THƠ NHÃ CA, MỘT VÀI TƯ LIỆU NHỎ

Sau Sáng Tạo, nhiều tạp chí văn nghệ ra đời tại Sài Gòn, những người viết trẻ lần lượt xuất hiện và lấn át cả những cây đa cây đề trước đó: Đỗ Tốn, Vi Huyền Đắc, Mặc Đỗ, Tương Phố… Và, trong sinh hoạt văn nghệ khởi đầu cho tự do sáng tạo với nhiều khuynh hướng (kể từ thập niên 1960s), đã xuất hiện nhiều cây bút nữ khiến cho văn đàn miền Nam sôi động hẳn lên. Nhã Ca trong trường hợp đó!

Nguyễn Lệ Uyên


Nửa cuối thập niên 1950s đến đầu 1960s, diễn đàn văn học miền Nam là sự nối dài của Tự Lực Văn Đoàn, hiển hiện rất rõ trên Tân Phong, Văn Hóa Ngày Nay, Nhân Loại, Văn Hữu… Chỉ đến khi nhóm Sáng Tạo ra mắt số đầu tiên tháng 10-1956 với tuyên ngôn “làm mới nền VHNT Việt Nam”, thì liền sau đó xuất hiện nhiều cây bút, chẳng những làm nên tên tuổi sau này mà còn tạo cho dòng văn chương miền Nam tràn đầy tính sáng tạo, tự do, nhân bản.
Đọc lại tạp chí Sáng Tạo số ra mắt, Mai Thảo đã vung bút đến 5 trang dưới tựa “Sài Gòn thủ đô văn hóa” để vẽ ra một viễn cảnh xán lạn của nền văn hóa văn nghệ trên miền đất tự do: “Ánh sáng của Văn Hóa cháy lên hôm nay từ giữa lòng đời sống lớn rộng của dân tộc là một giòng máu bừng bừng mãnh liệt luân lưu trong một cơ thể chứa đựng cái vô hạn của những năng lực sáng tạo trẻ mạnh phong phú. Giòng máu bắt nguồn từ trái tim. Sài Gòn xuất hiện trên những kinh rạch tăm tối ngày nào, đã đổi thay để có thêm một hình thể tinh thần nữa: hình thể của một trái tim đập mạnh, với những đường máu, những lối ánh sáng đan chen nhau, tỏa đi trên toàn thể, toàn diện”. (Mai Thảo – Sài gòn thủ đô văn hóa, Sáng Tạo bộ cũ, số 1 tháng 10/1956)
Sau Sáng Tạo, nhiều tạp chí văn nghệ ra đời tại Sài Gòn, những người viết trẻ lần lượt xuất hiện và lấn át cả những cây đa cây đề trước đó: Đỗ Tốn, Vi Huyền Đắc, Mặc Đỗ, Tương Phố… Và, trong sinh hoạt văn nghệ khởi đầu cho tự do sáng tạo với nhiều khuynh hướng (kể từ thập niên 1960s), đã xuất hiện nhiều cây bút nữ khiến cho văn đàn miền Nam sôi động hẳn lên. Nhã Ca trong trường hợp đó!
Những trang viết đầu tay của bà khi còn là nữ sinh Trung học Đồng Khánh (Huế) đang trong thời kỳ tuổi mới lớn, giàu mộng mơ, tưởng tượng, cảm xúc chắt lọc, sâu lắng… Khởi đầu, từ năm 1957 trở đi, thơ truyện của bà gửi đăng đều đặn trên các tuần báo tạp chí văn nghệ Sài Gòn với tên thật Trần Thị Thu Vân, nhưng tên tuổi cũng chỉ thàng thàng, không có gì nổi trội, chưa gây được sự chú ý, có lẽ do vốn sống chưa nhiều, chưa đụng chạm với thực tế bập bềnh nhiều lớp màu sáng tối lẫn lộn!
Phải đến năm 1960s, tên tuổi Nhã Ca mới được biết đến như một bông hoa đẹp giữa rừng thơ muôn màu sắc! Đó là khoảng thời gian Nguyên Sa đứng ra chủ trương nguyệt san Hiện Đại, một tập san văn học nghệ thuật, một diễn đàn độc lập, không nhận tài trợ từ các cơ quan nhà nước và nước ngoài như Chỉ Đạo, Sáng Tạo…
Ngay trên Hiện Đại số 1 ra tháng 4 năm 1960 với chuyên đề Truy niệm những nhà văn, thơ đã từ trần với các bài viết về Hoàng Đạo, Albert Camus, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Thâm Tâm, Phan Huy Vịnh còn có những sáng tác mới của Mặc Đỗ, Duy Thanh, Nguyên Sa, Mai Thảo, Thái Thủy… Đáng chú ý: ngay số Hiện Đại ra mắt độc giả, Nguyên Sa đã đăng cùng một lúc 3 bài thơ của Trần Thy Nhã Ca với lời giới thiệu hết sức trang trọng “đây là một thi tài đặc biệt”: Bài Nhã ca thứ nhất – Thanh Xuân – Ngày tháng trôi đi, gây chú ý với, không chỉ các “nhà văn trẻ” cùng thời mà còn với độc giả cả nước! Lập tức câu hỏi: Trần Thy Nhã Ca là ai luôn được đặt ra và không có câu trả lời. Mãi cho đến những tháng sau đó, thơ truyện của bà liên tục xuất hiện trên các tạp chí văn nghệ Sài Gòn thì mọi người mới vỡ lẽ; đặc biệt, thi tài của bà được khẳng định khi tập thơ đầu được Giải văn chương toàn quốc năm 1965 với tập Nhã ca mới!
So với các văn bản in sau này, thì bài Nhã Ca thứ nhất, trên Hiện Đại số 1 chỉ có 4 khổ, thiếu đi khổ thứ 3:
Tôi làm con gái
Đời như heo may
Tình bằng cỏ dại
Giận hờn không khuây
Không rõ khi chọn đăng, Nguyên Sa có cắt đi khổ thứ 3 hay sau này Nhã Ca viết thêm khổ thơ này khi in thành sách?
Trong bài viết “Nữ tính trong ngôn ngữ Nhã Ca” trên Văn số 35, ngay ở những dòng đầu, nhà phê bình Đặng Tiến đã dẫn 4 câu thơ cuối cùng trong bài Thanh xuân:
Đời sống ôi buồn như cỏ khô
Này anh, em cũng tợ sương mù
Khi về tay nhỏ che trời rét
Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ,
để nhắc đến “Người đàn bà trong thơ là một huyền thoại: thơ trong người đàn bà là một huyền thoại khác. Thơ của người đàn bà là huyền thoại của huyền thoại, là thơ của thơ. Cách đây đúng năm năm, cũng vào mùa này, Nhã Ca đến với người đọc một cách bất ngờ, nhẹ nhàng như người đẹp trong tranh. Người ta nghe không gian xôn xao trong cái chớp mắt trầm buồn đến mênh mông của người con gái Huế” (Văn số 35 ngày 1/6/1965)
Còn Du Tử Lê, khi nhớ lại 3 bài thơ của bà xuất hiện trên Hiện Đại và những bài thơ khác, đã vung bút, ca ngợi hết lời trong bài viết: “ Nhã Ca, bật sáng những ngọn đèn tâm thức soi thấu đáy tầng vô thức” (https://tusachtre.com/nha-ca-mot-xuat-hien-ruc-ro-cua…/) và ví von: “Thơ bà xuất hiện, như tiếng nổ lớn của một khối thuốc nổ TNT” .
Nhận định này của Du Tử Lê không phải là không có căn cứ: Ta hãy nhớ lại khoảng thời gian trước thập niên 1960, ngoại trừ nhóm sáng Tạo, Thế Kỷ Hai Mươi… còn lại, thơ ca vẫn mang hồn cốt của Bà Huyện Thanh Quan, Tản Đà, Huy Cận, Hồ Dzếnh, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương…; vẫn mang dáng dấp của những mối tình tan vỡ, đau thương; vẫn là những đạo lý của người phụ nữ phương Đông trong “khung cửa hẹp”. Những Tương Phố, Mộng Tuyết lớp trước và Tôn Nữ Hỷ Khương, Lệ Khánh lớp sau luôn dẫn dắt người đọc bằng những vần thơ thất ngôn, lục bát từ những tình cảm riêng tư: lúc thì lên đồi, xuống dốc, quanh co những đêm trăng sáng; khi thì hoàng hôn tím, mưa rơi sầu muộn… với những tiếng than thầm chen lẫn niềm hân hoan tột cùng tình yêu thăng hoa. Ngay như Cung Trầm Tưởng khi xuất hiện trên văn đàn miền Nam, đã mang hơi hớm phương Tây bằng những dòng lục bát với ngôn ngữ, hình ảnh, cảm xúc mới mẻ hơn, gần gũi với thời hiện đại hơn, nhưng Mai Thảo dạo ấy vẫn gọi đùa lục bát của Cung Trầm Tưởng là “Bà Huyện Thanh Quan mới!”.
Với Nhã Ca, khi đột phá vào thế giới thi ca miền Nam nửa cuối thế kỷ XX, vẫn sử dụng hình thức hoặc 4, hoặc, 6, 7 chữ nhưng khác với các nhà thơ nữ lớp trước ở chỗ: hình ảnh mới lạ, cấu trúc ngôn ngữ tròn chặt, tứ trong từng câu từng chữ lung linh, huyễn hoặc hơn dòng thơ niêm luật, nên mới thành ra “một khối thuốc nổ TNT” giữa làng văn nghệ Thủ đô!
Khối thuốc ấy, ban đầu là sự lựa chọn cách sống cho riêng mình, phá bỏ tất cả mọi lễ nghi phương Đông, khi bà bỏ nhà ra đi từ năm 19 tuổi để tìm cho riêng mình một đời sống lăn tròn vào xã hội bắt đầu có sự thay đổi dữ dội về mọi mặt của đời sống cá nhân lẫn quần thể rộng lớn, hướng đến tự do dân chủ, giải phóng mọi ràng buộc từ những nghi thức Nho giáo lạc hậu. Sự việc diễn ra tại thời điểm này là một điều rất cấm kỵ với phái nữ và hiếm khi xảy ra đối với các thiếu nữ đất thần kinh. Bà đã gửi gấm nỗi lòng, cùng những hành động của mình một cách trọn vẹn trong bài thơ Tiếng chuông Thiên Mụ như một lời tạm biệt Huế. Một tiếng nấc nghẹn với những tự thú mình là đứa con hư, chỉ vì phải: Đổi họ thay tên viết văn làm báo/Cơm áo dậy mồm ăn lơ nói láo:
“Tôi bỏ nhà ra đi năm mười chín tuổi
Đêm trước ngày đi nằm đợi tiếng chuông
Cuối cơn điên đầu giấc ngủ đau buồn
Tiếng chuông đến dịu dàng lay tôi dậy
Tiếng chuông đến và đi chỉ mình tôi thấy
Chỉ mình tôi nhìn thấy tiếng chuông tan
Tiếng chuông tan đều như hơi thở anh em
Tiếng chuông tan rời như lệ mẹ hiền
Tiếng chuông tan lâu như mưa ngoài phố
Tiếng chuông tan dài như đêm không ngủ
Tiếng chuông tan tành như tiếng vỡ trong tôi”
Võ Phiến nhận xét về Nhã Ca:
“Cực đoan, táo tợn, đột ngột là đặc điểm của bà… Sống giữa một thời không còn cấm kỵ, mà sôi nổi, mà cực đoan, Nhã Ca mạnh dạn tự mình chọn lựa tình yêu của mình, con đường hạnh phúc của mình, con đường đời của mình. Bà không ngần ngại bỏ nhà ra đi, đổi họ thay tên, phiêu lưu trong cái nghề viết văn làm báo. Tự do, bà thích nói đến tiếng ấy: tự do trong thể xác, trong đời mình…”.
Nhã Ca là một nhà văn độc lập và bất khuất, bà cũng là một tiêu biểu rõ rệt nhất cho nền văn chương nhân bản của miền Nam trong thời kỳ 1954-1975”. (Võ Phiến, Văn Học Miền Nam – Thơ Miền Nam, NXB Văn Nghệ 1999)
Và Đặng Tiến thì: “Thơ Nhã Ca đày ải trần gian vào biên giới hư ảo của đê mê, thơ Nhã Ca là trầm luân trên từng sợi lông tơ, là thiên thu xóa nhòa trongchớp mắt. Đọc Nhã Ca là linh cảm cả hư không, trong từng thớ thịt, lẫn thể xác trong từng ý niệm vu vơ. Thơ Nhã Ca vừa mời gọi, vừa ôm ấp vừa quyến luyến. Thơ Nhã Ca là lối làm quen ở phút giã từ, là lúc vụt quên khi vừa sực nhớ. Vẻ đẹp Nhã Ca thật như một giấc chiêm bao, và giả như con sông Hoàng Hà từ trời xanh đổ về biển cả:
Ai về đó mà thơm hồn lụa bạch
Cổ chim xanh còn quấn quít tơ vàng
(Đặng Tiến, Nữ tính trong ngôn ngữ Nhã Ca, Văn số 35 ngày 1/6/1965)
Điều mà các nhà biên khảo, nhà thơ gọi thế giới thi ca của Nhã Ca là hư ảo, huyễn mộng, huyền thoại, khối thuốc nổ TNT hay cực đoan, táo tợn… có thể thu gọn trong bài thơ “Đàn bà là mặt trời” sau đây:
Vườn hoa nào cũng ở trước mặt chúng ta
Mùa xuân nào cũng nở cho ta những bông hồng
Hỡi các chị, chúng ta đều đẹp như mặt trời
Tinh khiết như bình minh
Vì chúng ta làm ra ái tình
Ra hoa lá và sự sống trên trái đất
Những người nam đã tán tỉnh chúng ta
Và chúng ta đã chọn cho lòng mình
Một ông vua
Trong những người nam đã gặp
Hỡi các chị đến gần tôi coi
Đến gần tôi và cùng rực rỡ
Chúng ta đã tạo một thiên đường
Đã tạo nên nhiều vị vua
Bởi chúng ta đẹp đẽ và xinh tươi
Vì những ham muốn đã tắm rửa cho chúng ta
Xui chúng ta nóng bỏng như lửa
Và lửa từ mặt trời
Mặt trời xinh đẹp
Chị có đôi mắt sâu như giếng nước phương Nam
Chị có tóc mun đen như dòng sông đêm Ai Cập
Chị có lòng nồng nàn, dữ dội như biển đông
Chị có ái tình ngọt như mật ong
Tôi sẽ tới van xin các chị
Nài nỉ các chị cho tôi mượn tất cả
Để tôi khoe với chàng
Đem tới cho chàng
Để chàng nâng niu
Coi tôi như công chúa
Chúng ta, mỗi người phải là một công chúa
Người đàn bà nào cũng đẹp
Mùa xuân và hoa hồng đều nở vì chúng ta
Chúng ta ban phát ái tình
Cho thiên đàng của chúng ta tươi tốt mãi
Chúng ta mua từ núi cao
những màu xanh rất non
mua từ rừng
những lá cây rất vàng
mua từ đất
những giếng nước rất ngọt
và từ biển
trân châu cùng ngọc bích
để trang điểm cho chúng ta đẹp đẽ
Chúng ta góp sông, núi, đồi trên thân thể
và rừng trong tóc
Tôi sẽ hỏi mượn các chị
mọi thứ xinh đẹp và nóng bỏng
tôi sẽ gõ các cánh cửa im lặng thật nhẹ
để chàng kinh hoàng nhận ra tôi
Tôi sẽ làm rụng hết những giọt sương
đang lóng lánh trong hồn chàng
những giọt sương sẽ rụng và làm nên hài nhi
cùng sự sống
cho thiên đàng chúng ta
đông đúc và vui tươi
Tôi sẽ là mặt trời trong lòng chàng
Buổi mai nào cũng lộng lẫy rực rỡ
Tôi sẽ mát như trăng nhưng cũng nóng hơn lửa
hơn cát ở sa mạc
hơn cả cơn giận
của trận hồng thủy trong thánh kinh
Bởi tôi là đàn bà
người đàn bà nào cũng xinh đẹp
cũng làm ra sự sống
Hỡi các chị chúng ta sẽ nối tiếp nhau đẹp mãi
Để những bông hoa của mùa xuân
Phải quanh quẩn chiêm ngưỡng
Hỡi các chị hãy đến đây và làm điên đảo
Sự quay cuồng vui thú của trái đất
Chúng ta luôn luôn xinh đẹp và ở trên cao
Các chị có đôi vú ngọc bích
Có da sữa, tóc dài
Có má hiền, môi mật
Đừng để những kẻ đi săn lạc đường
Hãy dẫn dắt và tội nghiệp họ
Hãy hung dữ với họ như sư tử
Hãy dịu dàng với họ như nai
Để họ quay như trái đất quanh mặt trời
Là chúng ta mãi mãi
Để chúng ta cho họ ngày đêm và bóng tối
Tôi sẽ lùa bóng tối thật dầy vào đêm của chàng
những ánh sáng nóng bỏng cho ngày của chàng
Chúng ta là những người nữ xinh đẹp
Xinh đẹp hơn mọi loài trên trái đất
Chúng ta có lòng ghen mạnh như bão
Chúng ta có sự tinh khiết trong như trăng
Chúng ta có thịt da, có núi, có rừng
Chúng ta đỏ như mặt trời
Đen như đêm
Và vàng như lửa
Tôi cũng có một ông vua cho ái tình tôi
Tôi cũng đã chọn chàng
Để sự sống tràn trên trái đất
Tôi sẽ đi góp nhặt từ mặt trời
Từ phương đông, phương tây, từ những buổi sớm mai
Những sữa, kem và mật để làm nên rượu ngọt
Để pha hương thơm trên thân thể mãi mãi
Trên thịt da tôi mà chàng yêu dấu
Cám ơn Thượng Đế đã cho tôi đôi vú
cho tôi da mịn và tóc dài
cho tôi rực rỡ như mặt trời
để tôi làm ra ái tình và rượu ngọt
tràn trên trái đất
Hỡi các chị hãy đến nhìn tôi coi
Hỡi các chị vô cùng khả ái và xinh tươi
Hãy đến nhìn tôi coi
Tôi đang đỏ đang đen
Đang làm ra nước làm ra lửa
(Thơ Nhã Ca, NXB Thương yêu, 1972)
Những tư liệu nhỏ này trước hết để tỏ lòng mến mộ một tài năng, nhân cách… và để có thêm tư liệu cho các SV khoa Văn rộng đường nghiên cứu 20 năm văn học Miền Nam.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Latest Articles

Báo Giấy Số 3

Bạn đọc có thể đọc trực tiếp hoặc in...

MỘT BÀI THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT ĐƯỢC CHO LÀ HAY?

Tôi nghĩ, cho đến thời điểm này, phong trào thơ Tân hình thức Việt đã xong giai đoạn lập thuyết, và đã bước hẳn sang giai đoạn thành tựu. Tại sao lại nói như vậy? Xin thưa, bằng nỗ lực của Khế Iêm và những người đồng chí hướng, bạn đọc đã được chứng kiến hàng loạt các tiểu luận và thực hành thơ đã được in ấn hoặc trên các trang mạng suốt từ những năm 90 của thế kỷ trước đến nay, tức là đã hơn 20 năm có lẻ

ĐỌC THƠ DIỄN ĐÀN: Kỳ 1

Ở mặt kỹ thuât, bài thơ này hội đủ trung bình những điểm cơ bản của TTHTV. Về ý tưởng thì rất là một câu chuyện có thể xảy ra ở đời sống thường ngày mang những cái suy tư rối rắm giữa hư thực của cuộc sống như là choáng váng men say và hơi mang tính “liêu trai quái dị”. Qua bài thơ này tính đa dạng của nội dung TTHTV được làm giàu thêm.

BLUES

Giới thiệu diễn đàn thơ Tân hinh thức Việt BLUES Nguyễn...

Giới thiệu tác phẩm “Những Tiêu điểm thẩm mỹ Thơ”

Yến Thanh Phó giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu...

Related Articles

TUẦN THƠ 07: Thơ Nguyễn Văn Vũ

Thơ Nguyễn Văn Vũ _________________   VÒNG HOA TRÊN MỘ đôi mắt buồn như cánh perle noir* khép lại những mùa màng rực rỡ chen chúc những hoa và lá chen chúc...

The Personal & the Political | Book Review — The Illuminated: A Novel by Anindita Ghose

The book rages against the different ways of seeing men and women (Express photo) By Nawaid Anjum In his revolutionary book, Ways of Seeing (1972),...

VIRUS VŨ HÁN VÀ ĐỘ KHÔNG TÂM THỨC

When we try to help others, they consider us enemies. But we can thank them because, through them, we can know the nature of each person. The Wuhan Virus helps us to recognize the good and the bad, to rise above both to retain our human affection. Thanks to that, new love arises. Hopefully.