“BÀI HỌC ĐẠO ĐỨC KINH” CỦA THANH TÂM TUYỀN

Tôi thực sự bất ngờ khi đọc bài Kinh Nghiệm Sáng Tác Trong Tù của anh Tâm do Khế Iêm gửi hai tháng trước đây, khoảng giữa tháng giêng 2007. Bài được viết tháng hai năm 1993, nhưng mười bốn năm sau tôi mới được đọc. Tôi đọc đi đọc lại đoạn cuối [“Trong quyển sổ tay mang thoát từ trại cải tạo về, có một câu tự nhủ khác: Viết như thể không có gì xảy ra. Không có gì đáng kể.

“BÀI HỌC ĐẠO ĐỨC KINH” CỦA THANH TÂM TUYỀN
Phạm Kiều Tùng


  1. Tôi thực sự bất ngờ khi đọc bài Kinh Nghiệm Sáng Tác Trong Tù của anh Tâm do Khế Iêm gửi hai tháng trước đây, khoảng giữa tháng giêng 2007. Bài được viết tháng hai năm 1993, nhưng mười bốn năm sau tôi mới được đọc. Tôi đọc đi đọc lại đoạn cuối [“Trong quyển sổ tay mang thoát từ trại cải tạo về, có một câu tự nhủ khác: Viết như thể không có gì xảy ra. Không có gì đáng kể.

Nay thì tôi hỏi mình: Chừng nào tôi đạt nổi điều ấy? Để viết”] và quyết định đã tới lúc để kể một điều đã xảy ra.

Như sau: Trước khi rời bỏ quê hương, khoảng cuối năm 1989 anh Tâm trao tôi một xấp bản thảo, nói “Cậu xem có dùng được gì thì dùng, không dùng được thì hủy đi, tôi để cậu toàn quyền quyết định” (“cậu”, vì anh coi tôi như em). Tôi còn nhớ anh cười nói thêm “Hủy đi, như Gogol, Kafka, như Kleist”. Đó là xấp bản thảo anh viết trong khoảng thời gian từ sau ngày anh được thả khỏi trại cải tạo tới trước ngày anh rời bỏ quê hương.

Tôi giữ xấp bản thảo của anh tới nay đã gần hai chục năm, và không biết phải làm gì. Nay, được đọc bài Kinh Nghiệm Sáng Tác Trong Tù, nhớ lại lời anh, “… không dùng được thì hủy đi”, và kể từ ngày ấy cho tới ngày anh mất, dù vẫn thăm hỏi nhau thường xuyên, không một lần anh đề cập tới xấp bản thảo ấy, giờ thêm lời tự nhủ của anh, tôi nghĩ rằng đã có một điều trở nên rõ ràng: anh không màng tới những gì anh đã kể về những gì đã xảy ra. Tôi hiểu được là tôi sẽ phải làm gì với xấp bản thảo ấy. Anh đã bước vào giai đoạn mà tôi tạm gọi là giai đoạn “không còn muốn kể nữa”, vì “không có gì đáng kể”.

Tôi đã kể xong.

  1. Đoạn cuối (đã dẫn trên) trong bài Kinh Nghiệm Sáng Tác Trong Tù có liên quan tới một “bài học” trong xấp bản thảo, thế nên tôi trích dẫn ra đây, một “bài học” ngắn gọn chỉ vài dòng. Toàn văn “bài học” như sau:

Bài học Đạo Đức Kinh:

Như thể không có sự gì xảy ra, đáng kể; ngoài các câu được viết.
Lời không của ai, không nói với ai.
Cùng một lúc mở và đóng, ở ngoài và ở trong.

Bản scan đoạn viết trên của anh, và vài đoạn khác, tôi đính kèm bài viết này riêng gửi những người thân cận anh là những người dễ dàng nhận ra tự dạng của anh và gửi những ai yêu mến anh, mong được cùng chia xẻ mối bồi hồi tưởng nhớ anh nhân ngày giỗ đầu 22.3.2007.

  1. Ông Đặng Tiến rất nghiêm túc khi viết rằng “Thanh Tâm Tuyền là người sâu sắc, uyên bác, tài hoa, nghiêm túc, tư cách và tiết tháo. Ông là gương mẫu của trí thức giữa một thời đại nghiệt ngã, đầy những biến động tàn nhẫn” (1). Một người như vậy, sau sáu năm sáu tháng hai mươi bảy ngày trong nhiều trại cải tạo (số liệu tôi tìm thấy trong xấp bản thảo), tự nhủ rằng sẽ “viết như thể không có gì xảy ra. Không có gì đáng kể.”, không thể không khiến ta tự hỏi: Đã có chuyển biến đáng kể nào trong tâm tư anh?

Tôi nghĩ đơn giản: Anh đã “thoát”. Thanh thoát. Anh đã tìm về – và tìm được, tìm về được – cái minh triết của cổ nhân. “[G]iữa một thời đại nghiệt ngã, đầy những biến động tàn nhẫn” (mượn lại lời ông Đặng Tiến), trước những sức mạnh khống chế vô phương đối kháng, để duy trì những lí tưởng, bảo toàn những khát vọng của anh (trong đó có khát vọng viết), anh chỉ còn sức mạnh duy nhất là sức mạnh của tinh thần của tư duy để tự tạo cho mình một “vương quốc”, nói theo Bertrand Russell, cái “vương quốc an nhiên tự tại, không bị khuấy động, của lí trí”, nơi “cái đẹp sáng rực”, nơi “xa rời tay với của khổ đau” (2). Nơi đó, anh hoàn toàn tự do, để sáng tạo trong tưởng tượng. Nơi đó, ngay giữa lòng một vũ trụ hiềm thù, anh được giải thoát, được “giải phóng”. Minh triết của cổ nhân dạy rằng thấu hiểu bản chất của những sức mạnh bất khả kháng, thấu hiểu quyền uy của bóng tối chính là chinh phục chúng, là trở nên lớn lao hơn chúng – cọng “rác rưởi bị cuốn trong giòng lũ của lịch sử” (3) hóa thân thành cây sậy biết tư duy của Pascal, trở nên cao quí hơn những sức mạnh phi nhân hủy diệt nó (4).

  1. Viết như thể không có gì xảy ra. Không có gì đáng kể. Như thể không có gì xảy ra, nghĩa là đã có gì xảy ra. Và có nhiều, và anh đã kể, ta hãy nghe:

Bị xua đuổi khỏi nơi trú ngụ
Hắn làm tên du thủ vong tình
Cùng xứ sở mắc vòng khốn đọa
Cất bước đi lãnh đạm thản nhiên

Như cánh chim bay liệng hừng đông
Trên hoang phế sau đêm thảm họa
Như con nước trụy băng mùa lũ
Trôi giạt trong mù mịt nguồn giông

…….

Suy trầm một trái tim trơ khô
Mơ màng nhảy đập nhịp thực hư
Nhìn qua ánh chớp lòa khoảnh khắc
Thấy mình trong bóng dáng tội đồ
Lầm lũi giữa thóa mạ hiểm độc
Giữa quê hương ngoảnh mặt làm ngơ
Không còn nơi chốn nào thân thiết
Không còn nỗi niềm nào mong chờ
Dửng dưng những bước dồn mê mệt
Triền miên tiếng rớt động lu mờ
Dưới gầm trời cạn tuyệt thiên thu
Lững thững qua lại bao mùa tiết
Hun hút mùa đông dài ác nghiệt
Cháy rực mông lung ngọn nắng mù
Hắn theo gót mùa gió hoang vu
Đến vùng đồng lầy phơi tanh ngắt
Núi non trùng điệp ngăn đất trích
Rừng già quạnh quẽ bóng ưu du.

Dằng dặc chuyến lưu đầy biệt xứ
Thật sâu trong nội địa man trá
Mở đóng những cửa ngục âm ti
Lặn mọc những vầng dương tráo trở
Chiếu tầng không lẩn lút ám dụ
Giăng mắc cung mây trên lối qua
Bước chân đưa dẫm đạp hững hờ
Dưới thung lũng sương khói phong tỏa
Chập chùng hố huyệt khoét dòm ngó
Tròng mắt ma quỉ soi thờ ơ
Chiếc bóng đi cắm cúi bơ vơ
Như câu hỏi xuyên ngang địa phủ
Xuyên lòng vực cuồn cuộn buốt giá
Đáy gió khuya trốt xoáy đẩy xô
Vần vũ tuôn vô vàn ảo hóa
Tụ ngưng ánh nhập nhoạng nguyên sơ

…….

Đi suốt cuộc khổ sai nghiệt ngã
Ngược xuôi trong cõi chết hàm hồ.
Thi sĩ, giòng giống bị bức triệt
Nương náu miền đầy ải thâm u
Không ngớt tay cuốc xẻng đào huyệt
Tự vùi chôn gương mặt phai nhòa.

(trích trong Phần I: Khúc Dẫn Nhập – Hắn Rũ Bỏ Ký Ức
Và Đi) 

Như thể không có gì xảy ra, nghĩa là đã có gì xảy ra. Và có nhiều, và còn nhiều nữa. Nhưng thôi, chừng đó đủ rồi.

  1. Ngay từ năm 1962, trong bài đề tựa tập thơ Tiếng Nói Một Người của Trần Lê Nguyễn, anh đã viết: “Thi sĩ! Thi sĩ! … Tên của chàng bị cướp bị bôi nhọ. Ngày nay còn toàn một bọn nhái giọng người chết. Mấy tên thư lại luồn cúi nịnh hót cũng là thi sĩ. Mấy tên cán bộ làm thơ như những bản thỉnh nguyện xin tha mạng sống, xin thêm quyền lợi.”

Hơn hai chục năm sau, trong xấp bản thảo, với bản chất ngay thẳng trung thực, anh bày tỏ sự phẫn nộ trước sự sa đọa của đám “thi sĩ cung đình” (xin xem bản scan), nhưng sau đó anh tự trách mình đã “gây gổ không đáng”:

“Sự sa đọa của đám thi sĩ cung đình.

Sự sa đọa của thơ làm sa đọa tâm hồn người đọc. Bằng chứng: sự gây gổ không xứng đáng này.” Bằng chứng của anh là bằng chứng của tôi rằng anh đã bước vào giai đoạn “không còn muốn kể nữa”, vì không có gì đáng kể, tỉ như sự gây gổ không đáng dẫn trên.

  1. Anh đã tự nhủ: Viết như thể không có gì xảy ra. Không có gì đáng kể.
    Và anh tự hỏi (từ năm 1993): Chừng nào tôi đạt nổi điều ấy? Để viết.
    Còn tôi tự hỏi: Có chăng, giai đoạn sáng tác cuối đời của anh, một giai đoạn tạm gọi là giai đoạn “không còn muốn kể nữa”, vì “không có gì đáng kể”?

Không thể có được sự phân biệt rạch ròi những giai đoạn của một người cầm bút, bởi ta dễ dàng nhận ra sự xuất hiện những mầm mống của một giai đoạn nào đó ở những thời điểm trước đó, có thể là rất xa giai đoạn đó. Tôi không nhớ được chính xác, có lẽ khoảng 1972, nghĩa là khoảng ba mươi lăm năm trước, tôi đã đọc thấy câu này trong một bài thơ “Mừng Năm Tuổi” của anh trên báo Văn:

Ngậm lời
Ngậm thấm vị bàng hoàng hư huyễn.

Vị hư huyễn của lời tố giác sự hư huyễn của sự thể mà lời chỉ ra? Hư huyễn: như thể không có, như thể chưa từng xảy ra.

  1. Trước khi chia tay để sang định cư tại Mĩ, tháng ba năm 1990 anh chép tặng tôi bài Chia Tay (tôi ghi được thời điểm, đơn giản vì anh ghi năm tháng ở cuối bài thơ – tôi gửi bản scan đính kèm bài viết này). Trong bài, anh nhắc tới ngọn Rưởu-Cô-Dịch, nhắc tới làng-quê Không-có-đâu của Trang Tử. Toàn bài như sau:

Chia Tay

Đi Xa lánh Như người xưa
lặng lẽ điềm nhiên rảo gót về [bản khác (bk): dạo]
bên triền lũng khuất nắng quái hoặc
Đạm bạc chiếc bóng đìu hiu [bk: hiu hắt] 

lững thững chiều xế rọi vách núi [bk: rực]
Rừng cây lối cỏ úa rực lửa [bk: dốc lửa úa / úa lửa mỏi]
Đi giữa đám cháy lòa thinh không
Có nghe lòng đá héo tiêu trầm [bk: mòn] 

Về. Phải đó ngọn Rưởu-Cô-Dịch
Ẩn ngụ trong đài hoa huyền tích
Người về hang lạnh trên cồn mây
Trông vũng trời thẳm ngút hão [bk: hão ngút] 

nghe gió hỗn lộng rợ trí [bk: Trong]
đắm giạt Làng-quê Không-có-đâu
Nào chốn đón riêng mình Nào nhớ [bk: Đâu chốn đợi – Nhớ / Nhớ đến / Có nghĩ]
đốm sáng rơi kiệt cùng thiên thâu [bk: giọt – sao – kc phiếm du / kc cõi hư / mải miết phù hư]

Đi Băng đi Xa xăm về gần
Biền biệt mảnh vỡ rớt vô vọng [bk: vô tung / thoáng vô tung]
Người là mộng huyễn ai khác gửi [bk: kia]
Dư hưởng sinh sôi tiếng dội không 3/90

(Anh thường sửa đi sửa lại, thời gian qua đi, riết rồi tôi chẳng còn nhớ version nào là cuối cùng, chung quyết.)

Không còn là giọng kể. Không tiếng động không cuồng nộ vang vọng từ những sự cố được kể lại, như trong bài Hắn Rũ Bỏ Ký Ức Và Đi.

Chia Tay phải chăng là bài thơ đầu tiên mở ra giai đoạn cuối cùng trong thi nghiệp của anh?

  1. Cho đến bây giờ, sau nhiều năm, tôi vẫn coi Đạo Đức Kinh là đại văn chương. Trong số những điều viết về tác phẩm này mà tôi đọc được, điều duy nhất đọng lại dai dẳng trong tâm trí tôi, mỗi khi nghĩ về Đạo Đức Kinh, lại là một nhận xét nhỏ của Holmes Welch, rằng Đạo Đức Kinh “không nói đến bất kì ngày tháng, nơi chốn, nhân vật, sự kiện nào” (5). Borges luận về ý tưởng cốt lõi trong nhạc luận của Schopenhauer như sau: “Schopenhauer (Welt als Wille und Vorstellung, I, 52) đã viết rằng nhạc không kém phần trực tiếp như bản thân thế giới; không có thế giới, không có kho kí ức chung mà ngôn ngữ gợi ra, hẳn là sẽ không có văn chương, nhưng nhạc có thể không cần tới thế giới; có thể có nhạc mà không có thế giới. Nhạc là ý lực, là ham mê” (6). Không có “kho kí ức” nói trên, không biết tới kho tàng điển cố điển tích, hẳn không thể đọc các “kinh sử tử tập”, không thể hiểu được sở thích của Khổng Tử muốn “cuối xuân rủ nhau đi tắm sông Nghi, hóng gió nền Vũ-vu, rồi hát mà về” – nhưng có thể đọc Đạo Đức Kinh vì, như đã dẫn trên, “Đạo Đức Kinh không nói đến bất kì ngày tháng, nơi chốn, nhân vật, sự kiện nào”. Solzhenitsyn có viết ở đâu đó rằng nhược điểm của con người là phải viện dẫn tới kinh điển. Tác giả Đạo Đức Kinh không viện dẫn điều gì, không viện dẫn lời ai. Tác phẩm tự nó đứng vững.

Tôi nghĩ rằng qua một số bài thơ cuối đời của anh Tâm, tôi đã đọc ra một Lời Khác, “Lời không của ai, không nói với ai. Cùng một lúc mở và đóng, ở ngoài và ở trong”, lời đồng vọng từ một suối nguồn xa thẳm và sâu thẳm: lời của Đạo Đức Kinh.

  1. Bài này viết để tưởng nhớ anh,
    Thanh Tâm Tuyền,

Người thi sĩ không ngớt niềm tin ở thơ – dù có lúc anh từng “ngậm lời / ngậm thấm vị bàng hoàng hư huyễn”, từng thốt tiếng kêu “Enfin j’écris, enfin je crie” (7), ví mình như “con chim thất lạc giữa mùa đông băng giá, cất tiếng kêu thảm thiết gọi nắng gọi hoa và đợi chết” (8) – đã kết thúc bài viết nhằm trả lời câu hỏi cũng là lời tự hỏi đau đớn của Hölderlin “Tại sao lại hiện diện những thi sĩ giữa thời buổi khốn cùng?” như sau: “Hừng Đông vẫn rì rào trong thơ, ngay cả trong thơ không hiện ánh Vầng Dương. Bởi trong đêm, Thơ đã là Hừng Đông, những Hừng Đông riêng lẻ” (9).

  1. Tưởng nhớ anh,
    Thanh Tâm Tuyền,

Người thi sĩ luôn nặng tình với quê hương (Andalousie đói quên khiêu vũ / Việtnam ốm yếu quên ca dao (10) … mà tổ quốc ngàn đời nín thở vì trời thì xanh mà khổ đau nói sao cho hết (11) … Tôi là tiếng thơ là tiếng cười / mai Việt Nam hỡi mai Việt Nam (12), nhưng mất quê hương (Trong hộp đêm vừa đủ gió lùa giả tháng mười ở quê hương đã mất, có tiếng hát sâu dầy như quá khứ… (13), anh tự hỏi “Quê hương ta đâu?”, cuối cùng anh hiểu, anh không có quê hương nào khác ngoài lời thơ anh: “Lời của chàng hiển lộng một Quê Hương” (14).

  1. Hoàn thành bao nhiêu tác phẩm
    Chỉ để sau rốt kết luận một lời
    Anh hãy từ biệt mọi người cho đẹp bằng tác phẩm của anh (15)
    “Máu càng đỏ cho biển càng xanh” (16), sự sa đọa của đám thi sĩ cung đình càng khiến hình ảnh anh trở nên rạng ngời thanh khiết.

Đêm ấy được Khế Iêm thông báo anh từ biệt ra đi, bất giác tôi cảm thấy cõi thơ văn tiếng Việt bỗng trở nên tiêu điều, hoang vắng. Và ảm đạm.

Tôi không được nghe, chỉ được biết qua kể lại: một người làm văn nghệ ở đây nói anh như “con chim đầu đàn”, anh mất đi, đàn chim (văn nghệ) Việt “hoang mang không biết bay về đâu”.

  1. [Đức (tức Khế Iêm – người biên tập thêm vào) ơi, đêm ấy tôi thầm đọc lời anh Tâm khóc Quách Thoại, để khóc anh ấy:

Còn gì chăng?
Tôi bưng mặt khóc bên thềm cửa
Trời đất rưng rưng

…..

Còn gì chăng?
Tôi ngồi khóc bên bờ sông trôi mãi

…..

Giữa xứ sở đau thương tôi chịu đọa đầy
Khi người thi sĩ ấy đã gặp
Người tình ngàn đời là vô cùng
Trong hồn đất (17)

… là vô cùng. Ai đó đã nói rằng cái phần mà một người viết viết ra được chỉ là phần nhỏ, phần nổi của tảng băng trôi, so với những điều mà người đó ấp ủ, cưu mang. Anh từng tự hỏi: “Cõi Lòng. Cõi lòng ta. Anh đã đi khắp cõi trong anh chưa?” (trích trong xấp bản thảo).

Những người đã chết đều có thực. (18)
Những người chết đi là chết đi. (19)

Từ lâu rồi, chúng ta giả bộ tin vào ông già Noël. Từ lâu rồi, chúng ta biết rất rõ: chúng ta và cả hành tinh này mong manh biết chừng nào (cả một thành phố, cả một sắc tộc, mai đây sẽ dễ dàng trong một thoáng tan biến đi như chưa từng có). Từ lâu rồi, chúng ta không còn tin bất kì kinh sử tử tập nào không tích hợp cái thời tính và tính phù du vào mọi vấn đề của con người, liên quan tới con người. Từ đó, là sự trầm trọng của mọi chọn lựa của chúng ta, ngay cả trong một chọn lựa rất nhỏ. Đức ơi, lúc này tôi uống một mình, không còn anh Tâm để thỉnh thoảng đối ẩm, chẳng nhớ được anh ấy viết ở đâu, say, dấy cơn say hờ hững, tôi nghĩ lẩn thẩn rồi, tỉ như tôi nghĩ rằng tôi lưu một file với cái giá phải trả là delete một file khác, ta là hữu hạn mà, ta như cái hard disk này, tôi sẵn sàng tin rằng cái hard disk của Thượng Đế, nếu có, chính là cái hard disk chứa nhiều rác rưởi nhất, bởi nó có vô hạn không gian, memory đó, và vô hạn thời gian để tích chứa đủ thứ. Thượng đế không phải làm cái việc delete các files như chúng ta. Nhưng Thượng Đế đã làm cái việc này: After God created Thanh Tâm Tuyền, He broke the mould. Đức ơi, nếu chỉ được nói về anh Tâm trong một câu, tôi nói ngay một câu ngắn gọn này: Trong đời này, nhờ hạnh ngộ được giao du với anh ấy, tôi tự biết tôi trở thành người tốt hơn. Cho tôi trích thêm vài câu, trích ngang, ngang xương, phải rồi, thích thì trích, hà tất phải vì mục đích, lí do gì, thế mới là cái trích “thuần túy, thuần khiết”, phải không?

Ôi môi em như mật đắng
Như móng sắc thương đau (20)

…..

Trưa một màu Minh Châu
Trời hẹp hòi khôn kể

…..

Chút hương trong miệng đắng
Như Minh Châu còn đây. (21)]

  1. Rồi anh sẽ ném trả
    Hết nước mắt hết giọng cười
    Hết phách hồn trí tuệ
    Cho rừng sâu lịch sử loài người (22)

Tôi rất tin rằng mai sau những người sẽ tới sẽ “bắt gặp thứ ánh sáng lạ lùng của thời gian tích đọng trong thơ” anh, “đúng như ý kiến của Borges: Thời gian hủy hoại cung điện đền đài nhưng lại bồi đắp cho những câu thơ” (23) của anh.

  1. Tôi nhớ rằng Hemingway có nói một tác phẩm càng lớn bao nhiêu thì việc nhại lại nó càng dễ dàng bấy nhiêu (24). Tôi thậm ghét nhại lời người. Nhại lời còn là dại dột: cũng theo Hemingway, việc đó tố giác người viết nhại như một người viết thất bại. Nhưng sức thôi thúc nơi tôi, của niềm nhớ tưởng, mạnh hơn lòng ghét và khiến chẳng màng chuyện dại khôn. Để kết thúc bài này, tôi nhại lời anh, thật dễ dàng biết bao, chỉ cần thay đổi một từ. Cũng để xác nhận lời Hemingway là đúng: nhại văn là nơi ẩn náu cuối cùng của người viết thất bại (25). Bằng chứng: ý dẫn đạo của bài viết này là ngợi ca lối lập ngôn chẳng màng viện dẫn của đại văn chương – nhưng bài viết đã viện dẫn quá nhiều.

Tôi gọi tên anh cho đỡ nhớ
Thanh Tâm Tuyền (26).

Phạm Kiều Tùng

18.3.2007


Chú thích

1 trích Diễn Đàn, số 161, tháng 4 năm 2006.

2 the untroubled kingdom of reason … where beauty shines and glows, remote from the touch of sorrow – trích trong A Free Man’s Worship.

3 trích trong bài Kinh Nghiệm Sáng Tác Trong Tù.

4 … roseau pensant… plus noble que ce qui le tue… Pensées, fragment 200.

5 “… it [Tao Te Ching] mentions no dates, no places, no persons, no events.” Holmes Welch, Taoism, The Parting of the Way, Beacon Press, Fifth printing, Boston, 1971, p. 3.

6 Schopenhauer (Welt als Wille und Vorstellung, I, 52) has written that music is no less immediate than the world itself is; without the world, without the common stock of memories that language evokes, there would be, certainly, no literature, but music is detached from the world; there could be music and not world. Theo bản dịch tiếng Anh của Andrew Hurley, in lại trong Borges A Reader, A selection from the writings of Jorge Luis Borges, edited by Emir Rodriguez Monegal and Alastair Reid, E.P. Dutton, New York, 1981, p. 262 – riêng mệnh đề “but music is detached from the world”, người viết bài này dịch theo bản tiếng Pháp của Françoise Rosset, khẳng định dứt khoát hơn: “mais la musique peut se passer du monde” (Jorge Luis Borges, Evaristo Carriego, Éditions du Seuil, 1969, p. 138).

7 & 8 trích trong bài Óng Ánh Hư Ngụy, báo Thời Tập, không nhớ số, trước 1975.

9 trích trong bài Giấc Điên Thuần Hậu, báo Thời Tập, không nhớ số, trước 1975.

10 Tôi Không Còn Cô Độc, Người Việt xuất bản, Saigon, 1956 – bài Ôi Anh Em Cộng Hòa, trang 16.

11 Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy, Sáng Tạo xuất bản, Ssigon, 1964 – bài Nói Về Dĩ Vãng, trang 23.

12 Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy, bài Bài Ngợi Ca Tình Yêu (câu cuối cùng), trang 107.

13 Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy, bài Chiều Trên Phi Trường, trang 25.

14 trích trong bài Giấc Điên Thuần Hậu, báo Thời Tập, không nhớ số, trước 1975.

15 Tôi Không Còn Cô Độc, bài Định Nghĩa Một Bài Thơ Hay, trang 14.

16 Người viết rất tiếc không nhớ đã được đọc câu này của tác giả nào, ở đâu.

17 Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy, bài Về Quách Thoại, trang 84-85.

18 tựa bài, Sáng Tạo số 24, tháng 9.1958, Saigon (sau trở thành phần đầu truyện dài viết dở dang: Ung Thư).

19 Sáng Tạo số 16, tháng 1.1958, Saigon, trong bài viết tưởng nhớ Quách Thoại: Thoại ơi! Thoại ơi! Không biết khóc.

20 Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy, bài Dạ Khúc, trang 34.

21 Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy, bài Sầu Khúc, trang 47.

22 Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy, bài Sầu Khúc, trang 49.

23 trích trong bài Kinh Nghiệm Sáng Tác Trong Tù.

24 & 25 the greater the work, the easier the parody… Parody is the last refuge of the frustrated writer… dẫn theo trí nhớ, trong cuốn Papa Hemingway, không nhớ tên tác giả.

26 tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ

thanh tâm tuyền – Tôi Không Còn Cô Độc, bài Phục Sinh, trang 11.

<

p style=”text-align: justify;”> 

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Latest Articles

TUẦN THƠ 54: chuỗi tràng hạt !!

HÀ BẠCH QUYÊN tên thật: Nguyễn Thị Duyên Tuổi Thân 1956 Nơi...

THƠ SONG NGỮ FREDERICK TURNER

THƠ SONG NGỮ FREDERICK TURNER Translated into Vietnamese by Khế...

TUẦN THƠ 56: KHÚC HÁT THÁNG TƯ

KHÚC HÁT THÁNG TƯ   Xuân Thủy   NỖI BUỒN   Nếu nỗi buồn có...

TUẦN THƠ 02: CHÙM THƠ NHIỀU NGƯỜI VIẾT

TIẾNG HÁT TỪ CỔ XƯA Chàng thất lạc tới ngôi nhà hoang phế những con đừơng dẫn lối xưa như cỏ dại và chàng đẩy cửa vào như cánh cửa đẩy chàng vào căn phòng lờ mờ tím than và chàng đọc trên bức vách những con chữ ngoằn ngòeo bay ra mùi ẩm mốc của thứ thời gian đặc lại và lõang tan trong lớp bụi bậm tự thuở nào còn văng vẳng tiếng cười đùa trong cơn huyên náo của tình yêu như tiếng reo ca của dục lạc tiếng nước chảy trong chiều hè và dòng sông nước mắt và nước mắt dòng sông …

CHÙM THƠ ĐA NHỊP ĐIỆU: Nguyễn Văn Vũ

  CHÙM THƠ ĐA NHỊP ĐIỆU _______________________  Nguyễn Văn Vũ   Tính liền lạc...

TheraPoetry: The 5-Point Healing Properties of POEMS

The 5-Point Healing Properties of POEMS Have you ever found...

Related Articles

PHÂN TÂM HỌC VÀ THƠ

PHÂN TÂM HỌC VÀ THƠ Frederick Feirstein Hơn vài mươi năm qua, một trong cách biện minh cho việc từ bỏ các kỹ thuật “hình thức”...

Báo giấy số 5

Bạn đọc có thể đọc trực tiếp hoặc in ra giấy để đọc, đặt mua sách, báo đóng góp, thơ, tiểu luận xin Gửi về Diễn...

Màn tái xuất mang tính trừu tượng của họa sĩ Trần Quang Huy

 Hơn 30 tác phẩm được lựa chọn trưng bày tại MAI Gallery không chỉ là một lời mở màn nghệ thuật đầy trữ tình...