francesca, El Greco, Georges de la Tour, và thậm chí cả Vermeer; và chủ nghĩa hiện đại chắc chắn đã xác nhận, nếu không phải là bắt đầu, sự hồi sinh danh tiếng của Giotto; nhưng cũng vì vậy nó không hạ thấp vị thế của Leonardo, Raphael, Titian, Rubens, Rembrandt hay Watteau. Điều mà chủ nghĩa hiện đại đã chỉ ra là, mặc dù quá khứ đã đánh giá cao những bậc thầy này một cách chính đáng, nhưng quá khứ cũng thường đưa ra những lý do sai lầm hoặc không liên quan để làm như vậy.
 
Ở một khía cạnh nhất định, tình trạng này ngày nay hầu như vẫn thế. Phê bình nghệ thuật và lịch sử nghệ thuật lạc hậu so với chủ nghĩa hiện đại vì chúng đã lạc hậu so với nghệ thuật tiền hiện đại. Hầu hết những gì viết về nghệ thuật theo chủ nghĩa hiện đại vẫn thuộc về báo chí hơn là giới phê bình hay nghiên cứu lịch sử. Nó thuộc về báo chí – và thuộc về phức cảm lâu đời mà rất nhiều nhà báo đang phải gánh chịu hôm nay – rằng mỗi giai đoạn mới của nghệ thuật hiện đại nên được ca ngợi như sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới, đánh dấu một bước đột phá mang tính quyết định so với những phong tục tập quán cũ. Đến múc mỗi lần xuất hiện một loại hình nghệ thuật được mong đợi, không giống như tất cả các loại hình trước đó và không bị ảnh hưởng bởi các chuẩn mực thực hành hoặc thị hiếu, là mọi người đều có thể lên tiếng, bất kể có hiểu biết hay không hiểu biết. Và mỗi lần như vậy, kỳ vọng lại mang đến thất vọng, khi giai đoạn nghệ thuật của chủ nghĩa hiện đại được đề cập cuối cùng cũng diễn ra trong sự nhàm chán của thị hiếu và truyền thống.
 
Nhưng không gì có thể xa lạ hơn với nghệ thuật đích thực hơn ý tưởng về sự đứt gãy của tính liên tục. Nghệ thuật – cũng như mọi thứ khác – có sự kế thừa và không thể tưởng tượng được là không có điều đó. Thiếu nghệ thuật trong quá khứ cũng như nhu cầu và sự bắt buộc phải duy trì các tiêu chuẩn xuất sắc của nó, nghệ thuật theo chủ nghĩa hiện đại sẽ thiếu cả nội dung và sự biện minh.
Tác phẩm “Composition No.III, with red, blue, yellow and black, 1929 của Piet Mondrian


 
Tái bút
Người viết đang cố gắng giải đáp một phần câu hỏi là nhờ đâu hầu hết những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc trong hàng trăm năm qua đã ra đời, nhưng không ngụ ý rằng đó là cách nó phải xảy ra, chứ đừng nói đến chuyện đó là cách mà thứ nghệ thuật tốt nhất phải xảy ra. Nghệ thuật “thuần túy” là một ảo tưởng hữu ích, nhưng điều này không làm cho nó bớt ảo tưởng chút nào. Khả năng nó tiếp tục hữu ích cũng chẳng làm cho nó ít ảo tưởng hơn.

Đã có một số cách hiểu đến mức phi lý về những gì tôi đã viết: Rằng tôi coi độ phẳng và sự giới hạn của mặt phẳng không chỉ là những điều kiện hạn chế mà còn là tiêu chí về chất lượng thẩm mỹ trong hội họa; rằng một tác phẩm càng nâng cao khả năng tự xác định về loại hình thì tác phẩm đó chắc chắn sẽ càng giá trị. Triết gia hoặc sử gia nghệ thuật nào có thể hình dung ra tôi – hay bất cứ ai – đi đến những đánh giá thẩm mỹ theo cung cách như vậy, đang đọc trong chính đầu óc của họ nhiều hơn là đọc bài viết của tôi.


Nguồn: Clement Greenberg, “Modernist Painting”, in “Modern Art and Modernism: A Critical Anthology”, ed. Francis Frascina and Charles Harrison, SAGE Publications, 1982


Jackson Pollock: Number 1A, 1948
Number 1A, 1948, oil and enamel on canvas by Jackson Pollock, 1948; in the…
Fine Art Images/SuperStock

 

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Latest Articles

Keki N Daruwalla: The Poet and Novelist

KEKI N. DARUWALLA THE POET AND NOVELIST by ASHA VISWAS...

TUẦN THƠ 49: Thơ Nguyễn Thánh Ngã 1

Nguyễn Thánh Ngã LỖI HẸN DÃ QUỲ người ta bảo đó...

TUẦN THƠ 51: CHUỖI THƠ: NGƯỜI VỢ TRẺ

XÂU CHUỖI THƠ: NGƯỜI VỢ TRẺ Hường Thanh   THƠ DẠI người mẹ...

XUÂN THU NHÃ TẬP VÀ THƠ TÂN HÌNH THỨC – TỪ GÓC NHÌN SO SÁNH

Các nhà Tân hình thức cho rằng thơ vận hành theo hình thái của hiệu ứng cánh bướm: “Ngôn ngữ tạo ra âm thanh, ý tưởng và hình ảnh, biểu tượng cho tính tự tương đồng trong hình học fractal và yếu tố trật tự trong lý thuyết hỗn mang. Kỹ thuật lặp lại làm chức năng phản hồi (feedback) và lặp lại (iteration) mang những âm thanh, ý tưởng và hình ảnh chuyển động. Và vắt dòng làm thành sự tuôn chảy liên tục của hệ thống động lực là bài thơ. Sự tác động ngầm của tất cả những yếu tố trên tạo ra ý nghĩa bài thơ”(5).

Thơ Bùi Giáng Một Thử Nghiệm Đọc

Thơ Bùi Giáng Một Thử Nghiệm Đọc Khế Iêm - Trích...

Local poets to kickstart Wexford Arts Festival

Các nhà thơ địa phương khởi động Liên hoan Nghệ...

Related Articles

TUẦN THƠ 23: LỜI HỨA

Sáng tác xin gửi về Diễn đàn hoặc email: baogiaytanhinhthuc@yahoo.com | info@tintho.net Phạm Quyên Chi 1. LỜI HỨA Thưa đức Vua ngài đang Nhìn tôi đó à à Tôi sẽ làm...

TUẦN THƠ 11: BÀI THƠ CHỦ NHẬT

Đò ơi ... đằng nào thì đò cũng đầy rồi thôi thì đò cứ thế yên tâm mà sang sông đi nấn ná ở lại thì đò cũng có làm gì đò có chờ có đợi có chở thêm được ai đâu thôi thì đằng nào cũng phải rời bến đò cứ sang sông nhường bến lại

TUẦN THƠ 38: 2 BÀI THƠ SONG NGỮ

THIẾU PHỤ / YOUNG WOMAN Khế Iêm NÍU LẠI / LINGERING Khế Iêm Scarf, oil on canvas, 92 x 73 cm, by Thái Tuấn A Legend, oil on canvas,...