THƠ MIỀN NAM TRONG THỜI CHIẾN

Nguyễn Lương Ba

 
Nhà xuất bản Thư Ấn Quán, tọa lạc tại tiểu ban New Jersey, Hoa Kỳ trong chương trình Tủ Sách Di Sàn Văn Chương Miền Nam do nhà văn Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn chủ trương đã cho xuất bản bộ sưu tập Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến gồm 2 tập. Tập 1 in năm 2006 dày 856 trang và tập 2 in năm 2007 dày 741 trang. NộI dung như tựa đề đã nói lên, bao gồm những sáng tác về thơ của các tác giả ở Miền Nam trước năm 1975. Tấm lòng yêu quý văn chương và những thôi thúc về một nền mỹ học đã từng làm xao động một thời của Miền Nam trước 75, với bộ sưu tập đồ sộ này (tổng cọng 1597 trang) như nhà xuất bản minh định “trong cố gắng hồi phục nền di sản văn học miền Nam thời chiến trước 1975” rõ ràng là một công trình không chỉ đi từ những suy tưởng có tính cách thuần lý mà còn xuát phát từ những tương quan, thái độ chọn lựa. Đây chính là lúc văn chương muốn bày tỏ, trao gửi những lời phân trần đến một xã hội mà văn chương trong một tình cảnh nào đó phải đảm đương, chu toàn. Trong ý nghĩa này, văn chương trình diện một lối phò thế bởi sự quy định những chiều hướng vươn phóng cho một thực tại xã hội.
 
Khi nói đến thời chiến có nghĩa là thời kỳ chiến tranh. Kể từ hiệp định Genève 1954, nước Việt Nam bị chia làm 2 miền Nam Bắc. Riêng miền Nam dưới chế độ Việt Nam Cọng Hòa, văn chương được coi là dấu tích của hành động bằng tư tưởng. Một nền văn chương có giá trị bao giờ cũng bày tỏ được thái độ và ý thức của người làm văn chương trước xã hội. Chiến tranh càng khốc liệt , văn chương càng phát sinh ra những sáng tạo bi thiết. Sáng tạo đó cũng là một lối xử thế, một thái độ trước cuộc đời, mang ý nghĩa một đối thoại vớI đời, với người.. Đối thoại với một tinh thần thẳng thắn, nghiêm trang như là một hành động thuộc về trí thức. Chiến tranh càng lan tỏa, mở rộng và con người không ngừng là thân phận con người thì văn chương là một cái bẩy nhốt kín mọi người chúng ta khi va chạm nó.Những ý nghĩa của các cảnh đời được trình diễn trong văn chương không được bày tỏ minh nhiên cho nên chúng ta cần phải sống cảnh đời đó để lý hội nó. Chúng ta cọng thêm vào tác phẩm bằng những cảm nhận, suy tư, phán định, từ đó xâm nhập vào bản thể văn chương.
 
Từ 1954 đến 1975 là giai đoạn lịch sử chiến tranh. Từ âm ỉ cho đến bùng phát. Từ cục bộ cho đến toàn diện, chiến tranh Việt Nam như là một thứ bút pháp trong toàn bộ tình tự của người làm văn chương muốn thể hiện. Chữ nghĩa văn chương luôn luôn ở trong tình trạng bao hàm những chữ nghĩa khác, vì thế nó phải được diễn dịch, được phát triển thường trực. Vì nhu cầu chiến tranh, phần lớn thanh niên đều gia nhập quân đội. Trong một đất nước bị chiến tranh như vậy, những người lính trận với đôi giày botte de saut bạc phếch bụi đường, chính là bối cảnh lịch sử, là nền tảng đích thực của một nền văn chương phải vận động lịch sử bằng một ý thức hành động thực nghiệm. Riêng trong lãnh vực thi ca, thơ luôn có một sức lực mạnh mẽ và uy quyền vì vũ trụ thi ca là một vũ trụ do bởi tác động dung hóa của ý thức và giòng hiện hữu thế gian. Cho nên nổ lực thi ca là một nổ lực hành động. Khởi đầu là hình ảnh người lính ở trong quân trường, nhà thơ Ý Yên bồi hồi nhớ  quân trường Thủ Đức:
 
Một sáng về qua cảnh vũ trường
Trong giờ nắng thắp những hàng dương
Khi lờI gió hỏi hàng dương cũ
Đã lớn bằng năm tháng chiến trường
Từng lờp nhà nâu nằm hít đất
Ôm vùng đất thấp bao năm dài
Con đường dĩ vãng chưa mờ khuất
Cây thẳng hàng nghiêm tựa dáng người
Cảnh vật chìm sâu vào nổi nhớ
Âm thầm từ một sớm ngày xa
Khi rời chiến trận ta về đó
Bở ngỡ hình như trẻ lạc nhà
Tìm trú một thờI xuân đã chín
Chín trong binh lữa khắp quê hương
Ngoài kia sóng dậy trời chinh chiến
Xin trọ trên tàu giữa đại dương
Để tiếp ngày mai đờI lãng tử
Chiến chinh như thể một trò đùa
Đi trên sông núi còn xa lạ
Nhất tướng công thành vạn cốt khô?
Thế mà cũng được gần mườI tuổI
Trong chiếc nôi khu bưu chính này
4100 điều buồn tủi
4100 những mộng say…
(Thư xuân cho KBC 4100)
 
Quân trường Thủ Đức nơi đào tạo sĩ quan trừ bị đã thu hút hầu hết sinh viên, học sinh từ bỏ nhà trường để gia nhập quân ngũ trong những năm chiến tranh ác liệt, nhất là sau biến cố Tết Mậu Thân 1968. Hinh ảnh những chàng thanh niên mặc bộ đồ tiểu lễ màu vàng, cà vạt đen, sau nhũng tuần khổ luyện được phép trở về sài gòn đã được Trần Hoài Thư cảm nhận dấu tích của chiến tranh đến với thành phố Từ vị trí đặt định, nhà thơ nhìn về đời và cái nhìn đó nói lên chân lý cho người khác, cho xã hội:
 
Cám ơn Ma Soeur đã cho con được nhìn bé Danh
Cám ơn Ma Soeur đã cho con thấy những giọt nước
Mắt long lanh từ chốn vô cùng , vô cùng sâu thẳm
Đôi mắt bé, ôi như đôi mắt chim non buổI sáng
Không nhìn ra mẹ
Đôi mắt khép lại cùng mặt trời
Cám ơn Ma Soeur đã cho con nắm bàn tay bé
Cho bé xiết chặt tay con, vòi vĩnh chú lính ơi kể chuyện
Có gì ở bàn tay xinh xinh, tìm chiếc mũi chiếc miệng
Đôi mắt của con
Con xin Ma Soeur kể lại cùng bé khi con ra về
Chú lính Thủ Đức
Chú lính mặc áo vàng, con tim màu vàng
Xin Ma Soeur kể con đường con đi đầy hoa đầy bướm
Rừng núi có bầy tiên, đạn bom chỉ là pháo hội
Cám ơn Ma Soeur cho con nhìn giòng lệ của chính lòng con
(Chú lính Thủ Đức mặc áo vàng)
 
Trường Bộ Binh Thủ Đức là một trung tâm huấn luyện quân sự quan trọng của Miền Nam. Đật biệt sau Tết Mậu Thân 1968, chiến tranh leo thang khốc liệt. Ban hành lệnh tổng động viên cưỡng bách thanh niên tòng quân, phần lớn được đào tạo trong quân trường Thủ Đức trước khi ra đơn vị. Chiến tranh được diễn tả qua sự xử dụng chiến thuật. Chiến tranh du kích thường xử dụng chiến thuật xâm nhập, từng tổ từng toán, đào hầm hố, chôn dấu vũ khí, đạn dược, tiến sát mục tieu mới tấn công. Chiến thuật tiến sát, đánh tiếp cận nhầm hạn chế thiệt hại do phi pháo. Cho nên để đáp trả phải dùng chiến thuật nghi binh và bung rộng phục kích để tránh bớt tổn thất. Khi đơn vị qua đêm, nằm phục kích từng toán nhỏ, chốt những chỗ quan trọng trong vùng hành quân. Phân tán thật mỏng, ghìm súng nhìn ra vùng trờI đầy đe dọa, nhà thơ Lâm Chương nhớ lại:
 
Đêm nằm giữa chốn u minh
Nghe con nước lớn nghe mình lạnh run
Nghe đi nhũng bước vong hồn
Nghe hoang thổ dậy nghe lòng xót xa.
(Đêm nằm phục kích)
.
Tuổi trẻ trong chiến tranh thường mang nhiều tâm sự. Sức sống và tình yêu, đôi khi bi quan vì cái chết quá cận kề. Đó chính là tâm sự của Trần Văn Sơn:
 
Đêm nằm nghe vượn hú
Ba lô súng gối đầu
Mắt mở trừng không ngủ
Rừng tiếp rừng âm u
Gió lòn qua kẻ lá
Cuốn tròn trong poncho
Rét rừng cơn mệt lã
Đồi tiếp đồi bao la
Khum tay che đốm lửa
Nhả khói thuốc bay xa
Ngẫm đời thân lính thú
Bay khắp trời thiên thu
Đêm nằm nghe đất thở
Não nề kiếp mhân sinh
Ba mươi đầu chớm bạc
TuổI già đến sau lưng
Đêm rơi sương ướt đẫm
Quả tim vết đạn hằn
Ba năm ôm súng đạn
Không một lần về thăm.
(Đêm kích ở dốc Đồn Điền)
 
NgườI lính chiến trong vùng mặt trận khi đêm về thao thức khó ngủ. Từ vị trí qua đêm, qua ánh hỏa châu bừng sáng, người lính gối đầu tay súng mà nhớ thương quê nhà. Lê Nguyên Ngữ ghi những lời thơ vừa trầm tỉnh của một người lính vừa lãng mạn của một người nghệ sĩ :
 
Đêm nằm ủ súng thơm hơi đất
Sáng dậy trời xanh màu lá non
Buồn bổng dài ra theo râu tóc
Nhớ nhà qua từng lũng truông buồn
Truông mòn Tây Bắc khu Tam Giác
Chiều xa rừng cháy khói vàng bay
Di quân hàng dọc xuyên cây thấp
Nhớ nhà cắn nhẹ lá rừng cay
Rừng cây xanh mướt lên rừng lính
Đêm lại dừng quân trên đồi cao
Mắt nghiêng đom đòm lưng triền núi
Nhìn sao ta đếm nhớ thương nhau
Thương nhau khép nẽo đường chinh chiến
Cây lá rừng đan kín nẽo về
Ta mãi còn sâu trong đất lạ
Còn quanh quẫn mãi lốI nhiêu khê
Nhiêu khê, chân mòn trong giày trận
Đêm ngủ vùi mình chiếu lá khô
GốI đầu tay súng ta nghe mát
Như cánh tay em gái giang hồ.
( Đêm ngủ rừng)
 
Vùng ba biên giới xanh mướt cây rừng, qua các khu đồi bao quanh cứ điểm Bản Hét, người lính trẻ sau những giờ phút dữ dội của trận địa vẫn là những tận binh quân dịch tình nguyện theo chiến trường miền núi. Là ra đi, đời gian khổ, chiều mưa nhớ nhà, nhà thơ Kim Tuấn cùng với đơn vị đến Bản Hét, lòng đã tức cảnh thành thơ:
 
Bản Hét ta chào mi đấy nhé
Chiều mưa che khuất núi đồi xa
Chiều mưa ta đứng trên đồi gió
Thương mình hơn những bóng mây qua
Bản Hét thương đời anh lính trẻ
Quanh năm chờ phép về thăm nhà
Quanh năm trấn thủ đời gian khổ
Hầm đất nhìn quanh ta với ta
Bản Hét những chiều không pháo kích
TrờI im nghe gió thổi qua mau
Rừng im nghe cánh chim xào xạc
Đồn im nghe súng bổng dưng sầu
Bản Hét hành quân vùng Tam Biên
Núi cao như đứng với sông liền
Rừng sâu màu lá xanh da mặt
Cơm sấy ăn sao nhớ mẹ hiền
Mẹ hiền phương đó con đầu núi
Bưng biền chưa hết trọn đời trai
Bưng biền đêm giố tay lên súng
Bổng thấy thương thân, bổng thở dài.
(Trên vùng Ben Hét)
 
Chết chóc và thương tật là thảm nạn của chiến tranh. Trong cuộc hành quân thời gian chờ đợi để xuất phát và để di chuyển nhanh chóng vào mặt trận, các phương tiện quân sự đều được xử dụng để phối hợp tiến quân,. Vì thế khi đụng trận, hỏa lực trở nên khủng khiếp cho cả đôi bên. Lính bị thương ở mặt trận là niềm đau không cùng của cuộc chién. Nhà thơ Luân Hoán đã bị thương. Ông chống nạng trở về đến thăm một người bạn gái có chồng cũng đã chết cho cuộc chiến:
 
Tôi trở về thăm em tình cờ không biết trước
Chồng của em vừa mới hy sinh
Em đã nặng hai tay hai đứa trẻ
Đâu đủ đời sầu cho chóng bạc tóc xanh
Tôi muốn ngỏ cùng em lời xin lỗi
Lời chia buồn nhưng ngại mất lòng em
Tôi muốn thở vào môi hai đứa trẻ
Nhưng ngại buồn lòng người quá cố không nên
Mắt em đỏ như cây đèn sáp trắng
Tôi không tin em khóc được một mình
Lòng tôi mở chia hộ em giọt tủi
Xin em cầm đặy nhẹ xuống ly hương
Tôi muốn hỏi bây giờ em còn giữ
Suốt cuộc đời nghề y tá hay không?
Và băng bó vết thương người có đủ
An ủi mình mang nặng vết thương
Sao em bảo đời em toàn đau khổ
Biết tránh rồi mà vẫn gặp thế thôi
Chồng tử trận người yêu xưa tàn tật
Ai tin cho ngày tháng xóa ưu sầu?
Tôi không chống nạng về đây để gõ
Trên tim em những kỷ niện xa vời
Cũng không để nhờ em băng bó
Nổi điêu tàn trên than thể tôi
Và chắc chắn không làm sao cắt nghĩa
Chuyến về thăm của gã thương binh
Đã có vợ có con xinh đẹp
Em bằng lòng kỷ niệm khó quên
Thôi hãy trót đến đây rồi hãy rót
Cho lòng nhau chút lệ ấm đi em
Bàn chân trái ngày xưa em thường gối
Giờ xin đời làm một quê hương
Hãy thắp sáng cho con em ngồi học
Cho con tôi ngồi tập vẽ bản đồ
Đừng có khóc tôi đi đây đừng có khóc
Nạng gõ sầu lóc cóc đường khuya.
( Ghé thăm người tình cũ )
 
Hình ảnh của người thương binh được chuyển từ mặt trận trở về bệnh viện trên chiếc trực thăng đã được Linh Phương ghi lại trong bài thơ Kỷ Vật Cho Em:
 
…Anh trở về hàng cây nghiêng ngã
Anh trở về hòm gỗ cài hoa
Anh trở về bằng chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng…
 
NổI cô đơn của người lính đã để lại một phần thân thể vì cuộc chiến đã trở nên bi đát, tột cùng đau thương khi tình cảm bị giằng xé đối với gia đình, người yêu :
 
Mai anh về trên đôi nạng gỗ
Bại tướng về làm gã cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân
Bên ngườI yêu tật nguyền chai đá
 
Hậu cứ nơi gia đình, người yêu đang ở, ngày có thể nhìn thấy khói tọa độ, đêm nghe đại bác nổ về, xa xa trên bầu trời hỏa châu rực sáng, đêm mịt mù không khí chiến tranh, người con gái nhớ người yêu đi đánh trận, sự lo sợ ngập ngừng trộn lẫn cái hậu phương không an lành đã được Trần Như Liên Phượng nhìn thấy cái rộn ràng sốt ruột của người con gái :
 
bấy giờ tiếng hát Phương Dung bắt đầu cho nàng
một ngày
nàng nhớ chàng đôi mắt héo
tiếng những chiếc trực thăng vừa rời sân bay
nàng nhận rõ ràng một buổi sáng đầy không khí Việt Nam
điếu thuốc salem đã làm nàng chóng mặt
nàng lấy sách vở xuống trường tìm một chút lãng quên.
( Khi Nhớ Chàng )
 
Ở đây ta có thể liên tưởng đến người chinh phụ ở trong Chinh Phụ Ngâm. Người chinh phu ra đi vang rền tiếng vó ngựa và luôn đảm nhận cái chết của mình. Người chinh phụ chấp nhận sự vắng lặng nhìn về Lũng Đoài với một tâm trạng chia lìa, xa cách nhưng đó là sự thật phải chấp nhận :
 
Lũng tây thấy nước dường uốn khúc
Nhạn liệng không sóng giục thuyền câu
Ngàn thông chen chúc khóm lau
Cách ghềnh thấp thoáng người đâu đi về
( Chinh Phụ Ngâm )
 
Nhưng người lính ra đi trên chuyến trực thăng định mệnh đó cũng không trở về. Anh đã nằm xuống trên mãnh đất quê hương. Lữ Quỳnh đứng chờ xác đồng đội được trực thăng chở về trên sân bay :
 
Mây vẫn bay qua rừng
Sao vẫn sáng theo tôi
Nhưng anh không còn nữa
Viên đạn xuyên tim rồi
Đón anh ở phi trường
Nàng vật mình trên cỏ
Nước mắt là yêu thương
Biết bao giờ khóc cạn
Trực thăng chở xác về
Giọt buồn lăn trên mi
Nàng như loài gỗ đá
Còn biết nói năng gì
Anh hãy nằm yên đó
Chờ lũ bạn thân này
Chiến trường đang lữa đỏ
Máu còn xanh cho cây
Không được quyền thương tiếc
Anh cúi mặt giả từ
Quê hương buồn chẳng biết
Còn chết đến bao giờ
( Sân bay buổi chiều-1964 )
 
Ngày 28-1-1973, ngày hiệu lực của hiệp định ngừng bắn, bấy giờ là mùa xuân, người lính tay cày tay súng đã được nhà thơ Cao Tiêu viết về ườc vọng hòa bình:
 
Nhát cuốc này bổ xuống đồng sâu
Bàn chân nhích mau lưỡi đất úp
Bùn quánh dầm gót, nắng hơ vai
Mũ sắt lỏng quai xoay gió tạt
Bốc lên dào dạt tình anh em
Tay cuốc đã quen tay súng vững
Ta đi chân cứng đá phải mểm
Hàng ngang tiến lên đất đố mặt
MớI như bài hát Hòa Bình
Như môi em xinh xinh hồn nhiên
Tiếng con chim khuyên vừa cất giọng
Nâng bầu trời hy vọng lên cao
Ý lạ xôn xao hồn lớn mạnh
Xuân mở tung cánh cửa cuộc đời
Dầm trán mồ hôi trờI rạng rỡ
Búp trổ tơ nhựa ư cầu cành
Góp sức mùa xuân có các anh
Nô nức thanh bình vui hội mới
Và mặt trời cười gọi chúng ta
( Vỡ Đất-Xuân 1974 ).
 
Niềm ao ước hòa bình sau những năm dài chiến tranh cũng được Huỳnh Kim Sơn thể hiện:
 
Ta chờ đợi một ngày kia ngưng bắn
Bầy chim xa về lại núi rừng hoang
Dù giấc ngủ ta một đời rối loạn
Cũng hân hoan mừng cho giống da vàng
Người nhìn nhau cùng nhận mặt anh em
Trên quê mẹ ruộng đồng xanh lúa mới
Ta sẽ hát lời ca dao mật ngọt
Ru hồn người trong giấc ngủ bình yên
Mẹ vẫn sống tuổi già nua vẫn đẹp
Dù xác thân có gần đất xa trời
Em sẽ có những mùa xuân diễm tuyệt
Bên sân trường chiều ngắm lá me rơi
Và ước mong gởi theo lờI thông điệp
Chân trời sương thoang thoảng bóng chim câu
Ta trảI rộng niềm tin đêm vũ bão
Từng chiêm bao là vạn ý mơ cầu
ĐờI lận đận tỉnh say vài chung rượu
Làn môi khô chưa ấm chuyện ân tình
Ta vẫn đợi một ngày ngưng súng nổ
Về giòng sông tìm kỷ niệm xuân xanh.
 

Nền văn chương của Miền Nam từ năm 1954 đến 1975 là một nền văn chương khai phóng, kiện toàn chính nó qua tư tưởng sáng tạo và được tô bồi vào kiến trúc của nó bằng sự xây dựng sinh động của người thưởng ngoạn. Văn chương không phải là thứ tiêu khiển chóng qua nhưng là dấu tích mốc giới, chứng cớ của đời sống tinh thần mà ngườI làm văn chương để lại. Những bài thơ thời chiến được nhà xuất bản Thư Ấn Quán sưu tập, xuất phát từ thái độ chọn lựa đứng trên giòng tiến hóa, về sự nhân bản đối với con người, với quê hương của các tác giả dù họ đang ở ngoài mặt trận, đang bị thương tật, trở về hậu cứ cùng gia đình, bạn bè, người yêu hay những bài thơ đậm tình quê hương, dân tộc, mơ ước hòa bình sau ngày ngưng bắn. Để thấy rằng một nền văn chương nhân bản, trong tư thế của nó luôn luôn được tác thành bằng những ý nghĩa bao hàm do bởi sáng tạo của người thưởng ngoạn, là xuất phát điểm của văn chương trên hướng tiến vào lịch sử.


 
Ghi chú:
 
Các bài thơ trong bài đều được trích dẫn từ Bộ Sưu Tập Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến (tủ sách Di Sản Văn Chương Miền Nam) do Thư Ấn Quán xuất bản Tập I (2006) tập 2 (2007)..
 
Riêng 2 bài thơ Thư Xuân cho KBC 4100 của Ý Yên và Vỡ Đất của Cao Tiêu được trích từ Nguyệt San Tiền Phong số 98 Xuân Giáp Dần 1974 của Cục Tâm Lý Chiến QLVNCH.
 
( Bài đã đăng trên tạp chí Thơ số Mùa Xuân năm 2008.)

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Latest Articles

THẬT MÀ

Nguyễn Văn Vũ THẬT MÀ Đọc xong bản tin tân hình Thức...

TUẦN THƠ 50: THƠ XUÂN THỦY

THƠ XUÂN THỦY TẬN CÙNG Phận người y như những vần...

Sổ Tay Tháng Tư: Tiểu thuyết Pháp hôm nay & tưởng nhớ một người bạn

Tạp chí VĂN / Sổ Tay Tháng Tư/2001 "Các...

Trăm năm ngày sinh nhà thơ Minh Hiệu: Nghĩ về nhân cách nhà văn

Nhà thơ LÊ TUẤN LỘC Tác phẩm chính đã xuất...

THƠ DỊCH 2 (ĐỌC NHƯ THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT)

Tiểu sử: Frank O’ Hara (1926- 1966), là nhà thơ và nhà phê bình nghệ thuật, thuộc trường phái New York. Ông chịu ảnh hưởng của nhà thơ WilliamCarlos Williams, viết bằng ngôn ngữ thường ngày. Năm 1964, ông xuất bản tập thơ "Lunch Poems" (Những Bài Thơ Trong Bữa Ăn Trưa), mỏng, với 37 bài thơ, 70 trang, nhưng là tập thơ được tái bản mỗi năm, và được những nhà phê bình coi như là tập thơ của thế kỷ 21. Thơ ông thường ghi chep những chuyện vụn vặt thường ngày.

4 TẬP THƠ TÂN HÌNH THỨC 2019: PHẦN 3 – TÂM Ý TRONG THƠ

Tâm ý là tập thơ của hai tác giả Phạm Quyên Chi (hội viên Hội VHNT Bình Định) và Hường Thanh do NXB Thuận Hóa vừa ấn hành. Đây là tuyển tập thơ đầu tiên in chung của các tác giả này. Tập thơ theo hướng đi của thơ Tân hình thức, nghiêng về phát triển tính truyện trong thơ.

Related Articles

Giữa các dòng

Between the Lines A poet-anthropologist in Israel looks to his students and their surroundings, calling for “seekers of peace” to create lifelines across social and...

HÒA BÌNH VÀ KINH NGHIỆM MỸ HỌC

Có nhiều câu hỏi cổ động cho giao điểm giữa ‘hòa bình’ và ‘nghệ thuật.’ Chiến tranh đã được biểu trưng trong văn chương và điện ảnh, và những thứ biểu trưng như thế có thể được dùng để thấm nhuần những hứa hẹn cho hòa bình? Sự đính ước với nghệ thuật có thể  giúp chúng ta tưởng tượng ra một tương lai an bình? Sự hài hòa tạo nên, thí dụ, trong trình diễn âm nhạc, có dẫn đến sự hài hòa lớn hơn trong đời sống hàng ngày hay không?

DẤU MỐC

DẤU MỐC bản Bìa cứng ( Hard cover ). Một vài nhận định về thơ Tân Hình Thức của các tác giả Khế Iêm, Hà...