GIỐNG NHƯ LÀ CUỘC SỐNG

GIỐNG NHƯ LÀ CUỘC SỐNG


Vũ Thanh Lịch

Giống như là cuộc sống, có lúc thăng lúc trầm, lúc tươi sáng ngọt ngào tràn đầy ước mơ khát vọng bay bổng lãng mạn, có lúc trắc trở gian nan cùng quẫn luẩn quẩn tưởng không vượt qua rồi lại vượt qua, vượt qua rồi lại như không vượt qua, rồi lại vượt qua… cái sự vượt qua trắc trở đến hụt hơi lạc điệu … thơ Tân hình thức là vậy, cho người đọc những cảm nhận về cuộc sống ở cái lúc trắc trở gian nan như vậy.

Đó là cảm nhận đầu tiên trước những bài thơ Tân hình thức đầu tiên trên internet của nhà thơ Khế Iêm, rồi sau đó là Irasara, và một số bài trong tập thơ “Chiếc ô đi lẻ” của Hồ Đăng Thanh Ngọc, và sau đó là sự lôi kéo dẫn dụ của tính tò mò và ham thích sự lạ lẫm đã cuốn người đọc lần tìm, khai thác thêm một số bài thơ khác của một số tác giả khác, và cả một số tiểu luận phê bình về thơ Tân hình thức, một thể thơ đặc biệt khác lạ so với bất kỳ một thể thơ nào đã có trước đây. Trong tâm thế của người đọc đầy hiếu kỳ, cố gắng đọc diễn cảm thành tiếng một số bài thơ Tân hình thức lần một lần hai lần ba … bằng nhiều cách đọc với nhiều thử nghiệm thay đổi giọng và ngữ điệu và cách ngắt nghỉ, để rồi cuối cùng, người đọc nín thở đọc liềm một mạch đến đứt hơi bài thơ “Tân hình thức và những câu chuyện kể”, bài thơ đầu tiên trong tập THƠ KHÁC của Khế Iêm và trong khi vòm miệng đang cố gắng phát ra những âm thanh liên tục với sự ngắt nghỉ ít ỏi của những dấu phẩy thì trong đầu đã tự nhắc đầu đừng liều lĩnh đọc thêm một bài thơ nào dài như thế nữa nếu không muốn chết giấc giữa chừng. Nhưng thật khó để thực hiện được điều mà đầu óc mình nhắc nhở chính mình vì sự lôi cuốn dẫn dụ từ dòng chảy không giới hạn của những giai điệu không giới hạn, những thanh sắc không giới hạn, nó giống như sóng biển, dập duyềnh hết cơn này đến cơn khác những con sóng nối nhau, gối vào nhau, xô vào nhau và thay nhau xóa mờ tất cả mọi dấu vết sần lõm trên bờ cát chiu chít những hang cua cáy và vết chân dã tràng. 

Bài thơ tiếp theo người đọc cất tiếng là một bài ngắn hơn so với “Tân hình thức và những câu chuyện kể”, ngắn hơn từ cái tên bài thơ cho đến số chữ theo cảm quan bản năng nhận thấy rất nhanh từ cách trình bày trên trang giấy và sự đếm đoán vội vàng số lượng các con chữ. Cách ngắt dòng dài ngắn và viết hoa sau mỗi dấu chấm ở bất cứ đâu khiến người đọc tưởng như những cung bậc bổng trầm giúp dễ dàng lấy hơi duy trì nhịp thở hơn trong khi khám phá những âm điệu mới lạ, đó là bài Vườn chuối của Hồ Đăng Thanh Ngọc. Người đọc sẽ cần nín hơi ít hơn so với khi phát âm bài thơ của Khế Iêm vừa được nhắc đến trên đây và nhanh chóng thả buông mình cuốn theo 

“những róc rách nhựa sống được
dồn vào buồng
chuối với những trái quả của hy vọng
những căng mọng cuộc tình
những tràn chứa của nỗi đau…”

Dòng chảy của âm thanh màu sắc cảm xúc đã cuốn đi đi đến tiếng thở dài hụt hơi cuối cùng “không kịp nữa rồi” nhưng lại là lúc người đọc kịp nhận ra hơi thở đã căng đầy lồng ngực, nhựa sống đã căng đầy lồng ngực, đam mê đã căng đầy lồng ngực và không thể không tiếp tục thử đọc một câu chuyện dài hơn nữa với những hình hài khác nữa. Và lần này là một phiên bản âm thanh từ câu chuyện của Inrasara “Một ngày trong đời Trần Wũ Khang”… câu chuyện không còn khiến người đọc lo sợ mình không đủ hơi để phát ra những âm thanh nữa vì dường như đã có một thói quen hay một nhịp mạch được hình thành hòa điệu với những cung bậc “trăn trở/ nỗi đẩy bánh xe thi ca Việt …” và “thủng thẳng nhâm nhi nhìn vào trời nắng. Một ngày như mọi ngày …” 

Cứ như thế, lần lượt các bài thơ trong tập Thơ khác của Khế Iêm, Chiếc ô đi lẻ của Hồ Đăng Thanh Ngọc, các bài thơ của Inrasara và các bài thơ trên trang thotanhinhthuc … đã cuốn người đọc vào những khám phá không giới hạn cho đến khi phát hiện ra, chưa hề có âm thanh nào được cất lên từ thanh quản phát ra khỏi cơ thể người đọc kể từ khi người đọc bắt đầu phát âm những âm tiết đầu tiên của bài thơ đầu tiên, tất cả chỉ là những âm thanh trong tâm tưởng vang vọng trong dòng chảy tư duy và xúc cảm mãnh liệt trước những điều tưởng là giản đơn, tầm thường nhạt nhẽo, trước những câu chuyện tưởng là u ám bế tắc vòng vo mê muội … 

Những cảm xúc, những câu chuyện … chất liệu ngồn ngộn của cuộc sống với vô số góc nhìn vô số suy tưởng vô số điều mới lạ tưởng là luẩn quẩn nhưng đang cuộn trôi đi tưởng như trôi đi nhưng đang quẩn lại, nó giống như là cuộc sống đang quánh quện trôi nảy trên từng con chữ. Người viết khi đặt bút viết thơ Tân hình thức như bắt được cái khoáng đạt của thơ ca, giải phóng mình ra khỏi những vần điệu chật vật, những câu từ gọt giũa trau chuốt, những khuôn khổ niêm luật cứng nhắc của các thể thức thơ trước đây. Chỉ để lại cái vỏ hình của những dòng đoạn bảy chữ, năm chữ, tám chữ với bốn câu mỗi khổ hoặc tự do tung tảy từng dòng từng chữ mà người đọc thoạt nhìn tưởng như là một bài thơ truyền thống chuẩn chỉ nhưng tất cả đó chỉ là cái vỏ hình giống như cuộc sống trải qua sáng trưa chiều tối với ăn uống đi thở… còn tiềm ẩn sâu trong nó là vô số trải nghiệm mà không phải ai cũng thấu cảm hết được. Đến đây, dễ thấy thơ Tân hình thức là một khám phá đến những vỉa tầng sâu kín của hình ảnh ngôn ngữ, âm thanh, màu sắc, suy tưởng, triết luận, để bật lên tất cả những trồi sụt thăng trầm trắc trở của của cuộc sống. Và mặc dù thơ tân hình thức nói được tất thảy những điều muốn giãi bày như nhu cầu tự nhiên, như nhiên của con người khi đói cần ăn, khi khát cần uống, khi thở ra cần hít vào … nhưng dường như nó không phải là thi ca dành cho đại chúng, càng không phải là thi ca dành cho những mơ mộng lung linh bay bổng lãng mạn thông thường …

Bằng vào tất cả những cách tân tìm tòi thử nghiệm không ngừng trên những con chữ, âm điệu, hình sắc … thơ Tân hình thức cứ thế dẫn dụ mê hoặc lôi cuốn người đọc đến những bí ẩn không cùng của tư duy cảm xúc trí tuệ đến tận cùng cuộc sống giống như là cuộc sống!


 

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Latest Articles

4 TẬP THƠ TÂN HÌNH THỨC 2019: PHẦN 2- NÀNG HOA của CÁT

Cần phải đưa ra được một ảo tưởng trọn vẹn của hiện thực", ở Kiều Maily một nghệ sĩ đã tạo ra niềm tin về độ xác thực cao trong câu chuyện thơ của mình. Từ đó, đã phản ánh được diễn biến quy luật phát triển đời sống này làm cho tác phẩm sống lại một cuộc đời. Đi trọn 40 bài thơ trong tập "Nàng, hoa của cát" tôi có cảm giác cuộc phiêu lưu chưa dừng lại, giới hạn chân lí trong nét đẹp từ bàn tay hoa của cát ấy đã nâng độc giả bước vào cuộc hành trình trở về với "Vương quốc Palei" đầy cát, đầy bí ẩn.

POETRY (phần 2)

Căn bản so sánh của Robinson cho thơ hiện đại là những thành đạt vĩ đại của Whitman, càng trở nên rõ ràng hơn nếu chúng ta để bài thơ “Oh for a poet – for a beacon bright” cạnh bài thơ “Walt Whitman,” của ông, bắt đầu với câu “Bài-hát-(của)-bậc-thầy đã chấm dứt” (The master-songs are ended) – chấm dứt với cái chết của Whitman.

TUẦN THƠ 53: XÂU CHUỖI THƠ: CHUYỆN KỂ TRƯỚC CỔNG TRƯỜNG

XÂU CHUỖI THƠ CHUYỆN KỂ TRƯỚC CỔNG TRƯỜNG Nguyễn Văn Vũ CHUYỆN...

TheraPoetry: The 5-Point Healing Properties of POEMS

The 5-Point Healing Properties of POEMS Have you ever found...

TUẦN THƠ 50: THƠ XUÂN THỦY

THƠ XUÂN THỦY TẬN CÙNG Phận người y như những vần...

SỐNG TRONG THƠ

Một trải nghiệm mới trong nghệ thuật vừa được khởi sự.

Related Articles

BÌNH LUẬN VỀ “THƠ KHÁC”

Trong khoảng vô số giờ phút thú vị tôi chúi mũi vào một tập thơ hoặc văn, có những lúc tôi ngẩng đầu khỏi cuốn sách hoặc ngước mắt khỏi dòng chảy nhịp nhàng của bài thơ, và tự đặt một câu hỏi mà nó đòi được giải đáp: điều gì đã buộc tôi tiếp tục; điều gì hiện hữu bên trong bài thơ khiến đôi mắt khát khao của tôi dán chặt vào những dòng dưỡng chất, năm này qua năm khác?

ANH CẢ (họa sỹ Thái Tuấn)

ANH CẢ (họa sỹ Thái Tuấn) Nguyễn Xuân Sơn Mỗi lần nghe tiếng khóa thắt lưng kêu leng keng, em trai út cách anh Cả đúng...

NHỮNG DẤU ẤN THỜI HIỆN ĐẠI

NHỮNG DẤU ẤN THỜI HIỆN ĐẠI Khế Iêm (Phần 1) Stanley J. Grenz, trong cuốn “A Primer On Postmodernism”, dựa theo những loạt phim Star Trek (Hành...